Truyen Viet Ao Dai Ha Bac Hai Muoi Lam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ba mươi Tết.

Hoàng cung đã được trang hoàng lộng lẫy từ một tháng trước. Do Tết Nguyên Đán là lễ trọng đại nhất trong cung và trên cả nước, công tác chuẩn bị đã được bắt đầu từ thượng tuần tháng Chạp, cũng là nguyên nhân khiến bộ Lễ nháo nhào ngược xuôi. Đèn lồng treo cao khắp nơi, có tối trời vẫn thấy rõ đường đi nước bước. Bánh mứt đã vào hộp đầy đủ, nhà bếp cũng bắt đầu dâng lên các món quà ngày Tết. Vải vóc, châu báu, kỳ trân dị thảo từ khắp nơi trên đất nước đổ về, trước là để kẻ dưới lấy lòng người trên, quan trọng hơn là để chọn ra mấy thứ cho việc ban thưởng và Lễ thượng nêu ngày ba mươi Tết. Vật quý sẽ được cho vào một chiếc giỏ nhỏ, cột lên đầu cây nêu là thân tre đã chặt bỏ cành, chỉ chừa lại phần ngọn; bộ Lễ đã cất công chọn ra những lễ vật từ hai tuần trước, cũng không quên chọn giỏ đẹp nhất, tre tốt nhất cho ông hoàng dùng. Tre này là tre đực làng Mạ, cao ngất chọc trời xanh như uy quyền rồng vàng tại vị.

Vừa sang giờ Ngọ, tổng quản Định cung Hoàng Long đã tiến đến thưa với Trung Chính.

– Thưa ông hoàng, còn nửa canh giờ nữa là đến Lễ thượng nêu ạ.

Nghe tổng quản thưa, Trung Chính dừng việc đọc sách mà hỏi lại.

– Đã sang cung Hoàng Dương nói bà hoàng chuẩn bị chưa?

– Rồi ạ. Bà hoàng bảo ba khắc nữa sẽ đến.

– Tốt.

Vươn vai đứng dậy đi ra gian ngoài, ông hoàng định lấy tách trà lên uống thì tình cờ thấy hai miếng mứt gừng trên đĩa đặt tách, cạnh bên còn một hộp vuông rất nhỏ chỉ đựng vừa đủ thêm bốn miếng gừng, ăn thử một miếng thì gật đầu hài lòng rồi quay về phía tổng quản Định.

– Mứt gừng này ăn ngon hơn mọi năm. Xăm nguyên củ chứ không xắt lát, ăn vào sần sật chứ không khô cứng, lại bỏ ít đường nên ngọt dịu và còn vị cay nồng. Bảo nhà bếp ta ưng lòng, từ rày về sau cứ làm như vậy.

– Dạ, mứt này không phải do nhà bếp chuẩn bị ạ. Trước lúc ông hoàng về cung Hoàng Long, Việt phi và thanh nam Lê Hiên có đem mứt này sang, bảo là tự tay cậu Hiên chuẩn bị để dâng ông hoàng.

– Việt phi...Lê Hiên...Sao lúc ta về không nói ngay?

– Xin ông hoàng thứ tội, là Việt phi dặn tôi không cần nói, khi nào ông hoàng nhìn thấy thì sẽ ăn, tránh việc dâng mứt lúc ông hoàng không muốn dùng.

– Tánh Việt trước nay luôn chu đáo cẩn thận như vậy.

Ăn thêm một miếng mứt, thấy ấm nồng dâng lên trong cổ họng và bụng dạ, Trung Chính bước ra ngoài sân, để lại một câu cho người tổng quản già.

– Sang cung Thuận Thiên bảo Việt phi và thanh nam Lê Hiên chuẩn bị đi.

– Dạ!

Mấy năm trước, Lễ thượng nêu chỉ có Dương Quỳnh đi cùng Trung Chính, phần vì hậu cung đông người theo trướng bà hoàng, mà cô ta thì đã tỏ rõ ý chính thứ phân biệt, lễ tiết trọng đại chỉ có hoàng hậu mới có thể theo hầu với vua. Bùi Việt và một số phi tần không có phe phái khác lại không muốn tranh giành với Dương Quỳnh, lẽ dĩ nhiên là để cô ta toàn quyền đắc ý trong suốt mấy ngày đầu năm.

Năm nay, tình thế có chút khác biệt. Thuỵ Kha vừa vào cung đã lên như diều gặp gió, trở thành nam phi được ông hoàng yêu thương nhất, chính là kẻ đầu tiên đe doạ vị thế bà hoàng. Vậy nhưng, Dương Quỳnh đã khéo nói trước với chồng rằng em Kha đang mang thai, không tiện đứng nắng lâu làm lễ, chi bằng cứ để em tiếp tục gánh vác trọng trách là được rồi. Thuỵ Kha ở được ván phi cũng không muốn từng chút một phải đấu đá với Dương Quỳnh nữa, tạm thời an phận dưỡng thai, lui về điều tra chuyện của chú mình ngày xưa. Bà hoàng xem như tạm thời gác được một mối lo nặng.

Kẻ thứ hai có khả năng đe doạ Dương Quỳnh là Bùi Việt. Người này trước giờ không lấy lòng Trung Chính ra mặt bao giờ, nhưng bà hoàng tin chắc ý tứ ông ta thâm sâu dù ngoài mặt rất đơn giản thật thà. Đấu với người anh này mấy năm, Dương Quỳnh hiểu Bùi Việt không phải là kẻ có thể bỏ sót khi lên bất kỳ kế hoạch nào. Khoản này thì bà hoàng nghi đúng, ông phi kia tuy không muốn lấy sủng ái cho mình thì vẫn thừa sức tiến cử người khác và khiến Trung Chính chú ý đến.

Đơn cử là việc dâng mứt gừng. Người thường dâng quà quá lộ liễu, luôn muốn quà mình được chú ý ngay, không để ý ông hoàng bộn bề công việc, nhiều khi không thể dừng việc mình đang làm mà chuyển lòng về họ được. Kẻ khác ý tứ hơn thì nhờ tổng quản hầu cạnh thưa lại, nhưng Trung Chính rất biết chọn người bên cạnh mình, giữ ông Định lại bên cạnh vì ông ta theo hầu hai đời vua mà chưa từng ăn tiền của phi tần nào sau lưng vua. Bùi Việt khéo nghĩ hơn người thường, biết chồng về cung Hoàng Long thường đọc sách, ngồi một lúc lâu sẽ khát mà lấy trà uống. Trung Chính lại không có thói quen để trà ngay cạnh nơi đọc sách, nghĩ nước trà đổ thì làm bẩn sách là không nên. Tách trà vì thế mà để ở gian ngoài, ông hoàng cầm lên uống sẽ chú ý ngay hai miếng mứt đã được đặt cạnh sẵn.

Lại nói hai miếng này vừa nhỏ, rất hợp để Trung Chính lấy ăn thử. Nhiều phi tần không hiểu ý ông hoàng, làm món nào dâng vua cũng nhiều đến thừa mứa, không biết con người ta ăn nhiều sẽ ngán, cả với thức ăn và tình yêu. Bùi Việt xếp ra hai miếng, để trong hộp bốn miếng, ăn lâu cũng không quá ba bốn ngày, đó mới chính là cách khiến đàn ông ăn ngon mà nhớ đến người làm, tạo cơ hội cho thêm mấy lần gặp gỡ. Mứt gừng lại là món không ăn nhanh, ăn vội, ăn nhiều được, phải từ tốn mà ăn, từ tốn mà thấm tình cảm dạt dào của người cất công làm mứt. Tất cả những tính toán tỉ mỉ này không phải ai cũng nhìn ra được, chính là điều mà chỉ người làm vợ lâu năm nhất bên cạnh ông hoàng Nguyễn Trung Chính có thể làm được—thương yêu đến mức để ý và hiểu rõ từng thói quen nhỏ nhặt nhất của chồng.

Tất cả diễn ra đúng như kế hoạch Bùi Việt đã tính trước, ông tổng quản Định đến thông báo thì hai người ở cung Thuận Thiên đã mặc sẵn áo dài lễ phục rồi, không sợ chậm trễ mà mất lòng ông hoàng. Mặc như vậy cũng không sợ người ta biết mình có ý từ trước, bởi ai cũng biết mấy ngày cuối năm qua một tháng đầu năm, trong cung có nhiều lễ tiệc, phi tần vốn ngày thường ăn mặc giản đơn như Việt phi cũng phải diện đồ đẹp để không làm mất không khí lễ.

Lê Hiên mặc màu lục, Bùi Việt mặc màu lam, do là áo dài lễ phục nên không phải loại vải trơn thường ngày mà có hoa văn giản lược bọc quanh tay áo, cổ áo, và đường may tà áo. Đầu đội khăn đóng, cổ đeo vòng—bậc phi thì được dùng vòng bạc, thanh nam thì dùng vòng đồng—vậy là xong bộ lễ phục, vốn bởi đàn ông không cần ngồi trước gương trang điểm làm tóc nhiều canh giờ và vận nhiều phục sức như phụ nữ. Nhiều lần Bùi Việt và Lê Hiên chải đầu vấn tóc cho nhau cũng chưa đầy một khắc là đã xong.

Đã tính thì phải tính cho trọn đường, cất công chọn dịp dâng mứt và mặc áo dài đẹp thì cũng phải đến trước lấy lợi thế. Dương Quỳnh chủ quan bao năm qua chỉ có mình cùng Trung Chính hành lễ, thường sang cung Hoàng Long khá muộn, chỉ một hai khắc trước giờ xuất phát. Bùi Việt và Lê Hiên sẽ đến cung Hoàng Long trước, thuận lợi có chút thời gian để cậu thanh nam ở cạnh ông hoàng mà không bị bà hoàng cản trở. Vậy nhưng, xuất hiện cũng không thể vồn vã nhanh chóng được, tránh để ông hoàng nghĩ cậu nhỏ chỉ chực chờ lệnh báo mà sang. Bùi Việt giữ Lê Hiên ở lại đợi trong cung một khắc, sau đó hai người mới cùng sang cung Hoàng Long.

– Tất cả đúng như tính toán của ông phi.

Lê Hiên mỉm cười quay sang lại thấy Bùi Việt trầm ngâm.

– Tính toán thì dễ, giữ tình bền lâu mới khó. Người ta hay nói vẻ ngoài không ở mãi với người, muốn giữ lòng chồng thì phải chăm sóc chu đáo mọi bề. Điều này thực chất cũng không đúng hẳn, bởi tình phai thì nó cứ phai, không cách gì níu giữ lại được.

– Nhưng ông hoàng vẫn rất trọng ông phi mà, xem như là tình vơi theo năm tháng thì nghĩa vẫn còn đầy. Vợ chồng ở với nhau đâu cần tình cảm dạt dào mãi mãi, giữ nghĩa với nhau là đã quý rồi.

Nghe cậu nhỏ nói câu này, người đàn ông chỉ cười buồn.

– Em biết điều này là tốt rồi. Ở trong hậu cung nhiều người, ông hoàng không thể cứ yêu quý một người dài lâu, cả với Nguyên phi thì vẫn có lúc lạnh nhạt đi một chút. Quan trọng là đừng ghen tuông vô cớ mà làm nũng, ông hoàng yêu nam phi tần hơn bên nữ cũng vì chúng ta ít níu kéo mà làm mặt làm mày. Ông hoàng gọi thì sang, ông hoàng muốn ngủ lại thì cứ để ngủ lại, thuận tiện làm món này món kia rồi giúp người thư giãn. Ở triều mệt rồi thì chuyện vợ con phải bớt nhức đầu đi, ông hoàng không thích mấy trò dẫn dụ rồi ương bướng ở kèo trên mãi đâu.

– Dạ.

Lời Bùi Việt dạy Lê Hiên thấm rất nhuần. Nó cũng biết ông phi này không phải ngẫu nhiên mà được Trung Chính xem trọng trong cả một thời gian dài như vậy, lúc Dương Quỳnh mang thai và sinh con còn được phụ trách tiếp quản hậu cung. Bậc phi không phải chỉ có mỗi Bùi Việt, nhưng các phi khác đều luôn phải kính nhường ông ta.

Hai người sang cung Hoàng Long là lúc Trung Chính đang ở sau vườn tỉa hoa mai. Hoa chọn vào cung đều là những cây to đẹp nhất, ông hoàng lại chọn ra một cây nhỏ vừa mà để sau vườn cung mình, thuận tiện để chính bản thân thỏa thú vui chăm sóc cây cảnh.

– Dạ thưa ông hoàng, chúng em mới tới ạ.

Nghe giọng Bùi Việt hào sảng sau lưng, Trung Chính quay đầu lại, thấy hai người trước mặt áo quần chỉnh tề đẹp đẽ thì mỉm cười.

– Ngày thường còn xắn tay áo lên tự mình nấu ăn, hôm nay cũng đã biết ăn diện rồi.

Trung Chính tiến lại gần vuốt mấy nếp áo rồi vỗ vai Bùi Việt, thấy người nam phi kia cười lên còn đẹp mặn mà hơn cả lúc mới vào cung, có khác thì chỉ là đuôi mắt đã mờ mấy đường tuổi tác. Ông hoàng trọng người vợ này vì ông ta biết điều, học vấn tuy không cao nhưng lại rất hiểu chuyện và hay lắng nghe, không nũng nịu làm cao cũng không uỷ mị nhu nhược. Đàn ông dễ hiểu nhau, nói chuyện rất thoải mái, vừa gần gũi vợ chồng cũng vừa thân thiết như anh em trong nhà, có khi ông hoàng còn cùng nam phi cưỡi ngựa bắn cung hay uống rượu thâu đêm được. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn giữa dạ nhân và phụ nữ, bởi ngoài chuyện cùng có khả năng mang thai, cảm giác mà hai bên đem lại cho chồng mình khá khác biệt.

Thấy ông hoàng tỏ ý thân thiết, Bùi Việt cũng rất mở lòng đón nhận, chỉ là lúc này vẫn phải giúp đỡ Lê Hiên.

– Lễ đến thì phải có lòng, em đâu thể làm mất mặt hoàng tộc được. Mà ông hoàng khen người già làm này làm gì, còn có người trẻ đẹp hơn đứng sau lưng em đây.

– Em mới ba mốt đã tự xưng mình già thì ta là cái gì?

Hai người cười lớn, Trung Chính bước qua Bùi Việt mà tiến tới đứng trước mặt Lê Hiên. Dáng người cao to khí thế ngất trời, cậu nhỏ lại nhớ đêm Nguyễn Cảnh đứng trước mặt mình cũng áp đảo tinh thần như thế này. Ông hoàng tuy đã bốn mươi mà vẫn còn khoẻ mạnh cường tráng, mắt sâu loé sáng tinh anh, tuy môi có nét cười mà vẫn khiến cậu thanh nam có chút sợ. Dù gì cũng là lần đầu tiên gặp riêng nhau, không kể lần trước ông hoàng đến tận nhà thăm hỏi thì nó còn nằm trên giường dưỡng thương, ấn tượng không tốt sẽ rất khó mở ra cơ hội sau này.

Ông hoàng nhìn cậu nhỏ có phần sợ sệt thì rất thương cảm, nghĩ nó trải qua nhiều chuyện đau lòng đâm ra mất đi tự tin trong việc tiếp xúc với người khác, không biết cậu trai kia đã được đào tạo thành kẻ diễn tuồng mới trong cung, từng hành động, lời nói cho tới biểu hiện cảm xúc bên ngoài đều có tính toán trước cả. Người vợ nhỏ này thật ra từng gây được ấn tượng tốt với tiếng đàn nhị rất hay, chỉ tiếc người trông buồn khổ mà tiếng đàn cũng lại ai oán não nề, khó trách ông hoàng thấy nặng nề nên tạm thời chưa để mắt tới. Vả lại, lúc trước chỉ mình Thụy Kha toả sáng, không nghĩ người em trai gầy ốm này khi đã có da có thịt thì trở nên tươi đẹp dường nào.

Ngày trước, ông quan đứng đầu bộ Lễ dâng tranh của Lê Hiên lên cho Trung Chính xem thử, chính là vẽ lúc cậu nhỏ đang mỉm cười khi hái hoa sen trước nhà. Lúc đó Lê Hiên mười lăm tuổi, đôi gò má còn chút đầy đặn, cười lên trông rất đẹp, lại có cảm giác như một người xưa cũ cũng từng cười với mình khi hái hoa sen, hái cả lòng người khách phương Nam vừa ra thăm miền Bắc. Khuôn miệng của Lê Hiên khác với Phan Nguyên, nhưng cảm giác mát dịu, hiền hoà thì lại giống hơn cả Thụy Kha là cháu ruột của người vợ đã khuất ngày xưa.

Bây giờ, ngay trước mặt Trung Chính đây, cậu nhỏ tròn trăng đẹp hơn lúc nào hết. Da thịt đầy đặn trở lại, nụ cười sáng trong, đôi mắt vàng xám ao sen cuối mùa hạ, ngại ngần nhìn lên để chạm vào mắt mình, nối tròn một vòng tình cảm tươi mới. Nhìn cho đã con mắt, hít vào lại thấy thanh mát hương trà xanh mà các nam phi hay dùng, ông hoàng đặt tay lên vai cậu nhỏ mà mỉm cười.

– Mứt gừng làm rất ngon. Ta đã bảo nhà bếp đợt Tết này không dâng mứt đến cung Hoàng Long nữa. Hiên làm cho ta ăn, được không?

– Dạ được ạ.

Nhớ lời Bùi Việt, Lê Hiên chẳng dại mà giở trò cao giá chối từ. Ông hoàng Trung Chính bận rộn nhiều việc, không thích suốt ngày bám sau lưng vợ mà dỗ ngọt, đã mở lời đề nghị thì tốt nhất là nên thuận lòng theo.

– Nhìn em đã thấy hồng hào tươi tắn hơn lúc trước rồi, phải cảm ơn Việt chăm em thật tốt. Năm mới Tết đến nên quên đi chuyện cũ mà mở lòng đón lễ. Từ nay em ở trong cung được ta bảo hộ an toàn, những chuyện đau lòng lúc trước nhất quyết không thể xảy ra nữa.

– Dạ.

Nghe lời người đối diện nói, Lê Hiên biết mình đã không tính toán sai khi dựa vào Bùi Việt. Nó biết lời ông phi nói lúc trước là đúng, Trung Chính không phải không để nó trong lòng. Ánh nhìn mà ông chồng hoàng đế này dành cho nó cũng dạt dào tình cảm, tuy không hiển hiện mãnh liệt như với Thụy Kha nhưng vẫn rất tròn đầy. Vua có nhiều vợ, không thể nào là người chung tình được, bản thân Trung Chính cũng là người đa tình xưa nay, nhưng ông hoàng này yêu thương ai luôn cố gắng để người đó không chịu thiệt, đúng như lời Bùi Việt và Lê Hiên bàn với nhau là tình phai mà nghĩa vẫn còn.

Đàn ông đa tình dễ làm vợ mình buồn, nhưng Lê Hiên trong trường hợp này thì ngược lại. Nếu ông hoàng một mực chung tình với một người duy nhất, nó làm sao có cơ hội chiếm lấy tình cảm và vị thế về sau. Trung Chính với Lê Hiên chỉ là một cơ hội, một bàn đạp cho toan tính riêng mà cậu nhỏ không cho bất kỳ ai được biết, kể cả Trần Kháng.

– Chuyện buồn cũ qua thì chuyện vui mới đến. Em Hiên cùng ông hoàng đi dựng nêu hôm nay là chuyện vui rồi.

Biết Bùi Việt mở lời cho mình, Lê Hiên lấy ra một túi nhỏ rồi nghiêng người dâng cho Trung Chính.

– Em có têm trầu định để ở cung Thuận Thiên bày mâm, thế nào lại làm dư ra mấy miếng. Biết hôm nay ông hoàng đi dựng nêu, em có đem sang để cho vào giỏ treo cây nêu, hy vọng ông hoàng không chê.

Mở túi lấy trầu ra xem thử, Trung Chính nhướng mày nhìn xuống người con trai kia.

– Em biết têm trầu cánh phượng?

– Dạ, khi trước ở nhà mẹ em có dạy. Mứt gừng cũng là học từ mẹ mà xăm.

Lời nói càng về sau càng nhỏ lại, biết cậu nhỏ nhớ mẹ, Trung Chính cầm tay nó lên mà an ủi.

– Mẹ em thật khéo đảm mọi bề. Người hiền đức như vậy, về trời sẽ được trời thương cho.

Bị nắm lấy bất ngờ, bàn tay cậu nhỏ run khẽ lên, nhưng Lê Hiên không hề rút tay lại, chỉ ngoan ngoan đễ bàn tay to kia sưởi ấm tay mình. Lần trước đến thăm, ông hoàng đã một lần cầm tay nó, ánh mắt cũng dịu dàng thế này, quả thật từng khiến Lê Hiên ngạc nhiên. Trước cứ nghĩ ông ta chỉ để mắt tới Phan Nguyên và Thụy Kha, không ngờ người này đa tình mà cũng rất nặng tình, tức là tim to lớn quá mà đối với ai cũng để vào tâm, khi không chứa nổi hết những thương yêu kia thì ắt phải đẩy một vài hình ảnh ra khỏi tầm chú ý. Người trong hậu cung phải biết nhìn nhận sự thật này để không thấy đau lòng, bởi được đối đãi tốt và nhìn bằng ánh mắt đầy tình cảm không đồng nghĩa với việc sẽ trụ vững lâu dài. Thực chất, ngoài Phan Nguyên ra, chưa có ai trong hậu cung có thể kéo dài sự sủng ái quá hai ba năm. Vài người còn đang đánh cược xem Thụy Kha sẽ trụ được bao lâu trên ván cao kia.

Bùi Việt nhìn thấy Trung Chính cầm chặt tay cậu nhỏ thì mỉm cười, ngoảnh mặt lơ đãng nhìn về phía xa, bất ngờ thấy bóng Dương Quỳnh đang tiến lại gần, bước chân nhanh chứng tỏ bà hoàng đang mất bình tĩnh. Vì nhớ chỉ có mình cùng Trung Chính dự lễ Ban sóc mấy ngày trước, Dương Quỳnh nghĩ lễ lạt năm nay sẽ lại như mọi năm, không biết Bùi Việt đã có âm mưu khác.

– Kính chào bà hoàng.

Bùi Việt mở lời chào hỏi đầu tiên, trên môi vẫn giữ nụ cười khách sáo, thừa biết Dương Quỳnh đang ngoài mặt giả lả mà trong lòng sục sôi.

– Em kính chào ông hoàng. Thật khéo quá, không ngờ gặp cả anh Việt và em Hiên ở đây.

– Việt và Hiên sẽ cùng chúng ta hành lễ.

Nghe chính miệng chồng nói câu này, Dương Quỳnh chỉ có thể giữ miệng cười giả tạo mà nghi hoặc hỏi lại.

– Thưa, như vậy liệu có trái lệ bao năm nay...

– Làm gì có lệ nào. – Trung Chính dửng dưng trả lời càng khiến Dương Quỳnh hụt hẫng. – Đi thăm lăng mộ thì đúng là chỉ có chính cung hoàng hậu cùng ta đi dự, nhưng Lễ thượng nêu thì không cần ngoại trừ ai.

Lệ trong cung là do vua đặt, Dương Quỳnh có phản đối cũng không thể thay đổi được gì. Huống chi, bà hoàng không dại để mất bình tĩnh mà vạ miệng vào thân, ảnh hưởng đến hình tượng mình cố xây dựng bao lâu nay trong lòng chồng.

– Ông hoàng dạy phải ạ. Lễ Tết càng đông người thì càng vui mới phải.

Thấy bà hoàng không có ý kiến gì, Trung Chính gật đầu hài lòng rồi vỗ vai cô ta mà bảo.

– Vậy ta đi.

Chỉ tiếc tay chạm lên vai được một giây đã phải rời đi, giây sau lại cầm tay Lê Hiên mà tiến bước. Trung Chính và Lê Hiên đi trước, Bùi Việt và Dương Quỳnh đi theo sau. Bà hoàng phóng ánh nhìn cháy lửa sang kẻ đi bên cạnh, chỉ thấy ông phi này hờ hững cười lại với mình, trộm nghĩ mình đã lầm khi đẩy trọng tâm về phía Thụy Kha, lẽ ra là nên đề phòng người anh gian manh này mới phải.

– Anh Việt mọi năm không dự lễ cùng ông hoàng, không ngờ năm nay cũng nổi hứng.

– Trước khi bà hoàng nhập cung, ta có cùng ông hoàng dự lễ, sau này đã có bà hoàng lo liệu mọi việc, ta cũng an tâm. Chỉ là lâu ngày không ra ngoài, hôm nay muốn hóng gió, hy vọng bà hoàng đừng giận.

– Ta làm sao giận anh Việt được chứ. Chúng ta đáng ra phải gặp nhau nhiều hơn mà gắn chặt tình anh em mới đúng.

Biết Bùi Việt khéo giở trò, Dương Quỳnh quyết không để mình bị lấn áp quá nhiều, bèn nắm tay người anh kết nghĩa mà tiến lên bước sánh đôi cùng chồng và cậu thanh nam kia.

– Thưa ông hoàng, anh Việt vừa khiến em nảy ra một ý rất hay.

Tiếp tục thong thả bước đi, Trung Chính nhìn về phía Dương Quỳnh.

– Nói ta nghe xem.

– Mọi năm, ngoài một vài lễ lớn thì đa phần chỉ có hai chúng ta, quả thật rất buồn tẻ. Thiết nghĩ em và ông hoàng là người trên thì cũng không nên khăng khăng dựa vào lệ cũ mà làm xa cách người trong nhà với nhau. Hay là Tết này, tất cả phi tần cùng hai ta đi dự mọi lễ vậy?

Để tránh cho Trung Chính nghĩ mình lạm quyền mà trấn áp người khác, Dương Quỳnh luôn một mặt tỏ ra hiền dịu với Bùi Việt và các phi tần khác trước mặt chồng. Biết ông phi kia có ý nhắc mình vào hậu cung trước bà hoàng, tuy không ở bậc hậu nhưng cũng đủ tư cách cùng chính cung tham dự lễ lớn, Dương Quỳnh cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà cười xã giao. Vậy nhưng, bà hoàng này không phải chỉ biết đứng im chịu đòn. Gợi ý cho tất cả phi tần cùng dự lễ là để phân tán sự chú ý của Trung Chính cho Lê Hiên, cũng tiện ép Thụy Kha lộ diện cho mình dễ bề đối phó.

Không biết những kế hoạch sâu xa của cô vợ cả, Trung Chính chỉ mỉm cười đáp lại.

– Em nói cũng phải. Vậy cứ làm như thế đi. Nhưng mà phải trừ chuyện viếng lăng mộ ra, riêng việc này thì không thất kính với tổ tiên được.

– Dạ, em biết. Nhưng có nhiều anh chị em muốn tỏ lòng hiếu thuận với các bề trên đã khuất, chỉ biết thắp nhang ở điện Phụng Tiên, còn ông hoàng lại cúng tế riêng ở Thế Miếu. Đành rằng phi tần không thể cùng vào Thế Miếu, nhưng chúng ta đi cùng mọi người đến điện Phụng Tiên thì cũng vui vẻ hơn nhiều.

Nghĩ ngợi một hồi, Trung Chính liền nhìn Dương Quỳnh rồi cười lớn.

– Ta tin Quỳnh quả không sai, càng ngày bà hoàng càng nghĩ thấu đáo cho mọi người. Thuận!

Trong lúc sảng khoái, Trung Chính nắm luôn tay Dương Quỳnh mà tiến bước, không để ý bà hoàng diễn kịch để đạt mục đích xong đã buông tay người nam phi nọ ra. Bùi Việt vô tình bước chậm lại, một lúc sau đã cách ba người đi trước hai ba gang tay, nhìn vào tấm lưng áo hoàng kim phía trước mà khẽ nhếch môi, lấy hai tay ôm ngang hông mình đi tiếp.

Cả một đoạn đường, chủ yếu vẫn là Dương Quỳnh nói chuyện cùng Trung Chính; bà hoàng khéo gợi chuyện, trong một lúc đã lấy được sự chú ý về mình. Suy cho cùng, bà hoàng này đã ở lâu trong hậu cung, tuy thời gian được yêu thương không dài thì vị thế hoàng hậu vẫn đủ khiến mối quan hệ giữa cô ta và Trung Chính bền chặt. Không nói được chuyện tình ái yêu đương, Dương Quỳnh vẫn hoàn toàn có thể gợi chuyện quản lý hậu cung, tận dụng thời cơ bàn bạc ngày lễ Tết cùng chồng để tỏ lòng hiền hậu, chứng minh mình biết quan tâm các phi tần, tiến gần đến mục đích chính là tạo dựng niềm tin nơi Trung Chính. Lê Hiên vốn kiệm lời, thấy Dương Quỳnh có ưu thế cũng không muốn nói nhiều mấy câu lấy lòng dễ bị nhìn thấu, ngoái nhìn Bùi Việt đằng sau thì thấy ông phi cười với mình, trong lòng lại dâng lên chút buồn.

Bốn người đi một chốc là đến cửa Ngọ Môn sau điện Thái Hòa. Để trầu Lê Hiên têm vào giỏ rồi cho người treo lên đầu cây nêu, ngay đúng Ngọ, ông hoàng Nguyễn Trung Chính đích thân dựng nêu. Cây nêu thẳng cao không chịu nghiêng mình trước gió, kiên quyết vươn mình lên đến trời xanh. Trong một thoáng, bốn người đều nhìn lên mà mỉm cười. Toan tính trong đầu nhiều đến đâu, một phần trong lòng vẫn thực tâm dành cho lễ Tết. Cây nêu này vua dựng lên rồi, các cung, phủ, miếu, và nhà dân mới bắt đầu dựng theo, là ước mong của người dân về cuộc sống yên bình, tránh được quỷ dữ. Không ai biết rằng cái ác lại bắt đầu từ chính trong hoàng cung mà ra, đặc biệt là hậu cung có bao người bày trò gian dối.

Hành lễ xong, Dương Quỳnh liền gợi ý ra vườn mai tản bộ. Không như cung Hoàng Long chỉ bày cây mai nhỏ, trong vườn này có cả những cây to đẹp nhất, nở vàng sáng bừng cả trời xuân. Dương Quỳnh đang bước đi thì bất giác buông tiếng thở dài.

– Mai vàng thật đẹp, nhưng cảnh đẹp nhất ngày xuân thì phải nói đến vườn đào ngoài Hà Bắc. Chỉ tiếc ở miền Nam ta ít trồng cây đào ra hoa được, em nhớ lần đi thăm vườn đào thơ mộng ngoài Bắc dường nào.

Ý bà hoàng là gợi nhắc đến Phan Nguyên khiến Trung Chính bớt chú ý đến Lê Hiên lại, Bùi Việt biết nhưng chỉ để yên. Ở hậu cung lâu năm, ông phi này hiểu Phan Nguyên là người không dễ động vào được, tốt nhất là im lặng thuận theo. Lê Hiên cũng hiểu chuyện này nên mỉm cười không nói gì.

– Không cần nhớ nhung đâu, xuân này ta muốn ra thăm Hà Bắc, bà hoàng nếu thích có thể đi theo.

Lời Trung Chính nói lập tức khiến mọi người sửng sốt, Dương Quỳnh vội hỏi lại ngay.

– Ra Bắc có kịp không ạ?

– Tổ chức Tết trong cung xong ta mới đi. Mùng mười có tiệc chiêu đãi các quan là coi như xong lễ tiệc trong cung rồi.

– Nhưng mọi năm đều có lễ qua mùng. Đi vội như vậy, ắt các lễ đều phải rút ngắn lại? – Lần này là Bùi Việt lên tiếng.

– Phải. Về sau cũng nên làm lễ bớt rườm rà lại, quan trọng là có lòng với trời đất, với ông bà tổ tiên, chứ hoang phí xa hoa mà kéo dài lễ tiệc trong cung thì chỉ khổ dân chúng bên ngoài. Ta cũng vừa ban lệnh hạn chế việc tặng quà, cũng để tránh cảnh tham nhũng và điều tiếng không hay cho hoàng tộc và các quan.

Lê Hiên nhìn vào gương mặt người đàn ông vừa nói, quan sát kỹ vẫn không thấy có sự giả tạo gì. Suy cho cùng, ông hoàng Nguyễn Trung Chính biết nghĩ đến con dân và đất nước là thật, chỉ trách sự hợp tác với Tây không cùng chí hướng với một bộ phận đối lập mà điển hình là nghĩa quân của Trần Kháng. Cậu nhỏ đã đặt tay mình vào tay người đầu lĩnh kia, đồng nghĩa việc lấy lòng Trung Chính hôm nay là để lập kế hại sau này.

Mải quan sát vẻ mặt Trung Chính, tiếng Dương Quỳnh vang lên liền kéo Lê Hiên ra khỏi dòng suy nghĩ.

– Vậy hậu cung đi theo hết chứ ạ?

– Không cần. Ta không muốn ép. Ai có con nhỏ mà sợ con bị lạnh thì nên ở trong cung, Tết ngoài Bắc rét cóng người chứ chẳng như trong Nam này đâu. Việt, Quyên còn nhỏ tuổi, em nên ở trong cung chăm sóc nó đi.

– Dạ.

– Còn nữa, Khang và Kha đang có thai, dĩ nhiên không thể đi đường xa như vậy, ta đã bố trí thầy y túc trực trong cung rồi. Quỳnh, nếu em đi cùng ta thì việc hậu cung giao lại cho Việt.

Bà hoàng nhất thời lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Để Bùi Việt và Thụy Kha hoành hành trong cung thì không ổn, nhưng bản thân lại rất muốn có thời gian bên chồng, ban nãy cũng đã lỡ miệng bảo nhớ vườn đào ngoài Bắc mất rồi. Lời nhắc đến Phan Nguyên không ngờ lại gậy ông đập lưng ông, khiến Dương Quỳnh rơi vào tình cảnh khó xử, đi không được mà ở cũng không xong. Nhân lúc bà hoàng chưa trả lời, Bùi Việt nhanh trí cầm tay cô ta mà nói.

– Bà hoàng cứ an tâm mà theo ông hoàng ra Bắc ngắm vườn đào. Ta ở đây sẽ quản lý hậu cung cẩn thận, không để xảy ra bất cứ chuyện gì.

Biết Bùi Việt đang muốn khích tướng, Dương Quỳnh đành tạm buông xuôi, tránh Trung Chính nghi ngờ lòng mình trước sau không đồng nhất.

– Vậy được, xin nhờ anh Việt mấy ngày này.

Đã lâu không có dịp ở cạnh chồng mà không có người khác cản trở, Dương Quỳnh đương nhiên muốn nắm bắt thời cơ. Vả chăng, bà hoàng còn nhiều tay chân trong cung, Việt phi kia có ba đầu sáu tay thì cũng không thể gây ra chuyện gì trong mấy tuần ngắn ngủi được. Lại nói, đi xa đợt này có thể tạm thời tránh mũi công kích trực tiếp từ người nam phi kia, thậm chí còn tạo cơ hội phản công khiến Trung Chính mất lòng tin nơi Bùi Việt.

Tính toán phía Bùi Việt cẩn thận, Dương Quỳnh quên mất là vẫn còn Lê Hiên.

– Hiên, em có muốn đi cùng không?

Nghe tiếng Trung Chính, cả Lê Hiên và Dương Quỳnh đều giật mình. Biết bà hoàng nhìn chằm chặp vào mình, cậu nhỏ cũng không thể nhìn sang Bùi Việt cầu cứu. Ông phi từng dặn nó không được nhìn tới ngó lui vẻ mặt lấm lét, sẽ dễ bị ông hoàng nhìn thấy là kẻ không có chính kiến, chỉ biết bám lấy người đi trước mà mở đường cho bản thân. Nghĩ vậy, cậu trai buông ra lời chắc nịch.

– Dạ có ạ. Em cũng muốn mang tro mẹ về Hà Bắc rồi thắp nhang cho họ bên ngoại.

– Tốt.

Lê Hiên hiếu thảo, hiểu chuyện, đây chính là những điểm Trung Chính hài lòng nhất. Ngoài gương mặt và vóc dáng, hai tính cách này ở một người trẻ tuổi rất có giá trị đối với ông hoàng, cũng chính là điều mà Bùi Việt đã kể lại cho cậu nhỏ. Tận dụng thời cơ, ông phi kia lại nói thêm vào.

– Ông hoàng mang theo Hiên là đúng đấy ạ. Em ấy biết chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và cả tiếng Pháp, cần viết thư cho ai cũng có thể giúp ông hoàng được.

– Thật vậy sao?

Trung Chính mở tròn mắt ngạc nhiên, vốn vì phi tần trong cung, dù là nam phi, cũng hiếm ai học hành cao đến vậy. Dương Quỳnh sửng sốt không kém, nhưng nếu lúc này mà có lời cản trở thì lại mất lòng chồng, nghĩ vậy nên im lặng tươi cười rồi thôi. Lúc trước từng đánh giá cao Lê Hiên qua mắt nhìn người, không ngờ cậu nhỏ này còn có nhiều tài khác.

– Người đâu, mang giấy bút ra đây. Hiên, em không ngại thì viết thử mấy chữ cho ta xem.

– Dạ không ngại ạ.

Từ lúc mài mực đến lúc cọ chạm nét đầu tiên trên giấy, mắt ông hoàng đã dán chặt vào người em trai. Dương Quỳnh giả vờ thích thú ra mặt mà khen tới khen lui, trộm nghĩ trong lòng mình nhìn không sai người, Lê Hiên đúng là kẻ có thể khiến Thụy Kha mất đi vị thế hiện tại. Cậu phi kia có dung mạo và đầu óc nhưng không quá nhạy bén, bây giờ chỉ biết trốn chui nhủi trong cung Khiết Liên, bị Cúc tần gài người bên cạnh còn không biết mà tin dùng. Huống chi, ngay lúc này, Trung Chính đã tạm quên mất Kha phi đẹp tươi rạng ngời mà thích thú ngắm nhìn từng nét bút cậu trai bên cạnh, trong lòng không khỏi thán phục nét chữ thanh đậm rõ ràng, uyển chuyển nhưng không hề điệu đà cầu kỳ, nhìn rất thanh nhã và trang trọng, là điều mà không phải kẻ có học nào cũng làm được. Vừa ngồi sát vào Lê Hiên để tiện nhìn, ông hoàng vừa xoa lấy vai nó mà cười lớn.

– Không ngờ hậu cung ta có người tài. Tốt lắm! Tốt lắm!

Hậu cung quanh đi quẩn lại chỉ biết lấy lòng vua bằng sắc đẹp, tài đàn hát hay mấy câu thơ trộm đọc từ vài cuốn sách, người muốn trụ vững phải có tài năng đặc biệt. Bùi Việt dạy hát cho Lê Hiên chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là bản thân cậu em này phải khiến Trung Chính lưu tâm nhớ đến. Ấn tượng tốt có thể dễ dàng đạt được từ một món mứt gừng, nhưng tài dùng lâu dài phải đến từ trí khôn của bản thân.

Chỉ trong một ngày, ấn tượng về Lê Hiên trong lòng ông hoàng Trung Chính đã tăng lên đáng kể. Thấy chồng cười hớn hở ra mặt, Dương Quỳnh nảy thêm mấy kế hoạch trong đầu, bèn đứng lên xin phép về cung mình trước.

– Dạ thưa ông hoàng, nãy giờ đi nắng nhiều nên em hơi chóng mặt, xin phép về cung Hoàng Dương nghỉ trước ạ.

Ngước lên nhìn bà hoàng đang nhíu mày lấy tay ôm trán, Trung Chính liền trả lời ngay.

– Ừ, cứ về nghỉ ngơi trước đi. Để ta gọi thầy y đến.

– Dạ, tạ ơn ông hoàng quan tâm. Em cho người gọi ông Trạch đến là được ạ.

Ông Trạch là thầy y đứng đầu trong cung, vốn là người được họ Dương tiến cử, từ lâu đã theo trướng Dương Quỳnh. Từng mấy lần dùng độc hại chết phi tần mang thai, bà hoàng không thể không giữ mấy người trong Y viện bên mình, cũng là để bảo đảm không ai có thể dùng độc hại ngược lại mình được.

Dương Quỳnh biết mình ở lại thì chỉ chứng kiến thêm mấy trò của Lê Hiên và Bùi Việt, không nghĩ ra kế sách từ trước sẽ khó giữ kèo trên, chi bằng về cung Hoàng Dương trước mà tính toán cho mấy ngày Tết và chuyến đi Hà Bắc. Bùi Việt biết tỏng cô em này sẽ không dễ dàng để mình đặt đâu ngồi đấy trừ khi có âm mưu riêng, bèn đứng dậy mà thưa với Trung Chính.

– Thưa ông hoàng, hay là để em đưa bà hoàng về cung nghỉ ngơi? Từ cung Hoàng Dương về cung Thuận Thiên cũng tiện đường.

– Ấy, sao lại thế được? – Nhận ra điểm khác thường trong ánh mắt Bùi Việt, Dương Quỳnh vội bàn ra ngay. – Anh Việt cứ ở lại đây nói chuyện với em Hiên và ông hoàng. Ta đã có cô tổng Tú đưa về rồi.

– Anh em ta lâu ngày không gặp do bà hoàng bận việc lễ Tết, bây giờ có dịp phải để ta chăm sóc bà hoàng một chút chứ. – Trò giả cười quả ai trong hậu cung cũng biết, Bùi Việt trụ được lâu nay cũng dùng rất tài tình. – Đừng ngại, ta ở đây cũng hết việc rồi.

Vừa nói, ông phi này vừa cố tình liếc sang Lê Hiên một cách ngụ ý để Trung Chính nhìn thấy. Biết Bùi Việt muốn tạo thời gian cho mình và cậu thanh nam ở cạnh nhau, ông hoàng cũng không từ chối.

– Vậy hai em về trước đi.

– Dạ. Ông hoàng mạnh khỏe.

Đến lúc này, Dương Quỳnh cũng không lên tiếng phản đối nữa, bèn cùng Bùi Việt bước ra khỏi đình, Lê Hiên thấy vậy liền đứng lên chào.

– Bà hoàng và Việt phi đi mạnh khỏe ạ.

Trung Chính thế là dồn sự chú ý trở lại Lê Hiên, chuyện nối tiếp chuyện mà quên đi hai người đứng cao nhất trong hậu cung mình đang mặt lạnh với nhau trên đường trở về.

– Anh Việt làm ta bất ngờ quá. Giỏi tính toán như vậy, lẽ ra nên dùng đầu óc nhiều hơn mà đấu trực tiếp với ta mới phải.

Nghe lời Dương Quỳnh châm chọc, Bùi Việt chỉ thở dài bước tiếp. Hai người bước song song nhưng không nhìn mặt nhau, cả hai đều đi nhanh hơn bình thường một chút.

– Không nói được lời nào sao? Hiên nó không nhìn ra chứ ta đã thấu triệt lòng anh từ nhiều năm trước rồi. Anh để ý tới nó từ lúc ta bắt đầu dùng Thụy Kha kia, cũng như lúc ta tiến cử Trịnh Đức và Trịnh Khang thì anh làm thân với hai anh em họ Phạm. Chọn người khác nhau, mục đích chúng ta cũng giống nhau cả thôi.

Bất ngờ dừng lại, Bùi Việt khiến Dương Quỳnh cũng phải dừng theo, quay sang thì thấy bà hoàng đã nở nụ cười nham hiểm thường ngày khi không có Trung Chính bên cạnh.

– Sai rồi. Mục đích của cô là lấy lòng tin ông hoàng không kể tánh mạnh người khác; mục đích của ta là bảo vệ con mình nhưng giữ được lương tâm.

Nghe Việt phi an nhiên đáp lại, bà hoàng chỉ cười khẩy thật lớn.

– Vậy tại sao Nam tần phải chết? Anh không cứu được Duy tần là lẽ tất nhiên, nhưng nếu chịu dùng sức mình thì thằng anh nó cũng có thể thoát tội chứ.

Người nam phi nghe câu này chỉ im lặng một lúc, mắt không rời khỏi mắt Dương Quỳnh, rồi nhẹ nhàng mỉm cười đáp lại.

– Cô vẫn không hiểu. Họ chết là do cô hại, không phải tại ta. Hết lần này đến lần khác, cô dùng người để dụ ta ra tay làm chuyện xấu mà không biết rằng ta mãi mãi không thể giống như cô được. Bà hoàng đừng dùng ta để biện minh cho tội ác của chính mình.

Nói xong, Bùi Việt khoan thai bước đi, được vài bước thì nghe tiếng Dương Quỳnh vang lên lần nữa.

– Nhưng suy đến cùng thì vẫn là anh tụng kinh niệm Phật mà hờ hững trước kẻ gặp nạn chỉ vì lợi ích bản thân!

Không quay đầu lại, người đàn ông chỉ tiếp tục bước đi, cất tiếng nhẹ nhàng mà vang được đến tai bà hoàng từng lời từng chữ; dân gánh hát không cần gào thét to miệng mới có thể khiến người khác nghe thấy.

– Ta kính Phật, nhưng ta không phải Phật. Ta có tội, ta biết, nhưng ít ra ta chịu mở mắt nhìn.

Câu nói cuối cùng của Bùi Việt khiến Dương Quỳnh thực sự nổi giận. Lời kia ý gì bà hoàng cũng hiểu, nhưng chính vì hiểu mà càng thấm đau hơn. Kinh Phật anh ta đọc đã luyện thành miệng lưỡi sâu cay thế này rồi.

Mang theo tâm trạng đó mà trở lại cung mình, Dương Quỳnh ngồi một hồi thì cho người gọi Linh phi, Cúc tần, và Ngọc tần đến bàn bạc. Lệnh bà hoàng gọi tới, ba cô kia liền nhanh chóng chạy sang, trùng hợp lúc Nguyễn Cảnh bước ra từ một ngõ vắng. Vốn định sang cung Khiết Liên, người hoàng nam lại vô tình thấy tay chân của bà hoàng hối hả tụ họp, đoán biết Dương Quỳnh nhất định không để mấy ngày Tết trôi qua yên bình, lại không biết chuyện Lê Hiên liên kết với Bùi Việt nên nghĩ mũi dùi là hướng đến Thụy Kha.

Ý nghĩ này đeo bám Nguyễn Cảnh suốt đường đi, lúc đến cung Khiết Liên thì liền đem ra nói cho Thụy Kha biết.

– Cô ta lại tính gây chuyện gì sao? Lần trước là Cúc tần muốn ta sẩy thai, lần này lại có cả Linh phi và Ngọc tần vào cuộc, xem chừng bà hoàng nhất quyết không để yên cho đứa bé này rồi.

– Vậy nên ta có nghĩ ra một cách.

– Cậu hoàng cứ nói.

– Mấy hôm trước, ta có nghe cha tính chuyện sẽ đi Hà Bắc sau dịp Tết này, giao lại chuyện trong triều cho ta quản lý. Kha phi thử xin ông hoàng đi theo xem có được không?

Nghe nhắc Hà Bắc, Thụy Kha cũng bất giác giật mình. Hình ảnh quê hương nên thơ hiện lên trong tâm trí, nhưng rõ hơn là gương mặt cha mỗi năm một gầy đi, đôi mắt buồn nhìn mưa ngoài song mà không để ý khuôn ngực trần của mình đã ướt đẫm từ lâu. Rõ hơn nữa là đôi tay cha ấp lấy tay mình, đôi tay mình hòa vào nước lạnh, nước lạnh ủ lấy niềm đau của mùa đông tê cóng hơi thở và bao phận đời bể dâu. Rõ hơn nữa là chú Nguyên cười tươi nhìn mình ăn xôi, mang nắng về xóa đi những cơn mưa và mùa đông dài như vô tận, để rồi lúc chú đi, gió đông lại lạnh hơn gấp mười lần. Và rõ hơn cả là đôi mắt cha nhắm chặt, đi qua hết một cuộc đời mà đôi mày còn chưa thể giãn ra, tiếng cười còn chưa bao giờ tròn vẹn.

Đất Hà Bắc đẹp mà cũng đau lòng đến vậy. Trở về quê hương thì ai mà chẳng muốn, nhưng Thụy Kha lúc này lại ngại ngần như phải vén xem một bức tranh tuyệt tác mà giá trị của nó đã bị bào mòn bởi bi kịch của những nhân vật trong tranh.

Thấy Thụy Kha thất thần, Nguyễn Cảnh để yên, một hồi sau mới cất tiếng gọi. Hồn được trả về, Thụy Kha vẫn nhìn mông lung về phía trước mà cất tiếng.

– Ông hoàng có nói ra Bắc để làm gì không?

– Không, nhưng cứ hai ba năm cha ta lại ra đấy một lần, có lẽ là để thắp nhang cho ông bà Phan và tưởng nhớ Nguyên phi. Nghe nói cha thường đến ao sen của nhà họ Phan ngày xưa mà đứng nhìn rất lâu.

– Ra vậy.

Và Thụy Kha biết ngoài cảm giác đau buồn mà Hà Bắc mang lại, tim mình còn hơi nhói lên vì chuyện gì.

Mười mấy năm tình cũ, khó trách tim chẳng thể quên đi. Phan Nguyên như ở mãi trong bức tranh treo cao thật cao, không ai có thể với tới. Kể cả đứa cháu này. Tự nhủ rằng không phải mình đang ghen với người đã khuất, chỉ là có chút tủi buồn khi bản thân có được ngày hôm nay cũng chưa thể vượt qua cái bóng của người chú năm xưa.

Chuyện buồn thì nghĩ được rất lâu, một hồi lại thấy mình đi xa khỏi hiện tại mà chưa trả lời câu hỏi của Nguyễn Cảnh, Thụy Kha bèn thở dài cất tiếng.

– Ta đi Hà Bắc có chút không tiện. Lần trước Hiên gặp chuyện, ta có viện cớ thai yếu mà không đi thăm, ông hoàng đến giờ vẫn nghĩ sức khoẻ ta không tốt. Vả lại, đi đường xa từ Nam Thành ra Hà Bắc thì người có thai dù mạnh khoẻ đến đâu vẫn nên tránh.

– Cũng phải.

Thấy Nguyễn Cảnh nhăn mặt lo lắng cho mình, Thụy Kha nén lại cảm động mà cất lời.

– Cậu hoàng yên tâm. Ta sẽ viện cớ không khoẻ mà ở suốt trong cung Khiết Liên, có lễ thì cũng sẽ không nán lại lâu, vậy thì cũng không dễ bị hại được. Thức ăn ngày Tết do nhà bếp chuẩn bị, chắc cũng không có vấn đề gì đâu.

– Hạ độc trong thức ăn dĩ nhiên là quá lộ liễu, nhưng bà hoàng có thể nhờ tay chân mình làm, sau đó phủi tay mà đổ hết lên đầu người kia. Chuyện cô ta dùng người như thế không phải là chưa từng có.

– Ta sẽ thử trước bằng thìa bạc, có lẽ sẽ không xảy ra chuyện đâu.

– Còn phải chú ý các lễ vật dâng lên. Kha phi có thai, nhiều người sẽ viện cớ này mà dâng quà, nhiều khi bỏ hương liệu độc cũng không chừng.

– Ta sẽ cẩn thận.

Ngồi một hồi vẫn không thấy Nguyễn Cảnh nói năng gì, Thụy Kha nhìn sang thì thấy người hoàng nam đang bóp trán suy tính gì đó.

– Hôm nay cậu hoàng sang đây không biết có còn chuyện gì không?

Ngẩng đầu lên nhìn người đối diện, Nguyễn Cảnh cất lời.

– À, suýt nữa ta quên mất, là chuyện của Nguyên phi.

– Chuyện của chú Nguyên?

Chuyện mình nghĩ ban nãy lại trở về trong đầu, Thụy Kha bất ngờ đông cứng lại. Nguyễn Cảnh không để ý, chỉ gật đầu nói tiếp.

– Ngày xưa ta có hay sang cung Khiết Liên chơi, cũng có thể nói là một trong những người thân thiết với Nguyên phi nhất. Chú Nguyên từng có một bà tổng quản tên Lạt theo hầu suốt hai năm trong cung. Bà Lạt tuổi đã cao, lúc chú Nguyên mất thì cũng xin phép về quê an dưỡng tuổi già.

– Cậu hoàng tìm được tung tích bà Lạt?

– Phải, mới tìm được thôi. Bà ta cùng quê Hà Bắc với chú cháu Kha phi, nhưng rời khỏi cung thì về quê không còn người thân nữa, bèn sang xứ Đoài ở cùng người cháu gọi là bác. Trước nay ta chỉ toàn tìm ở Hà Bắc, không thấy là phải.

– Sơn Tây rộng lớn, cũng không gần Hà Bắc lắm, khó tìm là phải. Nói vậy, cậu hoàng đã bắt đầu điều tra chuyện chú Nguyên được một thời gian?

Nhấp môi một ngụm trà, Nguyễn Cảnh trả lời.

– Bắt đầu từ hai năm trước, khi ta có nhiều quyền hành và thuộc hạ hơn, chứ trước đó thì muốn điều tra gì cũng rất khó. Nhưng đúng thật là ta luôn nung nấu ý định tìm cho ra sự thật đằng sau cái chết của chú Nguyên. Phần vì ta thân với chú, phần vì ta tin chuyện này có liên quan đến...bà hoàng.

Hai chữ cuối cùng buộc phải nói nhỏ lại, nhưng Thụy Kha có không nghe thấy cũng thừa biết Nguyễn Cảnh muốn nói tới ai.

– Ta cũng có nghi ngờ như cậu hoàng. Ta điều tra có biết chuyện chú Nguyên sẩy thai, sau đó thì sức khỏe ngày càng đi xuống, có khả năng là cô ta hạ độc.

– Tiếc là không có bằng chứng. Năm đó hai thầy y chăm sóc cho chú Nguyên đều bảo bệnh tình không đáng ngại. Một ông thì qua đời do tuổi đã cao, một ông thì cáo bệnh về quê, không lâu sau cũng mất.

– Giết người bịt miệng?

– Không biết được.

Nghe Thụy Kha thở dài, Nguyễn Cảnh quay sang tiếp tục nói.

– Nhưng bây giờ ta có manh mối là bà Lạt. Ta đang nhờ người đón bà ấy vào cung để ta và Kha phi tiện hỏi bà ấy mấy điều.

– Đường xa nhiều bất trắc.

– Ta biết nên đã cho người bảo vệ cẩn thận rồi. Vả lại, bà hoàng trước nay không đề phòng ta, chỉ chú tâm đối phó với phi tần trong hậu cung thôi. Bà Lạt nhập cung ngay lúc bà hoàng đi Hà Bắc, sẽ không vấn đề gì đâu.

– Bà hoàng sẽ cùng đi Hà Bắc với ông hoàng sao?

– Phải, cô Lan vừa nghe được tin từ người hầu cung Hoàng Dương.

Gật đầu yên tâm, Thụy Kha nhìn Nguyễn Cảnh mà cười buồn.

– Không có cậu hoàng, ta thật không biết điều tra thế nào. Những người liên quan đến chuyện ngày xưa đều không rõ tung tích, ắt hẳn cũng vì bà hoàng tốn công sức dàn xếp.

– Phải, nhưng chúng ta đang bắt đầu có được đầu mối, không phải là không có khả năng lật đổ cô ta.

– Nhưng mà...- Thụy Kha như nhớ ra một chuyện. – Cậu hoàng vì sao lại căm ghét bà hoàng đến vậy?

Bị hỏi bất ngờ, Nguyễn Cảnh ngẩn ra một lát mới trả lời.

– Cô ta thủ đoạn chuyên quyền, tiếc là cha ta không nhìn thấy được. Người này còn ngồi ngôi hậu thì họ Dương còn cậy quyền mà lấn thế hoàng tộc. Vả lại...

– Còn có lý do khác sao?

– Vả lại...ta không nỡ nhìn cô ta lợi dụng rồi hãm hại Kha phi.

Lần này là Thụy Kha ngớ ra không biết nói gì, chỉ biết nhìn theo đôi mắt người kia xuống khoảng không vô định phía trước mà trong tâm ngổn ngang bao điều không nói thành lời. Biết lời mình nói khiến cậu trai khó xử, Nguyễn Cảnh bèn cắt ngang sang chuyện khác.

– Đúng rồi, chuyện tên tổng quản Mạnh đã tính toán được chưa?

Biết người kia mở lời để tiếp chuyện nói với nhau, Thụy Kha lại im lặng một phút trước khi cất tiếng.

– Chuyện hôm nay hay là tới đây thôi?

Nhận ra ánh mắt ngạc nhiên của Nguyễn Cảnh trước phản ứng lảng tránh kỳ lạ của mình, Thụy Kha thở ra một hơi rồi từ tốn giải thích.

– Ta có liệu tính, không nói ra không phải vì không tin cậu hoàng. Chỉ là...chuyện này ta tự quản được, không muốn cậu hoàng phiền lòng để tâm, mà đã thế thì không cần đem ra bàn, chỉ càng nhắc cậu hoàng nhớ ta là tên nam phi lòng dạ hiểm ác mà thôi.

Ý người ta đã quyết, Nguyễn Cảnh cũng không còn biết nói gì, đành đứng dậy định ra về, nhưng lúc đứng lên thì không kiềm lòng mà đáp lại một câu.

– Không phải là Kha phi hiểm ác. Ta biết cậu có bày trò dối gian để lấy lòng cha ta, nhưng ta hiểu được lý do. Dòng đời xô đẩy, đừng tự dìm bản thân mình xuống đáy.

Bước chậm rãi ra đến bậc cửa, người hoàng nam còn quay lại nói thêm một câu.

– Hôm nào bà Lạt vào cung, ta sẽ cho người đến báo. Mạnh khỏe.

Bóng dáng to cao nắng không hắt nhòa đi được, người đi rồi thì không gian phía trước như to rộng thênh thang thêm gấp trăm lần. Thụy Kha ngồi yên hồi lâu, uống cạn tách trà mà Nguyễn Cảnh bỏ dở rồi đứng dậy dựa cửa trông ra ngoài. Với tình yêu này, nó đã không còn nước mắt, chỉ còn buồn lâng lâng như vừa nhấp ly rượu ngắm cảnh mùa thu, thấy lá bàng đỏ rơi vào tịch lặng, nghe thoang thoảng miên man hương cốm thơm mùi ký ức. Ký ức sống, ký ức yêu, cả hai đều buồn như vậy, hòa lẫn vào nhau lúc nào không biết, để lại con người loay hoay mất dấu chính bản thân mình trong quá khứ mênh mông to lớn.

Không phải nó muốn dìm chính mình, chỉ là bản thân đã ác tâm đẩy Nguyễn Cảnh xuống đáy, không biết lòng mình còn cột chặt vào tim người kia nên phải rơi xuống theo. Bây giờ cậu hoàng không rơi nữa, nhưng dây nối giữa cả hai ngày một dài thêm, nó cũng rơi ngày một sâu thêm.

Khi không còn đôi tay nào để nắm nữa, nó lại ôm lấy bụng mình, bỗng thấy nhẹ lâng một xúc cảm mơ hồ như gió.

Người kia như ánh mặt trời, ấm áp mà đầy khoan dung, rọi sáng góc tối trong lòng cho Thụy Kha nhìn thấy bản thân mình lẻ loi cô độc với chằng chịt sợi tơ quấn quanh người. Cậu hoàng, ông hoàng, cha, chú Nguyên, tất cả quấn lấy ý nghĩ khíến nó trượt đi mà mất dần bản ngã.

Và kỳ lạ thay, đứa bé trong bụng lại cho nó một niềm tin vào thân phận. Khi thân thể trở nên nặng nề hơn, Thụy Kha muốn lòng mình nhẹ nhàng hơn.

Đưa tay sờ lên bụng, nó bất giác mỉm cười, bởi trong một thoáng chốc, tất cả mọi ký ức ám ảnh trước kia đều nhòa mờ, để lại rõ ràng hình ảnh đôi bàn tay bé xíu vươn ra và tiếng cười khanh khách không gì ấm áp hơn được nữa. Nụ cười còn ở trên môi, nó bỗng hiểu ra một chuyện.

Thì ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người ta cũng có điều để chờ mong. Và trong một ngày không xa, khi cơn đau xé toạc thân người, nó sẽ tìm được một mảnh tâm hồn mình đã mất, nối kết trở lại vòng tay yêu thương quấn lấy đứa bé con nhỏ nhắn trong lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip