Chương 24: Xa vắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Chiếc xe thổ mộ dừng lại trước một tiệm điểm tâm phía bên hông bùng binh Phan Thanh Giản. Hai Sửu bước xuống xe. Anh ta bận một chiếc chemise màu ngà cộc tay, quần Âu xanh đen, chân mang giày da, tay đeo đồng hồ lâu lâu đưa lên ngó bộ như bận bịu lung lắm. Thấy Hai Sửu bước vô quán, ông chủ quán lật đật bước ra đon đả:

"Cậu Hai. Lâu quá hổng thấy cậu Hai tới ăn. Cậu Hai ngồi đi, cậu Hai ăn gì nói tui làm bưng ra liền."

Hai Sửu làm ra bộ kẻ cả ngồi xuống ghế. Lôi trong túi quần ra bao Salem đỏ. Ông chủ tiệm biết ý lẹ làng đưa ra cái hộp quẹt. Nhả ra một hơi thuốc, Hai Sửu hất cằm:

"Cho tô hủ tíu đi chú Bảy."

Từ ngày bắt tay làm ăn với cha con họ Lữ, Hai Sửu thâu về hằng hà tiền bạc. Tới độ ba má anh ta còn bất ngờ. Hỏi tới thì Hai Sửu cười sang sảng, phất tay biểu rằng công chuyện làm ăn của anh ta, có nói tới họ cũng không tỏ.

Lần này là một chiếc Mazda đỏ đậu "xịch" một tiếng trước vỉa hè. Bước ra là một ông già mặc áo trắng thắt nút kiểu Ba Tàu, quần trắng rộng thùng thình, đầu đội nón rộng vành bước vô quán, theo sau ông là người đàn ông bận Âu phục đen. Ngó thấy Hai Sửu, bọn họ kéo ghế ngồi xuống. Vừa lúc ông chủ bưng tô hủ tíu thơm phức mùi nước hầm xương ra, ngó thấy hai vừa xởi lởi:

"Ông Hai, Thầy Hai ăn gì?"

Lữ Hiển sẵn dịp gọi món luôn:

"Cho một bạc xỉu nóng, một cái tẩy, chai xá xị với hai tô mì xá xíu nghe chú."

Thấy cha con Lữ Hiên, Hai Sửu niềm nở chìa tay ra bắt "Chú Hiển lặn lội đường xá xa xôi mất công cho chú quá. Bữa nay để con trả hén."

Nhận lấy điếu thuốc Hai Sửu mời, Lữ Hiên vừa hút vừa hỏi:

"Công chuyện làm ăn coi được hết không anh Hai?"

Nuốt xuống cục hoành thánh mềm ngọt thơm mùi tôm thịt, Hai Sửu vui vẻ gật đầu:

"Dạ nhờ chú với cậu mà công chuyện mần ăn của tui khá khẩm dữ lắm. Bán cho chú khoẻ hơn phải đi bỏ cho mấy tiệm lẻ tẻ nhiều."

Cái tẩy, xá xị cùng ly bạc xỉu nóng được đem ra. Lữ Hiên quậy quậy cho sữa và cafe tan đều, ông đưa lên mũi hửi qua lại rồi chậm rãi hớp một hớp nhỏ. Chép miệng vài cái, Lữ Hiên tằng hắng rồi dặm hỏi Hai Sửu:

"Còn phía ông nội cậu thì sao?"

Từ ngày mần ăn khấm khá lên, Hai Sửu hay được ông Tỉnh trưởng khen thành ra anh ta lấy làm khoái chí lắm. Có mấy hôm ngó thấy Thanh Trúc đi sớm tới tận xế chiều mới về, Hai Sửu cười khẩy thầm coi khinh đàn bà không biết làm ăn, cứ quanh quẩn cái xứ Vĩnh Long thì sao mà dư dả cho đặng.

"Ông nội tui để cho mợ Út làm hết. Mà dòng đàn bà đó mà, vẫn cứ xay lúa rồi bán lẻ tẻ vậy thôi hà."

Hớp một hơi nửa ly xá xị, Lữ Hiển tiếp lời thay cha mình:

"Chớ anh không ngỏ ý hỏi thăm ông nội anh đa?"

Mấy lần trước nói chuyện với ông Long, Hai Sửu cũng một hai lần dạm hỏi thăm. Nào tưởng ông nội thấy mình phát đạt sẽ tin tưởng làm theo mình, vậy mà ông Tỉnh trưởng chỉ lắc đầu biểu quyền quyết định là ở Thanh Trúc, bị cái kho lúa trong làng với ruộng là phần của ông để lại cho Cậu Út Viễn Đông, nay người con út của ông vắng số thì toàn quyền mần ăn sẽ để lại cho con dâu định đoạt.

"Ổng không chịu chú ơi. Ông nội con biểu mợ Út quyết làm sao thì là như vậy. Nói cho ngay, đó là phần của của cậu mợ, mà cậu chết rồi thì mợ được toàn quyền coi sóc."

Hai cha con họ Lữ nhìn nhau mà không có trả lời lại Hai Sửu. Đợi họ ăn xong, Hai Sửu mới nhát gừng cất lời:

"Nếu chú với anh muốn, con sẽ dẫn hai người tới gặp mợ Út nói chuyện. Cổ cũng trạc tuổi con à."

Thấy Lữ Hiển đang chuẩn bị nói gì đó, ông Hiên ngắt lời luôn : "Không cần đâu. Chuyện đó từ từ tụi tôi sẽ tính. Trước mắt cậu Hai cứ để gạo cho tôi là được rồi."

Trên xe, Lữ Hiển ngó qua kiếng xe dò coi nét mặt cha mình. Anh ta ngập ngừng hỏi:

"Phần gạo của cậu Hai coi cũng nhiều đó, nhưng so với kho lúa gạo nhà ông Tỉnh thì cũng không có bao nhiêu. Bây giờ cậu ta thuyết phục ông Tỉnh trưởng không được thì mình phải làm sao đây cha? Hay mình đi gặp cô Thanh Trúc rồi thương thảo với cổ lại lần nữa?"

Nhả ra một hơi khói thuốc, ông Hiên lắc đầu, trầm giọng :

"Từ từ. Đợi qua mấy mùa nữa rồi đi gặp cha con ông Tỉnh cũng được. Ông Tỉnh trưởng già rồi, mà cô Thanh Trúc cũng không có kinh nghiệm lúa gạo bằng cậu Hai, cứ để từ từ ông Tỉnh thấy cậu Hai làm ăn phát đạt lên rồi ổng cũng đổi ý thôi."

"Nhưng mà cậu Hai có biểu là ông Tỉnh trưởng để cho cô Thanh Trúc quyết định mà?"

Người đàn ông già cười khàn khàn, ông phất tay "Ông ta cho cổ làm vậy là vì thương cô Thanh Trúc thôi, chứ ai mà dám giao cả một phần điền sản vô tay một người đàn bà. Vả lại một khi ông Tỉnh trưởng lên tiếng, há nào cô Thanh Trúc dám cãi lời."

Nghe cha nói vậy Lữ Hiển cũng không thể nói gì hơn. Anh ta im lặng tập trung lái xe. Cả cha mình và Hai Sửu ngó bộ coi khinh đàn bà, nhưng ánh nhìn cương nghị từ đôi mắt buồn khi nói lời từ chối cha con anh ta làm Lữ Hiển có ấn tượng đậm sâu. Nói như Hai Sửu thì do chồng nàng vắng số nên nàng mới được "hưởng sái" , nhưng Lữ Hiển không cho là vậy. Anh ta thầm nghĩ người con gái phải đặc biệt dữ lắm thì cha chồng mới dám giao phó cho coi sóc một phần gia sản. Lữ Hiển lại nhớ tới Thanh Trúc, chồng chết đã năm sáu năm nhưng vẫn không đi bước nữa dẫu nhan sắc mặn mà, tánh tình còn hoà nhã. Mấy đợt đi xuống Vĩnh Long thăm dò, anh ta nghe qua không ít lời tiếc nuối khi nhắc tới Thanh Trúc. Rõ ràng cha má chồng làm giấy cho rất nhiều của cải, còn sẵn lòng đứng ra lo liệu cho nàng nếu nàng muốn bước tiếp. Vậy mà nàng vẫn một mực ở vậy phụng dưỡng cha má. Người con dâu như vậy không phải ai cũng có phước phần mà gặp được.

Đột nhiên Lữ Hiển muốn biết thêm về Thanh Trúc. Nhớ lại lần gặp lần trước, Thanh Trúc rất đẹp, anh ta có ấn tượng tốt dữ lắm. Lữ Hiển đã từng đi Tây học vài năm, tư tưởng không khắt khe bảo thủ như cha mình. Không vì đàn bà lỡ bến mà đánh giá thấp người ta. Đang còn suy nghĩ miên man thì tiếng kêu của người cha già làm gián đoạn suy nghĩ của Lữ Hiển.

"A Hiển. Con đang nghĩ cái gì mà cha thấy im lặng vậy?"

Nhìn qua kiếng xe, anh ta cười lắc đầu "Dạ không có gì đâu cha."

Ông Hiên ngó vô định ra đường, giọng nói trầm khàn tựa loài dạ lang "A Hiển, cái vựa lúa lớn nhứt Vĩnh Long này mình nhứt định phải thâu được. Cha đã đi gặp con rể ông Tỉnh trưởng ngỏ ý đài thọ. Nếu đợt này thành công là cha có thể an tâm dưỡng già rồi."

Thiên Nguyên đã nhập học trường Luật khoa được một tuần. Nhờ có Thái Nhật giới thiệu chỉ biểu, cô nhanh chóng thích nghi được với trường học mới. Nhưng Thiên Nguyên cũng thấy trống vắng lắm. Không có Ngọc Hạ tía lia cái mỏ suốt ngày, cũng không có Lâm Anh trang nhã hay cùng cô bàn luận nghệ thuật hay văn học. Mà điều khiến Thiên Nguyên chạnh lòng nhứt chính là không có người chờ cơm cô mỗi khi cô về. Anh hai thì thường ăn tiệm ăn quán gần xưởng làm luôn, dẫu chị dâu rất dễ thương, đều nấu đầy đủ đợi cô về ăn cơm nhưng vẫn không bằng cảm giác có người ngồi dẻ xương cho cô, nhắc nhở cô ăn canh ăn rau đầy đủ.

Hổm rày Thiên Nguyên đi học toàn là đi cyclo máy bị phải đợi cha cô giải quyết xong công chuyện ở Nha Trang mới trở lên Sài Gòn đi sắm Mobylette hay Vespa cho cô chạy đi học. Bữa nay Thiên Nguyên mới tan học ra thì gặp Thái Nhật, anh cũng mới xong lớp.

"Thiên Nguyên! Em mới học xong hả? Có ai đón về không hay để tôi đưa em về nghen."

Thái Nhật giúp đỡ Thiên Nguyên rất nhiệt tình những ngày đầu nhập học. Mà phong thái lịch sự của anh khiến cô cũng có cảm tình, coi anh là người bạn tốt thực sự. Thiên Nguyên cũng không khách sáo, gật đầu đáp ứng.

Trên chiếc Lambretta đen, mái tóc lãng tử của Thái Nhật bay theo gió, anh đeo cặp mắt kiếng đen gọng bạc mỏng, dưới ánh nắng chiếu lên lấp lánh. Thái Nhật quen biết Thanh Phương khi cả hai thường xuyên đi coi đua ngựa ở trường đua Phú Thọ. Anh hỏi thăm Thiên Nguyên vài câu về Thanh Phương:

"Phương có viết thư về cho tụi em không? Nghe tin nó vô Sĩ quan ai cũng bất ngờ."

Dẫu ngồi bỏ bên hơi khó giữ thăng bằng nhưng Thiên Nguyên không ôm hông người ngồi trước như các cô gái ngồi xe hay làm. Một tay Thiên Nguyên vịn tà áo dài, một tay cô vịn vô yên xe đặng làm điểm tựa.

"Em có nghe Lâm Anh thuật lại thư của Thanh Phương. Phương vẫn đang làm quen với nếp nhà binh, có lẽ cần thêm thì giờ mới thích nghi được."

"Lâm Anh? À, cô nàng người yêu của Thanh Phương đó đúng không? Ừ, tôi nghe anh Tường Lâm kể đi lính khổ lắm. Hồi ảnh đi lính được một năm về nhìn không ra luôn."

Nghe nhắc tới Tường Lâm, Thiên Nguyên bất chợt nhờ về những kỷ niệm xa xăm với người bạn cũ. Cô buột miệng hỏi :

"Anh Lâm hổm rày sao rồi anh? Đời lính rày đây mai đó, không biết ảnh đang đóng quân ở đâu."

"Tháng trước ảnh gởi thư về, nghe má Ba tôi nói ảnh đang đóng ở Vùng II (*). Ồ vậy là gần trường Võ bị Đà Lạt rồi."

(*) Vùng II chiến thuật thuộc 4 vùng chiến thuật của Quân lực VNCH trong chiến tranh Việt Nam, gồm khu vực Cao nguyên Trung phần và duyên hải Nam Trung Bộ.

Vùng II và vùng I là vị trí chủ chốt của Quốc gia, cũng là đường giao thông cốt lõi cho phía đối thủ tiếp ứng thực phẩm cũng như men theo lối rừng mà đem quân vào miền Nam. Thành ra nơi đây thường xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt nhứt của quân đội hai bên. Tuy bên đối thủ vẫn chưa có manh động nhiều, nhưng những người lính đóng ở hai vùng chủ chốt phải luôn chuẩn bị tâm lý. Thiên Nguyên thở dài chợt nuối tiếc hình ảnh chàng thư sinh ngày nào, người bạn cũ của cô mấy năm qua lăn lộn từ đồng ruộng nước mênh mông tới vùng cao nguyên đất đỏ, có lẽ đã sớm trở thành một người lính can trường.

Đang còn chìm trong suy tư thì tiếng Thái Nhật làm Thiên Nguyên giật mình.

"Mà em với anh Lâm là bạn sao? Làm sao mà hai người quen biết nhau?"

"Cha của ảnh là bạn học của cha em. Hồi trước em chưa về Vĩnh Long ở với ông bà ngoại thì cha ảnh hay dắt ảnh qua nhà em chơi."

Gật gù vài cái, Thái Nhật bóp thắng xe theo hiệu lịnh điều khiển giao thông của cảnh sát công lộ.

"Nguyên nè, em mới vô trường, có điều chi không tỏ em cứ hỏi tôi nghe, đừng khách sáo."

Ngồi sau xe, Thiên Nguyên khách sáo trả lời "Mất công anh quá, em hỏi thầy cô trong lớp là được rồi. Vả lại anh hai em là Luật sư, em hỏi ảnh tiện hơn."

Quẹo qua con lộ đi vào đường Hồng Thập Tự, ngó thấy sắp tới nhà Thiên Nguyên, Thái Nhật chạy chậm lại.

"Ồ tôi không biết anh trai em là Luật sư."

"Hai em là học trò của Giáo sư Bông(*) đó anh."

(*) Giáo sư Nguyễn Văn Bông: Một giáo sư khoa Luật và là chánh khách nổi tiếng thời VNCH bởi những chánh sách dân chủ của mình.

Nghe tới đây khiến Thái Nhật bất ngờ. Thiệt không ngờ anh trai Thiên Nguyên là học trò của người giáo sư làm khuynh đảo chánh trường. Thái Nhật nghe cô nói vậy rồi cũng tự thấy hổ thẹn, không nhắc tới chuyện ngỏ ý giúp cô về kiến thức Luật khoa nữa, anh lảng qua chuyện khác:

"Thanh Phương không ở đây, mà bạn cũ cũng mỗi đứa một nơi, em có thấy chán không?"

Thực lòng thì Thiên Nguyên chán dữ lắm. Lúc trước chưa về Vĩnh Long, học xong thì đi chơi với Lâm Anh và Thanh Phương, thời đó Khải Huy còn chưa đi làm cũng có nhiều thời gian chở cô đi đây đi đó. Về quê ngoại rồi thì có Ngọc Hạ hay cùng cô đi ăn chè, hai đứa em bà con Công-Nghĩa rủ cô đi thả diều, đặc biệt là có người cô thương, chiều chiều ra bờ ao cùng cô ngắm sen, đêm xuống hễ có gánh hát về sẽ nắm tay cô ra sân đình coi hát. Nàng nghe cô kể đủ chuyện trên đời, khi thì cười khúc khích, lúc thì gõ đầu cô biểu cô nói chuyện tào lao.

Còn bây giờ thì Thanh Phương đang vui nếp nhà binh nơi phương xa, Lâm Anh cũng bận rộn ở trường Sư phạm, anh chị hai thì có công việc của họ. Giai nhân trong lòng thì cách trở mấy trăm dặm. Cả tuần nay không nghe tiếng nói ngọt ngào của nàng, không được ôm nàng ngửi lấy hương tóc mùi mạ non những lúc nàng từ ruộng trở về, cũng chẳng có ai nấu món canh chua thơm mùi rau mùi cá nơi sông nước cho cô ăn. Thiên Nguyên bất giác thở dài:

"Cũng chán chớ. Nhưng mà từ từ em cũng sẽ quen."

Không để mất cơ hội, Thái Nhật gợi ý: "Vậy lâu lâu tôi qua chở em đi chơi héng, nếu em không ngại."

Thực sự  ngoài lúc học bài ra thì thời gian rảnh rỗi của Thiên Nguyên không nhiều cũng không ít. Cô có thể đọc sách, mở máy hát nghe nhạc, thay chị hai tưới mấy cây bông trong sân nhà. Thời gian còn lại đều là ngẩn ngơ nhớ nhung Thanh Trúc. Thậm chí lúc tưới bông, cô cũng làm ra bộ y hệt Thanh Trúc lúc nàng tưới bông trong vườn.

Biết Thái Nhật chưa có bạn gái, Thiên Nguyên cũng không muốn khiến anh hiểu lầm, liền tìm cách từ chối khéo:

"Dạ không cần đâu anh Nhật. Nói là chán vậy thôi nhưng mà em hay lấy bài ra học, bữa hổm em có nhờ chị hai em chỉ thêm Anh ngữ, em làm bài tập đặng chiều chị hai về chỉ kiểm tra nữa."

Biết Thiên Nguyên không muốn, Thái Nhật cũng không muốn trở thành kẻ mặt dày mày dạng trong mắt cô, đành thôi không rủ rê Thiên Nguyên nữa.

Nói lời cảm ơn với Thái Nhật, Thiên Nguyên mở cửa bước vô nhà thì gặp ông Ba Lân ngồi đọc báo trong phòng khách. Cô mừng rỡ:

"Cha! Cha về hồi nào vậy?"

Bửu Lân tháo kiếng xuống, vỗ đầu đứa con gái nhỏ: "Cha về hồi sáng rồi. Con coi lên tắm rửa thay đồ rồi xuống ăn cơm, Tâm Đan nó mới nấu xong đó. Rồi chiều chiều mát mát cha chở con đi lựa xe."

Nghe tới chuyện sắp sửa có xe mới, Thiên Nguyên mừng dữ lắm. Cô khoái chí cười tủm tỉm, quay qua đấm lưng cha mình mấy cái, hỏi han ông. Hai cha con ngồi lúc lâu rồi cô mới đi lên lầu đặng cất cặp , tắm rửa.




Bữa nay là sắp tròn một tuần ở nhà vắng tiếng Thiên Nguyên. Buổi sáng không có cái miệng nhỏ nhắn chọc ghẹo nàng, không có ai đi đâu cũng bám dính lấy nàng, dẫu cho đã chuẩn bị tinh thần từ trước, song Thanh Trúc vẫn thấy buồn rười rượi. Ánh nắng màu ngà nhuộm vàng một góc sân, đáng lẽ giờ này Thiên Nguyên đang dạy nàng học trong vườn nhà, hay rủ nàng ra ngồi ngắm sen, đợi nàng gọt vỏ trái cây. Nguyên một tuần thiếu vắng cô, Thanh Trúc cũng không có tâm trạng mà xuống bếp nấu ăn nữa, để Út Mận hay dì Lượm nấu nướng hết thảy.

Giúp má chồng thêu hoa văn lên vài cái áo bà ba xong, Thanh Trúc đi ra sau hè hái mấy trái khổ qua đặng vô phơi khô làm trà cho ba má chồng uống. Người già thường hay mấy ngủ, hổm rày thấy ông Tỉnh trưởng hay than nhức đầu, Thanh Trúc thấy thương lung lắm. Hái xong một rổ khổ qua, nàng tranh thủ đi qua bên hông buồng mình đặng thay nước cho Thiên Thanh - tên con anh vũ mà Thiên Nguyên mua tặng nàng.

Thiên Thanh vừa thấy Thanh Trúc từ xa, nó theo thói quen lại cất tiếng "Thanh Trúc đẹp nhứt!" . Nàng lắc đầu cười, vừa thay nước, chêm đồ ăn cho nó, vừa nói:

"Mày đó, y chang chủ mày. Nịnh là giỏi hà."

Con chim cúi đầu mổ đồ ăn, Thanh Trúc chợt hồi tưởng lại những kỷ niệm với Thiên Nguyên ở bên hông nè này.

Đem con chim về được mấy bữa, không biết Thiên Nguyên nghe từ ai mà về dành cả một ngày trời đặng suy nghĩ tên cho nó. Cuối cùng cô nhe răng cười híp mắt với nàng, vừa cầm quạt vừa gõ gõ vô lồng chim rồi biểu : "Nè chim ái khanh, trẫm ngự phong ngươi là Thiên Thanh."

Đứng kế bên cô nhìn màn "ngự phong", Thanh Trúc bật cười rồi lại lắc đầu, thầm nghĩ bản thân sao mà lại đi thương cái người khi thì đứng đắn, lúc lại tựa đứa nhỏ như Thiên Nguyên.

"Nè Thiên Thanh, ngươi thấy hoàng hậu của trẫm có đẹp không?"

Thiên Nguyên vuốt vuốt đầu Thiên Thanh mấy cái, con chim quen với tín hiệu, lập tức bật ra tiếng kêu lảnh lót "Thanh Trúc đẹp nhứt! Thanh Trúc đẹp nhứt!"

Lúc này hai gò má của Thanh Trúc đã ửng hồng như trái bình bát chín mùi, nàng mắc cỡ đánh lên cánh tay Thiên Nguyên : "Khùng điên quá đi nha hôn!"

Làm ra bộ không nghe Thanh Trúc nói, Thiên Nguyên vẫn tiếp tục nói chuyện với con chim, còn ráng nhái theo ngữ điệu lồng tiếng của mấy bộ phim Hong Kong hay chiếu ở rạp Lệ Thanh:

"Ngươi coi đó, hoàng hậu thiệt khó chiều mà. Khen nàng mà nàng cũng giận nữa. Trẫm phải làm sao đây?"

Thiên Thanh ngơ ngác tưởng người đang nói chuyện với nó, song cũng lại cất lên tiếng kêu lanh lảnh. Thanh Trúc sợ nó kêu nữa sẽ khiến cả nhà nghe thấy, khoanh tay nhướng mày hỏi Thiên Nguyên, tính biểu cô thôi khiến Thiên Thanh hót nữa : "Biết làm sao không?"

Phía bên hông cửa sổ buồng Thanh Trúc rất ít người lai vãng vì lối đi nhỏ hẹp của nó, nên tranh thủ không có ai, lại tưởng nàng hưởng ứng, Thiên Nguyên quay người ôm vòng eo mỏng manh của Thanh Trúc, si mê nhìn nàng.

"Làm sao? Để trẫm hôn nàng một cái chịu không?"

Hễ đối mặt với ánh mắt si tình của Thiên Nguyên là tim Thanh Trúc tự động đập mạnh, nàng thẹn thùng đưa tay ngăn cô lại.

"Đừng có biểu nó nói nữa, người ta nghe bây giờ."

Đợi nàng nói xong, cô vẫn không buông nàng ra mà cuối xuống hôn lên má nàng một cái. Thiên Nguyên quay sang vuốt ve bộ lông mượt của con chim, thở dài làm bộ tiếc nuối:

"Hoàng hậu của trẫm mắc cỡ nữa rồi, trẫm đưa cổ đi uống nước dừa đây."


Nàng bất chợt thở dài, ngó bộ nàng nhớ người ta lung lắm rồi. Thanh Trúc thầm trách mình đã sắp ba mươi tới nơi mà tâm tình tựa cô gái mới lớn lần đầu biết yêu. Nàng nhớ ngày đầu quen biết Thiên Nguyên, nàng chỉ coi cô là em cháu trong nhà. Tới khi thân thiết rồi thì coi cô như tri kỉ. Vậy mà thấm thoát cũng gần một năm, trong lòng nàng người kia đã trở thành bóng hình sâu đậm.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip