Chương 17: Sóng gió bắt đầu (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Trong vườn sau của Nhữ Hiên các, Lâm Vũ Linh đang gọt một đĩa dưa, Nguyệt Hằng đứng sau lưng quạt mát cho Hoàng Lan. Những lúc nhàn rỗi như thế này, Hoàng Lan thường ngồi nhớ lại chuyện xưa.

Tính ra nàng lạc đến thời đại này cũng đã gần ba tháng.

Mấy tháng rồi, con người và cảnh sắc nơi đây đều bước vào cuộc đời nàng như một thói quen.

Nhữ Hiên các được chính tay Hoàng Lan dọn dẹp lại, trở nên thoáng đãng và đẹp mắt hơn trước. Có một lần Ngọc Chân ghé chơi, nhận xét cách bài trí đồ đạc của Nhữ Hiên các khá kỳ cục, nhưng càng nhìn càng cảm thấy thú vị và hợp lý. Nghe đâu chiều hôm đó trở về Thanh Thủy lâu, Ngọc Chân cũng học theo Hoàng Lan mang đồ đạc ra xếp loạn xì ngầu, kết quả bị hoàng thượng mắng một trận, lại phải hì hục xếp lại như cũ.

Vũ Linh theo Hoàng Lan vào cung từ dạo đó. Thực ra Hoàng Lan muốn để Vũ Linh về quê nhưng nàng ta không chịu. Cực chẳng đã, Hoàng Lan đành xin Tư Thành cho Vũ Linh ở lại trong cung, làm cung nữ hầu hạ trong Nhữ Hiên các.

Thỉnh thoảng rảnh rỗi, Ngô Chi Lan lại vào cung tiếp tục dạy chữ cho Hoàng Lan. Có lần cùng Hoàng Lan dạo chơi ngắm sen, Ngô Chi Lan tình cờ nhìn thấy một cung nữ đang chèo thuyền hái những búp sen mới nở. Đứng trước cảnh sắc hữu tình hữu ý ấy, Ngô Chi Lan nổi hứng ngâm nga:

"Tương khan lục mấn niên,

Vô sự thái khê liên.

Tiểu cô, kiều bất ngữ,

Ðái tiếu học sanh thuyền.

Liên hoa viễn cận hương,

Thái thái tổng sơn nương.

Mạc khiển phong xuy mấn,

Băng cơ nguyên tự hương." (1)

Câu từ rườm rà khiến Hoàng Lan khó hiểu hết nghĩa, song nàng vẫn cảm nhận được sự mượt mà trong mỗi áng thơ.

Từ ngày Hoàng Lan trở thành Nguyễn sung nghi, Tư Thành thường đến Nhữ Hiên các dùng bữa. Ban đầu Hoàng Lan còn ngần ngại vì nàng hiểu rằng, bản thân càng thân thiết với hoàng thượng, nàng càng trở thành cái bia cho đám phi tần ngoài kia tập bắn. Nhưng nghĩ lại, giờ Hoàng Lan là kẻ ăn nhờ ở đậu, mà khách trọ lại đuổi chủ nhà thì không phải phép lắm, cuối cùng nàng đành mặc kệ, chuyện đến đâu tính đến đấy.

Tư Thành cũng có lý do riêng của mình. Ngài có thói quen ăn uống thanh đạm từ hồi còn là Bình Nguyên vương, mà chỉ ở Nhữ Hiên các mới có cơm canh dân dã như nhà thường dân, thành ra lại hợp khẩu vị của ngài. Ngày đầu tiên, Tư Thành ngồi ăn còn Hoàng Lan đứng hầu theo đúng phép tắc, không khí có phần im ắng và gượng gạo. Sang những ngày sau, được Tư Thành cho phép, Hoàng Lan mới dám ngồi ăn cùng, rồi dần dà thành quen, hai người họ vừa dùng bữa vừa tán gẫu chuyện trên trời dưới biển, thậm chí có lúc nổi hứng còn trêu nhau vì miếng cá kho hơi nhừ, để rồi cùng nhau bật cười ha hả.

Hoàng Lan nhận thấy, hoàng thượng cũng không đến mức khô khan như mình nghĩ.

Tư Thành cũng nhận thấy, chỉ đến Nhữ Hiên các, ngài mới được ăn một bữa ngon lành và thoải mái như vậy.

Thỉnh thoảng khi trời đã tối muộn mà vẫn chưa thấy Tư Thành trở về điện Bảo Quang, Hoàng Lan chột dạ nhắc khéo vài câu, kiểu gì cũng bị ngài mỉa mai:

"Nàng yên tâm, nếu muốn tìm mỹ nhân, trẫm sẽ đến Đan Ngọc các hoặc Diêu Tú viện. Nhớ kĩ cho trẫm, trẫm chỉ đến đây để dùng cơm thôi."

...

Phùng Diệm Quỳnh đang cùng tiệp dư Hạ Diệp Dương tản bộ ngoài ngự hoa viên. Hạ Diệp Dương có gia thế đơn giản, nhờ tặng bức tranh uyên ương mà kết giao được với người đứng đầu cung Thụy Đức.

Đang vui câu chuyện, chợt Phùng Diệm Quỳnh thấy một đám nội thị khệ nệ bưng mấy mâm đồ đi qua, trong mâm là khoai sọ, khoai lang, bánh nếp... toàn những nông sản tầm thường thì không khỏi hiếu kì. Diệu Hoa bèn kéo một người lại hỏi, hóa ra đó là nông sản vùng Thanh Hoa tiến cung, hoàng thượng dặn đem đến Nhữ Hiên các cho Nguyễn sung nghi.

Suốt cả tháng nay, "Nguyễn sung nghi" là từ mà Phùng Diệm Quỳnh dị ứng nhất.

"Thưởng cho Nguyễn Hoàng Lan? Cô ta thì có công trạng gì mà cũng được ban thưởng?"

Trong ấn tượng của Phùng Diệm Quỳnh, Nguyễn Hoàng Lan mãi mãi là một nhạc công xuất thân hèn kém. Hạ Diệp Dương thì bĩu môi:

"Huệ phi quên rồi sao? Nguyễn sung nghi từng được bệ hạ khen ngợi là am hiểu thủy văn, có lòng thương người. Nay tình hình Thanh Hoa dần ổn định, dân chúng ở đó nhớ ơn triều đình nên dâng tặng nông sản, bệ hạ tất nhiên sẽ chia cho Nguyễn sung nghi đầu tiên rồi."

Một câu Nguyễn sung nghi, hai câu Nguyễn sung nghi! Nếu không niệm tình Hạ Diệp Dương này còn có chỗ hữu dụng, Phùng Diệm Quỳnh đã thẳng tay xử trí nàng ta cho hả giận rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip