1. NGỰA THẦN TRÊN NÚI THỐNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. NGỰA THẦN TRÊN NÚI THỐNG

(Bà mẹ Nùng Trí Cao)

- Thôi con ạ, mẹ con ta hãy nghỉ chân ở đây. Có lẽ đã thoát nạn rồi, quân triều đình không đuổi được đến đây đâu.

Vừa nói, bà A Nồng vừa ném cái đãy xuống đất, đặt thanh gươm bên cạnh mình, thở hổn hển. Cậu con trai 14 tuổi chạy sát theo bà, cũng nhảy qua mỏm đá, nhoài xuống bên lưng mẹ.

- Chỗ này là chỗ nào hở mẹ?

A Nồng phóng tầm mắt nhìn bốn phía núi non trùng điệp, cố nhận ra dấu vết bản Mường, đường sá, rồi bỗng vui mừng hớn hở:

- Có lẽ đây là động Lôi Hỏa đấy con ạ. Nếu đúng thì thật là may. Đây là vùng thuộc quyền chú con cai quản.

Bà dừng lại một chốc để quan sát cho kĩ hơn, rồi gật đầu:

- Đúng như vậy. Mẹ đoán không sai. Mẹ con ta có chỗ nương thân rồi.

Hai mẹ con A Nồng đang trên đường chạy loạn. Bà vốn là vợ của một vị thủ lĩnh người Nùng, kiểm soát cả châu Quảng Nguyên này, (ngày nay là tỉnh Cao Bằng) tên là Nùng Tồn Phúc. Ông Phúc có tài võ nghệ, đứng đầu cả một vùng núi rừng rộng lớn, giàu tài nguyên, đông dân cư. Ông đã mở mang thế lực, chiếm đoạt luôn nhiều phần đất bên cạnh, như châu Vũ Lặc (cũng thuộc Cao Bằng) và Châu Vạn Nhai (nay thuộc tỉnh Bắc Thái). Tự thấy mình là anh hùng vô địch, ông không muốn chịu sự cai quản của nhà Lí nữa, nên tự xưng làm vua.

Việc này xảy ra vào năm 1038. Năm đó, con trai ông là Nùng Trí Cao mới 14 tuổi.

Tin Nùng Tồn Phúc nổi loạn truyền đến Thăng Long. Vua Lí Thái Tông lập tức thân chinh lên Quảng Nguyên đánh dẹp. Dù có thế lực hùng hậu, cũng không sao địch nổi quân triều đình, Nùng Tồn Phúc và con trai cả là Nùng Trí Thông đều bị bắt, bị giết. Bà A Nồng chỉ kịp đem Trí Cao trốn chạy. Mấy ngày gian lao vất vả, hôm nay hai mẹ con đã ra khỏi biên giới Việt Trung. May mắn, quân nhà Lí không đuổi theo, hai mẹ con chạy sang đúng địa phận động Lôi Hỏa, nơi một người em trai của Tồn Phúc đang làm thủ lĩnh ở đó. A Nồng bảo con trai:

- Mẹ đã có lời can gián khuyên cha con nên thần phục triều đình nhà Lí. Bản làng chúng ta cũng thuộc vào phần đất nước Nam, dân chúng các khê động đều một lòng gắn bó miền ngược, miền xuôi. Chỉ tại cha con không nghe, nên mới đến nông nỗi này.

Cậu bé Trí Cao im lặng đứng nghe lời mẹ. Tuy còn ít tuổi, nhưng cậu vẫn theo dõi, suy tư về những chuyện đã xảy ra. Song bây giờ không phải là lúc trách cha, trách anh gì được. Phải tìm nơi nương tựa để qua ngày hoạn nạn gieo neo. Cậu lẩm bẩm đôi lời với mẹ. A Nồng đồng ý. Sau khi nhấm nháp mấy chiếc bánh ngô khô khốc cùng với mấy đọt cây mọng nước, hai mẹ con lấy lại sức, rồi thất thểu đi vào động trong, tìm nơi trú ngụ.

Người chú của Trí Cao thu xếp cho hai mẹ con ở một khu bản hiu hắt dưới chân núi Khâu Sầm. Ông cấp đầy đủ lương thực, dụng cụ, nương rẫy, và giao cho Trí Cao nuôi một bầy ngựa. Hai mẹ con vui vẻ tuân theo. Người chú vẫn sợ sự truy quét của triều đình nhà Lí nên căn dặn hai mẹ con không được đi xa. Ông thường khuyên bảo cháu phải yên phận, đừng nghĩ gì đến những chuyện thù hằn, uất hận. Mẹ con Trí Cao vâng vâng, dạ dạ, nhưng vẫn cố giấu niềm riêng, không phàn nàn hay thở than gì với người chú cả.

Nuôi ngựa vốn là một sở trường của bà A Nồng. Hồi Nùng Tồn Phúc cầm quân, coi sóc bản mường, chính bà được giao việc hậu cần cho chồng. Vùng sơn cước này lại là vùng chủ yếu phải dùng ngựa để đi lại giao thông, chuyên chở hàng hóa. Do đó, A Nồng biết rõ các giống ngựa. Vả lại quân đội của Tồn Phúc phần nhiều là các toán kị binh, họ cũng thành thạo trong việc chọn lựa và luyện tập ngựa chiến. Do đó mà A Nồng dần dần thành thạo cả phép dạy ngựa. Bà biết tính nết của từng con tuấn mã, biết cách bày các loại trận như thế nào và sử dụng chiến mã ra sao. Nay được giao cho nuôi ngựa, thật là vô tình bà được dịp phát huy những điều sở đắc. A Nồng tự thân chăm sóc đàn ngựa và bày vẽ cho con nắm được những bí quyết chăn nuôi, luyện tập ngựa của mình.

Trí Cao càng lớn càng thông minh, sắc sảo. Cũng như mẹ, anh thấy được làm chủ một đàn ngựa, thật là cơ hội tốt cho anh. Anh cố sức đêm ngày tập luyện, nghe theo lời chỉ dẫn của mẹ để nâng cao trình độ sử dụng ngựa của mình. Anh chọn lấy một con ngựa tốt, cùng với nó tung hoành, len lỏi khắp vùng khe núi động Lôi Hỏa. Khi anh tế ngựa như bay trên cánh đồng rộng, vượt đồi, vượt khe... Khi anh đi nước kiệu cho ngựa lách mình qua những con đường độc đạo trong đám tre vầu, lau sậy. Cũng có lúc anh cho ngựa phi thân lao vút từ mỏm núi này sang mỏm núi khác giữa cơn mưa tầm tã hay trong đêm tối mịt mùng. Anh nghe theo mẹ, luyện những viên thuốc riêng để bồi dưỡng sức khỏe cho ngựa, sửa sang chu đáo những chân móng, hàm thiếc, dây cương. Con ngựa khôn ngoan cũng biết chiều theo ý chủ, gắn bó với anh như một người bạn, một người đầy tớ trung thành. Dân chúng bản mường dần dần quen với hình ảnh người tráng sĩ cùng con tuấn mã. Họ trầm trồ, bàn tán với nhau về những lúc được chứng kiến Nùng Trí Cao phóng ngựa trên đỉnh núi, dưới khe sâu với những động tác phi thường gây sự kinh ngạc. Họ đồn rằng: "Ngựa của anh là ngựa thần, ngày đi ngàn dặm. Nghe đâu bố của con ngựa ấy là con rồng nên nó mới "hay" như vậy, và tìm được đúng nó để cho con mình huấn luyện là công lao của bà A Nồng. Vì bà đã nằm mộng thấy một vị thần đến mách cho những dấu xoáy riêng trên mình ngựa, nên bà mới phát hiện được vật báu trời cho. Ngựa ấy là ngựa thần. Người đời, trừ mẹ con Trí Cao ra, ai mà sai khiến được".

Càng lớn lên, Nùng Trí Cao càng muốn một mình nghênh ngang một cõi biên thùy, xưng bá, xưng vương, chứ tội gì mà khuất thân đầu hàng nhà Lí. Đây là điều hai mẹ con anh không hợp ý nhau. Bà A Nồng cho rằng về với nước Nam là con đường đúng đắn nhất. Đáng lo là ở phía nhà Tống bên Trung Quốc kia. Nhà Tống cậy thế thiên triều, rất coi thường dân chúng ở các vùng khê động, và chính quân Tống cũng lăm le cướp đất nước Nam kia mà. Bà nhiều lần bàn bạc với con, khuyên con nên nghĩ lại. Trí Cao nể mẹ, không dám cãi lời, nhưng anh đã có chủ ý khác.

Một hôm Trí Cao trốn mẹ tập hợp một số thủ hạ, bất thần kéo quân về cướp lại châu Thảng Do, đánh đuổi quân quan nhà Lí. Anh thu được toàn thắng và lại noi gương cha ngày trước, tự xưng làm vua. (1041). Bà A Nồng được mời về làm Thái hậu, nhưng bà luôn luôn lo lắng băn khoăn. Bà thấy rõ cách xử sự sai lầm của con, nhưng không biết làm cách nào để sửa đổi. Bà tự nhủ phải kiên trì và chờ cơ hội tốt để can ngăn con. Quả nhiên, vua Lí lại điều quân lên đánh. Trí Cao thua to, bị bắt sống ngay giữa trận tiền.

A Nồng hoảng hốt. Bà tự thân xin vào doanh trại, cầu xin vua Lí dung thứ cho sự liều lĩnh của con trai mình. Lí Thái Tông thương hại hoàn cảnh của Trí Cao đã mất cha, mất anh và cảm tấm lòng thành thực của A Nồng, nên đồng ý cho Trí Cao được hàng phục. Nhà vua lại phong cho Trí Cao hàm Thái bảo (1043) để vỗ về. Trí Cao nhận ra lời khuyên của mẹ là khôn ngoan, hợp lí. Anh trở về coi sóc phần đất được giao cho mình quản trị, và trở thành con người hùng cứ một phương. Sau này, cũng có lúc anh muốn dựng cờ chống lại triều đình, nhưng bà mẹ đã hết sức khuyên bảo, can ngăn. Tuy nhiên, bà hiểu chí bất khuất của con, và cũng không muốn chặn sức tung hoành của chàng trai trẻ. Bà khuyên con nên đương đầu với nhà Tống, sẽ có điều kiện bộc lộ cái tài thần vũ của mình hơn. Quả nhiên, Nùng Trí Cao mở cờ gióng trống, chiến đấu với nhà Tống. Chỉ trong vòng mấy tháng năm Nhâm Thìn (1052), Trí Cao đánh một loạt các Châu Ung, Châu Hoành, Châu Tầm, Châu Đằng, Châu Ngô, Châu Đoan. Vua Tống sai viên đại tướng là Tống Địch Thanh ra cự địch. Địch Thanh phải dùng mẹo lừa mới phá được quân của Trí Cao. Trong cơn binh hỏa rối ren, quân sĩ bị tan tác. Nhưng Nùng Trí Cao đã thoát được vòng vây. Nhiều người sau này kể chuyện rằng: "Chính mắt họ thấy Trí Cao ngồi trên mình ngựa, nhảy vọt lên không cao đến hơn ba trượng rồi bay vút vào khoảng không mênh mông, không ai nhận ra dấu vết. Và từ đó, không còn ai thấy tung tích Trí Cao đâu nữa". Sử sách Trung Quốc cũng chỉ chép một cách mơ hồ. Có sách chép Trí Cao trốn vào nước Đại Lịch thuộc tỉnh Vân Nam rồi chết ở đó. Có sách lại nói Trí Cao bị một số người phản bội là các nữ tướng Đoàn Hồng Ngọc, Vương Loan Anh làm nội gián nên kẻ địch mới giết được anh.

Cơ đồ tan hoang, con trai bị mất tích, bà A Nồng lại một phen nữa lẩn tránh trong núi thẳm hang sâu. Bà gắng sức tìm kiếm những họ hàng con cháu và các thân thuộc còn sống sót, tập hợp lực lượng lại để mưu đồ báo phục. Bà lập lại một khu trang trại ở châu Đặc Ma, mộ quân, nuôi ngựa. Bà cho người thân tín về Thăng Long cầu cứu với vua Lí để đem quân ra biên thùy giúp đỡ cho mình. Nhưng tin tức Nùng Trí Cao không đến với bà nữa. Tuổi già sức yếu, sau một vài trận chống chọi bằng lối đánh du kích chống lại quân Tống, bà không cưỡng lại được những vất vả gian lao. Cuối cùng, bà qua đời dưới chân núi Khâu Sầm (tiếng thông thường còn gọi là núi Thống). Nhân dân đồn đại nhiều câu chuyện huyền thoại. Họ cho là Nùng Trí Cao đã ứng hiện, cưỡi ngựa thần về núi Thống đón mẹ lên trời.

Triều đình nhà Lí rất cảm phục tấm gương của bà A Nồng. Nghe tin bà mất, vua Lí đã cho lập đền thờ, sắc phong cho bà là Bà Hoàng Khâu Sầm Đại vương, liệt vào hạng thượng đẳng thần. Nùng Trí Cao cũng được lập đền thờ như mẹ. Cả hai ngôi đền hiện nay vẫn còn ở làng Bản Ngầu, xã Vinh Quang, huyện Hòa Vang, tỉnh Cao Bằng ngày nay. Nhân dân đều gọi hai mẹ con bà là Nùng Vương - Vua của tộc người Nùng. Câu thơ: "Nùng Vương sự nghiệp thế gian hi" (sự nghiệp của vua Nùng trên thế gian này là hiếm có) vẫn được nhiều người nhớ đến.

ĐỖ MINH TÂM

(Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)


Tham khảo

- Đại Việt sử kí toàn thư

- Lí Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.

- Lịch sử tỉnh Cao Bằng của Tỉnh ủy Cao Bằng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip