Phep Tac Cua Loai Soi Phep Tac 30 Xay Dung Su Nghiep Tren Ban Chat Cua Soi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Văn hóa sói, từ tên gọi đã biết đây là một sáng kiến độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp, là tinh thần tranh đấu mang bản chất hoang dã. Bản chất của loài sói là: tham lam, hung ác, hoang dã, tàn bạo. Từ xưa đến nay, bản chất của sói luôn xa lạ đối với các đạo Khổng Mạnh Trung Dung. Bởi lẽ, tinh thần chủ đạo của Trung Dung là theo khuôn phép cũ, nhẫn nhục. Mấy ngàn năm nay, cặn bã phong kiến của đạo Trung Dung đã khiến cho dân tộc Trung Hoa bảo thủ, trì trệ, bế quan tự thủ. Luôn coi cái tôi là trên hết, không biết tiến thủ, không biết học tập người khác, đã làm cho Trung Hoa lạc hậu hơn các nước tiên tiến đến mấy mươi năm, thậm chí còn lạc hậu đến cả trăm năm ở một số mặt nào đó.

Trung Dung đề xướng "nhân tính", "lý trí". Nhưng rất nhiều ví dụ thành công trong thực tế đã chứng minh "nhân tính", "lý trí" của đạo Trung Dung đã không còn phù hợp với thời đại. Chỉ có dám nghĩ, dám làm, dám tìm tòi mới có thể phát triển khoa học kỹ thuật, mới có thể thúc đẩy xã hội tiến bộ. Lý luận cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã bắn phát súng đầu tiên vào tinh thần Trung Dung đã kìm kẹp Trung Quốc suốt mấy ngàn năm, tiếp đó là vô số người đã giành được thành công nhờ dám đổi mới. Những người này đều là những kẻ phản nghịch đạo Trung Dung, đều có bản tính của loài sói là không hài lòng với hiện tại. Khi bản tính này bộc phát, họ đâu thể làm ngơ. Nhiều người thành công trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật chẳng phải đã làm như thế sao? Họ làm việc quên mình vì lý tưởng. Đôi lúc, họ thậm chí còn quên ăn, quên ngủ. Những lúc như vậy, bản tính hoang dã nguyên thủy đã được bộc lộ rõ ràng. Nhờ vậy, họ đã rút ngắn được khoảng cách giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới, nâng cao mức sống cho người dân, nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc.

Tất cả các loài động vật đều có một đặc tính là bản tính hoang dã nguyên thủy. Cho dù là loài người ngày nay đã được lý tính hóa, nhưng bản tính hoang dã này cũng sẽ được sản sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Về bản chất, sự hoang dã khi con người bộc phát ra trong hoàn cảnh đặc biệt cũng không khác gì so với sự hoang dã của loài sói. Đây là một tiềm năng lớn.

Trong văn hóa doanh nghiệp, chúng ta nên tái hiện lại bốn đặc điểm lớn của loài sói là tham, tàn, dã, bạo. Có nghĩa là, phải say mê công việc, sự nghiệp, tìm tòi, phấn đấu không ngừng. Tàn tức là đối với những khó khăn trong công việc, phải lạnh lùng khắc phục nó. Dã tức là tinh thần phấn đấu quên mình trong công việc. Bạo tức là đối xử một cách thô bạo với từng khó khăn, quyết không nhân từ.

Để phát triển, doanh nghiệp cần có bốn tinh thần này. Thời đại ngày nay là thời đại cạnh tranh, chỉ có cạnh tranh mới có thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội. Nếu không có bốn tinh thần này, doanh nghiệp sẽ dễ gặp thất bại trong cuộc cạnh tranh tàn khốc.

Loài sói, khi đã nhắm vào một mục tiêu nào đó thì chúng sẽ rất quyết liệt, dốc hết tâm huyết, không đạt được mục đích thì quyết không ngừng nghỉ. Bản chất của loài sói là thế, nên thành công là đã định sẵn.

Một doanh nghiệp muốn phát triển, một cá nhân muốn thành công trong sự nghiệp thì cần phải đặt ra một mục tiêu, sau đó cố gắng thực hiện mục tiêu đó. Đây mới là phương pháp để thành công.

Sói quen sống bầy đàn. Khi gặp mục tiêu, chúng tấn công bằng cả bầy đàn. Chúng thường tấn công mục tiêu theo mệnh lệnh của con đầu đàn, nên không bị rối loạn, mỗi con đều có nhiệm vụ riêng, nên mọi thứ đều đâu vào đấy. Con nhận nhiệm vụ tấn công chính sẽ dũng cảm xông lên trước. Con nhận nhiệm vụ nghi binh sẽ tấn công vào chỗ yếu của địch. Con trợ giúp sẽ vây xung quanh. Con dự bị sẽ hú lên để uy hiếp tinh thần đối phương... Sự chặt chẽ trong tổ chức của bầy sói, cả con người cũng khó theo kịp. Tinh thần hợp tác của chúng càng khiến chúng ta bội phục. Nếu chúng ta vận dụng sức mạnh tinh thần và tổ chức này vào doanh nghiệp hoặc sự nghiệp thì còn lo gì không chiến thắng.

Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng đã nhờ có tinh thần tàn nhẫn lạnh lùng của loài sói mới có thể tạo ra hết kỳ tích này đến kỳ tích khác. Các doanh nghiệp ở Trung Quốc có năm phẩm chất của loài sói: có tầm nhìn, có năng lực, có quyết đoán, có sự mãnh liệt và có tự tin.

Hi vọng câu chuyện dưới đây sẽ là một gợi ý đối với bạn.

Ấn tượng sâu sắc nhất mà ông Dương Tông Nghĩa, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Phúc Trung, để lại trong mọi người là ông đã khái quát văn hóa doanh nghiệp của công ty thành văn hóa sói. Văn hóa sói là gì? Ông nói, việc kinh doanh và văn hóa sói chí ít có ba điểm tương đồng: một là sói có cảm giác nhạy bén, phát hiện con mồi rất giỏi, doanh nghiệp cũng cần phải có cảm giác nhạy bén để phát hiện cơ hội trong thị trường; hai là một khi sói phát hiện mục tiêu thì chúng sẽ mạnh mẽ xông lên và không dễ dàng từ bỏ, doanh nghiệp cũng cần có khả năng quyết đoán và mạo hiểm, khi đã phát hiện ra cơ hội thì không được để lỡ; ba là sói là động vật sống bầy đàn, có đặc điểm là tác chiến tập thể, doanh nghiệp muốn thành công thì không thể chiến đấu đơn độc mà phải tổ chức để mọi người cùng chung tay, cùng thành công.

Câu chuyện lập nghiệp của ông Dương Tông Nghĩa cũng có liên quan đến văn hóa sói.

Năm ấy, khi bước vào thị trường máy tính ở đường Chu Giang, Nam Kinh, Dương Tông Nghĩa chỉ thuộc hàng tiểu bối vô danh. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông đã làm thay đổi con đường máy tính nổi tiếng này, thậm chí là toàn ngành. Tại sao lại như thế? Vì vừa bước vào thị trường, ông đã tung ra một phương thức bán hàng 3+3 hoàn toàn mới. Tức là, trong thời hạn 3 năm, hỗ trợ kỹ thuật 24/24 và bảo trì máy vĩnh viễn. Cả Dương Tông Nghĩa cũng không ngờ rằng chiến lược bán hàng của mình lập tức gây chấn động cả thị trường máy tính. Trong suy nghĩ của khách hàng, dù sao dịch vụ bảo hành của những công ty máy tính thông thường cũng chỉ có nửa năm. Vì vậy, tuy không biết công ty Phúc Trung này có tồn tại đến 6 năm hay không, nhưng cứ thử xem sao. Kết quả, rất nhiều đơn đặt hàng, đặc biệt là đơn đặt hàng của trường học, đều bị công ty Phúc Trung lấy đi trong thời gian ngắn. Thành công của ông Dương nhờ vào sự can đảm và cẩn trọng của ông. Phần lớn thương gia đều cho rằng đầu tư quá nhiều vào dịch vụ sửa chữa và bảo trì máy tính sẽ làm tăng thêm mức độ mạo hiểm trong kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp bị lỗ vốn. Nhưng Dương Tông Nghĩa đã tính toán kỹ lưỡng mối quan hệ giữa giá thành và sự mạo hiểm. Ông phát hiện tuổi thọ của một máy tính thông thường là từ 7 năm trở lên, trong vòng 6 năm thường sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Những linh kiện chủ yếu khác của máy tính như CPU, ổ cứng... đều có thời gian bảo hành là 3-5 năm; còn chi phí thay đổi linh kiện thì phần lớn là do nhà sản xuất phụ kiện đảm trách. Vì vậy, chỉ cần bỏ ra một phần lợi nhuận rất nhỏ cho việc thay đổi những linh kiện khác, là đã có thể thực hiện được lời hứa đổi hàng miễn phí trong 3 năm và bảo hành sau ba năm. Chỉ cần tung ra một đòn cực nhẹ, Phúc Trung đã giải được bài toán kinh tế, tạo ra phản ứng lan tỏa trong thị trường, mang lại cơ hội quý giá cho Phúc Trung.

Trong văn hóa sói còn có một đặc điểm là cắn chặt con mồi để đồng loại tác chiến.

Còn có một câu chuyện liên quan đến Dương Tông Nghĩa như sau:

Ngày 22 tháng 4 năm 2003, Phúc Trung đã thôn tính thị trường ở đường Chu Giang và chuẩn bị xây dựng lại đại siêu thị. Khi tính đến việc bán hàng ở tuần lễ vàng vào ngày 1 tháng 5, Dương Tông Nghĩa ra một mệnh lệnh: trong vòng một tuần, phải hoàn tất việc lắp đặt, bày biện... để kịp khai trương vào ngày 1 tháng 5 và phải tung ra quảng cáo sớm nhất. Lúc đó, mọi người đều cho rằng đây là việc không thể. Đến lúc đó, đối thủ cạnh tranh sẽ cười nhạo công ty. Nhưng đối với Dương Tông Nghĩa, trong từ điển của ông không có chữ "không thể". Ông đã khích lệ nhân viên bằng sự nhiệt tình mạnh mẽ, và đích thân vào trận. Ông lệnh cho hơn 300 nhân viên dốc sức ra làm những công việc như thợ nề, sửa sang trong ngày 30/4. Thậm chí, ông còn điều động cả vợ và mẹ mình đến giúp. Kết quả là họ đã làm được tưởng như không thể. Đại siêu thị đã được khai trương đúng thời hạn.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip