- SỰ SỐNG THẬT ĐÁNG QUÝ, NHƯNG TỰ DO CÒN QUÝ HƠN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong tác phẩm "Tộc sói" của giáo sư Wilkins, có câu chuyện như sau:

Trên thảo nguyên Pampa của Argentina, một mục dân đã bắt được một con sói mẹ, nhưng ông ta không giết chết con sói này mà muốn tìm mọi cách để đeo xích sắt cho nó. Con sói mất đi tự do quý nhất của nó. Thông thường, sau khi bị con người bắt được, con sói sẽ vì sự sống, vì cơ hội thoát thân mà tiếp nhận thức ăn của con người. Khi tiếp nhận những thức ăn này, chúng lại không hề có một biểu hiện biết ơn, ngược lại, khi chúng ăn, không ai có thể lại gần chúng vì chúng sẽ xông đến cắn xé như điên dại.

Con sói mà người chăn gia súc này bắt được lại gợi cho chúng ta biết một đặc tính khác của loài sói. Vì tự do, chúng có thể từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống. Con sói mẹ này không ăn bất cứ một thức ăn nào mà con người vứt cho nó. Mỗi khi đêm đến, con sói lại ngửa cổ lên trời mà tru. Âm thanh ấy rất thê lương, bi tráng. Những người dân ở xung quanh khi nghe tiếng tru này đều bất giác nhỏ lệ. Con sói này tuyệt thực mấy ngày liền, và nó cũng không ngừng tru mấy đêm liền. Mỗi khi có người đến gần nó, ánh mắt nó lại đầy vẻ thù hận. Dù con sói rất đáng thương nhưng người mục dân vẫn không thả nó ra. Cuối cùng, người ta đã giết chết con sói đã tuyệt thực bảy ngày này. Trước khi con sói chết, người mục dân rất kinh ngạc khi phát hiện vẻ thù hận trong mắt con sói đã biến mất, thay vào đó là sự cảm ơn. Có lẽ, con sói cảm ơn người mục dân đã cho linh hồn nó được tự do.

Từ đó, chúng ta đã biết được loài sói rất tôn thờ và đeo đuổi tự do một cách mãnh liệt. Đối với loài sói, tự do cao hơn tất cả, thậm chí còn hơn cả tính mạng. Chúng không bao giờ dùng tự do để đổi lấy một chút hơi tàn. Nếu con sói không may bị bắt, bị nhốt ở trong lồng thì nó sẽ không bao giờ giống loài sư tử, hổ, báo có bộ da đẹp đẽ và thân hình cao lớn, chỉ biết nằm cuộn tròn, ủ rũ trong lồng sắt, không còn chút khí phách của chúa tể sơn lâm. Nó càng không giống loài gấu chỉ biết dùng sức mạnh để chắp tay vái chào người tham quan, để có được chút thức ăn. Hai mắt con sói nhìn xuống, không biết đến người tham quan, không để ý đến cái lồng sắt, thái độ rất bình thản. Nó không ra oai, không ủ rũ, không cất tiếng tru để dọa dẫm, không ngủ mê mệt một cách an phận, càng không cúi đầu để xin thức ăn của con người. Bàn chân săn chắc và cơ bắp đầy sức sống của nó luôn cử động hướng về trước. Nó di chuyển rất nhanh trong lồng sắt, đầu chạm vào thanh sắt nhưng vẫn cứ đi tới, không hề ngừng nghỉ. Điều đó làm con người cảm thấy nó lúc nào cũng chuẩn bị phá lồng để xông ra, lúc nào cũng có quyết tâm và tinh thần chưa quay về rừng thì chưa ngừng nghỉ.

Đại học Harvard vào thời của hiệu trưởng Eliot, khi trường quyết định cho sinh viên không gian tự do phát triển, trường đã từng nhận rất nhiều lời phê bình mạnh mẽ từ các giới của xã hội. Khi trường tuyên bố bãi bỏ quy định cưỡng chế đối với việc tham gia lớp thơ ca và việc cầu nguyện, các phụ huynh đã rất hoang mang, sợ rằng con của họ sẽ phát triển theo hướng trụy lạc. Nhưng Eliot lại không cho là như thế. Theo sự quan sát và nghiên cứu của ông, dưới sự quản lý nghiêm ngặt, sinh viên sẽ không thể nào hình thành nên tính cách tốt, cũng sẽ không có được cơ thể khỏe mạnh. Eliot trấn an một số phụ huynh đang lo lắng rằng việc bãi bỏ quản lý có tính cưỡng chế chỉ là để con của họ phát huy hết tố chất của chúng. Ông và các đồng nghiệp đã cố gắng làm như thế. Eliot chỉ ra rằng để sinh viên có thể trưởng thành khỏe mạnh, cần phải kích thích yếu tố ưu tú nhất trong nhân tính của chúng, phải tin rằng chúng có thể tự quản lý mình, tin rằng chúng có khả năng tự kiềm chế rất tốt. Đến khi chúng ra trường, chúng không những có một tấm văn bằng chất lượng mà còn có một tố chất tốt. Nếu thiếu tự tin và khả năng sáng tạo thì sẽ không thể nào vững vàng trong sự cạnh tranh khốc liệt.

Trước đó, sinh viên ở các trường đại học Mỹ bị chế độ quy tắc ràng buộc; mọi lời nói cử chỉ của họ đều bị giám sát chặt chẽ như thể họ là những đứa trẻ chưa biết tự quản lý mình. Một số trường còn đối xử với họ như những tên trộm nhỏ, thậm chí còn phái những "gián điệp học đường" để theo dõi họ. Sinh viên bị ép buộc tham gia vào các buổi cầu nguyện và các hoạt động ngày lễ, nếu vắng mặt một buổi nào thì sẽ bị ghi vào trong sổ theo dõi. Để đối phó với các lần điểm danh, họ thường hay nói dối hoặc tìm nhiều lý do để bao biện cho mình. Tóm lại, họ không có được sự tin tưởng của nhà trường giống như họ không thể kiểm soát được hành vi của mình, không biết điều chỉnh sinh hoạt của mình vậy. Kết quả là dẫn đến việc một khi họ thoát ly khỏi sự kiểm soát và khống chế, họ sẽ vứt bỏ hết mọi ràng buộc, để buông thả hết mình giống như một con ngựa hoang thoát khỏi dây cương. Sự áp chế trong thời gian dài làm cho họ không còn coi trọng và yêu mến tự do, mà sẽ coi tự do là cơ hội để buông thả.

Việc khởi xướng phương pháp giáo dục tự do của đại học Harvard sau này đã được bộ giáo dục Mỹ công nhận và nhân rộng ra toàn quốc. Ngày nay, trong trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ này, người ta đã bãi bỏ rất nhiều chế độ quy tắc cũ, để cho sinh viên được tự do hoàn toàn. Giảng viên thì cố gắng bồi dưỡng cho sinh viên khả năng hành động và suy nghĩ độc lập, tin tưởng rằng sinh viên có thể tự quản lý mình rất tốt. Sự thực đã chứng minh, các sinh viên vì vậy mà có được tính độc lập và càng tuân thủ theo trật tự, càng khỏe mạnh hơn. Tuy hiện tại số sinh viên của trường Harvard đã tăng gấp 90 lần, nhưng tỉ lệ phạm tội và bị đuổi khỏi trường lại thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khi Eliot tiến hành cải cách.

Tự do là một trong những nguyên tố cơ bản nhất trong sự sống của con người, giống như cây cần có nước và ánh sáng để duy trì sự sống. Mất đi tự do, chúng ta chỉ có thể trở thành người tàn tật. "Tính mạng là đáng quý, tình yêu càng đáng quý hơn, nhưng nếu vì tự do, hai người đều có thể từ bỏ". Tự do là một thứ quan trọng hơn cả tính mạng, rất đáng để chúng ta cố gắng hết sức để giành lấy!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip