Vài lời lảm nhảm của tác giả...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[Đã chỉnh sửa]

Có một sự thật là trong ba thể loại BG, BL và GL, mình ít đọc GL nhất. Nhưng khi đặt bút sáng tác, những người con gái lại là người truyền cho mình nhiều cảm hứng nhất. Lục lại ổ D, thấy file word được tạo từ tháng 5 năm 2019 và ngừng cập nhật vào tháng 3 năm 2020, tổng 57,120 từ. Thời điểm mới hoàn thành, mình đã dành một chương cho đôi điều xoay quanh tác phẩm, có điều khi ấy đã là hơn nửa đêm, ngồi từ chiều nên lưng đã mỏi, đành gõ vội vài dòng rồi đi ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy cũng lười sửa, cứ để thế đến bây giờ. Rốt cuộc sau nửa năm cũng có dịp nghiêm túc nhìn lại tác phẩm này.


Về cảm hứng để mình tạo ra câu chuyện này, không có gì hơn ngoài sự tức giận và bức xúc. Đấy là cảm xúc tích tụ nhiều năm, nhìn những người ngay gần, những người ở xa, cả những người không quen biết, thấy họ sống trong một cái khuôn, hoặc một cái lồng, mắt mình không nhìn nổi. Vài người quen mình từng nói, cảm giác mình có vẻ thờ ơ, lạnh nhạt, chẳng có thứ gì khiến mình yêu thích. Thực ra là ngược lại. Trước khi hoàn thành tác phẩm này, gần như bất cứ khi nào lòng mình cũng như biển nổi bão tố. Bây giờ nhớ lại, mình chẳng còn cảm nhận được cảm xúc khi ấy, nhưng mình nghĩ nó đã hỗn loạn vô cùng. Thế là vào tháng 5 năm 2019 (trước kỳ thi đại học 2 tháng, cũng chẳng biết sao sắp thi rồi mà mình vẫn bình tĩnh gõ truyện), mình chợt nghĩ nếu không giải tỏa nó ra thành câu chữ, mình sẽ nghẹn chết mất. Vậy là "Nước mắt công chúa" ra đời.


"Nước mắt công chúa" viết lại cổ tích, nơi những nàng công chúa không yêu hoàng tử, với nhân vật chính là Lọ Lem, Bạch Tuyết, nàng tiên cá, hoàng tử và bà tiên.


Xây dựng bối cảnh không có gì khó, mình chỉ là tạo ra hai vương quốc cùng ngụ trên một hòn đảo; một vương quốc tên là Hạnh Phúc, vương quốc còn lại gọi là U Buồn. "Vương quốc Hạnh Phúc, như cái tên, là nơi coi trọng niềm vui và tiếng cười hơn hết thảy. Người dân ở đây giấu đi nỗi buồn và sự ảm đạm, coi đó là những điều xấu xí mà con người không nên có"; "Đối lập với vương quốc Hạnh Phúc, vương quốc U Buồn lại tôn thờ những cảm xúc mà người dân Hạnh Phúc ghét bỏ. Con người nơi đây, ngược lại, yêu đến phát điên những nỗi buồn rầu, cô đơn và nghi kị". Người dân Hạnh Phúc thì không được phép tỏ ra u buồn và ngược lại, người dân U Buồn cũng không được bày ra vẻ mặt hạnh phúc. Mình gọi đó là "luật lệ". Bối cảnh đơn giản đến vậy, mình nghĩ ngay cả đứa trẻ ba tuổi cũng có thể nhận ra sự vô lý của nó, vậy mà cả hai vương quốc ấy, cả những kẻ tự xưng là học rộng uyên bác, lại chẳng băn khoăn gì mà chấp nhận tuân theo luật lệ ngu xuẩn dường ấy suốt hàng nghìn năm. Nhưng bỏ qua lớp vỏ, nhìn vào sâu trong, sẽ chẳng thấy một luật lệ nào cả. Ấy chẳng qua chỉ là hủ tục, định kiến, những áp đặt tựa dây xích trói tất cả mọi người vào một "lẽ tự nhiên".


Giữa một xã hội u mê như thế, mình tạo ra Lọ Lem và Bạch Tuyết.


Lọ Lem là người dân của vương quốc Hạnh Phúc, nhưng cô luôn sống trong sự ủ dột và cầu mong được chết đi; Bạch Tuyết, công chúa của vương quốc U Buồn, thì lúc nào cũng chưng ra một nụ cười giả dối. Lọ Lem và Bạch Tuyết không phải những người đầu tiên nhận ra sự vô lý của luật lệ, nhưng họ là "người được chọn" để phá bỏ xiềng xích ấy. Trong truyện, mình không tả rõ ngoại hình của Lọ Lem, chỉ viết đơn giản là cô gái có mái tóc của kim ô và đôi mắt tựa bầu trời. Chỉ là tóc vàng mắt xanh, mình nghĩ (hoặc mong) độc giả sẽ liên tưởng tới một vẻ đẹp hoang dại. Ngay từ đầu truyện, mình đã tạo ấn tượng về một Lọ Lem vô lễ và bất cần đời, cảm giác giống như chẳng điều gì có thể khiến cô nảy lên một tia sợ hãi; nhưng thực chất, Lọ Lem không mạnh mẽ đến vậy. Nhân vật Lọ Lem gắn liền với những giấc mơ, mà giấc mơ thì mỏng manh biết chừng nào. Còn Bạch Tuyết, tóc đen mắt đen, nét đẹp dịu dàng của những cô gái phương Đông, nhưng trái tim thì lại kiên định tựa sắt đá. Mình tạo ra một sự đối lập giữa ngoại hình và nội tâm như vậy.


Một sự thật mà bất cứ ai viết truyện và đọc truyện cũng biết: nhân vật là hóa thân của tác giả. Nhưng ở đây, cả Bạch Tuyết và Lọ Lem đều không phải là "mình". Họ là người mà mình ngưỡng mộ, cũng là người mà nhân vật thứ ba - nàng tiên cá - tìm kiếm. Nàng tiên cá không giống Lọ Lem và Bạch Tuyết, nàng thật sự yếu mềm, nàng chẳng dám đấu tranh quyết liệt đến thế. Nhưng không có nghĩa là nàng buông xuôi.


Người duy nhất buông xuôi ở đây là hoàng tử. Nhân vật hoàng tử, theo cảm nhận của mình, vừa đáng trách cũng vừa đáng thương. Chàng lớn lên trong lời dạy rằng "một cô gái phải cưới được hoàng tử thì mới chân chính trở thành một công chúa", và ý nghĩ ấy đã (từng) bị đập tan bởi chính mẹ chàng khi bà nói "Mỗi người con gái từ khi sinh ra đều đã là một nàng công chúa, nên dù không có con, họ vẫn có thể sống hạnh phúc".


Nhân vật cuối cùng, cũng là nhân vật đứng sau tất cả: bà tiên. Trong đây, bà tiên đóng vai trò phản diện. Bà là đại diện cho những định kiến, những suy nghĩ lạc hậu, là xiềng xích trói buộc con người - như là công chúa thì buộc phải yêu hoàng tử. Ngoài sự căm ghét, phần nào trong mình còn thấy thương hại bà tiên. Thương hại. Vì có lẽ theo cách nào đó, bà tiên cũng chỉ là một nạn nhân. Nhưng cảm xúc ấy rất nhanh thì biến mất. Suy cho cùng, chính "bà tiên" là nguyên nhân để mình viết ra tác phẩm này.


Bà tiên là rào cản lạc hậu, Lọ Lem và Bạch Tuyết là những người trực tiếp đứng lên đấu tranh, nàng tiên cá âm thầm ủng hộ, còn hoàng tử sẽ là kiểu người "không kỳ thị nhưng...". Chà, có vẻ giống như một xã hội thu nhỏ đấy?


Trong quá trình viết, có vài điều khiến mình cảm thấy băn khoăn, lớn nhất có lẽ là việc mình cho Bạch Tuyết là người không tin vào định mệnh. Bản thân mình khá tin vào số phận, định mệnh hay duyên phận, cho nên khi viết đến chi tiết ấy, mình khá phân vân. Nhưng rồi mình nghĩ, tin cũng được, không tin cũng được, có rất nhiều điều trên đời vốn chẳng thể phân rõ; trong trường hợp của Bạch Tuyết, đó là lựa chọn tốt nhất. Ban đầu, mình không có ý viết Lọ Lem và Bạch Tuyết là một cặp, bởi tư tưởng chính của câu chuyện này là "đấu tranh", thời điểm mới đặt tay lên bàn phím, mình đã không nghĩ tình yêu sẽ là một phần của đấu tranh. Nhưng cuối cùng thì mình đã phải chuyển từ "truyện có yếu tố đồng tính nữ" sang hẳn tag GL.


Ở đây, mình không có ý đề cao tình yêu nữ nữ mà dìm mối quan hệ hoàng tử-công chúa. Quan điểm trong tình yêu của mình luôn luôn là "yêu con người, không màng giới tính", giống như những lời cuối cùng mà nàng tiên cá đã nói với hoàng tử - "Nếu như có một ngày em yêu ai đó, vậy thì không quan trọng người ấy là ai, giới tính hay địa vị ra sao, em vẫn sẽ dành trọn trái tim cho người mà em đã chọn. Tình yêu thật sự là như thế đấy"; và rằng "Bất kể là hoàng tử hay công chúa, chỉ cần còn sống, chúng ta đều sẽ không ngừng đấu tranh". Cho nên vấn đề ở đây không phải công chúa sẽ yêu công chúa. Công chúa có thể yêu bất kỳ ai - hoàng tử, công chúa, cô hầu hay thậm chí là mụ phù thủy; chỉ cần biết rõ, đó là lựa chọn của cô ấy, cô ấy không sai, và bà tiên thì cần học cách chấp nhận điều này.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip