- Phép tắc 7: RÚT LUI KHI ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC ĐỈNH CAO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ngoài những động vật hoang dã nhỏ bé ra, thức ăn ưa thích nhất của loài sói còn là những gia súc như dê, bò Tây Tạng. Khi bắt những con gia súc này, động tác của loài sói rất nhanh nhẹn. Loài sói thường thừa lúc những con gia súc này không đề phòng để vồ đến, đầu tiên là cắn vào cổ họng và mạch máu ở cổ, sau đó là ra sức hút máu, làm cho con vật mất sức và chết nhanh chóng. Một con sói khi nhảy vào bây dê, một đêm nó có thể cắn chết mười con dê. Có thể thấy, sói gây nguy hại rất lớn cho bầy gia súc. Bình thường, sói chủ yếu bắt dê. Vì dê có hình thể nhỏ, nhát, dễ bắt. Đặc biệt, những con dê con càng là con mồi mà sói dễ bắt nhất. Một mục dân già kể lại một câu chuyện như sau: một hôm, ông đang chăn bầy dê trên núi thì gặp một trận bão tuyết, bầy dê hoảng sợ, chạy tán loạn. Trong lúc ông đang cuống cuồng chặn bầy dê, một con sói xông đến, cắn lấy một con dê con và chạy mất.

Sau khi con sói có được con mồi, nó sẽ nhanh chóng bỏ đi. Đây có thể gọi là rút lui khi đã thành công. Trong chính trị, từ xưa đến nay, phép tắc này được vận dụng rất khéo léo. Tôn Tẫn, nhà quân sự trứ danh thời cổ đại Trung Quốc, có thể nói là đã giã từ sự nghiệp khi đang ở trên đỉnh vinh quang. Trong trận Mã Lăng, vì Tôn Tẫn vận dụng linh hoạt chiến thuật vây Ngụy cứu Triệu, dùng kế giảm số bếp để lừa địch, mai phục địch ở Mã Lăng nên đã tiêu diệt gọn quân Ngụy, giành được thắng lợi. Cũng giống như trận Quế Lăng, trận Mã Lăng là kiệt tác quân sự của Tôn Tẫn, cũng là hai bông hoa lạ trong lịch sử chiến tranh quân sự của Trung Quốc. Hai trận chiến này đã thể hiện đầy đủ mưu lược quân sự hơn người và tài năng chỉ huy kiệt xuất của Tôn Tẫn. Sau trận Mã Lăng, nước Ngụy bị tiêu hao lớn về lực lượng, thực lực quốc gia bị suy yếu và mất đi bá quyền Trung Nguyên. Nước Tề lại có tiếng tăm lừng lẫy, uy phục chư hầu, xưng bá Trung Nguyên. Tôn Tẫn từ đó vang danh thiên hạ, thực hiện được hoài bão của mình.

Khi giữ chức tướng quốc nước Tề cùng với Trâu Kỵ, Tôn Tẫn đã nhiều lần can gián Tề Vương. Trâu Kỵ thân cao tám xích, tướng mạo đường đường, nhưng bụng dạ hẹp hòi, tư lợi. Trước hai trận đại chiến giữa tề và Ngụy, Trâu Kỵ đều kiên quyết phản đối xuất binh. Đến khi Điền Kỵ và Tôn Tẫn chiến trắng trở về, Trâu Kỵ rất ghen tức. Uy danh của Tôn Tẫn, Điền Kỵ càng vang xa, Trâu Kỵ lo lắng cho địa vị của mình. Vì vậy, Trâu Kỵ muốn nhanh chóng trừ khử Điền Kỵ và Tôn Tẫn. Có thể vì Tôn Tẫn là người tàn tật, khả năng tranh giành địa vị không lớn nên Trâu Kỵ nhắm vào Điền Kỵ đầu tiên. Trận Mã Lăng kết thúc không lâu, Trâu Kỵ và thuộc hạ thân tín bàn mưu trừ khử Điền Kỵ. Công Tôn Duyệt đưa ra một chủ ý: "Tướng công sao không cho người đem mười lượng vàng cho thầy bói ở trong thành và bảo: 'Ta là người của Điền Kỵ, ta đánh ba trận thắng cả ba, tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ, ta muốn làm đại sự, là lành hay dữ?' Thầy bói vừa xem quẻ xong, hãy cho người bắt lấy thầy bói, đem đến tra khảo trước mặt vua."

Trâu Kỵ nghe xong cả mừng, bèn sai người tìm thầy bói trong thành, phao tin Điền Kỵ sai người đi xem bói, để xem nếu Điền Kỵ mưu phản là lành hay dữ? Trâu Kỵ thì cho người đi theo sau để bắt người này lại và giải đến Tề Vương. Tề Vương tuổi đã cao nên có chút hồ đồ. Ông vốn đã sợ vì Điền Kỵ nắm giữ binh quyền nên vừa nghe Trâu Kỵ nói, ông đã tin Điền Kỵ có âm mưu tạo phản. Lúc đó, Điền Kỵ đang chinh chiến bên ngoài. Tề Uy Vương bèn sai người gọi Điền Kỵ về Lam Tri để tra hỏi chuyện này.

Tôn Tẫn cũng đang ở cùng Điền Kỵ. Ông đã thấy rõ tình hình chính trị của Nước Tề và mâu thuẫn giữa Trâu Kỵ và Điền Kỵ. Vì vậy, khi nghe tin Tề Uy Vương vô cớ gọi Điền Kỵ trở về Lam Tri, Tôn Tẫn biết Tề Uy Vương chắc chắn đã tin lời xàm tấu của Trâu Kỵ, cho rằng Điền Kỵ trở về Lam Tri, thì sẽ lành ít dữ nhiều. Điền Kỵ đã từng giúp đỡ Tôn Tẫn rất nhiều trong lúc ông khó khăn nhất; hơn nữa hai người đã hợp tác rất tốt trong thời gian dài. Tôn Tẫn quả thực không muốn để Điền Kỵ tự chui đầu vào lưới nên nhắc nhở Điền Kỵ: Tề Vương chắc chắn đã nghe lời xàm tấu của Trâu Kỵ, Điền Kỵ không nên tùy tiện trở về Lam Tri. Trong tình huống cấp bách, ông khuyên Điền Kỵ dẫn quân trở về Lam Tri để đuổi Trâu Kỵ.

Ý của Tôn Tẫn là muốn đưa quân đi làm rõ trắng đen. So với việc trở thành cá trên thớt của Trâu Kỵ thì thà rằng Điền Kỵ dốc toàn lực tranh cao thấp với Trâu Kỵ; như thế, có thể sẽ còn một con đường sống, chuyển bại thành thắng. Điền Kỵ rất phục Tôn Tẫn nên ông theo lời Tôn Tẫn, đưa quân đánh Lam Tri. Nhưng Trâu Kỵ không phải tầm thường, ông đã cho quân lính giữ thành. Điền Kỵ thất bại, lại thấy binh lính cần vương ở khắp nơi nên phải lánh nạn ở nước Sở. Còn Tôn Tẫn, từ lúc Điền Kỵ tấn công Lam Tri, người ta đã không còn thấy ông đâu nữa. Tôn Tẫn bỏ đi trong lúc này cũng là một kế sách hay. Với đầu óc của một nhà chiến lược, Tôn Tẫn hiểu rất rõ sự rối rắm, phức tạp của tình hình chính trị nước Tề, hiểu rõ con người của Trâu Kỵ. Sở dĩ ông can dự vào việc chính trị của nước Tề là vì muốn trả thù Bàng Quyên đã vô cớ hãm hại mình. Sau khi trận chiến ở Mã Lăng kết thúc, thù lớn đã trả xong, Tôn Tẫn cũng nên tìm một nơi lui về, không nên can dự vào chính trị, càng không nên mang thân thể tàn tật của mình để chạy trốn cùng Điền Kỵ.

Phép tắc của loài sói này khi được vận dụng vào cuộc sống, sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Nhưng có thể rút lui khi đang ở đỉnh cao vinh quang là một chuyện khó. Bởi lẽ, cuộc sống dễ chịu, điều kiện hoặc thành tựu hiện có là thành quả mà chúng ta phải vất vả lắm mới có được, chúng ta đâu dễ gì giao phó nó cho người khác.

Lần duyệt binh cuối cùng của Napoleon là vào ngày 18 tháng 6 năm 1815. sau đó, quân Pháp bắt đầu tấn công dữ dội và Waterloo. Pháo binh của Anh chặn đánh bằng hỏa lực, kỵ binh Scotland phản kích.

Chạng vạng tối, Napoleon đích thân chỉ huy đội cảnh vệ thọc sâu vào quân Anh. Trong giờ phút quan trọng quyết định thắng bại, đột nhiên có tiếng pháo nổ và tiếng la hét của kỵ binh từ phía cánh phải của quân Pháp truyền đến. Blücher đã dẫn 30000 quân Phổ đến tham chiến! Napoleon vẫn hạ lệnh tiến công với hy vọng nguyên soái Grouchy sẽ đuổi kịp.

Đến tối, quân Phổ xung phá được cánh phải của quân Pháp. Quân của Napoleon bị tan rã, quân lính bỏ chạy tán loạn xuống phía nam, cho đến ngày hôm sau mới có thể tập hợp lại được, nhưng khó tiếp tục chiến đấu vì đã mất đi toàn bộ đại pháo. Cảnh tượng cuối cùng của trận Waterloo là 25000 quân Pháp và 22000 quân liên minh Anh-Phổ thương vong bị bỏ rơi lại trên chiến trường, tiếng kêu khóc không dứt.

Sau đó, Napoleon trở về Pari để tuyên bố thoái vị. Trên đường đi đến Châu Mỹ, Napoleon đã bị hạm đội Anh chặn bắt và đày đến Saint Helena ở Đại Tây Dương. Napoleon chết ở đó vào năm 1821. Naopleon đã từng có những chiến tích lừng lẫy hơn ở những thống soái trứ danh của thế giới như Alexander, Hannibal, Caesar... nhưng ông không biết ý nghĩa sâu xa của việc giã từ sự nghiệp khi đang ở đỉnh vinh quang, mà lại một mực muốn trở thành bá chủ thế giới. Cuối cùng, ông cũng chỉ có thể sa vào vũng bùn chiến tranh du kích Tây Ban Nha, lại thất bại ở Moscow và kết thúc sự nghiệp ở Waterloo. Nếu Napoleon không tham vọng, không đánh Waterloo, thì có thể ông sẽ giành được thành công lớn hơn dựa trên cơ sở sẵn có. Nhưng tất cả đều đã là quá khứ, điều có thể làm cho chúng ta suy nghĩ cũng chỉ là: nên lui thì lui, nên thu thì thu, không nên quá tham lam.

Sau khi tiêu diệt Hạng Vũ, Lưu Bang đóng đô ở Trường An. Trong lúc các vị công thần khai quốc đang hớn hở chờ hưởng thụ vinh hoa phú quý thì Trương Lương, người lập nhiều chiến công hiển hách cho Lưu Bang lại đột nhiên bị bệnh rất nặng. Trương Lương bệnh nặng như thế, tại sao sau đó, Lưu Bang khỏe mạnh hơn Trương Lương lại bệnh chết, còn Trương Lương thì vẫn còn sống? Vì Trương Lương biết rằng xưa nay, người có công to rất ít khi trường thọ, thế là, ông đã lui về đúng lúc.

Người Lưu Bang bội phục có Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Lưu Bang nói: phàm việc tính toán trong màn trướng mà định thắng bại ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng (tức Trương Lương); trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, cấp tiền, lương thực không bao giờ dứt thì ta không bằng Tiêu Hà; nắm trong tay vạn quân, đánh là thắng, tấn công là có được thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là nhân kiệt. Nhưng trong "tam kiệt", Hàn Tín bị giết ở cung trường lạc vì tội mưu phản, Tiêu Hà bị bắt vào ngục vì tội tham ô đều do có công quá lớn. Kẻ địch lớn nhất đã bị tiêu diệt, để lại ba người có bản lĩnh lớn hơn Lưu Bang này còn có ích gì? Chẳng trách khi Lưu Bang nghe tin Hàn Tín bị Lã Hậu giết chết, ông đã "vừa mừng vừa thương". Tiêu Hà, sau khi bị giam vào ngục, cũng bị dọa đến vỡ mật, phải phủ phục trước mặt Lưu Bang, nên Lưu Bang cũng cảm thấy bớt lo ít nhiều. Lúc này, chỉ còn Trương Lương, người đứng đầu "tam kiệt", là mối lo lớn nhất. Nếu để ông ở trong dân gian thì chỉ làm cho Lưu Bang càng lo lắng hơn. Vì vậy, Trương Lương lại càng bệnh và còn bệnh đến nỗi không biết chết sống ngày nào. Đây là kế sách của nhân sĩ để bảo vệ mình dưới chế độ phong kiến áp bức. Có thể thấy, Trương Lương là người mưu tính sâu xa.

Tể tướng Lý Tư của nhà Tần là một nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử. Ông có công rất lớn đối với sự nghiệp thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng. Trong mắt người xưa, lẽ ra ông nên hài lòng, chứ không nên quá ham mê quyền lực và phú quý. Quan thần Triệu Cao lợi dụng nhược điểm này của ông để thuyết phục ông hợp tác với mình, làm giả di chiếu của Tần Thủy Hoàng, giúp Tần Nhị Thế (Doanh Hồ Lợi) đoạt ngôi.

Sau đó, kẻ chỉ hươu bảo ngựa Triệu Cao vì muốn chiếm đoạt quyền lực trong triều nên bày kế giết hại Lý Tư. Đến phút bị xử trảm, Lý Tư mới hiểu ra cuộc đời tiêu tan vì hai chữ danh lợi. Lý Tư nói với con rằng, ông rất muốn quay trở lại những ngày xưa nhàn tản, cùng con dắt chó săn đuổi theo con thỏ hoang. Có thể thấy, mấu chốt của vấn đề chính là bản thân mình biết thu tay về kịp thời khi đã giành được thành công hay không. Nếu có thể thực hiện được phép tắc "rút lui khi đã ở đỉnh cao" thì đâu có nhiều bi kịch?

Các bậc trí giả đều biết sau thành công, nếu không thể rút lui kịp thời, nhẹ thì bị mất chức quan, nặng thì bị mất mạng. Vì vậy, họ đều chọn con đường rút lui khi đã lập được công danh. Năm 1371, Chu Nguyên Chương đã trao cho Lưu Bá Ôn, người có công lớn trong sự nghiệp bình thiên hạ, trị thiên hạ của mình, danh hiệu Hoằng Văn Quán Học Sĩ, phong làm Khai Quốc Dực Vận Thủ Chính Văn Thần, Tư Thiện Đại Phu, Thượng Hộ Quân, Thành Y Bá. Để tránh mối họa tranh chấp chốn quan trường, Lưu Bá Ôn tâu lên Minh Thái Tổ, xin được từ quan để sống ẩn cư. Có hai nguyên nhân: một là, chí báo quốc đã được thực hiện, đã được liệt vào hàng công thần khai quốc; hai là, ông vốn có tính cách hào sảng, chính trực, căm ghét cái ác, khi vạch ra kế sách giúp Chu Nguyên Chương đã từng đắc tội với nhiều người như tể tướng Lý Thiện Trường, Hồ Duy Dung..., ngay cả Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, ông cũng từng can gián thẳng thừng. Vì vậy, ông muốn nhanh chóng thoát ra khỏi vòng xoáy chốn quan trường. Tháng hai năm Hồng Vũ thứ tư, Lưu Bá Ôn trở về núi Nam Điền, huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang (nay thuộc huyện Văn Thành, tỉnh Chiết Giang). Ở quê nhà, ngày ngày, ông đọc sách, ngâm thơ, uống rượu, đánh cờ, khước từ mọi thăm viếng của quan phủ, tĩnh tâm tu dưỡng. Năm 1373, Hồ Duy Dung lên làm thừa tướng. Hồ Duy Dung vẫn còn hận chuyện Lưu Bá Ôn phản đối ông làm thừa tướng trước mặt Minh Thái Tổ, nên vu cáo cho Lưu Bá Ôn mưu chiếm nơi có vương khí ở quê nhà để làm mộ cho mình. Chu Nguyên Chương rất đa nghi nên đến năm thứ hai thì cắt hết bổng lộc của Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn buộc phải nuốt giận để vào kinh để nói cho rõ ngọn nguồn, không ngờ lại buồn quá hóa bệnh. Tháng 3 năm 1375, Lưu Bá Ôn lâm trọng bệnh, nên được đưa về quê nhà, một tháng sau thì mất.

Nếu Lưu Bá Ôn lui về quê ở ẩn trước ngày Chu Nguyên Chương đăng cơ xưng đế, thì có lẽ cũng không đến nỗi chịu oan khuất, bị tước đoạt bổng lộc. Từ đó có thể thấy, trong cuộc tranh giành chính trị, khi đã ở trên đỉnh vinh quang, việc rút lui nên sớm chứ không nên muộn. Nếu không, dù từ chức cũng khó bảo toàn được đến trọn đời.

Lui về khi sự nghiệp đã ở đỉnh cao sẽ tránh được tai họa, tránh sự đối đầu trực diện với đối thủ dẫn đến chuyện lợi bất cập hại và cũng thể hiện tấm lòng của một con người. Sau khi nước Mỹ giành được độc lập, George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, đã chủ động từ chức tổng tư lệnh quân đội Lục Địa, không làm vua mà làm nông phu. Ông trở về nông trại ở Mount Vernon, ôn lại "cuộc sống thanh bình dưới tán cây nho và tán cây sung". Sau này, khi đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp, Washington lại chủ động từ chức tổng thống. Có thể nói, việc nhậm chức và từ chức của Washington đều vì dân vì nước, không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho cá nhân. Điều này thể hiện sự vô tư và khí phách của một vị tướng soái. Năm 1782, cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ kết thúc. Sau thắng lợi không lâu, một số tầng lớp và tập đoàn muốn Washington bắt chước chế độ quân chủ của nước Anh, lên làm vua của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Quân đội dưới quyền chỉ huy của Washington cũng tỏ ra ủng hộ. Về việc này, Washington tỏ ra rất tức giận và kiên quyết phản đối. Ông cầm bút viết nhanh: "Cho tôi được khẩn cầu các vị, nếu các vị còn có chút tôn kính đối với đất nước của các vị, nếu các vị còn nghĩ cho chính các vị và con cháu của các vị, hoặc nếu các vị còn tôn trọng tôi, thì hãy quét sạch triệt để ý nghĩ đó trong đầu của các vị. Tôi cho rằng, ý nghĩ này ẩn giấu một tai họa lớn có thể sẽ đổ ập xuống đất nước". Ngày 23 tháng 12 năm 1783, Washington chính thức trao trả giấy ủy nhiệm tổng tư lệnh lục quân tại Annapolis và trở về Mount Vernon đoàn viên với gia đình, trở lại làm một công dân bình thường.

Sau độc lập, nước Mỹ xây dựng nền chuyên chính của giai cấp tư bản và chủ nô. Lúc đó, chính phủ liên bang non yếu không hề có thực quyền, ngân sách trống rỗng, nợ nần chồng chất, nạn đầu cơ tích trữ, làm giàu bất chính. Quần chúng nhân dân, là nguồn động lực của cách mạng, vẫn sống khổ cực lầm than. Vì vậy, sự bất mãn của nhân dân Mỹ ngày một tăng cao. Mùa thu năm 1786, tại Massachusetts, nơi khởi nguồn cuộc chiến giành độc lập, cuộc khởi nghĩa nông dân của Shays đã nổ ra. Thắng lợi của cuộc chiến giành độc lập quả thực đang kề bên bờ vực của sự hỗn loạn và hủy diệt (Washington nói). Vì vậy, Washington quyết định bước ra lãnh đạo đất nước. Năm 1787, Washington chủ trì hội nghị chế định hiến pháp. Năm 1789, Washington trở thành tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên của Hoa Kỳ. Theo quy định của hiến pháp, nhiệm kỳ của tổng thổng là 4 năm. Washington đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 1798, khi mối quan hệ Mỹ-Pháp trở nên xấu đi và có nguy cơ nổ ra chiến tranh, Washington (lúc này đã trở về Mount Vernon) lại quay ra đảm nhiệm tổng tư lệnh quân đội theo lời kêu gọi của tổng thống mới. Vì nước vì dân, cúc cung tận tụy là bản chất của việc từ chức và nhậm chức của Washington và cũng thể hiện được phép tắc "rút lui khi đã ở đỉnh cao".

Đặc biệt là, khi bạn đã nhìn thấy được nguy cơ sinh tồn của tương lai và điều bạn muốn đeo đuổi lại là một cuộc sống khác thì bạn nên làm một người nhìn xa trông rộng. Vào thời điểm thích hợp, bạn hãy chọn cách rút lui một cách kiên quyết. Xã hội hiện tại sẽ cho chúng ta điều kiện to lớn và rất nhiều cơ hội, nắm bắt được hay không đều phụ thuộc vào bản thân chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip