Truyen Tuyen Tap Nhung Vu An Bi An O Khu Chung Cu Song Ai Nha By Phan Iii

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[WALL OF TEXT]
#Sông_Ái_Nha #KCCSAN #P3

Từ nửa tháng trước, căn hộ 310 trong khu chung cư Sông Ái Nha đã bắt đầu sửa sang, trang trí lại. Chủ nhà mới đến là một đôi vợ chồng son, gia đình hai bên cùng bỏ tiền ra để trả khoản đặt cọc ban đầu, sắm sửa đồ nội thất, mua căn hộ này để làm phòng cưới cho hai con.
Tiếng gõ tường vang mãi không dứt, ồn kinh khủng, chị Chu nhà 309 cứ đứng ôm cánh tay dựa cửa, trừng mắt nhìn đơn vị thi công với vẻ mặt bực bội.

Mãi cho đến khi đào ra được bộ hài cốt đầu tiên thì tiếng sửa sang ồn ào đó mới dừng lại.
Có lẽ kia cũng chẳng phải bộ hài cốt đầu tiên bị người ta đào ra, mà đó chỉ là bộ hài cốt đầu tiên bị mấy anh bên xây dựng phát hiện.

.

Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người, tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ sơ sinh còn cao hơn nữa, phải hơn 80%.
Xương mềm nhiều, xương cứng ít, tựa như quả trứng luộc lòng đào còn chưa chín hết, vừa chọc đũa vào là thủng, phần trứng chưa chín bên trong chảy ra ngoài dọc theo miệng lỗ, hoà tan cùng màn nước sâu thẳm xung quanh. Hài cốt của trẻ sơ sinh khó mà lưu giữ vẹn toàn, chúng nó vừa lọt lòng mẹ, còn chưa để lại được một món đồ gia dụng nào cho căn phòng mới này cả, nên cứ bước đi dứt khoát, nhẹ nhàng thế thôi.

Cứ mỗi lần trời mưa là lão Kỷ lại mơ thấy những câu nói ấy.
Cũng trong một đêm mưa của nhiều năm về trước, người nọ ngồi phía đối diện, hắn đặt chai bia xuống sau đó nghiêm túc nói với lão như vậy.
Rất kỳ diệu đúng không? 700 gram nước cộng thêm 300 gram linh kiện lung tung vớ vẩn khác là đã có thể ghép thành một con người.
Lúc ấy sông Ái Nha còn chưa bị lấp, cả hai nhìn về phía mặt sông giăng mưa lộp độp giữa trời đêm đen đặc, chẳng biết nước sông chảy xiết kia rồi sẽ hoá thành một kiếp người nào.

.

Căn hộ 310 bị phong toả. Sau cùng phát hiện có tổng cộng 37 bộ hài cốt trẻ con nhét giữa bức tường xây ngoài lớp xi măng cốt thép chịu lực. Tất cả chúng nó đều là trẻ mới lọt lòng, chắc chắn một điều rằng số hài cốt thực tế còn nhiều hơn con số 37 kia, bởi cơ thể trẻ con có tỉ lệ nước cao, mô mềm chiếm phần lớn, nhiều bộ phận không thể tách ra khỏi xi măng được.
Những bộ hài cốt này ít nhất cũng phải bị chôn trong tường được hơn 25 năm, suốt khoảng thời gian 25 năm ấy, căn hộ 310 này đã được buôn bán trao tay ba lần. Hồi xa xưa, phòng ở trong chung cư Sông Ái Nha được dùng để phân phối cho công nhân viên chức, một nửa phân cho đơn vị nhà nước, nửa còn lại thì phân cho nhân viên xưởng bông.

25 năm trước, lão Kỷ phòng 705 mới 35, vừa bước vào đỉnh cao sự nghiệp, đang xông xáo trong Đội Cảnh sát điều tra tội phạm. Bởi lúc bấy giờ, lão bị cuốn vào vụ án giết người liên hoàn "903" rúng động cả nước nên chẳng mấy khi về nhà.

Dù lão Kỷ đã xin về hưu sớm, nhưng lão vẫn là một nhân vật đại diện cho hai chữ "anh hùng" trong Đội điều tra.
Chiến công đơn thương độc mã đánh chết tên ác ma giết người liên hoàn Sở Giá Quân của đồng chí Kỷ Dũng Đào được lưu giữ mãi mãi dưới dạng báo chí và hình ảnh, đặt trong tủ kính tuyên truyền. Tổ điều tra căn hộ 310 vừa làm xong xuôi công tác lấy bằng chứng là ôm mối tâm tình háo hức cực độ, chạy tót lên tầng 7 để gặp gỡ vị tiền bối trong truyền thuyết này.
Lão Kỷ: Thế rốt cuộc có bao nhiêu đứa bé?
Nhân viên điều tra: Bọn cháu đục hết mặt tường ra, bên trong là cả đống bọt khí to bằng đầu ngón tay.
Nhân viên điều tra: Hài cốt không còn mấy nữa nên đếm số bọt khí để xác định, một cái bọt khí nghĩa là một đứa bé, lúc nhét chúng vào chôn thì còn sống cả, rồi chúng thở hơi cuối cùng trong lớp xi măng ấy.
Lão Kỷ: Hơn 25 năm trước, tầng 1 đến tầng 5 được chia cho công nhân viên chức của xưởng bông. Kẻ tình nghi hẳn là không khó tìm đâu.
Nhân viên điều tra: Số lượng trẻ chết lớn vậy mà không ai báo án cả.
Lão Kỷ: Đúng vậy, điều này không bình thường.
Nhân viên điều tra: Bác có cho rằng đây là trẻ bị bỏ rơi không?
Lão Kỷ: Tỷ lệ nam nữ thế nào?

Sau cùng người ta đếm được, có 152 đứa trẻ sơ sinh say giấc được chôn thẳng thớm, chật như nêm trên bức tường kia. Tỷ lệ nam nữ không cách biệt mấy.
Nếu chúng là trẻ bị bỏ rơi, số lượng bé gái phải nhiều hơn số lượng bé trai mới phải lẽ. Như tình huống hiện giờ thì phức tạp hơn nhiều.
Mấy cậu chàng ngồi loay hoay trên chiếc ghế sofa ám mùi khói thuốc kia được một lúc, dắt tay nhau tính chào ra về. Trước khi đi, họ nhắn lão Kỷ một chuyện. Sang năm, đồng nghiệp năm đó của lão Kỷ, nay đã là cục trưởng sẽ xin về hưu. Trong tay ông ấy có một mật thám cung cấp thông tin, tuổi còn rất trẻ.
Ông đồng nghiệp muốn sắp xếp cho thằng bé kia một thân phận sạch bong trước lúc mình nghỉ hưu, chỗ ở cũ của thằng bé không thể ở được nữa, ông ấy đang tìm chỗ ở mới cho nó nên tính để thằng bé sang ở tạm nhà lão Kỷ trước đã.

.

Hôm sau, Keck đứng ngay trước cửa nhà lão Kỷ, quả đầu vừa nhuộm còn lộ rõ một màu đen rất giả, chứ lúc trước cậu ta có một bộ tóc vàng hoe.

Keck sang ở còn chưa được hai ngày thì người bên cục đã đến để xét nghiệm mẫu tóc và nước tiểu. Làm vậy để đảm bảo người cung cấp thông tin không bị nghiện lại, cả một năm qua Keck không hút chích gì, điều này rất hiếm thấy.
Nấu cơm dâng tận miệng cũng không chịu ăn, đòi đặt thức ăn bên ngoài; trong cục sắp xếp một công việc ổn định đàng hoàng, Keck đi làm được có hai ngày rồi thôi, đòi đi bar chơi, chẳng biết moi tiền đâu ra nữa.
Lão Kỷ từng gặp được rất nhiều tay chơi bời giống vậy khi theo nghề, họ không có công việc, không liên hệ với người trong nhà, tiền vừa vào túi là bay sạch sẽ, lôi chuyện "vào tù mấy lần" ra để phân chia địa vị cao thấp chốn đầu đường xó chợ.
Phim Hongkong đời đầu hay cho kiểu "người trong giang hồ" như vậy vào phim lắm, thỉnh thoảng còn có quả kết phim "trai hư quay đầu quý hơn vàng", nhưng lão Kỷ chẳng mấy khi thấy kiểu người vậy được sống vẹn tròn cả, nhiều lúc người trong đội điều tra sẽ đi đến hiện trường nơi bọn đầu trộm đuôi cướp này cầm vũ khí chém nhau, chúng nằm ngả rạp đầy đất, trên người toàn là vết thương do mã tấu, dao găm tạo thành, ruột phèo tung toé.
Lúc kiếm người nhà của họ, được 1/10 nhà đến nhặt xác thì cũng khá lắm rồi. Có nhiều người sẽ cảm thấy "Sao lại vậy được?", bởi hầu hết những người này đều có công việc đàng hoàng, cuộc đời của họ là Tốt nghiệp Đại học, ngồi tàu điện ngầm đến nơi phỏng vấn, tìm kiếm việc làm, phần đời còn lại của họ sẽ ngụp lặn trong việc mắng chửi sếp trên, rồi họ cho rằng mình đã nhìn thấu nóng lạnh ở đời, cho rằng mình đã chịu đựng tất cả vấp ngã, lo toan trên thế giới này. Cuộc đời của họ đâu chỉ là không liên quan gì đến cuộc đời của Keck, thậm chí còn chẳng có liên quan gì đến những người giao hàng cùng giao thức ăn.

Keck là tên giả. Tên thật của cậu ta tục tằn lắm: Vương Phú.
Lão Kỷ đã bước qua cái tuổi lên lớp dạy đời người khác lâu rồi, lão không hơi đâu dạy dỗ tên nhóc này, cũng có phải mình đẻ đâu mà nhỉ? Đồng hồ sinh học của hai người hoàn toàn trái ngược với nhau, 4 giờ sáng, cậu thanh niên sập cửa trở về, tay còn cầm điện thoại bô lô ba la với bạn bè.
Lão Kỷ tỉnh dậy, nhưng lão không nói gì cả; hàng xóm xung quanh lại chẳng "lành tính" thế đâu, có kẻ mở cửa: Muộn thế này rồi còn ồn ào gì vậy, mày không có mẹ à?
Sau đó Keck sẽ nhảy bổ về phía người kia, hai bên đấm đá túi bụi; lão Kỷ không kịp xỏ giày dép gì hết, đi chân trần chạy ra ngăn cản.

Một tuần sau, nhân lúc ông đồng nghiệp có thời gian rảnh, lão Kỷ hẹn ông ấy ra uống ly rượu, bàn về chuyện của Keck.
Lão Kỷ: Tôi không dạy được nó, ông mau thu xếp ổn thoả cho nó đi. Tôi già đầu rồi, hơi đâu mà trông chừng nó suốt ngày được?
Lão Kỷ: Nó nói nó chỉ nghe lời ông thôi, nói gì mà ông từng hứa với nó rằng sẽ tìm được mẹ nó. Tình huống là sao vậy?
Ông đồng nghiệp đặt ly rượu xuống bàn, cười hề hề.
Lão Kỷ: Chẳng lẽ nó là thằng con bên ngoài của ông...
Ông đồng nghiệp: Nói đi đâu vậy ông ơi, tôi nhớ đến con của tôi thôi.

Con trai và vợ của đồng nghiệp đã bị sát hại trong một buổi tối của mười mấy năm trước. Hung thủ là một kẻ vừa mãn hạn ra tù, trước đó bị ông đồng nghiệp đưa vào trại cải tạo ba năm vì tội cướp bóc.
Con trai của ông ấy cũng có một cái tên nghe rất tục tằn, vừa hay lại là Vương Phú.

Lão Kỷ cười xoà, già đầu thế rồi còn thương xuân buồn thu.

Trước lúc ra về, ông đồng nghiệp dặn lão đừng nhắc chuyện của mẹ Vương Phú với cậu ta.
Ông ấy tra được, năm ấy ba Vương Phú qua đời vì tai nạn, trong nhà lại nghèo, không có tiền nên mẹ Vương Phú bỏ con, bỏ làng đi mất, chẳng mấy chốc đã lấy chồng hai, xây dựng gia đình mới.
Vương Phú được ông bà nội nuôi lớn, họ lừa Vương Phú rằng mẹ cậu ta bị bọn buôn người bắt cóc lúc ra đồng cắt cỏ.
Ông đồng nghiệp vỗ vai lão Kỷ: Tôi phải ôm cái bí mật này vào quan tài, không thì thằng bé sẽ chẳng còn chút hi vọng gì nữa.
Lão Kỷ giật mình: Sao lại nhắc quan tài vậy? Ông say à?
Ông đồng nghiệp cười chua xót, có lẽ là tại công việc bận rộn nên trông ông ấy hốc hác hơn lão Kỷ nhiều.

Ung thư gan. Ông đồng nghiệp cất lời, sau đó châm điếu thuốc trên tay: Thời kỳ cuối rồi.

.

Vụ án căn hộ 310 khiến người người nhà nhà rúng động, nhưng việc điều tra lại vô cùng khó khăn. Năm đó, căn hộ này là phòng của nhân viên xưởng bông, nhưng nó cũng chẳng phải phòng ở mà là nhà kho để đồ.
Có bao nhiêu chiếc chìa khoá? Ai có thể tiếp xúc? 25 năm trước không có CCTV, giấy tờ tư liệu các thứ cũng cực kỳ thiếu thốn, mà nói lúc ấy làm gì, đến giờ thì cái khu chung cu Sông Ái Nha cũ nát này cũng làm gì có CCTV chứ.

Keck lại về giữa buổi đêm. Cậu ta uống say, chẳng hiểu sao lại ấn nhầm thang máy đi xuống tầng 3. Cậu ta vừa ngáp vừa bước về phía dãy hành lang tối mờ, đèn điều khiển bằng âm thanh không còn nhạy nữa nên cứ chập chờn lúc sáng lúc tối, kết quả lại trông thấy chút lập loè ánh đỏ ghê người ngay cửa phòng 310 bị phong toả kia.
Một bóng người quỳ ngay cạnh ánh đèn đỏ ấy, miệng lẩm bẩm không dứt. Mà lúc này đã là bốn giờ sáng.

Tiếng la hét của Keck khiến hàng xóm xung quanh bật dậy. Họ xông lại vây quanh người phụ nữ kia. Đó là chủ nhân căn hộ 309, cạnh chị ta là một bát hương cùng một quyển kinh vãng sanh.

Chị Chu - chủ nhà 309, 25 năm trước là một nữ công nhân xưởng bông.
Chồng chị ta là quản lý xưởng, trong tay có chìa khoá kho. Nhưng hai vợ chồng đã ở riêng từ lâu rồi, mấy năm nay không có gặp mặt.

Bốn tiếng sau, mọi phòng tuyến tâm lý của chị ta sụp đổ hoàn toàn, như đại đa số những kẻ tình nghi khác. Chị Chu khai, 25 năm trước, chị ta và chồng đã sử dụng cái nhà kho bỏ không đó để "xử lý" những đứa trẻ bị vứt bỏ hộ những cô công nhân trong xưởng bông.

.

Keck coi như lập được công lớn. Khi lão Kỷ bảo sẽ đưa cậu ta đi ăn một bữa cho ra trò để chúc mừng thì ánh mắt của cậu chàng này mới lộ nét vui vẻ.
Keck vẫn chửi bậy nói tục như thường, nhưng nhìn là biết cậu ta đang rất vui. Từ nhỏ Keck đã sống với ông bà nội, bà nội có bệnh thần kinh, nghe mọi người xung quanh kể là ông nhặt một người phụ nữ điên ngoài xóm về để nối dõi tông đường, ông nhốt bà trong căn phòng nhỏ phía sau nhà sau mấy lần suýt chết dưới lưỡi dao của bà.
Nhưng ông nội cũng có biết nuôi con dạy trẻ đâu, cách ông đối xử với Vương Phú chẳng khác gì khi đối xử với người vợ điên của mình, ông lấy dây thừng trói hai người lại, đặt hai cái bát đựng nước, đựng thức ăn ở kế bên.
Đến tuổi đi học, Vương Phú được mấy bác cán bộ thôn sắp xếp cho đi học ở cái trường Tiểu học con con đầu thôn. Khi người thành phố bắt đầu lôi tỉ lệ, số lượng sinh viên các trường Đại học ra để châm chọc thì thôn của Vương Phú vẫn chẳng có nổi một người sinh viên nào.
Vương Phú học xong Tiểu học, lên huyện học cấp Hai. Hầu hết bọn trẻ trong thôn đều không theo kịp chương trình học trên huyện, đến trường được hai tuần là bỏ luôn. Sau đó thì chẳng có sau đó nữa, có lẽ chúng sẽ về thôn chơi bời, hoặc đi làm thuê làm mướn.
Đại đa số chúng đều sẽ có một cuộc đời y chang nhau, sau này sẽ sao chép cái cuộc đời ấy cho con cái chính mình.

Lúc ngồi trong quán lẩu, Keck hỏi lão Kỷ liệu mình có được lên báo không? Cậu ta hào hứng, phấn khích tột độ khi nghe tin mình có thể lên mấy trang báo địa phương, cậu ta nói mình sẽ giữ mấy bài báo đó, chờ tìm được mẹ mình rồi sẽ đưa bà xem.
Lão Kỷ bật nắp chai bia, lão thấy rất tò mò: Sao cậu cứ tìm mẹ suốt thế? Chắc là cậu không nhớ được bà ấy trông như thế nào đâu nhỉ?
Keck: Bà ấy bị bắt cóc kia mà, có khi bà ấy nhớ tôi lắm đấy.
Lão Kỷ: Nếu bà ấy không nhớ cậu thì sao?
Keck hơi khó chịu: Thế thì tôi sẽ hỏi bà ấy tại sao lại sinh tôi ra đời. Bà ấy đã hỏi ý tôi chưa mà sinh tôi ra, chẳng khác gì gà mái đẻ trứng cả.
Lão Kỷ: Cậu không muốn được sinh ra à?
Keck: Đương nhiên không muốn... Trừ phi tôi được chọn nơi sinh cho mình, tôi muốn được sinh ra trong nhà giàu nhất tỉnh X.
Keck: Haiz, ai mà không muốn được sinh ra trong gia đình giàu có chứ? Nếu trẻ con được quyền chọn lựa, đờ mờ, nhà giàu nhất sẽ có hàng trăm, hàng triệu đứa con. Tôi mà được chọn...

Cậu ta uống say, cứ ngồi đó lẩm bẩm một mình, như kiểu mình thực sự có thể chọn lựa gia đình vậy.

Vụ án căn hộ 310 đã tìm được lời giải, cũng chả có gì phải giấu giếm cả. Lão Kỷ nói, cậu biết mấy đứa bé trong phòng 310 không? Chúng đều là con của mấy cô công nhân đấy, họ đẻ xong, đưa cho vợ chồng quản lý bên phòng 309 để họ chôn trong lớp tường xi măng.
Lão Kỷ: Chết tử tế cũng đâu bằng sống xuề xoà, ít nhất cũng tốt hơn so với việc bị chôn trong tường.
Keck: Vớ vẩn, nếu được chọn giữa việc sống dưới quê và chôn trong tường xi măng, tôi sẽ chọn chôn trong tường quách cho rồi, thề không hối hận.
Keck: Vào tường nằm một tí là được đi đầu thai ngay mà, có khi còn được đầu thai vào nhà có tiền. Không được vào nhà có tiền thì ít nhất cũng được đầu thai lần nữa.

Con người mang theo tội lỗi khi đến với thế giới này, người lớn nói vậy đấy.
Cái tội để cha mẹ phải tốn kém, cái tội khiến người mẹ phải chịu đau chịu khổ lúc sinh đẻ, cái tội khiến cha mẹ phải lo toan nhọc nhằn suốt mấy chục năm về sau. Dù con trẻ còn chưa làm gì, nhưng chúng đã gánh muôn ngàn tội nghiệt trên vai.
Người lớn nói, con phải trả mối nợ nần, tội nghiệt ấy, nghĩa là con phải báo hiếu cho cha mẹ.
Tựa như một kẻ chợt bừng tỉnh giữa cơn mơ dằng dặc, còn chưa nghĩ lại được gì cả đã bị người kế bên thông báo rằng mình đang gánh khoản nợ hàng tỉ trên vai.

Hồi nhỏ Vương Phú từng được tụ tập xem "Na Tra đại náo Thiên cung" bằng chiếc TV duy nhất trong thôn. Cậu ta khóc như mưa khi trông thấy Na Tra tự vẫn, nhưng tự vẫn đau quá, nhảy giếng thì lạnh, uống thuốc trừ sâu thì dai dẳng, không chết ngay được. Khi Vương Phú còn ở trong trại cải tạo, đồng nghiệp của lão Kỷ ngồi nói chuyện với cậu ta, cậu ta đe doạ ông ấy, nói tôi không muốn sống nữa, thà tự vẫn như Na Tra luôn cho rồi.
Ông đồng nghiệp cúi đầu cười: Na Tra tự vẫn, ít nhất còn có cha mẹ nhớ nhung thương xót. Cậu tự vẫn, chẳng khác gì cây kim rơi bể nước, chả ai đoái hoài.
Ông đồng nghiệp nói: Nhưng cậu trùng tên với con trai của tôi. Nếu cậu chết rồi, tôi sẽ thấy đau lòng. Năm ấy tôi cũng muốn chết quách theo vợ con, cũng muốn "tự vẫn như Na Tra", giờ tôi già rồi, không chịu được sóng gió nữa đâu. Cậu mà chết, có lẽ tôi sẽ đi theo cậu.

.

Tổ điều tra tìm được một hộp thiếc cũ trong phòng 309 của chị Chu, đó là chiếc hộp thiếc đựng sữa bột trẻ con, vỏ ngoài han gỉ chẳng nhìn rõ chữ. Họ mở hộp ra, bên trong đựng đầy tiền giấy và tiền xu có mệnh giá 1 tệ.

25 năm trước, khi chị Chu vẫn còn là một cô công nhân của xưởng bông, đêm nọ có một người bạn chơi thân trong xưởng bỗng sang nhờ chị ta giúp đỡ, bảo mình "sắp sinh rồi".
Người phụ nữ kia còn chưa lấy chồng, bụng mang dạ chửa với bạn trai. Những công nhân nam, nữ này đến từ mọi miền Tổ quốc, gặp nhau, hội họp trong cái nhà máy bông nằm trên dải đất ven biển đầy triển vọng tương lai. Giữa cái cuộc sống nhàm chán, nặng nề ấy, họ yêu nhau, không, nói đúng hơn là tìm một người để bầu bạn.
Cô công nhân kia không muốn nuôi đứa con mình vừa mới sinh, cô ta muốn vứt bỏ nó hoặc đưa tặng cho người khác. Chị Chu ngồi bàn bạc với cô ta xem nên tặng nó cho ai thì tốt hơn, chẳng hạn chọn những người công nhân lớn tuổi nhưng không có con trong xưởng bông hoặc xưởng dệt.
Hai người ngồi nói mãi nói mãi, nhận ra họ chẳng quen ai có thể cho đứa trẻ này một cuộc sống ấm êm cả. Cùng lắm là trở thành con của một người công nhân khác, bị gửi về quê, học hành chẳng đâu vào đâu, lớn lên lại vào xưởng, vào dây chuyền sản xuất làm công nhân.

Một suy nghĩ lạ kỳ bỗng hiện lên trong đầu họ. Chồng chị Chu có chìa khoá phòng 310, đó là một cái nhà kho bỏ không, thậm chí chẳng ai quan tâm đến đống công cụ sửa chữa máy móc nằm che bạt trong đó cả.
Xây gạch vụn lên rồi lại trát xi măng, xử lý vậy đi...

Chị Chu bình tĩnh nhận tội. Thật ra lúc đó, cô công nhân kia cũng rất bình tĩnh. Thời gian cô ta quen biết với cục thịt này còn chưa đầy một tiếng đồng hồ, chưa đủ để nảy sinh bất kì một mối tơ tình cảm nào.

Cô công nhân kia gửi chị Chu ba đồng tiền xu theo phong tục quê nhà. Ba đồng tiền này là để mua đường đi dưới âm ty cho đứa trẻ của cô ta, một đồng gửi người lái đò qua suối vàng, một đồng gửi Diêm vường, một đồng gửi quỷ sai dẫn đường.
Về sau, cô công nhân thứ hai tìm đến chị Chu.

Có vài cô do dự không phá thai kịp thời, có vài cô sinh con xong thì đàng trai lật lọng chẳng chịu nhận, có vài cô sinh xong rồi lại hối hận, thấy mình không có khả năng nuôi con.
Sau cùng, không chỉ công nhân xưởng bông mà cả những cô sinh viên mù tịt chuyện tình dục bị lừa, những cô công nhân bên xưởng khác, rồi cả mấy người phụ nữ chẳng dây mơ rễ má gì hay tin đều tìm đến chị Chu...

Lúc hỏi cung, có đồng chí hỏi chị ta, chị giết nhiều đứa trẻ vậy chị không thấy sợ sao. Chị Chu nói, đến chính bản thân chị ta cũng không ngờ lại nhiều thế, nhưng chị ta chưa bao giờ thấy sợ.
Chị Chu cảm thấy mình chỉ là đang đưa những đứa trẻ đó đi đầu thai, đến với một gia đình tốt hơn. Chị ta không hiểu nỗi bàng hoàng của người khác, những người khác cũng không hiểu sự thong dong của chị ta. Chị Chu nói, lúc đầu chị ta thấy hơi buồn, dù sao đó cũng là một mạng sống mà.
Chị Chu bảo, nhưng nghĩ kỹ thì thấy những đứa trẻ đó mới sinh ra không được bao lâu, còn chưa có tri giác. Ngoài đường đầy chó mèo bị vứt đi đấy thôi, nuôi lâu thế còn vứt đi được nữa là, mấy kẻ đó mới vô tâm hơn chị ta.

.

Ông đồng nghiệp lên cơn bệnh nặng, bị đưa vào phòng ICU, lão Kỷ dẫn Keck đến gặp ông ấy lần cuối.
Phòng ICU hạn chế số người ra vào, Keck vào được nửa tiếng rồi bước ra với vẻ mặt ngẩn ngơ, kinh ngạc. Cậu ta bảo lão Kỷ rằng mình đi cắt tóc, mua một bộ quần áo mới.

Thật ra, vào cái giây phút cuối cùng kia, ông đồng nghiệp đã chẳng phân biệt được người tới thăm là ai nữa, ông ấy nghĩ Keck là con mình, cứ nắm chặt lấy tay cậu thanh niên rồi lặp đi lặp lại một cậu.
"Ba rất nhớ con."

Vào khoảnh khắc đó, Keck bỗng cảm thấy thật ra sống trên đời cũng đâu phải một chuyện tồi tệ gì cho cam. Cũng có thể nói, từ lúc sinh ra đến giờ, cậu ta chỉ là đang thiếu một người làm điểm tựa, một người khiến cho cậu ta cảm thấy thế giới này vẫn đẹp thay.
"Keck" đổi tên và thân phận, đến sinh sống ở một thành phố mới. Lão Kỷ dốt khoản dùng điện thoại, thế nên cũng chẳng nhận được tin tức gì của cậu ta nữa, kể cả tin cậu ta chết. Một năm sau khi bắt đầu cuộc sống mới, xác của Keck bị phát hiện trong rãnh thoát nước, cậu ta trôi nổi trên mặt nước, một cây rong cuốn quanh eo của cậu ta, trông như sợi dây thừng bó buộc một cuộc đời.
_______________

Truyện: Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Phần Bọt khí
Tác giả: 扶他柠檬茶
Ảnh: Kelvin李
Dịch: Linh Lung Tháp
Dịch và đăng tải với sự đồng ý của tác giả.
_______________________

Lời tác giả: Nhân vật Sở Giá Quân ngồi nói chuyện với lão Kỷ trong đêm mưa có liên quan đến anh Sở ở phần 1. Keck chết vì muốn tìm mẹ nên nhận trả lời phỏng vấn của báo chí, bị băng đảng cũ nhận ra và trả thù.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip