Bac Chien Nam Hai 8 Trung Thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Sự thật chứng minh, tôi bị nghiện bánh trung thu nặng.

Ngoài bánh trung thu được sản xuất hàng loạt, năm nào các khách sạn lớn cũng sẽ làm bánh bán riêng. Bánh của khách sạn thì thường sẽ ngon hơn, và được bán ở các quầy pop-up ở các khu trung tâm mua sắm.

Hôm ấy, sau khi tan làm, Vương Nhất Bác chở tôi đến một trung tâm mua sắm ngay trung tâm thành phố để ăn thử bánh trung thu, rồi chọn quà cho gia đình thầy Hàm.

"Tiện mua thêm ít bánh về cho ba mẹ nữa." Tôi dặn cậu.

Lúc này đây tôi đang ngồi sau xe motor của Vương Nhất Bác. Kể cũng lạ, rõ ràng là tôi có xe riêng để di chuyển, vậy mà ma xui quỷ khiến thế nào lại đồng ý leo lên xe của cậu. Tuy cậu lái rất chậm, nhưng vì sợ gió nên tôi cứ co ro nép sau lưng cậu. Rõ là một thanh niên trưởng thành gần 30, lại ngồi sau lưng cậu sinh viên nhỏ, rồi tôi còn một bộ dạng tây trang đóng thùng nữa chứ, trông vừa buồn cười lại vừa có chút khập khiễng.

Nhưng đã lâu lắm rồi tôi mới lại được ngồi sau yên xe cậu, đi thong dong quanh thành phố quen thuộc mà xa lạ này. Nên sau cùng, tôi vẫn gạt chút khúc mắc ấy sang một bên, yên tâm nắm chặt lấy vạt áo cậu.

Vương Nhất Bác thì tất nhiên lại càng không để ý mấy cái tiểu tiết ấy. Cậu không dễ xấu hổ như tôi, cũng chẳng mấy quan tâm xem ánh mắt người ngoài nhìn mình thế nào. Tính cách cậu từ bé đã thế, vừa độc lập vừa có suy nghĩ của riêng mình.

Đang dịp lễ, nên cả trung tâm đông đúc hơn hẳn. Trước mắt chúng tôi là mấy hàng dài bạt ngàn các quầy bánh trung thu. Ngoài bánh truyền thống hạt sen, quầy nào cũng tự sáng tạo thêm các vị mới lạ của riêng mình. Nào là nhân các loại hạt macca, nhân dừa, nhân táo đỏ. Cá biệt hơn còn có các loại bánh dẻo nhân sầu riêng, nhân yuzu, rồi nhân socola nữa. Tôi nhìn mà hoa hết cả mắt, miệng không tự chủ được bắt đầu nuốt nước bọt.

"Nhiều thế này thử đến bao giờ mới hết." Tôi lo lắng nói.

Vương Nhất Bác nghe tôi nói thế thì bật cười thành tiếng, khiến tôi ngạc nhiên quay ra nhìn cậu "Anh định không ăn tối đấy à? Mình thử mấy hàng nổi tiếng thôi, còn để bụng ăn tối nữa."

"À ừ..." Tôi bĩu môi, giọng có hơi chút tiếc nuối.

Nhưng quả thật sau khi thử tầm 5, 6 hàng bánh, tôi đã bắt đầu no no. Được cái bánh ở khách sạn có khác, hàng nào ăn cũng ngon. Sau cùng, chúng tôi quyết định mua một hộp bánh dẻo sầu riêng để ngày mai Vương Nhất Bác mang lên biếu thầy Hàm. Bánh nướng thì quá truyền thống rồi, vợ thầy cũng làm nhiều nữa. Nên suy đi tính lại, mua bánh dẻo sầu riêng vẫn lạ miệng hơn. Nghe đến sầu riêng nhiều người sẽ sợ bị mùi, nhưng bánh ở khách sạn được xử lý khá cẩn thận, vẫn còn tươi ngon. Hai chúng tôi lại cố tình chọn loại vị thanh nhạt hơn một chút, rất dễ ăn.

Ngoài ra, chúng tôi còn mua thêm ba hộp bánh nữa, mỗi hộp bốn chiếc.

Ài đừng hiểu nhầm, tôi không tài nào ăn hết chỗ bánh ấy đâu. Chọn đi chọn lại, tôi tổng kết được ba vị mà mình thích nhất là bánh nướng hạt sen đỏ. Đây là loại năm nào tôi cũng phải ăn rồi. Hạt sen đỏ được sên mịn, vừa thơm vừa mềm, cho vào trong miệng là tan ra ngay đầu lưỡi, cắn một miếng là không dừng lại được. Bánh dẻo sầu riêng thì khá lạ miệng, nhâm nhi thêm ly trà thì không còn gì bằng. Cuối cùng là dòng bánh dẻo từ các loại trà, mùi hương độc đáo mà không bị ngọt ngấy, Vương Nhất Bác ăn được loại này.

"Em sáu chiếc anh sáu chiếc, mỗi người một nửa." Tôi vừa bấm ngón tay vừa lẩm nhẩm.

"Được rồi, mình gửi tạm bánh ở đây rồi đi ăn trước đã." Vương Nhất Bác mỉm cười, vỗ nhẹ lưng tôi. "Lát quay lại lấy sau."

Cậu dẫn tôi tới ăn ở một nhà hàng khá nổi tiếng về tiểu long bao. Ngoài bánh nhân thịt truyền thống, nhà hàng còn sáng tạo thêm cái vị đặc biệt khác như vị tỏi, nấm truffle, vị cua cay, ... Lúc nhân viên mở hạp bánh ra, nhìn mấy viên tiểu long bao đủ màu đủ vị đang tỏa khói nóng, tôi không kìm được mà cong mắt cười.

Vương Nhất Bác chỉ cho tôi cách ăn, phải bắt đầu từ vị truyền thống trước, vì nó nhạt miệng nhất. Rồi sau đó theo chiều kim đồng hồ ăn sang các vị bánh khác. Càng về sau vị bánh sẽ càng nồng đậm hơn.

Cậu vừa giải thích vừa giúp tôi đổ gừng và giấm ra bát.

"Xong rồi đó. Anh ăn đi không bánh nguội mất."

Tôi gật gật rồi cầm đũa, cẩn thận nhấc viên bánh vỏ mỏng tang lên, chấm một lớp dấm, rồi đưa lên miệng cắn một miếng be bé. Nước súp ngọt tràn từ nhân bánh vào khoang miệng, nóng đến mức đầu lưỡi tôi tê tê, nhưng vẫn sì sụp hút từng ngụm nhỏ. Sau cùng, tôi chấm thêm dấm một lần nữa, rồi bỏ cả viên bánh vào miệng nhai nhai. Trời ơi, đây chắc là viên tiểu long bao ngon nhất tôi từng ăn. Bánh được nặn ở mức vừa đủ, vỏ mỏng nhưng cũng không bỏ quá nhiều thịt, kết hợp lại với nhau thành một tổng thể hoàn hảo.

Vương Nhất Bác nhìn thấy vẻ mặt hạnh phúc khi được ăn ngon của tôi thì mỉm cười nuông chiều.

"Hàng này nổi tiếng về tiểu long bao lắm."

"Ừ." Tôi vừa ăn vừa đáp lại cậu. "Không ngờ ở Trùng Khánh có quán đồ ăn ngon vậy luôn."

"Anh ít ra ngoài nên không biết thôi."

"Tại anh không có thời gian, cuối tuần rảnh cũng chỉ muốn ở nhà chăm ba mẹ chút thôi. Cả tuần đã đi làm ít nói chuyện với họ rồi mà."

"Ừ. Thỉnh thoảng tôi mang anh ra ngoài ăn nhé?" Vương Nhất Bác ngập ngừng hỏi "Chắc không mất nhiều thời gian đâu, đi ra ngoài chút cho thoáng đãng. Đi ăn cơm rồi đi loanh quanh thành phố thôi."

Cuối tuần, ra ngoài, hai chúng tôi? Mặt tôi bất giác đỏ ửng.

"Uhm, nên ra ngoài nhiều chút. Anh sắp không nhận ra Trùng Khánh rồi..." Tôi lí nhí đáp lại.

Tuần sau là Trung Thu. Trung Thu là tết đoàn viên. Mấy năm trước đi học xa nhà, tôi chẳng mấy khi được trải qua ngày tết này với gia đình. Năm nay thì khác, tôi chuyển trọng tâm công tác về thành phố quê hương, nên đây sẽ là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi được ăn Trung Thu với ba mẹ.

Vương Nhất Bác hẳn cũng đoán được tâm tình của tôi, nên cậu có vẻ khá ngại ngùng khi hỏi tôi có muốn ra ngoài hôm ấy không.

"Tôi qua nhà đón anh, tầm 9-10h. Ở gần khu đó mấy năm trước đã quy hoạch để xây công viên rồi. Hằng năm hay có hội rước đèn trông trăng của đám học trò nhỏ, cũng náo nhiệt lắm."

Vẻ bồn chồn hồi hộp của cậu khiến tim tôi thoáng rung động. Cậu lúc nào cũng nghĩ cho tôi trước như thế, rủ đi chơi cũng phải đợi tôi dành thời gian bên gia đình trước, rồi chỉ đi loanh quanh gần nhà tôi để tôi được trở về sớm. Tuy cậu chẳng mấy khi nói ra, nhưng tôi biết mình lại đang được nuông chiều rồi.

"Ừ, nghe theo em hết." Tôi mỉm cười đáp lại cậu.

Bản thân tôi cũng ôm nhiều mong chờ với đêm trung thu, vì đấy là lần đầu tiên chúng tôi ra ngoài với nhau (tất nhiên là không tính lần đi mua bánh phát sinh này). Gặp nhau nhiều là thế, nhưng suốt mấy tháng qua chúng tôi chỉ đi ăn trưa, rồi nấu ăn cùng nhau thôi. Dù không ai bảo ai, nhưng cả hai đều hiểu rõ giữa chúng tôi vẫn còn một bức tường vô hình. Bức tường này ngày trước đã tồn tại, kiên cố dày dặn. Giờ đây, sau bao nhiêu tháng ngày cùng nhau, nó đã bị chúng tôi mài mỏng, nhưng vẫn luôn hiện diện. Chẳng biết, lần này tôi có đủ dũng cảm để phá nó đi không?


Cái đêm trung thu mà tôi mong chờ ấy, cuối cùng cũng đã đến.

Hôm nay là thứ 6, may mắn tôi không có ca trực ở bệnh viện. Đúng 5.30, tôi thu xếp xong công việc rồi về nhà sớm. Ba mẹ tôi tối nay có hoạt động biểu diễn ở câu lạc bộ văn nghệ trong phố, nên lúc tôi về nhà cả hai người đã tất tả nấu cơm. Mâm cỗ đêm trăng không quá cầu kì, hai mặn một canh một rau. Mẹ tôi còn đặc biệt nấu thêm nồi chè sen.

"Mẹ ơi, cho con nấu với." Tôi chui vào bếp, ôm lấy lưng mẹ.

"Tiểu Tán về rồi đấy à?" Mẹ tôi đang khuấy chè trong nồi, thấy tôi trở về thì mỉm cười. "Hôm nay được về sớm thế? Lại đây giúp mẹ nêm đường vào chè đi."

"Dạ." Tôi với tay lấy hộp đường trên giá bếp "Cho bao nhiêu ạ?"

"Ôi dào, con nêm vừa miệng con là được. Toàn con ăn chứ ai..." Mẹ tôi phất tay, bỏ đi làm việc khác.

"..." Tôi thật sự tham ăn đến thế sao.

Có điều, mỗi dịp trung thu tôi sẽ ăn nhiều hơn thật. Tôi vốn có niềm yêu thích vô bờ bến với bánh trung thu, lại hảo ngọt, thích ăn các loại chè từ tinh bột, đậu xanh hay hạt sen các loại. Mẹ tôi là người phụ nữ truyền thống, ngoài làm cơm bình thường ra bà cũng rất giỏi mấy món cổ truyền này, nên tôi ăn nhiều lắm. Theo xã hội ngày càng phát triển, con người ta cũng trở nên "hiện đại" hơn. Bây giờ ít có gia đình nào còn tự nấu chè sen, chè đậu xanh dịp tết. Một là vì mấy thứ quà này đã trở nên hơi "cũ", không so được với vị hiếm lạ của món tây bây giờ. Hai là vì ở siêu thị bán đầy, nhà nào muốn ăn ra đó mua một đĩa chè nấu sẵn vô cùng tiện lợi.

Chỉ có mẹ biết tôi vẫn nhớ vị chè sen quê nhà, nên năm nào cũng cặm cụi nấu cho tôi thôi.

Trong khi hai mẹ con tôi chuẩn bị cơm trong bếp, thì ba ở ngoài cắt hoa quả, bổ bưởi trang trí mâm cỗ. Lúc tôi bê đồ ăn ra ngoài, thấy ba vẫn đang tỉ mẩn cắt tỉa từng múi bưởi để xếp thành hình cún con.

"Ông lại làm chó bưởi đấy à?" Mẹ tôi nấu nướng xong xuôi thì cũng đi ra ngoài phòng khách.

"Năm nay Tiểu Tán về nhà, phải làm cún con cho Tiểu Tán có bạn chơi."

"Năm nào cũng chó không ra chó mèo không ra mèo mà vẫn thích học đòi..."

"Kệ tôi chứ. Làm cho con trai tôi mà..."

Tôi mỉm cười nhìn hai ông bà già đôi co qua lại. Toàn là mấy chuyện lông gà vỏ tỏi, nhưng có cãi nhau thế này mới là một gia đình chứ, nhỉ?

Ba tôi lần mò gần nửa giờ, thì cũng miễn cưỡng làm ra được một bé cún nhỏ.

"Tiểu Tán lại xem em trai nè..."

Tôi "..."

"Tiểu Tán đừng để ý ông già ấy. Mau ăn cơm thôi, lát mẹ còn phải đi biểu diễn với hội dưỡng lão."

"Dạ."

Tuy nói là phải đi biễu diễn, nhưng cả nhà tôi vừa ăn vừa trò chuyện lai rai đến hơn một tiếng mới xong. Tôi giúp ba mẹ thu dọn, rồi sau đó lại bổ bánh, châm trà để phá cỗ.

Trùng Khánh là thành phố núi, nhà cửa được xây tầng tầng lớp lớp, muốn ngắm trăng thật thì khó lắm. Lại thêm mấy năm nay các nhà máy mọc lên như nấm, không khí cũng ô nhiễm hơn nữa. Vậy nên cả nhà tôi chỉ mở vô tuyến xem ca nhạc, chứ không ra ngoài trông trăng.

"Tiểu Tán mau ăn em trai đi." Ba đẩy đẩy cún bưởi về phía tôi.

"Ba!"

"Hahaha" Ba thấy tôi nhăn nhó thì khoái chí cười. "Anh đi xa nhà 6 năm nên năm nào ba cũng phải làm cún con này cho vui cửa vui nhà đấy."

"Con đi học mà ba." Tôi biết xa con trai, ba mẹ buồn nhiều. Nhưng ba ơi, có ai mà kháng lại được sức mạnh của sự trưởng thành. "Vả lại, chẳng phải con đã về hay sao."

"Ừ, về là tốt rồi." Mẹ tôi gật gù. "Con nó xa nhà để đi học, lo cho sự nghiệp, ông phải nghĩ cho nó chứ."

"Thì tôi có dám nói gì đâu, nhớ con quá thì mới than thở vài câu thôi." Ba tôi phân trần.

"Tiểu Tán ở ngoài phấn đấu nhiều năm, sự nghiệp đã tạm ổn định rồi." Mẹ lại nói tiếp "Năm sau cố gắng mang về cho ba mẹ cô con dâu thì ba mẹ hạnh phúc không còn gì bằng."

"Khụ..." tôi đang ăn miếng táo mà ho sặc sụa. Tài bẻ lái của mẹ tôi quả thực nếu xưng số hai không ai dám nhận mình số một.

"Ba ơi..." Tôi quay sang ba kêu cứu.

"Mẹ nói đúng đấy."

Tôi trân trối nhìn ba. Bình thường ba chiều tôi lắm, chỉ cần không làm gì sai trái thì ba luôn để tối theo ý mình. Ấy vậy mà lần này, ông cũng không bênh tôi.

"Con cũng gần ba mươi rồi, phải tính dần đi." Ba tôi nói. "Không phải vì ba mẹ có tuổi, muốn bế cháu đâu. Nhưng con cứ một thân một mình, đi làm từ sáng sớm tới tối sẩm mới về, ba mẹ lo lắm. Sau này, nhỡ như ba mẹ không có ở đây, thì..."

"Ba..." Tôi đau lòng kêu lên "Ba nói linh tinh gì đấy. Con làm bác sĩ mà lại không chăm sóc được cho ba mẹ hay sao."

"Ba mẹ là nói nếu như thôi. Gì mà đã rơm rớm nước mắt rồi." Ba tôi vừa lắc đầu hiền từ vừa xoa đầu tôi.

Đúng là dù có lớn đến đâu thì tôi vẫn mãi là đứa con nhỏ của ba mẹ thôi. Tôi cứ nghĩ mình trở về quê hương để có thời gian chăm sóc cho ba mẹ nhiều hơn. Hóa ra, vẫn là họ đang yêu thương che chở cho tôi.

Tôi cũng không còn bé nữa. Tuổi tôi nhiều người đã lập gia đình, có con cả rồi. Ngay cả cô người yêu cũ Vương Nhất Linh cũng đã lên xe hoa đầu năm nay. Hồi còn bé, tôi làm việc gì cũng thuận lợi. Học tập đứng nhất lớp, lại giỏi hội họa, thơ ca. Mấy dì trên phố mỗi lần thấy tôi đều mỉm cười khen Tiểu Tán ngoan ngoãn, giá mà đẻ được đứa con thế này thì còn gì bằng. Khỏi phải nói cũng biết mấy đứa nhỏ hàng xóm ghen tị với tôi thế nào. Nhưng có ai ngờ, kẻ ngày xưa cái gì cũng giỏi, lại vẫn khiến ba mẹ lo lắng đến tận bây giờ.

Cho tới khi học trung học, tôi vẫn nghĩ mình sẽ cứ theo lộ tuyến hoàn hảo đã vạch sẵn mà đi thôi. Đỗ vào trường y, trở thành một bác sĩ, rồi có điều kiện thì học thêm chuyên sâu. Ngành y vốn bận rộn, chắc sẽ không có thời gian tìm hiểu ai. Nên nếu gặp được ai trong ngành khiến mình ưng ý, thì tôi sẽ làm quen rồi kết hôn luôn.

Cho đến khi gặp Vương Nhất Linh, tôi vẫn chỉ nghĩ mình sẽ chệch khỏi con đường ấy một chút thôi. Không lấy người trong ngành thì yêu cô kế toán cũng được, biết quản lý tài chính gia đình. Thế nào cũng là vợ đảm cả.

Nhưng nhìn xem tôi bây giờ đi, sống gần ba thập kỉ mà vẫn để người thân phải lo lắng. Mấy đứa nhóc hàng xóm mới ngày nào vẫn còn đuổi theo bóng lưng tôi, giờ đã làm cha làm mẹ hết rồi, còn tôi đến cả lời thật lòng nhất cũng chẳng dám nói với người thương, chỉ biết dè dặt thăm dò từng chút một, chỉ sợ sơ sảy một chút, sẽ đẩy chúng tôi thành hai kẻ xa lạ.

Ba thấy tâm trạng tôi trùng xuống thì cũng không nói thêm nữa, kể mấy câu chuyện cười vụn vặt trong phố. Tôi biết ba đang chọc cho mình vui, nên cũng cố cười thật nhiều.

Đến tầm 9h, ba mẹ tôi rời khỏi nhà đi tham gia biểu diễu văn nghệ, còn tôi ngồi đợi Vương Nhất Bác. Cậu hẹn tôi tầm 9-10h, nhưng không nói rõ là lúc nào, nên tôi có chút bồn chồn.

Mấy lời của ba quả thực làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Càng nghĩ lại càng thấy mình vô dụng, chẳng làm được gì. Những lúc thế này, tôi bỗng muốn gặp cậu hơn bao giờ hết.

"Bao giờ em tới thế?"

Tôi gửi một tin nhắn cho Vương Nhất Bác, nhưng không nhận được hồi âm.

Chắc cậu đang lái xe tới rồi.

10 giờ kém 5 phút, vẫn không thấy bóng dáng cậu đâu. Tôi bắt đầu lo lắng đi lại loanh quanh trước cửa nhà.

Hồi trước Vương Nhất Bác có qua nhà tôi mấy lần, nên hẳn phải biết nhà rồi. Cậu chắc không lạc đường đâu nhỉ.

10 giờ 03 phút, tôi nhìn điện thoại. Vẫn không có tin nhắn mới.

Thôi thì cứ coi như cậu đến muộn chút đi.

10h 09 phút, chuông điện thoại của tôi cuối cùng cũng vang lên.

"A lô"

"Bác sĩ Tiêu phải không nhỉ?" Một giọng nữ khá gấp gáp vọng lại từ đầu bên kia. Mất năm giây, tôi mới nhận ra được đây là y tá Lưu ở bệnh viện.

"Dạ đúng rồi ạ." Tôi lễ phép đáp lại.

"Cậu đến bệnh viện ngay được không, có một ca cấp cứu đột ngột do ngã xe motor. Bác sĩ Tống ở đây nhưng do ca này khá nghiêm trọng, cô ấy không ứng phó được."

"Em đến ngay."

Ngã xe motor. Tôi không nhìn được mà nhớ đến cảnh Tạ Phong người đầy thương tích, chống nạng đứng trước cửa nhà Vương Nhất Linh. Môn thể thao nguy hiểm đến vậy, tại sao vẫn nhiều người yêu thích như thế kia chứ?

Cảm giác bồn chồn đến cồn cào ruột gan càng rõ ràng hơn trong tôi. Nhưng là một bác sĩ chuyên nghiệp, tôi vẫn nhanh chóng thu dọn đồ đạc tới bệnh viện. Đi gấp thế này nên đành lỡ hẹn với Vương Nhất Bác vậy. Chắc là cậu có việc nên sẽ tới muộn thôi. Không sao đâu. Tôi tự trấn an mình, rồi tìm điện thoại muốn nhắn tin dặn cậu mình phải đi trước.

Nhưng ngay khi tôi kịp soạn tin nhắn, điện thoại reo lên lần nữa. Lần này là từ số của Vương Nhất Bác. Cảm giác bồn chồn trong lòng dịu đi một chút, tôi run run đưa tay lên nghe máy.

"A lô anh Chiến ơi, em Quách Thừa đây. Vương Nhất Bác bị thương đang ở bệnh viện trường mình, anh đến ngay đi."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip