Dich Vu Dua Tien Linh Hon 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ngày...tháng...năm...

Tôi đã mong mọi thứ ngày hôm qua chỉ là giấc mơ. Sau khi tỉnh dậy bởi tiếng chuông báo thức từ điện thoại, tôi rón rén mở cửa phòng, ló đầu xuống nhà với hi vọng một buổi sáng bình thường đang diễn ra. Mẹ vẫn loay hoay nấu bữa sáng còn cha thì bận tưới mấy chậu hoa nhỏ treo ngoài hiên. 

"Bác có chắc là không cần ăn sáng chứ?"

"Già rồi chẳng ăn mấy, cho bác ly nước là được!"

Giọng ông ta vang lên từ dưới bếp phá tan sự yên tĩnh thường ngày. Tôi ngồi bệt xuống bậc thang đầu, trong lòng không biết nên mang cảm giác gì. Bỗng nhiên gia đình có thêm người, lại là một ông bác lớn tuổi từ đâu xuất hiện khiến tôi nghĩ thế nào cũng không quen lắm. 

Chiếc chuông đồng nhỏ trên chuỗi hạt ở tay khẽ đung đưa theo nhịp những ngón tay gõ trên mặt điện thoại. Nhỏ bạn vừa nhắn tin nhắc về buổi hội thảo cho sinh viên sáng nay. Có lẽ là mấy người đã đi làm sẽ đến và nói về chuyện hướng nghiệp, kiểu như học ngành này thì nên làm công việc gì. Nghe đồn vài công ty lớn cũng đến tuyển thực tập sinh luôn, đương nhiên cơ hội chỉ dành cho những sinh viên đứng đầu, với danh sách thành tích dài đến kín cà thư giới thiệu. 

Còn tôi chỉ tham dự vì điểm phong trào.

Lúc tôi ra khỏi nhà, dưới bếp vẫn rôm rả tiếng trò chuyện. Đã rất lâu rồi căn nhà này lại có sức sống như thế. Từ bé đến giờ, tôi chưa thấy người họ hàng nào đến, cho dù chỉ là ghé qua phút chốc chào hỏi. Đối với họ, chúng tôi giống như đã chết hoặc bị ma ám, chắc chỉ chưa đến mức bị xóa tên ra khỏi gia phả mà thôi. Đôi khi tôi tự hỏi liệu mẹ có hối hận vì đã sinh ra đứa con bị nguyền rủa như tôi không?

"Ông bác sau lưng đi chung với cháu hả?"

Ông ta bám theo từ lúc nào không rõ. Chỉ đến lúc nghe tiếng tài xế hỏi, tôi mới giật mình nhận ra cái bóng lom khom sau lưng. Bất đắc dĩ, tôi đành phải mua thêm một vé cho ông ta lên cùng.

"Lần sau cháu nhắc ông đem chứng minh thư theo thì không cần mua vé nữa nhé!"-bác tài xế nói vọng xuống.

"Nhà tôi cháy hồi Mỹ càn, giờ chẳng còn giấy tờ gì cả."-ông ta chống gậy lò dò xuống hàng ghế cuối ngồi cạnh tôi.

"Thế lần sau bác cứ lên, cháu mua vé giúp cho!"-bác tài cười xuề xòa-"Con bé này đi xe cháu suốt mà, cháu xem nó như em út trong nhà vậy."

May là trong xe lúc này còn chưa có ai, nếu không chắc họ sẽ nhìn chằm chằm vào tôi mất...

"Cô không định đợi chúng tôi à?"

Cái cách xưng hô "chúng tôi" thật sự khiến ông ta hoàn toàn không giống người bình thường chút nào. 

"Ông không ở nhà sao? Hay sợ tôi bỏ trốn?"

"Tôi chỉ đi theo để giúp đỡ thôi, như một người bạn."-ông ta mỉm cười, hai tay đặt lên đầu gậy ra vẻ đăm chiêu.

Người bạn nào của tôi lại già thế chứ? 

Tôi đã định hỏi thêm mấy chuyện nữa nhưng cả xe cứ rơi dần vào im lặng, đến nỗi có thể nghe tiếng điều hòa thổi ù ù trên đầu. Hôm nay là thứ Bảy nên chẳng mấy người đi xe sớm thế này, mấy hàng ghế đầu chỉ thưa thớt vài sinh viên khác đang gật gù ngủ. 

Chúng tôi đến trường lúc buổi hội thảo vừa bắt đầu. Dù tôi cố thuyết phục rằng trong Hội trường còn rất nhiều chỗ ngồi và người ta cho phép phụ huynh cùng tham dự, ông ta nhất định sẽ chờ ở băng ghế đá dưới gốc cây to ngoài cổng. Chắc rằng khoảng thời gian bị nhốt lại giữa những phòng học kia đem lại cảm giác không mấy thoải mái cho lắm.

Chẳng biết ông ta đã làm những gì trong lúc tôi vắng mặt nhưng khi quay trở ra, trên băng ghế lại có thêm một cốc trà đá...

Và một đám người trò chuyện ồn ào. 

Có vẻ "người bạn" mới của tôi rất biết cách bắt chuyện. Từ cô đẩy xe nước đến bác bảo vệ cau có hay chặn hỏi thẻ sinh viên ở cổng mỗi ngày đều đang sôi nổi kể cho ông ta nghe mấy chuyện ở quê. Xem ra cái vỏ ngoài lớn tuổi rất hợp để lấy thiện cảm của người khác, nếu không muốn nhắc đến tầm hiểu biết rộng đến đáng ngờ, Google còn gọi bằng cụ...

"Cảm thấy không khí trong trường đã tốt hơn chưa?"- ông ta lên tiếng hỏi khi chúng tôi lên xe buýt quay về.

"Đúng thoáng đãng hơn thật..."-tôi gật đầu, tiện thể hỏi luôn mấy chuyện thắc mắc từ hôm qua-"Nhưng rốt cuộc mấy người không phải vong hồn đúng không? Sao lại mắc kẹt cùng nhau lâu như thế?"

"Phải, mắt của cô thật sự rất tốt đó chứ! Có thể phân biệt được các dạng năng lượng khác nhau chứ không chỉ nhìn thấy được mấy thứ khác người nhỉ?"-ông ta nhìn sang tôi, trông như đang cố nhịn cười nhưng lại trở về vẻ điềm tĩnh ngay-"Chúng tôi là cảm xúc bị mắc kẹt lại của con người lẫn linh hồn đi ngang qua ngôi trường đó."

"Nhiều vậy sao?"

Tôi thực sự ngạc nhiên. Suốt mấy năm học ở đó tôi rất ít nhìn thấy các linh hồn, đôi khi chỉ là một sinh viên đã mất lúc đang dang dở chương trình hay giảng viên nào đó đi tha thẩn trong sân trường, luyến tiếc nhìn ngắm từng phòng học trước khi bước sang thế giới bên kia. Còn bọn họ chỉ xuất hiện gần đây, à phải rồi, là sau khi tôi giải thoát cho cô bạn trong thang máy...

"Có nhiều chuyện bây giờ tôi chưa thể nói ngay với cô...Dù vậy ngôi trường hiện tại là một nơi đặc biệt trong thành phố này, không phải theo nghĩa tiêu cực như kiểu bị ám hay nguyền rủa."-ông ta ngừng một chút, có lẽ đã nhận ra điều gì đó nên bổ sung thêm ngay-"Sự có mặt của chúng tôi chẳng qua chỉ như tàn tro xung quanh ngọn lửa, vô tình gây ra chuyện ngoài ý muốn thôi."

Hai mạng người, nói chỉ là ngoài ý muốn nghe thật đơn giản. Tôi không trách ông ta bởi đám "bóng đen" đông đúc như thế thì kiểm soát tất cả là rất khó. Nhưng hà cớ gì tôi lại phải sửa chữa lỗi lầm cho họ chứ? 

"Vậy làm sao để bắt đầu chuyện này đây?"-tôi lắc nhẹ chiếc vòng trên cổ tay-"Trước giờ tôi chưa từng trực tiếp giao tiếp với linh hồn nào cả..."

"Không sao, giờ vẫn có thể học được mà!"

Ông ta gật gù rồi chống gậy đứng dậy nhờ bác tài dừng lại ở trạm kế tiếp. Mải nói chuyện, tôi chẳng để ý xe đã đi đến đâu nữa. Trông thấy ông ta bước xuống, tôi luống cuống khoác túi chạy theo.

"Ông xuống nhầm trạm rồi, chưa đến nhà đâu!"

Dường như ông ta cố tình phớt lờ lời tôi nói, tiếp tục đi thẳng vào một ngõ hẻm gần đó. Nơi này có chút quen thuộc, cảm giác tôi đã từng đến rồi.

Gọi là hẻm cũng không đúng vì nó giống lối vào hơn bởi cánh cổng sắt cũ kĩ chắn cuối đường, hai bên là dải tường gạch sơn vàng bong tróc lưa thưa vài bụi dây leo. Ông ta bước đến trước cổng, đứng ngay dưới tán cây hoa giấy đang nở bung hồng rực một góc trời. Quả là một nơi yên bình, tôi tò mò không biết chủ nhân của ngôi nhà này là người thế nào.

"Hôm trước cô từng giúp ai đó xuống xe buýt đúng không?"

"Một bạn nữ..."-tôi ngoái đầu nhìn ra phía trạm xe phía vỉa hè-"À, thì ra là đây là nhà bạn ấy à? Nhưng còn việc gì hay sao?"

Khẽ gật đầu, ông ta đứng tránh sang một bên. Đến bây giờ tôi mới phát hiện cô bạn trên xe buýt hôm nọ đã ở đây từ đầu. Bóng râm từ tán hoa giấy đổ xuống mặt đường thành một mảng tối lớn và cô ấy gần như chìm hẳn vào bóng tối ấy.

"Mình cứ nghĩ bạn đi rồi chứ?"-tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra ngay-"Bạn muốn nhắn lại gì đó với người nhà à?"

Cô ấy gật đầu, mím môi như đang suy nghĩ gì đó. Bộ dạng rụt rè này làm tôi nhớ lại người bạn bị nhốt trong thang máy lúc trước, có lẽ là điểm chung của những linh hồn lương thiện phải rời bỏ thế gian này quá sớm.

"Tiền tiết kiệm để mua quà sinh nhật cho ba để ở dưới cái hộp trong tủ quần áo, nhờ bạn nhắn lại cho ba mẹ mình như thế thôi..."

Cũng không phải là nhiệm vụ gì khó khăn lắm. Tôi khoác túi lên vai, hít một hơi sâu trước khi bấm chuông cửa. Tiếng chuông vọng vào trong ba hồi rồi im bặt, chỉ còn nghe gió thổi xào xạc. Đã hơn mười hai giờ trưa, chủ nhà chắc đã ngủ say. Hay là đến mai hẵng quay lại? Đang lúc chưa biết làm thế nào thì cánh cổng bỗng bật mở.

"Xin lỗi cô mải quét sân ở phía sau!"

Người phụ nữ nhỏ nhắn, mái tóc đã điểm bạc xuất hiện sau cánh cửa sắt rỉ sét. Thoạt nhìn thì bà ấy cũng không khác những phụ nữ trung niên là mấy, chỉ khác đôi mắt đượm buồn và giọng nói nhỏ nhẹ đến khó nghe. 

"Cháu là bạn học cũ của Nghi..."-tôi thoáng nhìn sang cô bạn phía sau-"Hôm nay cháu có việc đi ngang nên xin phép ghé vào thắp cho bạn nén nhang."

Tôi đã thấy khóe mắt bà ấy dần đỏ hoe nhưng miệng vẫn gượng cười như một phép lịch sự. Bà ấy mở rộng cổng nhà, đứng sang một bên để chúng tôi vào. 

Bên trong sân nhà là mảnh vườn nhỏ với mấy chậu hồng tỉ muội nở hoa bé xíu và đôi chiếc thùng xốp trồng rau xanh. Căn nhà trệt mái tôn nằm nép ở góc sân với tường xanh lơ dịu dàng, phòng khách chỉ để bộ bàn ghế gỗ và chiếc tủ thờ sát trong vách. 

"Chú không có ở nhà hả cô?"-tôi rút nén nhang châm lửa.

"Chú đi làm chắc sắp về đến nơi rồi."-bà ấy kéo ghế ra mời ông lão đi cùng tôi ngồi-"Lâu lắm mới có người đến thăm con bé..."

Giọng bà ấy đã hơi sụt sùi. Tôi tự nhấc ấm trà rót ra ba cốc nhỏ rồi ngồi xuống cùng mọi người. Không khí hơi chùng xuống, chỉ còn mùi nhang trầm ấm len lỏi. 

"Có một việc.."-tôi lên tiếng, mong chuyện được giải quyết nhanh-"Trước ngày bị tai nạn, Nghi có kể cho cháu về việc tiết kiệm tiền mua quà sinh nhật cho cha. Chẳng giấu gì cô, hôm qua cháu nằm mơ thấy Nghi về nhờ cháu đưa số tiền đó cho cô chú."

Đây chính là phần tôi ghét nhất khi gửi hộ lời nhắn. Bà mẹ đáng thương bắt đầu bật khóc, lúc đầu chỉ là giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má nhưng dần chuyển thành tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi không biết cách an ủi người khác, đành ngồi yên chờ đợi.

"Con bé là đứa rất chăm chỉ. Ngoài giờ học còn đi làm thêm buổi tối để tự đóng học phí..."-bà ấy nức nở, lời nói cứ đứt quãng-"Ông trời thật không có mắt mà! Con của cô đã làm gì nên tội chứ?"

May thay, tiếng xe máy từ cổng chạy vào đã cứu tôi khỏi tình huống khó xử này. Chiếc Dreams cọc cạch đỗ ngoài sân, người đàn ông đứng tuổi, gương mặt hốc hác vội vã chạy vào ôm lấy vợ mình, không quên ném ánh mắt nghi ngờ sang phía tôi.

"Anh bình tĩnh, chúng tôi đến để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của con gái hai người thôi!"

Cuối cùng ông ta cũng chịu ra mặt sau một hồi lâu ngồi quan sát mọi thứ. 

"Cô bé bảo rằng đã để lại một thứ cho cha mình trong tủ quần áo, dưới cái hộp nào đó."

Người cha ngơ ngác đôi chút trước khi vội chạy ra sau nhà rồi quay lên ngay, trên tay cầm theo một phong thư đựng tiền cùng mảnh giấy nhỏ. Hai vợ chồng đọc từng chữ mà vai run lên từng hồi, người phụ nữ nắm chặt lấy tay chồng mình, có lẽ sợ rằng sẽ không thể chịu đựng được nỗi đau vừa ùa về.


Chúc mừng sinh nhật ba,

Con thấy ví của ba đã cũ lắm rồi. Ví mới là con dành dụm tiền đi làm thêm mua chứ không phải nhịn ăn uống đâu, ba đừng la con nha...

Dạo này mẹ hay mệt, ba đi làm nhớ về sớm ăn cơm với mẹ cho vui. Hết năm nay là tốt nghiệp rồi, con sẽ đi làm kiếm tiền, ba mẹ chỉ cần ở nhà chăm vườn hoa thôi!

Con thương ba thật nhiều.


Xem ra chưa kịp mua quà thì cô ấy đã bị tai nạn qua đời rồi, thật đáng thương. Tôi có đọc qua vụ đó, chiếc ô tô mất lái lao lên lề lúc cô ấy đang đứng chờ xe. Sinh mạng con người thật mỏng manh. Hơn hai mươi năm trời nuôi dưỡng cuối cùng ngôi nhà cũng chỉ còn hai mái đầu bạc đi về. 

"Cháu xin phép về trước..."-tôi cúi đầu chào lấy lệ, không muốn làm phiền họ thêm nữa.

Cô bạn đứng dưới tán hoa giấy trông thấy tôi bước ra liền nở nụ cười cảm kích.

"Vậy là tốt rồi, mình đi đây!"

Ngọn gió trưa mát dịu thổi qua tán lá. Những cánh hoa giấy đột nhiên buông rơi trắng xóa, hướng về phía đầu hẻm mà rơi thành một dải dài theo bước chân cô ấy.

"Con, con ơi!"

Từ trong nhà, bà mẹ cuống cuồng chạy ra cổng, hai tay đưa về phía trước dù chẳng thực sự nhìn thấy con gái mình. Tôi đoán linh cảm của bà ấy đã biết điều gì đang diễn ra, rằng con mình đang có mặt ở gần đây.  

"Để bạn ấy an tâm mà ra đi được không cô?"- tôi giữ người mẹ đáng thương lại, cảm nhận vai áo mình ướt đẫm nước mắt của bà ấy rồi.

"Vì nhà mình khó khăn mà con phải vất vả đi làm rồi mới bị tai nạn...Là lỗi của mẹ! Kiếp sau hãy đầu thai vào nhà tốt hơn nhé con!"

Tôi thấy cô ấy ngoái nhìn lại, mỉm cười rồi biến mất dưới ánh nắng vàng rực và bầu trời xanh ngắt. 

"Bạn ấy nhờ cháu nói lại với cô rằng được sinh ra ở nơi này, lớn lên trong vòng tay của hai người là điều vui vẻ nhất trong kiếp sống này. Cô có thể thay bạn ấy chăm sóc tiếp vườn hoa không?"

Điều đau đớn nhất khi ai đó ra đi đột ngột chính là sự im lặng họ để lại cho mọi người. Như thể một dấu chấm hết đặt vào câu nói dang dở, cả phần đời phía sau chỉ còn lại tiếng thở dài nuối tiếc. 

"Vẫn còn nghĩ về chuyện vừa rồi à?"

Ông ta vỗ vai nhắc tôi đã đến lúc xuống xe. Nhanh thật, mới đó mà đã gần sáu giờ chiều. Những ngày tháng Mười này trời rất mau tối, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy mảnh trăng nhợt nhạt treo lửng lơ trên đầu ngọn cây. Đường phố khoác lên ánh vàng ấm áp từ dãy đèn cao áp hai bên vỉa hè. 

"Tuy không phải là khởi đầu quá xuất sắc nhưng cô đã làm rất tốt!"-ông ta nhìn sang chiếc vòng tay của tôi-"Cô có thể thấy hạt đá gần chiếc chuông thay đổi chút ít."

Nghe ông ta nhắc đến chiếc vòng, tôi vội đưa tay lên cao xem thử. Dưới ánh đèn chói loá, viên đá màu đen lúc đầu đã xuất hiện vài vệt trong suốt, uốn lượn như ai đó khuấy một cốc đầy dầu đen đặc pha với nước lên. 

"Thế này là linh hồn cô bạn kia đã siêu thoát rồi à?"

"Cô ấy đã đến được nơi cần đến thì đúng hơn."

Thật nhẹ nhõm. Tôi cúi xuống nhặt chiếc vỏ chai nhựa dưới đất lên, cố không tỏ ra mình đang vui mừng. 

Bóng đèn nhỏ trong hẻm chưa mở, chắc vì còn hơi sớm. Thường thì cha sẽ chịu trách nhiệm mấy việc này, tiện thể ngóng ra đầu hẻm chờ tôi luôn. Hôm nay tôi thay cha một chút cũng được.

Cây cột bê tông nép bên bờ tường, sứt mẻ đủ chỗ như minh chứng cho quãng thời gian nó đã ở đây, chứng kiến rất nhiều thứ cả đời thường lẫn dị thường. Công tắc đèn gắn ở lưng chừng, cỡ ngang vai người lớn, sau khi hỏng vài lần do trời mưa thì đã được cha bọc trong hộp nhựa có nắp đóng an toàn hơn. 

Tiếng công tắc bật lên khô khốc. Bóng đèn chớp chớp mấy cái rồi mới sáng hẳn, nhẹ nhàng hắt quầng sáng trắng xuống mặt đường. Tiện tay, tôi vứt cái vỏ chai vào thùng rác cạnh bên trước khi quay lưng tiếp tục đi về nhà.

"Đừng có giả vờ như cô không thấy nó như vậy chứ?"-ông ta ho nhẹ-"Cô có thể ngủ yên hằng đêm khi biết một đứa trẻ phải lang thang ngay trước cửa nhà mình hay sao?"

"Tôi làm được gì cho nó chứ..."

Phía sau chiếc thùng rác to đùng, một cái đầu lơ thơ tóc đột ngột xuất hiện. Nó vươn cánh tay ngắn cũn, hằn từng ngấn sâu như củ sen bám vào nắp thùng, cố hết sức bò về phía tôi. 

Cách đây hai năm, ai đó đã bỏ lại một đứa bé mới sinh ở gần đây. Dù cho đã được chôn cất, ma chay tử tế nhưng chẳng hiểu sao nó cứ quấn lấy cái thùng rác này. Mỗi ngày về ngang qua đây, nó đều nấp sau cái thùng rác xanh khổng lồ đấy, dõi theo từng bước chân của tôi như thể tôi đã nợ nó điều gì đó. 

"Giữ nhóc con đó lại đi, sắp có người đến đưa nó đi rồi đây!"

Ông ta cởi nón ra, hơi cúi đầu tựa đang chào ai đó. 

Trên không bỗng xuất hiện chiếc túi nilon trôi lơ lửng. Thật kì lạ, bà ấy thường không xuất hiện giờ này. Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác thì tiếng gậy gõ xuống mặt đường đã vọng lại từ xa. Bà ấy theo ngọn gió bước xuống đất, chậm rãi đi đến chỗ chúng tôi. Đứa trẻ đã bò vào túi xách tôi tự lúc nào không hay, nó ngọ nguậy chán chê mới chịu ló đầu ra nhìn mọi người.

"Xem ra hành trình của cháu bắt đầu rồi, sau này không cần bà đến thăm nữa."-bà ấy xoa đầu tôi trìu mến, không quên nhìn sang chiếc túi căng tròn vì "vị khách" nhí kia-"Còn đứa trẻ này để bà đưa nó đi đầu thai nhé!"

"Nếu được thì tốt quá!"-tôi bế đứa bé ra, lau mấy vết bẩn trên mặt nó rồi trao cho bà ấy-"Nó đã ở đây rất lâu rồi, cháu rất muốn giúp nó mà chẳng biết phải làm gì cả..."

Thằng bé bám lấy tôi hồi lâu, hết níu áo đến lôi tóc, có lẽ vì lâu lắm mới được gần hơi người thế này. Nghe nói linh hồn trẻ con thường rất dễ bị lôi kéo làm điều xấu, may mắn cho đứa bé này lúc nào cũng quanh quẩn gần chùa nên vẫn bình an. Bà cụ nhẹ nhàng đỡ lấy nó, để đứa bé thoải mái bò trên tấm lưng còng của mình. 

"Sau này có những linh hồn không thể tự tìm đường đến Âm phủ, ta sẽ nhờ một người bên kia giúp cháu..."-bà ấy bước dần lên cao, tựa đang đi lên một cầu thang vô hình bắc vào hư vô-"Chúc cháu may mắn!"

Giọng bà ấy cứ nhỏ dần rồi biến mất hẳn cùng tiếng đứa trẻ cười nắc nẻ. 

"Cô tốt số thật, được cả Dạ Bà bảo vệ cơ đấy!"

"Ai cơ? Tôi chỉ biết bà ấy thỉnh thoảng hay ghé qua phòng thôi."

"Một vị thần lớn. Bà ấy che chở cho vạn vật khi màn đêm buông xuống. Nếu xét theo vai vế có lẽ còn lớn hơn các quan trên Thiên Đình lẫn dưới Âm Phủ..."-ông ta đặt gậy sang một bên, tựa vào bờ tường nhà tôi ngẫm nghĩ gì đó.

Mảnh trăng khuyết đã sáng rõ trên bầu trời đêm trong vắt. Hai chúng tôi cứ đứng cạnh cổng nhà không biết bao lâu, mải mê ngắm những vì sao lẻ loi đang cố tỏa sáng chen với ánh đèn đường rực rỡ. Tôi có cảm giác thật kì lạ về ngày hôm nay, cảm giác trong lòng đã nhẹ nhõm hơn rất nhiều. 

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi bất giác mỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip