Tan Man 15 Lam Sao Ma Quen Duoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
1. Trong làng nhạc Việt, nếu xem nhạc Phạm Duy là đại biểu ưu tú cho phong cách âm nhạc thấm đẫm tinh thần dân tộc được thể hiện bằng một tài năng lớn, thì nhạc Hoàng Thi Thơ cũng phải được xem là thứ âm nhạc độc đáo và đẹp đẽ đại diện cho Hồn Việt một cách chân phương, dân dã và khá gần gũi với đời sống nông thôn Việt Nam.

Tôi say mê cả hai ông. Nhưng nếu ta tán thưởng ca khúc Phạm Duy bởi nét tài hoa, ma mị qua tài biến hoá đa thức, đa thanh của một tay phù thuỷ lão luyện, thì sao không vỗ tay thật to và gật đầu với những âm thanh, giai điệu mượt mà sâu lắng, dễ gần, dễ nghe của ca khúc Hoàng Thi Thơ. (Ồ, xin lỗi, tôi hơi lan man về âm nhạc, lĩnh vực mà tôi rất kém hiểu biết!). Tôi nhắc đến Hoàng Thi Thơ là vì tôi muốn mượn một đôi dòng ca từ trong ca khúc Ai nhớ chăng ai của ông để gợi một câu chuyện khác, chuyện làm sao mà quên được những ngày gian khó đã từng có nhau.

2. Nếu bạn đã từng yêu thích Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Duy Quang, chắc bạn không thể nào quên chất giọng mượt, nồng ấm, hiền hiền, buồn buồn và như không chịu tác động bởi những xê dịch của đời sống khi thể hiện đầy tha thiết Ai nhớ chăng ai.

Ai nhớ chăng ai/ ai nhớ chăng những ngày rau cháo với dưa cà/ quê nghèo vui sống trong mặn mà/ đời vàng lên ngàn câu ca tình thấy càng bao la/ ngàn lòng như chan hoà...

Đọc đến đây, có thể bạn cười mỉm mà rằng, thôi tội nghiệp quá đi, ừ ngồi đó đi mà kể... nghèo rồi nhớ! Có thể bạn đúng. Đời sống ngoài kia và ngay cả trên tay mình, trong đầu mình đang cựa quậy, ồn ã, nhộn nhịp và sống động từng phút từng giây. Đó không thấy sao. Đời sống như thác lũ cuốn trôi ta đi. Tôi đang sống hôm nay, ngay bây giờ thì thời giờ đâu mà... nhớ.

Mà nhớ để làm gì kia chứ. Người ta cũng phải tập quên. Dĩ vãng đôi khi phiền phức lắm. Nhiều lúc, chính nó là rong rêu làm ta vướng chân hoặc trơn trượt không chừng. Vì vậy mới có "lý lịch trích ngang". Ta chỉ cần nhớ những dấu mốc vàng son thôi.

Xu hướng và tâm thế của người hôm nay là vậy?

Tôi chỉ dám đặt câu hỏi mà không dám trả lời. Bởi tôi nghĩ, ông bà mình từ ngày xưa chắc đã lường trước lòng người dâu bể nên đã hát để tự răn mình Trách chàng phụ khó, khinh bần... hoặc như Khó giữa chợ chẳng ai hỏi han/ Giàu giữa lâm san có người tìm tới.

3. Tôi nhớ. Hành trang đời tôi có nó. Nó chiếm một chỗ trang trọng. Đó là khu vườn nhà ngoại tôi với những cây trái cóc keng cho con cháu ăn chơi mà không bao giờ bán mua. Đó là những chiều mưa với bữa cơm vài con cá khô, chén mắm nêm, nắm rau dẹp, rau má trong ánh đèn hột vịt leo lét. Ngoài trời mưa lâm thâm, không gian im ắng chỉ có tiếng bầy nhái bén xen giữa những đợt sấm rền xa xa.

Tôi nhớ. Sài Gòn 34 năm trước. Lầu 4, lô D, cư xá Thanh Đa. Nơi tôi trọ đêm đầu tiên khi vào thi Đại học. Và cũng là nơi tuần đầu tiên tôi ở trọ lúc vào nhập học trước khi được chính thức chuyển tới ký túc xá cơ sở 3 Đại học Tổng hợp. Tôi nhớ bác chủ nhà đạp chiếc xe cà tàng chở tôi tới điểm thi và ly cà phê cùng bữa điểm tâm là hai củ khoai lang luộc bên chân cầu Thị Nghè. Cho mãi đến bây giờ, mỗi lần có dịp đi ngang cầu Thị Nghè là tôi cứ ngoái tìm cái chỗ ngày xưa bác và tôi ngồi chỗ nào. Chỗ nào trong ngăn kéo thời gian?

Chỗ nào? Đoạn đường từ Thủ Đức về Sài Gòn lúc thì ngõ cầu Sài Gòn lúc thì ngõ cầu Bình Triệu giữa những ngày gió Bấc. Gió mạnh đến nỗi người muốn vuột về phía trước mà chiếc xe đạp cứ tuột về phía sau. Vậy mà dừng bên thành cầu Rạch Chiếc nhìn khóm dừa nước, bè lục bình cả bọn cười ha hả với nhau. Tiếng cười ấy, giờ bạn mang về đâu. Về đâu cái ngày xưa nghèo khó ấy?

Tôi nhớ nó. Như tôi đã từng có nó. Vì tôi đã sống với nó. Làm sao mà quên được!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip