Anh Thich Em Moi Ngay Mot It Chuong Vi 5 Ong Lao Phe Lieu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi xách đôi giày sneaker trắng xuống tầng trệt, nhắm ra hướng vườn rau để đi ra cổng chính của nhà trọ. Sáng hôm nay Mệ không ngồi đan len như mấy bữa trước, trên chiếc ghế đá trắng đặt ở thềm trước cửa chính tầng trệt. Lúc tôi bước ra thềm nhà, đặt đôi sneaker xuống đất để xỏ vô chân, tôi thấy Mệ đang đứng vươn vai tập thể dục giữa những hàng luống và thùng rau xanh ngời ngợi.

" Con chào Mệ. Hôm ni Mệ chạy bộ với con khôông ạ ? "

Mệ bẻ khớp tay rắc một tiếng đã gân cốt, rồi đi lại gần chỗ tôi đang ngồi, vừa bước vừa làm động tác vung tay lên trời, rồi hạ xuống. Ngồi xuống bậc thềm cạnh tôi, Mệ đặt một bàn tay lên vai tôi, nói.

" Mệ chạy nỏ nhanh được như con."

" Rứa thì Mệ chạy chầm chậm, vừa sức Mệ thôi, còn con, con cũng chạy chung với Mệ. " - Tôi trả lời khích lệ.

" Thui, để hôm khác con nghe, hôm ni Mệ tập thể dục đủ rồi. Chừ Mệ đi đan cấy khăn tiếp đây. Con đi rồi về ăn sáng vứi Mệ, nhen ! "

Mệ nói, xoa xoa tóc tôi và từ từ đứng lên, tay chống lưng, ngả người ra sau, rồi bước đi vô trong nhà, đôi chân thoăn thoắt như có việc gì đó Mệ rất cần làm. Tôi ngồi buộc xong dây giày, đứng lên vắt lại chiếc khăn lau mặt trên vai và móc đồng hồ ra từ cổ chiếc áo ba lỗ đang mặc trên người.

" Khoảng 6 giờ hai mươi con về Mệ nghe ! Thui, chào Mệ, con đi đây ạ ! "

" Ừ, chào con. Con đi cẩn thận nghe Shio ! " - Tiếng Mệ từ trong nhà vọng ra, nghe như Mệ đang tất bật làm gì đó vậy.

Bầu trời lúc tôi bước chân ra khỏi cánh cổng đen đã sáng tới một màu vàng trắng hơi đục, tuy nhiên nhà cửa, cây cối, phố phường bên dưới vòm trời đó vẫn còn lem nhem những mảng tối lạnh lẽo, đèn đường vẫn bật, hắt thứ ánh sáng nhân tạo màu cam vàng lên tường của những ngôi nhà sơn trắng tinh tươm.

Tôi đi bộ thong dong lên hết con đường dẫn ra ngõ khu nhà, vừa đi vừa vươn vai giãn gân cốt để chuẩn bị chạy. Đi được một nửa đoạn đường, tôi bắt đầu chạy từng bước nhỏ, men theo cái vỉa hè lát gạch màu đỏ bị dỡ ra vài miếng để trồng vào một vài cái cây con, rồi dần dần chạy nhanh hơn, vẫn giữ trạng thái thư giãn và thoải mái. Chốc chốc, tôi lại bắt lấy cái đồng hồ quả quýt nhỏ đang nẩy lên xuống theo từng nhịp chạy, đếm từng giây từng phút.

Đã gần 6 giờ. Đoạn đường dẫn thẳng ra đầu đường chỉ còn là một khoảng ngắn từ dãy nhà tập thể mà tôi đang chạy qua đến cái cây hoa mai tứ quý cao vượt lên trên mọi ngôi nhà, nằm ngay tại ngõ.

Tiếng giày của tôi nện thịch một cái trên nền đường, cùng lúc với một âm thanh gõ " Reeengggg" ngân vang như rung động cả khu nhà.

Tôi gặp ông ta ở ngay đầu ngõ, ngay chỗ cái cây mai tứ quý cảnh của ngôi nhà đầu đường đang trổ bông vàng rượm cả một vùng.

Ông lão mua phế liệu hình như vừa ngồi nghỉ bên cây mai to bự ấy thì phải. Lúc tôi chạy lên tới nơi thì thấy ông ấy đang dắt cái xe đạp còi cọc dựng cạnh vỉa hè, chuẩn bị để trèo lên, bắt đầu cuộc hành trình thường nhật vào trong khu nhà này.

Nắng lóe lên từ nóc nhà của ngôi nhà tầng cao nhất nhì khu, tưới lên mái tôn, lên sân thượng và nóc của những ngôi nhà một thứ sắc vàng vẫn còn non của những tia nắng chiếu ban sớm. Đèn đường tắt. Xung quanh, những âm thanh của con người, động vật, cây cối nổi lên như thể có một công tắc điều khiển thanh âm cuộc sống vừa được bật lên, khiến cho khu nhà lúc trước lặng yên như tờ, nay đã chộn rộn những giọng nói của người lớn, tiếng quấy của trẻ em, tiếng sủa của bọn chó giữ nhà, âm thanh nghêu ngao của lũ mèo ăn bờ ngủ bụi, tiếng xào xạc của cây xanh,...

Lại một tiếng chuông nữa kêu lên, dắng dỏi, rắn chắc như thinh không vừa đông cứng lại quanh cái âm thanh ấy. Tôi chạy nhanh hơn, đủ để đuổi kịp ông lão phế liệu đang dắt xe chầm chậm xuống đường theo hướng ngược lại. Thấy cái thân người khẳng khiu như cái cây già rụng lá đang tiến tới gần, tôi hãm tốc độ chạy, rồi bước đi bình thường lại.

Ổng và tôi đi ngang qua nhau.

Đúng lúc ấy, tôi hướng ánh mắt sang người đàn ông già ngay bên cạnh và bắt gặp đôi mắt đục trong suốt như trăng đêm bão cũng đang nhìn vào tôi.

Chỉ một khoảnh khắc vô cùng phù du lúc ánh mắt dã sương đó rơi vào mắt tôi, và lúc tôi nhìn thấy bóng mình trong con mắt trong như gương ấy, ông lão đã trèo lên xe đạp và cọt kẹt đạp xe trôi xuống ngõ, một thoáng đã khuất sau một ngôi nhà.

Tới lúc ấy, dù không gian xung quanh đã sáng hẳn, cũng chỉ có một mình tôi ở trên đường.

Đâu đó xa xôi trong lòng của khu nhà nhỏ này, những hồi chuông lại ngân lên.

_____________________________________________________

Tôi chạm mặt ông lão mua phế liệu đó dăm vài lần trên đường trong hơn 3 năm trọ tại khu này, thường là vào những ngày tôi chạy bộ, đi làm, đi học, đi chợ sớm... Chỉ là gặp thoáng qua, một cái gật, một nụ cười xã giao lấy lệ, một lời chào vỏn vẹn ngắn ngủi, người này cũng chỉ như cái bóng mơ hồ với người kia, và chưa bao giờ ổng và tôi có một cuộc đối thoại thành lời nào trong những cuộc gặp gỡ chóng vánh ấy.

Đó là những khi ông ta đi cái xe đạp thô sơ lắc lư hai cái bị sau đuôi, rao mua phế liệu từng nhà trong khu.

Có một lần, duy nhất một lần, tôi bắt gặp ông ta bên ngoài khu ở trọ. Sau cái lần gặp nhau ở hàng bánh mì đầu ngõ một năm, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông lão già ấy không cưỡi chiếc xe đạp như thường lệ, và cũng là lần đầu tiên tôi bắt chuyện với ông ta.

Hôm ấy là một sáng đầu mùa hè độ tháng 5, nắng hè chưa thực sự về ở T nhưng thời tiết cũng khá oi bức. Tôi đang đạp xe trên một con đường cách nhà trọ khoảng 3,4 dãy nhà, hướng đến cái hiệu sách quen đã qua lại vô số kể lần để tìm mua một quyển sách cho ngày sinh nhật của tôi năm đó ( ngày 15 tháng 5 lúc ấy chỉ cách có 1 ngày nữa thôi ). Trời nóng một cách ngột ngạt khi xe của tôi chạy ra một đoạn đường ngã ba rất rộng nhưng ních đầy những xe máy, ô tô, xe bus, xe tải, container đông như kiến, vừa chờ lưu thông, vừa ré còi ỏm củ tỏi. Mãi mà cái đoàn xe ồn ào ấy chẳng chịu nhích lên tí nào, tôi đành xuống xe, dắt lên vỉa hè đá bao quanh một công viên rộng giữa lòng con đường, tìm một đường khác bớt nghẽn hơn. Vỉa hè và công viên rợp bóng mát của những cây phượng vĩ đại được nuôi trồng ở đó từ rất lâu, lại vào thời kì nở hoa nên cây nào cây nấy cũng đỏ rựng, cành cây tốt lá xen kẽ đầy nhóc những bông hoa nở như những ngọn lửa tí hon đang bập bùng đượm cháy. Bên dưới gốc vài ba cây kê một bình nước khoáng trên giá đỡ inox, đặt thêm vài cái cốc inox và bên cạnh là một chồng ghế nhựa. Những bình " NƯỚC MIỄN PHÍ " được đặt ở đấy cho người đi đường, ai khát thì vào lấy mà uống rồi để lại như cũ, chắc là do một tổ chức hảo tâm nào đó ở phường này dựng nên.

Vào lúc ấy, tôi lại nhìn thấy ông lão phế liệu.

Ông ta ngồi trên một chiếc ghế nhựa hướng mặt ra đường, bên cạnh một bình nước cách chỗ tôi đang dắt xe khoảng vài cây phượng. Không thấy chiếc xe chở phế liệu, chỉ thấy một mình lão ngồi đó, vẫn bộ quần áo xơ mòn, chiếc mũ tai bèo xanh màu ngã trên hình dáng gầy gò, chói vói. Chắc ông lão đang đi làm việc gì đấy, dọc đường khát quá nên ghé vô công viên uống nước, rồi ngồi đó ngắm đường phố luôn chăng ?

Xe đạp của tôi đang tiến tới gần chỗ ngồi của ông lão hơn, tôi suy nghĩ chừng vài giây rồi quyết định gác xe ngay bên cái bình nước, đi tới lấy một chiếc ghế nhựa và ngồi ngay trước mặt ổng. Lão nãy giờ vẫn nhìn ngắm phố phường, thấy tiếng động mới quay sang nhìn, bắt gặp tôi đang với tay rót nước. Thấy ông ta đang nhìn mình, tôi gật đầu nói nhỏ nhẹ một câu : " Chào bác ạ. " xem như xã giao với người ta. Ông ta xoay hẳn ghế lại để ngồi mặt đối mặt với tôi, lúc ấy tôi mới để ý tay ổng giữ một cuốn sổ bìa da cũ sờn màu nâu.

" Con ở khu A đường số 20, đúng khôông con ? "

Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói bằng xương bằng thịt của lão. Một chất giọng miền Trung khồm khồm, khô khốc như âm thanh đã bị nắng gió làm mòn đi, một vài tiếng bị khan nghe không rõ lắm, nhưng tôi vẫn hiểu ý của ông. Phải chăng ông ta vẫn nhớ mặt tôi, sau tận một năm từ cái lần chạm mặt ở hàng bánh mì ?

Mắt ông ta hấp háy nhìn tôi, thỉnh thoảng chớp chớp vài cái. Tôi trả lời ông bằng giọng miền Trung.

" Dạ. Con hay chộ bác đi qua đường nhà con. "

" À. Cấy khu nớ bác quen vài người nên hay qua mua đồ, đặng hỏi thăm. Con, bác gặp con một lần rồi, cách đây một năm thì phửi ? "

Vậy là ông lão nhớ tôi thật.

" Dạ. Bữa nớ con gặp bác ngoài chỗ mua bánh mì ạ. " - Tôi trả lời chính xác những gì đã xảy ra.
Nét mặt ông lão sáng lên một chút, không biết có phải vì nắng vừa dựng lên hay không. Nãy giờ ổng vẫn nhìn tôi không hề rời.

" Bác nhớ. Con ở nhà trọ bà cụ Hoa phửi khôông ? "

" Dạ vâng, răng bác biết ạ ? "

" Hỏi mấy người trong khu nớ. Bác hay chộ con ở trỏng lúc tạt qua mua nhôm nhựa nhà cụ Hoa. Bà cụ nớ trước kia hay bán cho bác. "

Có lẽ những lúc ông ta qua nhà tôi mua nhôm nhựa là những lúc tôi không để ý.
Đường xá dần dần rút bớt xe, trở nên trôi chảy hơn lúc trước nhiều, tuy vậy, tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế nhựa nói chuyện với ông lão.

" Bác mần việc này bao nhiêu năm rùi ạ ? " - Ý tôi hỏi là việc đi mua phế liệu.

" Cũng hơn hai chục năm nay. Từ hồi bác vô trong Nam kháng chiến. "

Có khi ông ta cùng thời với Mệ, cùng quê luôn cũng nên.

" Răng bác không về miền Trung ạ ? "

" Người thân ngoài quê mất cả rùi, về cũng chẳng còn gì để ở lại. "

Tôi nghe ông ta nói như vậy, cũng không hỏi gì thêm về những chuyện ngày xưa đau lòng ấy nữa. Ổng cũng giống như Mệ, không tỏ ra buồn bã u sầu về những kí ức mất mát đó, nhưng tôi hiểu trong tâm hồn của những con người đã từng trải qua một thời chết chóc là những tổn thương và lỗ hổng không thể nào bôi xóa hay chữa lành.

Tôi không thương hại cho ông ta, hay Mệ tôi.
Tôi chỉ cảm thấy nỗi đau âm thầm của họ, không nhiều hơn, cũng không bớt đi một phần nào.

" Con xin lỗi bác. Đáng lí ra con khôông nên hỏi những cái cá nhân của bác. "

" Không, bác nỏ để ý mô. Lâu lâu mới chộ có ai đó hỏi thăm bác một câu. " - Ông ta xua tay.

Sự im lặng lắng dần quanh tôi và ông ta. Lơ đãng, tôi nhìn ra đường phố đang rung chuyển bởi những chiếc xe tải chở hàng đồ sộ, rồi lại vi vu theo một con chó đang đi dạo trên vỉa hè bên phía đối diện, và dõi theo từng nhịp quay của cái bánh xe trên cái xe đạp ba bánh của một đứa trẻ. Hình như ông lão cũng trông ra đường như tôi, nhưng một lúc, ông ta lại cất tiếng, giọng lần này bớt khàn hơn trước.

" Con tên chi ? Nãy chừ bác quên không hỏi. "

" Dạ, con tên Shio. " - Tôi quay lại tư thế ngồi ban đầu và trả lời.

" Tên tiếng Nhật à, con có tên tiếng Việt đúng không con ?"

" Dạ con có, nhưng xin bác thứ lỗi vì con sẽ không nói cho bác tên Việt của con ạ. "

Ông ta không hỏi tiếp, nhưng vẫn tiếp tục nhìn tôi còn chăm chú hơn. Tôi bỗng thấy đôi mắt trong suốt của ông ta đã không còn mờ đục như có một lớp sương mù bao phủ nữa, mà sáng rõ lên như mặt trăng rằm.

" Nhìn con, bác quen lắm."

"Dạ, con mới gặp bác có hai lần thôi ạ. Chắc là bác nhầm con với ai khác." - Tôi nói, cố gắng không làm mếch lòng người đang ngồi đối diện, nhưng đúng là tôi chưa từng quen ông ta, ít nhất là trước khi tôi biết ông ta mua phế liệu trong khu nhà tôi.

" Không, không, bác không nhầm. Xin lỗi con, bác biết con chưa từng quen bác, mà bác cũng không nói con quen bác.

Không, là một người khác. "

Ý của ông lão là gì ?

" Một người khác ạ ?"

" Phải phải. Mà thui, con không cần nghe bác nói mấy thứ này. Xin lỗi con nhiều."

Tôi ghét nhất là khi người ta đang sắp kể tới một điều mà họ cho là rất quan trọng trong cả cuộc nói chuyện, thì lại ngừng giữa chừng và bảo là không cần phải nghe đâu. Vậy thì tại sao lại kéo người khác vào câu chuyện của họ chứ ?

" Dạ không sao, bác cứ nói ạ. "

Ngập ngừng mãi, dường như sợ làm tôi khó chịu, ông lão rụt rè cất lời.

" Ừ, thôi cũng được.
Để bác nói, trông con giống một người mà bác từng quen cách đây hơn ba chục năm. "

Ba mươi năm ? Khi ấy tôi còn chưa ra đời nữa là? Câu chuyện của lão càng lúc càng đi vào vòng xoáy của những câu hỏi trong đầu tôi. Đúng là tôi thấy vô lí thật, nhưng vẫn im lặng cho ông ta nói hết.

" Trông con chắc khoảng hăm mấy tuổi, ừ, bác biết ba mươi năm trước con chưa sinh ra. Không phải con là người bác gặp lúc ấy mô, người bác nói đến là một cô gái mà bác từng gặp cũng bằng tuổi con bây chừ."

" Một cô gái ạ ?"

" Phải."

Đến đây, đôi mắt ông ta nhắm lại một hồi, rồi mở ra, long lanh như có những ngôi sao đang lấp lánh trong con mắt trong suốt. Vẻ mặt của ông trở nên xa xăm như đang hoài tưởng đến một kí ức nào đó cách hiện tại một con đường rất, rất dài, buồn, vui, nhớ, thương, tôi không thể giải nghĩa được biểu cảm trên gương mặt gầy guộc của người đàn ông này.

" Con hỏi thêm được không bác !? "

Bỗng nhiên tôi đâm ra tò mò về chuyện đời tư của ông lão phế liệu. Thường thì tôi không bao giờ soi mói về chuyện riêng tư của người khác, nhất là những người lạ, tuy nhiên, lần này có lẽ tôi sẽ phá lệ. Không hiểu sao câu chuyện của ông ta có một sức hút rất kì lạ đối với tôi.

" Ừ. "

" Con hơi tò mò, không biết cô gái bác đang nói tới là ai ạ ? "

Ông ta nhẹ mỉm cười, hàng râu bạc xơ rung rung.

" Cô ấy là cô gái đẹp nhất trong số những cô gái mà bác từng gặp cả cuộc đời này. Ngày xưa, cô ở cùng làng với bác. "

" Cô ấy đẹp như thế nào hả bác ?"

" Như một bông hoa cúc trắng.
Giản dị, trong sáng, chân thành,... Ừ, một bông hoa cúc rất đẹp. Rất đẹp... giống như con bây chừ đang ngồi đây."

" Ý bác là, cô ấy đẹp... giống con ?
Bác ơi, con xin lỗi, con không biết..."

" Ừ, bác đang nói là con cũng rất đẹp.
Phải, đôi mắt đen, cặp mày thẳng và đậm, tóc đen mượt, khuôn mặt tròn, má đỏ hây hây, da trắng, ngón tay nhỏ, ... chỉ khác, chiếc mũi nhỏ này, cái răng cửa khểnh này, không phải của cô ấy. Hình như là của một người đàn ông khác."

Những thứ tôi nghe từ ông lão này bắt đầu làm tôi thấy không ổn.
Tại sao trong cuộc đời của ông ta lại có một con người giống tôi ?

Ông ấy, có phải đang nói về...

Cặp mắt đen ông ta đang nói đến, là của ...

" Cô ấy luôn luôn nhìn bác bằng đôi mắt đó, nó trong lắm, trong như nước suối trên rừng, trong suốt như thủy tinh.

Như đôi mắt con đang nhìn bác đây. Bác chỉ nhìn thấy mỗi mình bác trong con mắt của con."

Ông lão cười, một nụ cười nhẹ đầy mơ hồ, với tôi, hay với ai.
Đến lượt tôi ngồi nhìn chằm chằm ông ta.

" Bác có yêu cô ta không ?"

" Luôn luôn. "

" Rứa răng chừ cô ta không cùng với bác ở T ?"

" Cô ấy đã mất từ lâu rồi. Bác không còn gặp được cô ấy từ sau khi nhập ngũ và tập trung vào Nam, từ khi cô ấy đính hôn, cô ấy có con, với một người khác. "

Ông ấy lại ngước nhìn tôi, đôi mắt bắt đầu mờ dần như bóng tối lại phủ chụp xuống.
Tại sao đôi mắt của một người lại có thể thay đổi nhiều đến thế ? Rốt cuộc, nó đã từng nhìn thấy những gì ?

" Lâu rồi, bác mới có thể nhìn thấy cô ấy. Ở ngay ni, ngay trên gương mặt của con.

Tiếc quá, gương mặt này đã mang theo hình dáng của một người đàn ông khác. Con đẹp lắm, đẹp lắm,... nhưng thật là tiếc, con à, cô ấy cuối cùng đã không chờ bác nữa. "

Yên lặng.

Chỉ yên lặng.

Ông ta lại nhìn tôi, một giây lặng xuống trên đôi mắt ông, rồi ngay lập tức quay đi.

" Thôi, nhiêu đó đủ rồi. Cảm ơn con đã ngồi lắng nghe bác. " - Giọng ông ta khản đặc như trước.

" Bác không làm phiền con nữa. Chào con. "

Dứt ánh mắt khỏi tôi, ông lão đứng lên, cầm chiếc ghế nhựa đặt lại vào chồng ghế, súc chiếc ca inox đã dùng rồi bỏ về chỗ cũ. Xong xuôi, ông lão sửa sang lại bộ quần áo cũ kĩ nhưng sạch sẽ đang mặc, dậm đôi dép tổ ong bước đi, bỏ lại tôi vẫn ngồi một mình cạnh bình nước.

Mặt tôi ướt đầm.

Tôi biết ông ta không muốn nhìn tôi khóc, sau những gì đã nói với tôi.

Nhìn vào đôi mắt trong suốt của ông ta, thứ duy nhất mà tôi thấy là hình ảnh phản chiếu một đôi mắt đen.

Đôi mắt đen nhìn tôi đăm đắm.

Tôi biết mắt tôi có màu đen. Tôi biết tôi đang nhìn vào chính tôi qua đôi mắt như gương của ông lão.

Đôi mắt đen đó, thuộc về một người phụ nữ rất đẹp đã từng đi qua cuộc đời tôi hơn một thập kỉ trước.



Quệt nước mắt đang túa ra từ hốc mắt, tôi đứng lên cất lại chiếc ghế và cốc nước, dắt xe quay ngược lại vỉa hè để đạp về nhà, quên mất những cuốn sách hay ngày sinh nhật.
Trên đường, tôi phơi mặt ra giữa nắng trưa, những mong nó hong khô mặt tôi để về nhà không bị Mệ hỏi.

Mắt tôi vẫn ướt tầm tã khi đạp xe về tới nhà. May mà Mệ lúc đó đã đi nghỉ trưa nên không nhìn thấy bộ mặt đẫm nước của tôi.

Hết cả ngày, tôi đóng cửa ở trên phòng, vùi đầu vô những cuốn sách
Giống như một ngày xa xôi nào đó, tôi khóc vì một con người đã ra đi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip