Vuong Quoc Tren May Hay Chuyen Cu Trong Tu Do Nam Ay Trung Sinh Chum 18 Ix Auld Lang Syne Vi Ngay Xua Than Ai 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ngày đó tuy đã có bác Nam chống lưng, Mây vẫn phải nhận phạt. Không phải vì bà Lê phát hiện ra điều chi đáng ngờ, mà đơn giản chỉ vì Mây đặt một thằng bé người dưng lên trên bà.

Bà vốn luôn mâu thuẫn như thế, hài lòng khi con gái đi làm việc cho Chúa, bất mãn nếu nó vì việc đó quên mất mình. Từ nhỏ đến lớn, Mây chưa bao giờ biết sống sao cho thoả lòng bà cả, đó là nếu như bà có thứ gì gần giống thế.

Đừng nhầm, bà Lê chưa bao giờ phải dùng vũ lực để áp chế con gái mình. Bà cao quý như vậy, không cần thiết làm thế.

Nhưng bà có thể thả đứa con gái năm tuổi vào rừng rồi lái xe bỏ đi, chỉ đơn giản vì nó phát âm chưa chuẩn chữ "chào" bằng tiếng Việt.

Hoặc bế nó đặt lên bờ tường cao quá đầu người, bắt nó phải học thuộc xong bảng cửu chương mới đẩy thang lại cho tự leo xuống.

Dưới sự giáo dục khắc nghiệt của bà, Mây dần dà trở thành một cô găi đa tài đa nghệ giỏi giang về mọi mặt, là bảng hiệu sống cho sự thành công rực rỡ trong phương pháp giáo dục tuyệt vời của hiệu trưởng Bùi Tuyết Lê. Ít nhất thì bà ta nghĩ vậy.

Thế nên, bà không hề cho là hình phạt của mình có gì quá đáng. Tất cả chẳng vì tốt cho cô? Thiện nguyện quan trọng thật, như bà quan trọng hơn, cô cần phải đặt chữ hiếu lên đầu.

Đối với hình phạt giam cầm trong phòng ngủ một ngày này, Mây cũng không mấy để tâm. Chỉ cần cửa sổ còn đó, cô có thể thoát đi bất cứ lúc nào. Huống hồ trong phòng cô còn giấu cả bánh quy và kẹo, không được dùng cơm ba bữa cũng chẳng hề hấn gì.

Nhưng Mây lại đang rất no, loại trạng thái no nê dễ sinh ra trong tình trường đắc ý. Nhoài người ngã đầu lên bệ cửa nhìn ra mấy chậu cây khô héo bên dưới, khoé môi cô gái hơi khe khẽ nhướn lên, doạn vươn tay lấy chai nước trên bàn tưới cho chúng.

Tâm trạng vui vẻ, cảnh sắc cũng nên thay đổi nhỉ? Hình như, ở kiếp trước cô cũng chỉ bắt đầu quan tâm đến sự sống còn của hoa cỏ khi anh bước vào bức tranh đời mình.

Tình đầu luôn có loại hiệu ứng thần kỳ như vậy, huống hồ là tình đầu lặp lại.

Đặt tay lên cổ áo len mềm mại, Mây nhẹ nhàng kéo trễ một bên vai, mắt lười nhác lướt trên vô số dấu vết xanh đỏ kéo dài xuống tận bụng,

Đây... chắc là thứ người ta gọi là tuổi trẻ ngu dại, để người hành hạ đến nỗi này mà vẫn thoải mái tươi cười.

Nhưng cô đã không còn trẻ, và sự hành hạ thật sự... vốn không đến từ lớp da bên ngoài.

Đêm qua sau trận cuối mệt nhoài, lúc Mây nhắm mắt gần như say ngủ, anh đã cúi đầu hôn khắp người cô. Cảm giác tóc lùa trên da và làn môi nồng nàn mải miết trên khắp cơ thể ấy, sợ rằng đã đánh bay tất cả sự uất nghẹn anh gây ra ban đầu. Một người đàn ông khi bạn mở mắt có thể tệ bạc vô cùng, lúc bạn không hay lại dịu dàng vô hạn, Mây làm sao có thể hận anh được đây?

Thật may, sau nhiều năm như vậy, anh vẫn còn hận cô.

Vì hận, mới còn yêu.

Chỉ là cô không biết còn nhiều hay ít. Nhưng chí ít, cô biết anh mê cái thân thể này. Nếu đã thế, như một ả đàn bà hư hỏng, cô sẽ dùng nó để trói anh bên cạnh.

Kéo cổ áo lên, Mây vuốt thẳng nếp nhăn rồi mở tủ lấy cuộn dây thừng đã chuẩn bị vài ngày trước. Ló đầu ra cửa sổ để chắc chắn má không ở bên dưới vườn hoa mimosa, cô cẩn thận thả dây xuống, thử vài lần cho đến khi nó lọt thỏm vào đám trường xuân rậm rịt rồi mới an tâm thụt vào.

Đây là cách họ vẫn luôn gặp nhau mỗi lần cô bị phạt nhốt đời trước. Điện thoại bị lấy đi không cách nào liên lạc, Nhật vì lo cho bạn gái mà đã liều mạng chơi trò Rô-Méo trèo tường vô cùng nguy hiểm, leo mãi ra luôn nghề ăn trộm. Trộm hương.

Cửa sổ vuông vức đóng khung bầu trời xanh thăm thẳm, Mây nheo nheo mắt, dường như đã thấy lại chàng trai toả nắng năm nào chống tay nhảy ào vào phòng với túi trứng nướng buộc bên hông, nụ cười bừng sáng cả mùa đông phố núi.

Cứ như đã cách cả đời người vậy.

Chàng trai nọ, hình như cũng chẳng còn cười như thế nữa.

Phủi tay nhìn quanh, Mây bắt đầu đi loanh quanh kiếm việc làm giết thời gian. Gì chứ khoản này cô còn lành nghề hơn đao phủ. Mười mấy năm bị gói gọn sinh hoạt trong bốn bức tường đã khiến Mây không những trở thành một con mọt sách, mọt đàn... mà cả mọt kịch.

Không có ai nói chuyện? Ổn thôi, một mình cô đóng năm vai, bàn luận về một chủ đề suốt ba giờ cũng được.

Thế nhưng hiện tại làm vậy nếu bị phát hiện, cô sẽ bị nhốt vào nhà thương điên mất, nên thôi chuyển qua hoạt động ít gây để ý hơn - đọc sách.

Mây ban đầu vốn không phải là người thích đọc, nhưng ở dưới đấy nếu không đọc cũng có rất ít hoạt động khác để làm. Cũng may bà Lê là người yêu sách, dù không thể để con gái tự do đi lại, cũng không cấm nó chắp cánh tri thức thông qua con chữ. Suốt mười ba năm, bà đã đem cho Mây rất nhiều sách, và cô đọc tất không từ chủ đề nào dù khô khan đến như sách giáo khoa, đôi lúc đơn giản chỉ vì không muốn ngồi không phát rồ.

Rút một cuốn dày cộm có dòng chữ The Tales of Grimm mạ vàng trên nền da bóng bẩy ra, Mây bồi hồi ve vuốt. Đây là món quà cô dược papa tặng vào năm lên bốn, chỉ hai ngày sau sinh nhật và trước khi ông đột quỵ một tuần. Ông Langdon Beaufort đã ngã xuống khi đang cao trào giữa chân người tình, hay theo cách nói của má cô, chết vì té không đúng chỗ.

Nhưng Donna F. Beaufort Hà Mây vẫn vô cùng yêu thương ba mình.

Cũng bởi tuổi thơ bên ông chính là loại tuổi thơ thường tình nhất cô nhận được. Cổ tích trước khi ngủ, nụ hôn trên trán khi vào trường, được đèo trên lưng lượn vòng quanh mấy chuồng thú vào ngày cuối tuần.

Sau này ông đi rồi, bà Lê ngoài việc đưa cô vượt biển về đây, cũng không dắt cô đi đâu nữa, càng không có nụ hôn buổi sáng tiễn con gái vào trường. Chỉ có cổ tích, bà vẫn chịu khó kể cô nghe.

Trong đấy, hoàng tử rơi từ lầu cao xuống và chết, công chúa tóc dài ở lại mãi trong lâu đài.

Thở dài lướt sơ những trang giấy bị má cô xé nham nhở vì không hài lòng với kết thúc trong truyện, Mây đặt nó lại lên kệ sách, lúc toan rút ra một cuốn sách ảnh dãy Everest thì vô tình làm rơi quyển kế bên.

Quyển sách xổ ra làm rơi một trang giấy học trò kẻ ô chi chít chữ, mặt giấy vẫn còn hằn đầy vết vò nhàu nhăn nheo dù đã được người ta cố dùng sách ép phẳng. Mây cúi người nhặt nó lên, kéo ghế bắt đầu ngồi đọc lại.

Cũng chẳng có gì, chỉ là bức thư năm đó chị Nga lén nhét vào cặp cô, rồi bị má lục thấy.

Mây đã nhân lúc bà Lê không chú ý mà lén nhặt lại từ thùng rác, sau đó cẩn thận đem ép phẳng.

Tuổi nhỏ vẫn còn lạ lẫm với những tư tưởng vượt thời, chỉ biết theo đạo của cô, yêu đồng giới là có tội. Mây không muốn kết tội người chị thân thiết nhiêù năm, song lại chưa đủ trưởng thành để đẩy ngã bức tường tượng trưng cho những giá trị cũ. Đối với cô và đa số bọn trẻ nhà thờ lúc bấy giờ, chị Nga thật đã bệnh, hoặc theo má cô nói, chị có quỷ trong hồn.

Mặc dù đã từng tin là thế, Mây vẫn cố tình nhặt lại bức thư kia rồi lưu giữ nhiều năm như vậy. Có lẽ tận sâu thẳm linh hồn, tình bạn của cô và chị vẫn quý giá hơn tín ngưỡng.

Chỉ tiếc, tuổi trẻ vô tri đã không giúp cô nhận ra điều đó sớm hơn. Biết bao nỗi bối rối tơ vò khi được người bày tỏ, sự kinh hãi khi người đó đồng giới tính với mình, nỗi lo sợ điều sẽ xảy ra nếu mình không đáp lại. Tuổi mới lớn vốn đã là một mớ hỗn độn của sự mâu thuẫn lý tưởng và giá trị sống, tình cảm cấm kỵ của chị Nga đã không làm cho nó khá khẩm gì hơn. Đứng giữa biết bao rối rắm của tín ngưỡng và tình bạn thân ái, Mây đã chọn đình chỉ suy nghĩ.

Khuyết điểm lớn nhất đời cô, sự do dự thiếu quyết đoán.

Thật như anh đã từng mắng, thiếu quyết đoán như cô, có ngày sẽ hại mình hại người.

Sự thật đã chứng minh, anh và chị Nga đều là nạn nhân của bản tính khốn nạn đó. Và kẻ sở hữu nó không ai ngoài cô.

Hai tuần sau ngày trở về, trong hội diễn ăn mừng trước tết âm, Nga đã ôm ghi-ta hát một bàn "Dona Dona" trên sân khấu.

Ngày hôm sau, người ta tìm thấy giày chị ở bên cái đầm gần trường.

Thế giới đều cho rằng Mây chính là nguyên do, cũng bởi lúc sinh thời, chị Nga là người duy nhất hay gọi cô bằng cái tên Donna, hệt cách ba cô hay đã. Huống hồ, đêm trước chị còn rung giọng xướng tên cô trong bài hát buồn bã Dona Dona, trước khi chào khán giả còn vươn ngón tay chỉ thẳng về khán phòng hướng cô đang đứng.

Chỉ là ngón trỏ chỉ ra chứ không hề nói năng chi cả, nhưng đã thành công chỉa mọi mũi dùi vào công chúa Hà Mây suốt cả năm sau đấy.

Sự chỉ trích ngấm ngầm đến từ đám bạn cùng trường, đôi mắt đỏ ngầu và lời lẽ chát chúa đến từ ba mẹ Nga, tất cả Mây đều cúi đầu chấp nhận. Dù đã phạm tội tự sát, chị Nga vẫn được an táng đúng lễ theo đạo Công Giáo vì Cha Faraday đã sử dụng quyền ưu đoán. Dẫu gì đến cái thư tuyệt mệnh còn không có, có ai biết chắc Nga chết là do đâu. Người thân đau khổ còn sống trên đời mới là quan trọng.

Lễ tang của chị vì thế được tổ chức vô cùng trọng thể, trong trường cũng mọc lên vài bức tường tưởng niệm dán đầy những lời từ biệt sướt mướt, có người khác đạo còn đem cả hoa và nhang đến cúng bái nữa.

Lúc sống thì bị kỳ thị tránh xa, chết đi bỗng hoá ra bạn thân của cả thiên hạ. Thói đời thật quá hay ho.

Lấy viết khoanh đỏ ngày 19 tháng 1 năm sau trên lịch, Mây nhìn chằm chằm nét mực đỏ chói, mắt dần dần đanh lại.

Đã giữ lại được một Dương Thu Nhạn, cô chắc chắn sẽ không để người còn lại trượt khỏi tầm tay.

Bài Auld Lang Syne mùa đông năm ấy, cũng chẳng phải hát ra cho có.

.

Sáng sớm của ngày cuối năm, Mây đã được thả vào trường, phần vì bà Lê biết Mây là cán bộ lớp cuối năm có nhiều sự phải hỗ trợ giáo viên, phần vì bà đã hứa với Cha Faraday để Mây đến nhà thờ sớm giúp việc chuẩn bị lễ thánh vào buổi tối.

Khác với mấy hôm trước, Mây rời nhà với tâm trạng không vui gì mấy. Cô đã thả dây chờ mòn mỏi suốt ngày hôm qua, thế mà người cần đến lại chẳng thấy bóng. Trong lòng tuy có hơi hụt hẫng, cô lại tự biết bản thân đã kỳ vọng quá nhiều. Anh cũng không còn là Du Nhật mê đắm cô như điếu đổ của ngày xưa nữa, giữa bọn họ có hẳn cả mười ba năm khoảng cách, không gặp một ngày thì đã là gì.

Thế nhưng cô vẫn rất nhớ, rất nhớ anh.

Có thể đây là tâm trạng thường tình của mọi cô gái sau khi trao thân cho người mình yêu chăng...?

Mãi lo nghĩ mà đã đến rìa đồng cỏ tự lúc nào, ngẩng đầu lên liền bắt gặp cái dáng cao dỏng của anh đang đứng tựa người vào một thân thông, trên người vẫn áo khoác da màu đen và quần bò xanh sẫm.

Tim của Mây, thoáng chốc đã mọc thêm đôi cánh.

Thấy cô đến, anh dụi thuốc rồi cầm một túi đồ đưa đến trước mặt. Mây rụt rè đưa tay ra nhận, lập tức biết đấy là đồ ăn sáng.

Mím môi đầy hồi hộp, cô mở túi ra, lúc trông thấy hai quả trứng luộc và bịch sữa nóng thì tim bỗng hơi thắt lại.

Vẫn thế, anh vẫn nhớ.

Đã có một thời luôn như thế, sáng thứ hai nào anh cũng mua trứng luộc đến bắt cô ăn, còn bảo sở thích này nảy sinh từ lần nhìn cô vừa ăn trứng vừa tức tưởi khóc trong căn phòng mù mờ đêm ấy. Mây thề mình không thể hiểu nổi cái lý do quái gở ấy, nhưng vì bạn trai mình mình phải chiều thôi, cứ ăn vậy.

Thế mà đã ăn luôn ngần ấy năm.

Cẩn thận lột vỏ một nửa quả trứng đưa lên miệng cắn, Mây vừa ăn vừa chậm rãi sóng đôi cùng Nhật. Nắng mới tưới lên họ loại sắc vàng lộng lẫy của hoa niên cực thịnh. Chàng trai tuy không quay sang, góc mắt lại luôn giữ cô gái trong tầm nhìn. Hôm nay cô diện bên ngoài đồng phục một cái áo cổ lọ màu be ngả phấn, tóc vén qua một bên để lộ ra dái tai nhỏ nhắn không trang sức, nối với nó là đường hàm mềm mại khẽ di chuyển theo từng nhịp nhai. Lúc dời mắt đến bờ môi đo đỏ đang lún vào quả trứng tròn mẩy trắng nộn, trái cổ anh bỗng khẽ di động.

Nhắm mắt lại cố đè xuống ham muốn đột nhiên bùng phát, Nhật nghiến răng rủa thầm. Mẹ kiếp, thằng đểu gù toàn nói điêu. Quan hệ xác thịt xong nào có làm ám ảnh giảm bớt?! Có mà bớt bình yên thì có!

"Dạ, hôm qua... anh làm gì cả ngày vậy?"

Nhật hít sâu lấy lại bình tĩnh, lơi giọng đáp một cách máy móc.

"Xuống Bảo Lộc xem đất."

Cô hơi rũ mắt, đối với loại hoạt động lạ lẫm này cũng có chút suy đoán. Hẳn là anh muốn gom một mớ dự phòng trước khi ba mình bị bắt vào hai năm sau.

"Anh đi một mình ạ?"

Nhật nhươn nhướn một bên mày trước sự chất vấn ngấm ngầm trong lời cô gái. Ừ, là chất vấn. Mây luôn là người nền nã dịu dàng, nhưng càng đặc biệt dịu dàng thì càng có cơ nguy hiểm. Và anh luôn nhìn ra được sự bất nhất này ở cô mỗi khi nó diễn ra.

Trong bụng có hơi vui, anh khịt cười.

"Không, hai mình."

Thấy mắt cô đằm xuống sự toan tính xa xôi, anh cuối cùng vẫn không giải thích gì thêm. Cứ để cô gái này bứt rứt vài ngày xem như khởi động vậy.

Họ cứ thinh lặng như thế sóng vai đến tận trường, từ xa đã thấy hai bóng người đứng chờ nơi cổng. Anh chàng gù lưng đang cúi đầu bấm điện thoạt, cô gái kế bên mái tóc không tết chặt như bình thường mà xoã xuống một nửa ngang lưng, trên mặt còn có chút trang điểm tươi tắn, trông ra hoàn toàn khác biệt với bộ dáng hiền thục năm nào.

Ừ, cũng phải, Mây thầm nghĩ. Đã bấy nhiêu năm trôi qua rồi, ai mà chả khác.

Sống lưng cô đột nhiên  thẳng lại, trong vô thức càng đi sát anh hơn, tay vươn ra đã toan chạm lấy. Nhật cũng cảm nhận được sự thay đổi trong tâm trạng của người kề bên, chớp mắt liền nắm luôn lấy bàn tay dè dặt đã sắp rút lại kia.

Lập tức, sự hoảng hốt nhất thời liền bị thổi bay đâu mất, Mây mím môi suýt khóc trước xúc cảm ồ ạt ập đến. Chỉ hai mươi bước ngắn ngủi gần đến cổng trường, cảm giác da thịt ấm nóng bao bọc lấy bàn tay kia đã khiến cô rung động không thôi.

Nghĩ cũng buồn cười, quan hệ xác thịt đã có rồi, vậy mà nắm tay thôi cũng run như vậy.

"Úi chà, hiếm có ngày đông nắng đẹp thế này, công túa sao lại kín cổng cao tường vậy? Hay muốn che cái gì hen?" chưa gì thằng Bình đã ngứa mồm gây nghiệp.

Mây uất ức đưa mắt nhìn người bên cạnh, ngón trỏ khẽ co lại bấm vào tay anh. Rõ ràng thằng Bình cũng biết chuyện họ đêm đó rồi, anh sao lại đi kể lung tung với người ta thế này?

Đối phương không có phản ứng gì trước sự bất mãn nho nhỏ của cô, chỉ lạnh mắt trừng thằng nhãi đối diện.

Bình lập tức chuyển chủ đề, xởi lởi thêm vài câu nắng gió linh tinh rồi cười lớn. Không khí có phần nhẹ hẳn đi, cây hài số một lớp 11C quả nhiên danh bất hư truyền, đụng trúng đám ma cũng ra đám cưới.

"Đại ca," Nhạn từ phía sau Bình bước đến, một tay vén tóc, mắt hướng lên chứa vẻ thiết tha mừng rỡ. "Là em."

"Ừ," Nhật gật đầu, mắt đằm xuống nhận thức, xem như cũng đã nhận cô.

Mây nhìn đến cảnh này, tự dưng hiểu ra một chút cơ sự. Thì ra sau này họ vẫn giữ liên lạc. Bảo sao thời trung học Nhạn vốn ghét anh là thế, tự dưng sống lại lại có vẻ phải lòng, còn gọi anh hai chữ "đại, ca" vô cùng thân thuộc.

Những năm tháng không có cô, phải chăng giữa họ đã...?

Trong lòng hơi chát, cô đã muốn rụt tay về, lại bị kẻ kia nắm chặt.

Thấy không khí có vẻ vặn vẹo, Bình tiếp tục phát huy thế mạnh giải cứu tình hình.

"À, ha ha, Nhạn là bắt chước tui kêu đại ca đó, công chúa đừng ngạc nhiên nha...!"

Mây lúc này mới quay sang nhìn đến cậu bạn ngày xưa vẫn tò tò đi theo cô và Nhật, dù trong lòng có chút nghi hoặc trước sự thân cận bất thình lình giữa cậu và Nhạn, vẫn không sao nén được nụ cười thân ái từ tận đáy lòng. Phạm Tất Bình vẫn luôn là chất keo dính thần kỳ giữa một tập thể.

Vật đổi sao dời, bốn người họ cuối cùng vẫn đứng chung một chỗ, tuyệt vời.

Đến cả thằng Bình cũng hơi ngơ ngẩn trước nụ cười hết công suất này, Nhật cau mày giật tay cô gái bên cạnh một cái, đoạn quay sang cô gái còn lại hỏi như nạt nộ.

"Mấy đứa có gì sao?"

Dường như đã quá quen với sự thô lỗ cục cằn của anh chàng, Nhạn không hề có vẻ gì tổn thương mà mỉm cười đáp ngay.

"Dạ, ngày hai tháng sau nhà em có buổi tiệc năm mới nho nhỏ, em muốn mời đại ca đến dự cho vui. Đại ca đến nha?"

Nhật không suy nghĩ mà ừ đại một cái theo thói quen, dẫu gì năm mới nào hai đứa này chả kéo anh đến đủ thứ tiệc tùng, đã thành lề thói.

"Hay quá, bữa đó Mây cũng sẽ làm bánh bông lan đem đến."

Cả ba không hẹn mà quay lại nhìn cô gái đang tít mắt nhoẻn cười, thái độ thản nhiên như mọi lẽ thường đều phải thế.

Nhạn lồi mắt gào thét trong đầu, ai mời cô đâu, đem bánh cái khỉ!

Bình thì kiểu, tóc mây nên da mặt cũng dày, chậc chậc.

Riêng có anh Nhật nhà này là chỉ nghĩ đến cái bánh trong lời vừa thốt.

"Tui có mời Mây đâu!"

"Tốt nhất đừng đem bánh."

Bình thì chỉ kinh dị nhìn cô gái nọ chậm rãi đưa tay lên vuốt tóc.

"Nhạn có chắc là không muốn mời Mây? Thầy Trà sẽ không vui chút nào đâu..."

Thầy Trà được nhắc đến là thầy giáo môn văn lớp chín, cũng là ba dượng của Nhạn. Từ khi mẹ cô bé mất đi, ông Trà bỗng tìm kiếm được sự bình yên nơi Chúa, Nhạn cũng vì thế theo Công Giáo từ nhỏ. Mây và Nhạn chơi thân vốn là chuyện dĩ nhiên làng tổng đều biết, ông Trà cũng vô cùng hài lòng với người bạn thân sùng đạo này của con gái, tiệc nhà họ nếu thiếu đi cô hẳn sẽ gây ra nhiều hiềm nghi nơi ông.

Bị điểm trúng tử huyệt, Nhạn nghiến răng nhìn bộ mặt hiền lành như thiên sứ của con bé đối diện, lòng rủa thầm đây mà là trong tù thì mày no đòn với bà, con nhãi!

Mây không hề hất hàm khiêu khích lại mà chỉ cười rất hiền. Lấy ôn hoà đối nhân dã luôn là điểm mạnh của cô. Vì thế, rất ít người thấy cô nổi nóng, mà cho dù có thấy đi nữa thì cũng nghĩ mình hoa mắt tưởng tượng ra thôi.

Nhạn cắn môi nhìn con bạn trơ tráo một cái, đoạn nghiêng đầu về phía đằng xa.

"Em có chuyện muốn thưa với đại ca, mình ra đó một lát nha anh?"

Nhật gật đầu, quay sang khẽ bảo Mây lên lớp trước rồi rất tự nhiên bước theo sau Nhạn. 

Thằng Bình thấy cô nhìn theo bóng hai người họ thì khẽ thở dài một cách kịch tính.

"Haiz... Một người đi với một người, một người đi với nụ cười hắt hiu. Hai người vui biết bao nhiêu, một người lặng lẽ buồn hiu đứng nhìn..."

Cứ ngỡ là chọc được nọc cô công chúa mỏng manh kiếp trước. Ai ngờ, đối phương lại tỉnh bơ quay sang cậu với đôi mắt lóng lánh chứa đựng vạn nỗi chân thành.

"Rồi Bình sẽ tìm được người đàn ông tốt hơn, không cần than thân trách phận như vậy đâu."

Hoàn hồn lại thì người ta đã rảo bước về phía lớp học, tà áo dài bay bay đón ánh nắng vàng ươm lấp loáng.

Cái quần thể gì vừa xảy ra thế?

.

Cả ngày hôm ấy Nhật không hề quay trở lại lớp. Mây nghĩ mà có phần tiếc nuối khi anh không thể chứng kiến cô đã ngoạn mục giành lấy vai trò phụ đạo cho anh như thế nào. Cuối cùng thì sau bao trăn trở và tréo ngoe ập đến, cô giáo Hà đành đẩy cục than bỏng này lại vào tay con bé lớp trưởng ngoan hiền đức hy sinh cao cả, dẫu gì cũng đã nhận được sự chấp thuận của cựu hiệu trưởng rồi.

Nguyên cả buổi sáng Mây tránh việc nghĩ đến anh và Nhạn quá nhiều. Bởi theo ánh mắt vừa nãy anh nhìn Nhạn mà phán đoán, giữa họ hẳn có thân tình của nhiều năm quen biết, song chưa chắc có chi phức tạp. Nếu không, anh đã chẳng thản nhiên giữ lấy tay cô trước mặt Nhạn như vậy.

Ra khỏi lớp, Mây rút điện thoại ra nhìn nhìn rồi khẽ thở dài, cũng không biết anh còn nhớ số cô hay không. Nghĩ thêm một chút, cô nhắn cho anh một cái tin hai chữ "là em" nhằm mục đích báo số rồi chậm rãi ra khỏi trường, dọc đường cứ vẩn vơ lo sợ anh liệu có biết đấy là em nào. Nhỡ đâu anh nhắn lại Đào à, hay Mận, hay Cúc Bưởi gì đó... chắc cô buồn chết mất. Dẫu gì, bấy nhiêu năm xa cách, cô cũng không biết anh liệu có đột nhiên trở thành đàn ông phong lưu sát gái hay không...

Bước lên xe buýt trường, Mây chậm rãi chào bác Tài rồi ngồi xuống ở hàng ghế ngay phía sau ông, mắt đảo vòng nhìn quanh số học sinh ít ỏi.

"Dạ hôm nay ế khách hả bác Tài?" cô chọc.

Ông bác hô hố cười to, giơ đồng hồ lên xem rồi nhấn nút đóng cửa xe.

"Ừ, hôm nay ba-mốt, bọn trẻ rủ nhau xe máy xuống chợ đi chơi cả, chê xe ông cụt này rồi."

Mây khúc khích cười, không hề tỏ ra ngượng ngập trước sự đề cập tình trạng chân cẳng của ông bác mà chọc ghẹo vài câu ngược lại, đại khái là về khả năng cầm lái đỉnh cao của ông.

Thật, bác Tài quả thật có tài, tuy mất một chân trong chiến tranh chống Mỹ, chân còn lại lại khoẻ mạnh cực kỳ, không nạng ông vẫn lò cò ra ngõ mua tương mua mắm nhanh hơn cả đứa đủ hai chân. Nếu không, cũng không thuyết phục được nhà trường mướn ông làm tài xế, còn trang bị hẳn chân ga và hệ thống xe đặc biệt cho người khuyết tật, trao mạng sống của mấy chục mầm non tổ quốc vào tay ông như vậy.

Chờ đã chở mấy đứa trẻ về nhà, ông Tài mới đưa Mây xuống nhà thờ, phần vì trò chuyện với con bé rất vui, phần vì ông cũng tính đến đấy làm vài ván cờ với ông Tây cha xứ. Gì chứ cả cái Đà Lạt này cũng chỉ có thằng cha mũi lõ đó ngang tầm kỳ cuộc, chơi mới thú.

Trước khi xuống xe, ông còn gọi giật Mây lại đưa cho một miếng giấy gấp tư.

"Hôm Nô-ên cháu nhờ bác để ý người ra vào nhà nguyện trên trường. Thì đây, sợ không nhớ hết nên bác viết xuống cả. Cháu xem có ai khả nghi thì báo trường, xem có tìm ra cái người hay vào trộm vặt trong số này không."

Nhận lấy tờ giấy, Mây cám ơn ông bác rồi vào sau nhà thờ báo với Cha có bác Tài đang ôm bàn cờ chờ ngoài trước, chờ Cha đi khỏi mới giở giấy ra xem.

Đêm Giáng Sinh vì có lễ nhà thờ vào lúc nửa đêm nên học sinh vào ra nhà nguyện vận chuyển đồ đạc khá nhiều, song sau 7h đêm thì đều vào trong vũ hội cả. Ngoài một số cá nhân chạy việc cho nhà thờ phải qua qua lại lại giữa hai nơi như Nhạn thì không ai còn vào nhà nguyện làm gì. Những cái tên trên tờ giấy này xem như đáng nghi nhất.

Gạch bỏ những người nữ mình biết, khoanh tròn một vài cá nhân lạ mặt mà cả bác Tài cũng không biết là ai chỉ tả ra hình dạng đặc điểm, Mây cuối cùng cũng nhíu mày trước một cái tên quen thuộc.

Sao lại có cả cậu ta trong đây?

---------------------

Kế hoạch một chương viết thành 4, tui đúng là thiên tai. :)))

Khúc cuối là ai, là ai...?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip