Chap Niem Ma Dao Ban Ve Chinh Va Ta Chinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Trong truyện của Mặc Hương Đồng Khứu, không ai đúng hoàn toàn cũng không ai sai hoàn toàn. Người lương thiện chính nghĩa cũng có lúc không thể giữ vững sơ tâm, mà kẻ ác nhân cũng có những nỗi khổ của mình.

Bài viết này không tẩy trắng ai, cũng không thóa mạ ai. Đơn giản là bàn luận.

Các bạn có quan điểm khác mình có thể cmt bàn luận, nhưng không chấp nhận phản bác. Mỗi người cảm nhận khác nhau.

—————-

Đầu tiên, nói một chút về tuyến nhân vật mà chúng ta cho là "Chính".

1. Các thế gia quần chúng.

Chắc chắn phải nói về họ đầu tiên, những thế gia hô hào trong Xạ Nhật chi chinh, tiếp đến là trong trận tiễu trừ Loạn Táng Cương, những người góp phần tạo lên bầu không khí trong truyện.

Nhưng mình xin khẳng định, họ không sai cũng không đáng cười. Đó đích thị là tinh thần chính nghĩa.

Có thể bởi Di Lăng Lão Tổ là nhân vật chính, có thể vì lời văn thay đổi giữa hai trận chiến, nhưng những nhân vật quần chúng này không có gì đáng lên án.

Trong mắt họ thấy đâu là chính, họ theo. Đâu là tà, họ đánh. Thử hỏi không có những người như họ, làm sao đánh thắng Xạ Nhật, lấy lại bình yên?

Có chăng thì trong trận Bất Dạ Thiên, tất cả độc giả đứng từ góc nhìn của Ngụy Vô Tiện nên hiểu rõ hắn khổ tâm như thế nào. Thêm lời văn châm biếm, thành ra những kẻ hô hào kia chỉ là trò cười vì đồng loạt ăn theo "chính nghĩa".

Nỗi lo của quần chúng thế gia không sai. Tàn dư Ôn thị bản chất là tốt nhưng rất ít người biết và tin, còn những thế gia kia thì làm sao biết được họ lương thiện thật hay đây chỉ là một âm mưu? Lòng dạ con người khó đoán nên rất khó để họ tin, kể cả năm mươi người kia có là người già trẻ nhỏ không sức chiến đấu. Ôn Nhược Hàn tin vào một Mạnh Dao trung thành tận tâm dẫn đến thất bại, làm sao họ dám tin lại tàn dư Ôn thị?

Hơn nữa Kim Quang Thiện nào để cho người đời biết việc xấu mình làm, thế nên những người đó chỉ biết trong mắt họ Di Lăng Lão Tổ tu tà đạo, đã vậy còn cứu tàn dư Ôn thị, giết người Kim thị từ gia nhân đến trưởng tử.

Vậy nên họ không chỉ là trò cười mà họ cũng có trong mình những điểm tốt. Và trong đoạn này mình nói không bao gồm Diêu tông chủ.

2. Cô Tô Lam thị.

Theo lời tác giả, người Lam gia chính là quân tử của quân tử. Sau đó tuy họ có vài lần bị kéo xuống nước làm "trò cười" cùng đám thế gia, tuy vẫn có những ngoại lệ như Tô Thiệp,... nhưng quả thật Cô Tô Lam thị chính là nơi sinh ra những bậc chính nhân quân tử.

Gia huấn Lam gia khắc khổ như vậy là lý do khiến họ rất hiếm khi làm ra những chuyện trái với đạo lý, hiếm khi phạm phải cái sai mà người đời thường phạm. Về cách làm người, không ai có khả năng bình phẩm Cô Tô Lam thị. Vậy nên chúng ta nói về một vấn đề khác.

Vấn đề của họ là ở tình cảm, chấp niệm trong lòng mình.

Quá nhiều khuôn phép, quá nhiều quy tắc khiến người Lam gia o ép chính bản thân trở thành kiểu người mẫu mực. Thế giới bên trong của họ hoàn toàn trong sạch như chính màu trắng của y phục Lam gia, không một vết nhơ, lại cũng như một tờ giấy trắng chưa ai tới viết. Bởi vậy nên một khi họ đã đặt ai trong lòng thì đó chính là tình cảm nguyên thủy nhất, sâu sắc nhất. Nguyện vì người đó mà viết kín tờ giấy trắng mình giữ gìn cẩn thận bao năm.

Như cách Thanh Hành Quân đem phu nhân về giấu đi, từ bỏ phong quang vô hạn, chống lại cả gia tộc để bảo vệ người phụ nữ trong tâm mình.

Lam Khải Nhân một đời dốc lòng vì Lam gia, vì hai đứa cháu của mình. Đó là chấp niệm của ông, ông nào có sống chỉ vì bản thân?

Lam Hi Thần vì cái chết của nghĩa đệ mà bế quan bao năm. Gọi là bế quan nhưng ai biết được y đã cảm thấy thế nào? Thất vọng, tự trách, tiếc nuối, ân hận hay bất lực?

Lam Vong Cơ vì một người mà chịu bao ấm ức cũng không than một tiếng. Vì bảo vệ người mà chống lại gia tộc, chịu ba mươi ba roi giới tiên cả đời không phai mờ dấu vết. Ai biết suốt mười mấy năm không có Ngụy Vô Tiện tâm y thế nào, đau khổ dằn vặt bao nhiêu? Vĩnh viễn không ai biết được.

Đó là đặc trưng của Cô Tô Lam thị chăng, những bậc quân tử nặng tình cố chấp?

Bản thân mình luôn ước rằng họ hãy cứ mãi ở Vân Thâm Bất Tri Xứ cách xa thế tục, cả đời một thân cao ngạo không nhuốm hồng trần. Bởi khi họ nhập mình vào thế tục ngoài kia, họ phải chịu đau khổ rất nhiều. Tình cảm trong lòng họ nhiều bao nhiêu thì đau khổ họ nhận lại tuyệt đối không thua kém, thậm chí còn hơn gấp mấy lần.

Nhưng đó chỉ là ao ước mà thôi, khác gì mình ước Liên Hoa Ổ năm đó không bị đốt?

(Bài này mình nói hơi ít về Lam Vong Cơ là bởi muốn dành một bài riêng).

3. Nhiếp Minh Quyết.

Một đại anh hùng thực thụ xuyên suốt tác phẩm. Các thế gia bị đem ra làm trò cười vì hùa nhau theo đuổi "chính nghĩa", nhưng Nhiếp Minh Quyết chưa bao giờ hùa theo, y là người khởi xướng.

Không những là đại diện của chính nghĩa, Nhiếp Minh Quyết còn vô cùng thẳng thắn cương trực, dám nghĩ dám làm. Lên núi đao xuống biển lửa, không gì cản nổi. Đây chính là điển hình của những bậc anh hùng hảo hán trong sử sách.

Nhưng cũng vì vậy mà tính cách Nhiếp Minh Quyết lại quá cứng nhắc.

Nhiếp Hoài Tang hiểu y nhất rồi cũng có lúc vì tính cách y mà tức giận.

Mạnh Dao lại càng không hiểu y.

Nhiếp Minh Quyết thực sự để Mạnh Dao trong lòng, bảo vệ hắn khỏi những kẻ lắm lời, cho hắn làm phó thống lĩnh, hắn muốn tới Kim Lân Đài cũng viết thư giới thiệu giúp hắn, hỏi thăm Kim Quang Thiện xem tình hình Mạnh Dao ra sao,...

Ban đầu là do Mạnh Dao tận tâm chu toàn nên y để mắt tới, nhưng càng về sau trong lòng Nhiếp Minh Quyết cũng càng thay đổi. Có thể là thương cảm, có thể y coi hắn là sư đệ mình nên mới dần quản hắn nhiều hơn,...

Nhiếp Minh Quyết tuy răn đe Mạnh Dao nhưng khi thấy Mạnh Dao biết hối cải đã mềm lòng mà khuyên hắn nên đến Kim Lân Đài thú tội. Khi đã kết giao huynh đệ, y lại thường xuyên nhắc nhở hắn phải theo chính đạo, chỉ là cách nhắc nhở có phần hà khắc.

Bởi vì phần hà khắc của Nhiếp Minh Quyết mà có lẽ Mạnh Dao chưa từng hiểu lòng y, cuối cùng dẫn đến kết cục như vậy. Thương thay một đời anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, đến lúc chết lại không toàn thây. Hơn nữa còn là chết dưới tay nghĩa đệ mà mình luôn bảo ban...

Nhớ Ôn Nhược Hàn từng nói: "Gia chủ Thanh Hà Nhiếp thị hữu dũng vô mưu, cứng quá dễ gãy, không đủ sức dài lâu. Không cần người khác động thủ, sớm muộn gì cũng phải chết trên tay người nhà."

Tính cách Nhiếp Minh Quyết không hẳn là đáng trách, đáng trách là y đối xử với nhầm người.

4. Kim Tử Hiên và Kim Lăng.

Hai người "chính" duy nhất của Lan Lăng Kim thị trong mắt mình. Hai cha con họ một người kiêu căng ngạo mạn, một người tính tình tiểu thư khiến người ta vừa tiếp xúc đã khó chịu nhưng trong tâm lại cương trực chính nghĩa.

Kim Tử Hiên dưới đáy động Mộ Khê sẵn sàng đứng ra bảo vệ một cô nương đang bị người ta làm khó dễ, mặc dù hành động này có thể khiến y bị liên lụy.

Kim Tử Hiên ở Lang Tà sẵn sàng đứng ra bảo vệ cô nương không có thân phận vì nghĩ cô bị đại tiểu thư một nhà bắt nạt.

Kim Tử Hiên khi chưa có tình cảm với Giang Yếm Ly và Kim Tử Hiên sau khi có tình cảm với Giang Yếm Ly là hai người khác nhau, bớt đi vài phần kiêu ngạo lại thêm vài phần trưởng thành.

Đối với một Ngụy Vô Tiện không ưa mình, y vẫn vì muốn phu nhân vui mà mời hắn tới lễ đầy tháng của con trai.

Giây phút cuối cùng của cuộc đời, Kim Tử Hiên vẫn nghĩ đến phu nhân còn đang ở nhà đợi sư đệ tới thăm...

Kim Lăng từ nhỏ đã phải nghe người ta nói "Có mẹ sinh không có mẹ dạy", chịu biết bao cô độc tủi hờn. Cũng vì vậy mà cậu nhóc này luôn hừng hực khí thế muốn chứng minh mình tuy không còn cha mẹ nhưng lợi hại hơn những kẻ kia rất nhiều.

Nếu không vì tuổi còn trẻ không đủ điềm tĩnh nên thành ra săn đêm hay hấp tấp thì Kim Lăng chính là một tiểu tử vô cùng gan dạ, xông pha chiến đấu bất kể kẻ địch là ai.

Hơn nữa tiểu tử này còn rất biết đúng sai, không bị hận thù làm mờ mắt. Khi chưa tiếp xúc với Ngụy Vô Tiện, Kim Lăng hận hắn thấu xương. Nhưng khi đã tiếp xúc với Ngụy Vô Tiện người thật thì Kim Lăng lại dần thay đổi.

Với một thiếu niên đang tuổi bồng bột, khi phát hiện ra Mạc Huyền Vũ chính là Ngụy Vô Tiện lại chỉ đâm cho một kiếm thì quả thực rất hiểu chuyện. Sau đó trong động Phục Ma, Kim Lăng còn không muốn nghe người ta mắng chửi Ngụy Vô Tiện, dẫn tới ẩu đả một trận. Đến đây chúng ta hiểu rằng tiểu tử này chỉ hận cái tên "Ngụy Vô Tiện" trong lời kể của thế nhân, còn Ngụy Vô Tiện chân chính mà Kim Lăng gặp lại là một người khác hoàn toàn.

Nhưng Kim Lăng cứ hiểu chuyện như vậy, biết phải trái đúng sai như vậy lại khiến người ta càng thương. Kim Lăng, biết làm thế nào để bù đắp cho cậu đây?

5. Giang Trừng.

Có lẽ đây là người mình muốn nói tới nhất, người mà mình thương xót vô cùng.

Ừ thì Giang Trừng độc mồm độc miệng, đối xử cay nghiệt với Ngụy Vô Tiện. Nhưng gã sai sao?

Thân là một thiếu gia lại không được cha bế ẵm cưng nựng bằng đệ tử nhà mình, cha vì đệ tử đó mà đuổi hết chó mình nuôi đi.

Lớn lên đệ tử kia lại thiên tư hơn người, luận về bất cứ cái gì cũng hơn gã một phần. Đến sư tỷ của gã cũng vô cùng cưng chiều hắn.

Nhưng trong suốt thời gian đó Giang Trừng có bao giờ thực sự chán ghét Ngụy Vô Tiện chưa? Hay là luôn cùng hắn chơi, đi sau dọn dẹp họa mà hắn gây ra, coi hắn là người nhà của mình?

Nếu Ngụy Vô Tiện không phải nhân vật chính mà thay vào đó là Giang Trừng thì các bạn thử nghĩ xem có trách được Giang Trừng không, có trách được Ngu phu nhân không?

Trên thực tế, nếu nói Ngụy Vô Tiện là nô bộc thì hơi quá, cứ gọi hắn là một đệ tử của Giang gia đi. Có đệ tử nào nhận được đãi ngộ lớn như Ngụy Vô Tiện bao giờ? Đãi ngộ đến mức thân thiếu gia gia chủ cũng không sánh bằng, vậy mà Giang Trừng không ghét bỏ Ngụy Vô Tiện, còn coi hắn như người nhà đã đủ thấy Giang Trừng vô tư như thế nào chứ không hề xấu tính như người ta thường nói.

Nếu ai đã đọc Hệ Thống Tự Cứu Của Nhân Vật Phản Diện, thử nghĩ xem nếu người rơi vào tình cảnh này không phải Giang Trừng mà là Thẩm Cửu thì kết cục sẽ thế nào? Lại thử nghĩ xem nếu chúng ta là Giang Trừng, liệu có nổi lên chút ganh ghét đố kị với Ngụy Vô Tiện không?

Giang Trừng coi trọng Ngụy Vô Tiện như vậy, giây phút Ngụy Vô Tiện hứa hẹn Vân Mộng song kiệt kia có biết gã đã vui vẻ đến thế nào, kỳ vọng bao nhiêu? Để rồi Ngụy Vô Tiện vì người ngoài mà bỏ rơi gã cùng sư tỷ. Giang Trừng có thể là một đấng quân tử nhưng giữa đại nghiệp và người thân, gã chọn người thân.

Gã chỉ cần một gia đình có đủ cha mẹ, sư tỷ cùng người sư huynh nghịch ngợm của mình thôi, vậy mà sao lại lỡ lấy đi hết của gã? Ai hiểu được Giang Trừng vừa hận lại vừa yêu thương Ngụy Vô Tiện như thế nào, mười ba năm đi tìm bắt người tu tà đạo giống Ngụy Vô Tiện nào chỉ đơn giản là để trả thù?

Một thân gia chủ trong Liên Hoa Ổ rộng lớn đã không còn như xưa, cô đơn biết bao? Gã cũng không lập thất, chỉ chuyên tâm chăm sóc cho người thân duy nhất là tiểu tử Kim Lăng, sau đó đi săn đêm, tìm kiếm một vị sư huynh mãi không có tung tích.

Mỗi lần đi qua từng gian phòng, tới từ đường, tới thao trường, dùng bữa, tới hồ sen,... làm sao mà Giang Trừng có thể ngăn mình nhớ lại người xưa, cảnh xưa. Liên Hoa Ổ từng nhộn nhịp vui vẻ như thế, bây giờ lại chỉ còn mình gã cô quạnh.

Sau khi sư huynh gã quay lại, kể cả khi mọi hiểu lầm đã được hóa giải thì Giang Trừng vẫn cô đơn một mình. Cha mẹ, sư tỷ, sư huynh không quay về, giấc mộng Song Kiệt cũng chỉ là lời nói xuông.

Thật mong Giang Trừng vào một ngày bình thường như bao ngày khác sẽ tình cờ gặp được người gã thật lòng yêu thương, một người có đủ khả năng khiến gã buông xuống những đau thương đã qua, không còn cô đơn quạnh quẽ nữa...

(Khi viết về Giang Trừng mình có hơi chút nhập tâm, đặt bản thân vào góc nhìn của Giang Trừng nên một số lời viết ra có thể hơi chủ quan)

5. Vợ chồng Giang Phong Miên.

Đây có lẽ là hai con người sở hữu một mối tình ức chế nhất trong truyện. Hai người tính cách không hợp, nhưng nếu có yêu thương nhau thì tại sao lại không chịu nói ra?

Ngu Tử Diên cho dù là một người phụ nữ mạnh mẽ thì trong tâm cũng biết đau. Khi bà nhận ra Giang Phong Miên không thích mình, không cưng chiều Giang Trừng thì liệu có bao nhiêu đau lòng?

Ngu Tử Diên chưa bao giờ sai, bà là một nữ nhân trượng nghĩa. Cho dù không vừa mắt Ngụy Vô Tiện nhưng cũng không thừa lúc Giang Phong Miên vắng nhà, thừa lúc hắn gây chuyện bị người ta đòi bồi thường mà đánh hắn đến dở sống dở chết. Tử Điện có thể đánh người đến mức nào? Nếu Ngu Tử Diên thực sự căm hận Ngụy Vô Tiện thì đã sớm đánh cho hắn thành một đống thịt bầy nhầy rồi chứ không phải là mấy vết thương rất nhanh đã lành kia.

Bà có thể để cho Liên Hoa Ổ biến thành trại giám sát, không cần phải một mình chống chọi để bảo vệ, để tìm chết. Như vậy mới thấy bà coi trọng ngôi nhà này bao nhiêu, lại can đảm bao nhiêu. Về điểm này, đây có lẽ chính là phong thái Giang gia, biết không thể mà vẫn cứ làm.

Về Giang Phong Miên, mình thực sự không hiểu ngài ấy có yêu thương Ngu Tử Diên hay không, và ngài ấy việc gì lại phải đối xử quá tốt với Ngụy Vô Tiện như vậy?

Nếu theo bản donghua thì có thể thấy Giang Phong Miên có tình cảm với Ngu Tử Diên, nhưng trong nguyên tác thì tôi chỉ thấy tình cảm đến từ phía Ngu Tử Diên.

Giang Phong Miên thực sự có phần cưng chiều và hài lòng về Ngụy Vô Tiện hơn Giang Trừng, không chỉ bởi Giang Trừng là con ruột nên ông mới nghiêm khắc.

Giang Phong Miên bỏ qua việc Ngụy Trường Trạch bỏ trốn mà đi đón con của y về nuôi, cái này có thể hiểu do ông không tính toán nhiều. Giang Phong Miên không để Ngụy Vô Tiện ngủ cùng các đệ tử khác mà cho hắn tới ngủ cùng Giang Trừng, cái này cũng có thể hiểu là do ông muốn Giang Trừng có bạn chơi cùng.

Nhưng tại sao lại bế ẵm cưng nựng Ngụy Vô Tiện ngay trước mặt một Giang Trừng mà chỉ cần được cha bế một lần cũng vui cả tháng? Một chi tiết nhỏ như vậy thôi nhưng trong lòng một đứa trẻ cũng sẽ rất để ý, bởi cha mẹ là cả thế giới của nó, nó cũng sẽ muốn cha mẹ coi mình như vậy.

Và nếu Giang Phong Miên không quá tốt với Ngụy Vô Tiện, cho hắn ăn chung mâm, cho hắn một phòng riêng, coi hắn như con ruột thì Ngu Tử Diên cũng chẳng đến mức không vừa mắt Ngụy Vô Tiện. Bởi Ngụy Vô Tiện chỉ là nhân vật chính trong mắt chúng ta, hắn không phải nhân vật chính trong Liên Hoa Ổ hay trong cuộc đời bất cứ ai cả, thế nên việc Ngụy Vô Tiện được đãi ngộ quá tốt chỉ càng bất lợi cho chính hắn mà thôi.

Có thể Giang Phong Miên đối xử với Ngụy Vô Tiện như vậy là bởi giao tình giữa ông và Ngụy Trường Trạch, biết đâu nó cũng sâu sắc như giữa Ngụy Vô Tiện với Giang Trừng? Nếu đó thực sự là lý do chứ không phải giống như bất cứ lời đồn nào ngoài kia, vậy sao Giang Phong Miên không chịu giải thích một lời với Ngu Tử Diên, để bà phải bao năm khổ sở, nghĩ mình không được yêu thương nên con mình cũng không được yêu thương?

Nói chung giữa hai người này chính là một loại tình cảm nhức nhối, một người yêu nhưng không nói, một người lại không bao giờ chịu giải thích. Nhưng viên mãn là ở chỗ cuối cùng họ được chết cùng nhau.

6. Giang Yếm Ly:

Thực ra ban đầu mình không định viết về sư tỷ, bởi vì Giang Yếm Ly chẳng có điểm nào phải thanh minh, nàng chính là đóa sen trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất của Vân Mộng.

Giang Yếm Ly về nhan sắc, tu vi đều không có gì nổi bật. Nhưng nó không phải là lý do mà Ngụy Vô Tiện lại vô cùng yêu, kính vị sư tỷ này. Mình chỉ nói Ngụy Vô Tiện là bởi hắn không có huyết thống gì với Giang gia, vậy mà Giang Yếm Ly lại có thể khiến Ngụy Vô Tiện luôn nhớ đến nàng là sư tỷ mình.

Vì một bát canh củ sen hầm ấm áp nàng mang cho hắn cùng Giang Trừng, có lẽ đó là hương vị gia đình mà Ngụy Vô Tiện cả đời không cách nào quên. 

Vì một người yếu ớt nhỏ nhắn như nàng nhưng sẵn sàng đưa tay ra đỡ lấy Ngụy Vô Tiện từ trên cây rơi xuống, sẵn sàng đứng trước bao người mà ra mặt, mạnh mẽ bảo vệ sư đệ đã sớm trở thành một nam nhân cao lớn hơn mình.

Thế nhân sỉ vả Ngụy Vô Tiện, sư tỷ hắn lại chưa bao giờ cảm thấy hắn giống như lời người ta nói. Cuối cùng, nàng vì hắn mà đỡ một kiếm.

Có thể Giang Yếm Ly đối xử với Giang Trừng hay những người thân của nàng cũng đều như vậy, nhưng với một Ngụy Vô Tiện không phải máu mủ, những việc làm của nàng lại là duy nhất trong lòng hắn.

Hơn nữa, Giang Yếm Ly nhìn qua nhỏ nhắn yếu đuối vậy thôi. Thực chất nàng là một người vô cùng mạnh mẽ. Nàng thích Kim Tử Hiên như vậy, lúc bị hủy bỏ hôn ước dù đau lòng nhưng vẫn không muốn các sư đệ mình biết.

Cha mẹ mất, nàng trở thành chỗ dựa duy nhất của Giang Trừng cùng Ngụy Vô Tiện, nếu nàng cũng khóc nháo thì các sư đệ biết phải làm sao?

Hơn nữa nàng cũng rất hiếm khi khóc, cũng không phải là kiểu con gái mù quáng. Người ta không coi trọng nàng, nàng dứt khoát từ bỏ.

Một Giang Yếm Ly vừa lương thiện, ôn nhu lại vừa mạnh mẽ như vậy, thử hỏi ai dám lên án nàng?

7. Minh Nguyệt Thanh Phong- Hiểu Tinh Trần, Ngạo Tuyết Lăng Sương- Tống Tử Sâm.

Cả hai người họ đều là những bậc chính nhân quân tử thực thụ, lòng mang đại nghiệp, sống vì thiên hạ. Nhưng rồi kết cục thì sao? Một người hồn phách tan nát, một người biến thành hung thi.

Họ là bằng hữu, muốn cùng nhau lập lên đại nghiệp nhưng không thành. Một người vì không tin tưởng người kia, một người vì quá lương thiện, không hiểu rõ thế sự.

Mình xin phép nói về Hiểu Tinh Trần nhiều hơn một chút.

Bão Sơn Tán Nhân không cho phép môn đồ xuất sơn, một khi đã xuất sơn thì không được phép trở về là điều rất đúng đắn. Bởi thế tục nhiễu nhương, lòng người khó đoán. Một Kim Quang Dao bề ngoài hiền lành cam chịu đã lừa được bao nhiêu người suốt bao nhiêu năm? Một người như thế làm sao Hiểu Tinh Trần không rõ chuyện thế sự có thể đối phó được? Mà, trong thiên hạ lại có biết bao người như Kim Quang Dao?

Vậy nên một khi vướng vào thế tục, tuyệt đối sẽ không còn đường lui. Tuy nhiên tâm lý ai chẳng vậy, ở một nơi quá lâu liền sẽ tò mò về thế giới bên ngoài, muốn đi ngao du thiên hạ.

Nhưng nam tử bạch y lưng đeo Sương Hoa, lòng mang nghiệp lớn ấy lại sớm ra đi ở chốn Nghĩa Thành. Nếu Hiểu Tinh Trần không quá thương người thì làm sao có một kết cục bi thảm đến thế? Nhưng cũng chả thể trách y được, y vốn là một thân trong trắng như vậy. Có trách thì trách những kẻ đã lợi dụng lòng tốt đó.

Có ai hiểu được nỗi đau của Hiểu Tinh Trần lớn bao nhiêu, tới mức khi y tự vẫn thì hồn phách cũng theo đó mà tan nát, vĩnh viễn không muốn quay về nhân gian? Một con người tâm trong sạch như vậy lại vì lòng tốt của bản thân mà bị vấy bẩn.

Minh Nguyệt Thanh Phong Hiểu Tinh Trần, Ngạo Tuyết Lăng Sương Tống Tử Sâm? Giờ tất cả chỉ còn lại một hung thi ngày ngày mang bên mình hai thanh kiếm cùng Tỏa Linh Nang chứa vài mảnh tàn hồn vỡ vụn mà thôi.

8. Ôn Tình.

Người cuối cùng trong tuyến nhân vật "Chính".

Ôn Tình một đời là danh y đại tài, tâm cao khí ngạo, lúc sa cơ lỡ bước vẫn là một nữ nhân oai hùng.

Có trách thì trách nàng cùng tộc nhân là một nhánh nhỏ của Kỳ Sơn Ôn thị, khiến nàng bị người đời coi là tội nhân.

Nhưng tâm nàng biết, nàng là người Ôn gia nhưng cả đời chỉ cứu người chứ không giết người, lấy y đức làm đầu.

Ôn Ninh cứu hai tiểu tử Vân Mộng, biết có thể liên lụy đến tộc nhân nhà mình nhưng Ôn Tình vẫn chọn giúp đỡ. Không phải bởi nàng có hảo cảm với họ mà bởi hai chữ lương y trong tâm, không thể thấy chết không cứu.

Trong nguyên tác lời lẽ của Ôn Tình rất lạnh lùng cứng nhắc, muốn nhanh nhanh đuổi hai người Vân Mộng đi để tránh phiền phức. Nhưng nếu nàng thực sự lạnh lùng cứng nhắc như vậy thì sẽ giúp Ngụy Vô Tiện hiến đan cho Giang Trừng hay sao? Lòng nàng đương nhiên rất thương hai kẻ đang trong hoàn cảnh khốn khổ này.

Ôn Tình cũng không cứu nhầm người. Ngụy Vô Tiện là người có ơn tất báo, đến lúc Ôn Tình sa cơ quả thật chỉ có thể trông cậy vào người này.

Ôn Tình cứu Ngụy Vô Tiện cùng Giang Trừng một mạng, Ngụy Vô Tiện cứu lại cả tộc nhân của Ôn Tình, vậy là hết.

Thế nhưng khi thế gia kêu réo nộp mạng chị em Ôn Tình cùng Ôn Ninh, Ôn Tình không những nộp mạng mình mà còn chấp nhận nộp cả mạng em trai mình yêu thương nhất ra. Vì nàng hiểu, Ngụy Vô Tiện đã làm quá nhiều cho tộc nhân nàng trong khi hắn có thể chọn bỏ mặc bọn họ, hắn đã sớm trở thành đại ân nhân. Mà ân này, xứng để nàng đổi lấy mạng mình cùng mạng sư đệ.

Thử hỏi có mấy nữ tử lại kiên cường được như Ôn Tình? Ân oán sòng phẳng, cương trực chính nghĩa, chết vẫn oai hùng?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip