Chương 95

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[Dám nuôi không mà mạnh miệng quá chừng!] Như che miệng cười rồi hồi âm lại bằng một dòng tin nhắn khác.

[Hai cái nhà máy gạo, ngày nào cũng xuất hàng ra mấy trăm tấn. Em nhắm em ăn được bao nhiêu?] Cô Ánh không hề nói dóc. Cô có hai nhà máy gạo ba mẹ đưa lại cho cô kinh doanh, còn có cả một cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu với các loại hóa chất khác nên cô cũng có thể gọi là có của ăn của để chứ không hề thiếu thốn gì cả. Còn gạo thì hỡi ôi từ gạo thơm cho tới gạo khô, gạo nếp, lẫn gạo huyết rồng. Gạo nào cô cũng có từ mắc nhất cho tới rẻ nhất. Thử hỏi, Như có thể ăn được hết bao nhiêu số ít trong kho gạo nhà cô mà nàng sợ cô nuôi không được nàng chứ.

[Chưa kịp ăn gạo, mà em đã bị chủ nhà máy gạo ăn trước rồi!] Như ranh ma gửi lại một tin nhắn trêu chọc.

[Coi như chị bù đắp đi. Chị nuôi em!]

[Chờ em ra khỏi cái cù lao này là chị biết tay với em!] Như mỉm cười, nàng ấn gửi tin nhắn cho cô Ánh xong thì cũng tạm biệt cô vì cô nói cô còn có việc. Cô phải ra nhà máy lẫn cửa hàng thăm chừng miết để coi nhân công lẫn nhân viên buôn bán ra làm sao, lỡ như trật ý khách mất mối thì tiêu.

Cất lại điện thoại vào túi, Như thư giãn nhìn tới mương nước nhỏ tĩnh lặng trước mặt. Nàng thích thú đi tới gần mép ao hơn vì bên dưới có vài con cá đang bơi lội. Nàng không nghĩ cái mương này lại trong tới độ thấy được cá dưới đáy đang bơi. Mấy con cá rô bự chừng cỡ ba ngón tay cứ bơi qua bơi lại làm Như không thể nào không lấy máy ra quay phim lại gửi cho ba mẹ với mấy đứa em coi. Nàng muốn khoe rằng nàng ở nơi khác vẫn sống tốt và đi chơi vui vẻ khắp nơi, không hề có bất kỳ một chuyện gì xảy ra như là ba mẹ nàng luôn lo lắng cả.

Đêm tới nơi homestay có tổ chức âm nhạc đờn ca tài tử. Mọi người không ai quen ai bắt đầu ngồi xuống cạnh nhau dưới nền đất tạo thành một vòng tròn, im lặng lắng nghe giai điệu hò xự xang xê cống đặc trưng của người dân miền tây nam bộ. Những người nghệ sĩ miệt vườn ban ngày thì bán mặt cho việc đồng áng, các công việc lao động tay chân nặng nhọc khiến da thịt họ chai sần, tới cả mái tóc cũng phai màu theo năm tháng nhưng có một thứ, mãi mãi không bao giờ phai trong lòng họ đó chính là hai chữ cải lương.

Ban ngày họ có thể làm bốc vác, có thể làm thợ hồ, hoặc là bán vé số. Vậy mà khi đêm xuống, họ bắt đầu quần áo chỉn chu, đầu tóc gọn gàng, tay ôm đờn kìm, tay xách song loan không hẹn mà đến, cùng nhau trình diễn những tiết mục hết sức đặc sắc từ những câu hò, điệu lý, hay thậm chí là các trích đoạn cải lương làm người nghe phải mê đắm bởi sự muồi mẫn ấy.

Buổi sáng họ là những con người lao động ở những ngành nghề khác nhau, nhưng chỉ khi hoàng hôn vừa chợp tắt, họ liền trở thành những người nghệ sĩ thực thụ. Họ cống hiến tiếng đờn, cống hiến lời ca cho mọi người. Chẳng mặt hoa da phấn, chẳng giàu có xe sang, và cũng chẳng hề nổi tiếng ai cũng biết tới như các bậc cây đa, cây đề trong giới cải lương. Ấy vậy mà khi kết hợp cùng nhau lại không hề thua kém những người nổi tiếng đó bởi ngọn lửa đam mê hừng hực cháy trong lòng mỗi người, nhờ như vậy mà họ vẫn được những người khác tôn trọng gọi bằng hai từ nghệ sĩ, nhưng do bản chất mộc mạc của lời ca tiếng hát và sự chơn chất hiền lành của người dân quê nên họ còn được thêm vào hai chữ nữa, gọi thành nghệ sĩ miệt vườn. Một phần họ làm vì đam mê, cũng một phần nữa là họ muốn kiếm thêm một ít để trang trải cuộc sống vào buổi đêm rảnh tay rảnh chân. Dân lao động lớn tuổi mà, đâu có dễ dầu gì trong việc kiếm công ăn chuyện làm. Công ty thì tuyển công nhân lứa trẻ chứ đâu ai tuyển người lớn tuổi năm mươi mấy sáu chục. Cũng nhờ ông bà chủ homestay nên họ mới có thêm công việc, để khoản tiền bạc ăn uống này nọ cũng nhẹ hơn đôi chút. Mức lương đàn hát một đêm như vậy dao động mỗi người từ bốn cho đến năm trăm nghìn, nếu có khách tip thêm thì họ cứ việc giữ.

Tiếng đờn kìm trong vắt trầm bổng vang lên, thi thoảng sẽ có thêm âm thanh của nhịp song loan đệm vào tạo thêm sự đặc sắc cho tiết mục. Nhìn song loan nhỏ nhỏ vậy chứ quan trọng lắm, thiếu nó một cái thì nghệ sĩ sẽ không biết nhịp và giữ tiết tấu để hát, thiếu nó rồi thì dễ dẫn tới hát và đàn sai, mà người trong nghề gọi đó là trật nhịp, như vậy khiến cả buổi trình diễn sẽ thất bại.

Sau buổi trình diễn thì những cô chú nghệ sĩ miệt vườn này cũng ở lại chung vui với khách du lịch, đương nhiên không tránh khỏi uống vài ly để thân thiết hơn. Rượu đế chính là đặc sản của miền tây nên khách dù xa hay gần đã tới đây rồi cũng đều phải thử một ly cho biết. Như uống một ly thì nhăn mặt, nàng vội bưng lên ly trà đá uống cho trôi đi mùi rượu trong khoang miệng. Tuy nàng uống cũng khá lắm, nhưng mà lần đầu tiên thử loại rượu này thì quả thật nó nặng vô cùng, mới uống có một ly nhỏ mà đã khiến nàng hơi choáng rồi.

Nhóm ba người của Như vì ham vui cũng ngồi đó coi người ta hát với ăn một vài món nướng được bày sẵn. "Uống ít lấy vị thôi nha Trân, nặng lắm không giỡn đâu, lỡ say thì không ổn đâu!" Như biết cô Ngọc dễ gì buông tha nên là nàng phải kèm cặp dì Trân miết để tránh cho dì bị cô Ngọc quấy rối. Rượu này cũng khá nặng, lỡ như uống say mèm không biết trời trăng thì chết dở.

"Vậy mình về phòng, chị cũng buồn ngủ quá!" Dì Trân ngáp một hơi. Gì đâu mà buồn ngủ gần chết, mới có tám giờ mấy tối thôi mà ngáp dài ngáp ngắn nãy giờ tưởng đâu lên đồng không đó.

Quả thật dì Trân cảm thấy hơi mệt, sau khi tạm biệt những người bạn mới quen ở sòng nhậu thì ai nấy đều trở về phòng thì dì Trân nhanh nằm lên giường ngủ không biết trời trăng vì dì đã quá mệt rồi.

Bữa sau do Đình Đình thiếu hơi mẹ nên là nó khóc cứ đòi mẹ miết. Nó lăn lộn tới độ không ai dỗ được nên cô và Ngọc Thy đành cầu cứu Tiên vì Đình Đình nó đeo nàng dữ lắm. "Trời ơi trời, em sẽ không đẻ đứa nào hết!" Ngọc Thy trong bộ áo dài trắng dùng đôi mắt thất thần nhìn Đình Đình cứ lăn lộn trên sàn nhà mà không khỏi sợ hãi. Nàng không nghĩ nó sẽ dữ dội tới độ này, khóc rồi giãy nảy lên không ai lại gần được.

"Gặp em đẻ đứa con như vậy chắc chị cắn lưỡi!" Khánh An cũng thán phục cái sức khóc của con bé này. Khóc tới độ khan tiếng mà vẫn khóc, lăn tròn tròn dưới đất nhìn chắc độ khỏi cần lau nhà luôn vì nó chà hết cái nhà trước luôn rồi.

"Ngoan chị An chở đi kiếm mẹ Tiên ha?" Khánh An mặc áo khoác ngồi xuống cạnh Đình Đình, cô nhỏ giọng để mong con bé sẽ bình tĩnh lại và nghe lời cô chứ để nó khóc một hồi nó xỉu nữa. Bà Hai nói là Tiên bị thương thì để nàng nghỉ ngơi đừng có ẵm con bé qua quậy nàng, nhưng mà với cái tình hình hiện tại thì quả thật không thể nào không ẵm qua gặp Tiên được. Nàng không thể đi qua đây thì Khánh An sẽ đem Đình Đình qua cho nàng. Sẵn đường chở Ngọc Thy đi học nên là cô đem Đình Đình theo gửi cho Tiên luôn.

Lẹ làng gom vài bộ quần áo, tã, sữa nhét vô cốp xe xong là cặp đôi chưa kịp có con là đã sợ hãi này nhanh chóng ẵm Đình Đình lên xe rồi chở đi vì để nó ở nhà giây nào là nguy hiểm giây đó bởi cái sức công phá trong tiếng khóc của nó thật khủng khiếp.

"Có chị Tiên ở nhà không cô?" Ngọc Thy ẵm Đình Đình còn đang khóc thít thít trên vai hỏi rằng cô Ánh là Tiên có nhà không.

Cô Ánh mới tảng sáng đang quét sân chưa kịp nấu cơm nữa là đã thấy Ngọc Thy và Khánh An có mặt thì cô cũng hơi bất ngờ, "Sao hai đứa tới sớm vậy? Tiên nó mới thức trong nhà đó, chắc còn đánh răng." Cô vừa nói vừa mở cửa cho Khánh An chạy xe vô trong. Do cô chưa gặp Đình Đình lần nào nên cô thấy một đứa nhỏ lạ hoắc được ẵm qua đây thì cũng tò mò lắm.

"Nó khóc đòi mẹ, mà út Trân đi làm, chỉ còn bé Tiên thôi. Con cũng không tính ẵm nó qua đâu tại Tiên còn chưa khỏe, nhưng mà con hết cách rồi, nó khóc tưởng đứt hơi không đó!" Khánh An vội vàng giải thích cho cô Ánh.

Hồi sau Tiên từ trên lầu bước xuống, nàng thấy Đình Đình mới sáng sớm thì có hơi ngạc nhiên. Đình Đình khi thấy người quen thì nó cũng nhoài người đòi Tiên ẵm. Từng âm thanh non nớt gọi mẹ không tròn vành rõ chữ được phát ra khiến Tiên phì cười, nàng ôm lấy con bé trong lòng rồi hôn lên đôi gò má phúng phính ấy.

Gửi được cục nợ tổ chảng xong Khánh An với Ngọc Thy cũng không nấn ná lại lâu, hai người tạm biệt cô Ánh và Tiên xong thì lên xe chạy đi vì sắp tới giờ học rồi.

"Tự nhiên có cháu ngoại ngang hông!" Cô Ánh chống cằm nhìn Đình Đình ngồi cười toe toét trong lòng của Tiên. Nghĩ rằng con của cô sẽ không đi vào vết xe đỗ của cô đó chính là có con sớm, nhưng mà ai có ngờ. Cứ tưởng đâu nó trổ bóng thì làm sao có con sớm được tại là phụ nữ với nhau, nhưng mà cô tính không bằng dì Trân tính. Khi khổng khi không dì Trân đem về một đứa con được đẻ sẵn, không những vậy mà nó còn lớn tới độ này, và cái kết là con gái cô trổ bóng nhưng vẫn đi vào vết xe đổ có con sớm của cô.

Chợt điện thoại phát ra âm thanh báo có tin nhắn tới. Tiên mở máy ra coi thử là ai gửi thì mặt mũi nàng bất chợt tối sầm lại chỉ trong thời gian ngắn, tới bàn tay cầm điện thoại cũng không giữ nổi bình tĩnh mà run lên. Đôi mắt nhìn chăm chăm không chút biểu cảm nhìn vào màn hình, Tiên rất nhanh đã lướt vào dãy số thân thuộc trong danh bạ rồi ấn gọi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip