- Phép tắc 25: CHỜ ĐỢI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Đối với con người, nhẫn nại của loài sói chính là sự chờ đợi. Chờ đợi là gì? Không tự ý làm liều, không vội vàng, gấp gáp, không bụng đói vơ quàng, không bí quá hóa liều, không ngả theo chiều gió, không chủ nghĩa cơ hội, không có thú vui không lành mạnh, không bè lũ xu nịnh, không bán rẻ nguyên tắc, không bán rẻ linh hồn. Phía sau sự chờ đợi là sự tôn nghiêm, là lòng tin, là tiết tháo, là nguyên tắc, là lẽ phải. Cùng với sự chờ đợi là học tập, phát triển và trau dồi.

Trong cuộc đời, rất nhiều thời gian đã trôi qua trong chờ đợi. Tuy kết quả của việc chờ đợi là không thể đoán trước được nhưng trong quá trình chờ đợi này, chúng ta có thể tự trau dồi, tích lũy đầy đủ sức mạnh. Nhiều người rất có tư chất nhưng suốt đời chỉ ở một vị trí tầm thường. Nguyên nhân là vì họ không muốn tiến thủ và biểu hiện rõ nhất của việc không muốn tiến thủ là họ không đọc sách, không học tập. Họ thà phung phí thời gian rảnh rỗi vào những cuộc chơi chứ không muốn đọc sách. Có lẽ, họ đã cảm thấy thỏa mãn với chức vị mà họ đang có. Họ không ý thức được giá trị của tri thức đối với sự phát triển của bản thân. Có lẽ, họ đã rất mệt mỏi sau giờ làm việc, họ không còn đủ sức để tiến hành những bài huấn luyện gian khổ.

Không biết làm sao đợi được là do người chờ đợi không thể chi phối cái mình đang chờ đợi, lại không còn lòng dạ nào đối với những thứ khác, nên bị rơi vào trạng thái không biết làm gì. Kỳ vọng thường làm người ta phấn khích, nhàn rỗi thường làm người ta buồn chán. Chờ đợi là sự tổng hòa của sự phấn khích và buồn chán. Cùng với thời gian chờ đợi lâu dài, sự phấn khích sẽ dần chuyển sang mệt mỏi, tâm trạng chán chường sẽ chiếm ưu thế.

Trước khi thành công, một người phải tập trung đầy đủ sức mạnh. Về phương diện này, tôi đã từng nhận được một bài học từ một cái cây to lớn ở California: trong đó chứa đựng một tinh thần tập trung sức mạnh. Núi cao đã ban tặng nó dưỡng chất phong phú và thổ nhưỡng phì nhiêu, những đám mây mang đến cho nó những trận mưa. Trong vô số lần bốn mùa luân chuyển, bộ rễ to lớn của nó tích lũy được nhiều chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho sự trưởng thành của nó. Trong kinh doanh lại càng phải như vậy. Những người có học thức uyên bác, kinh nghiệm phong phú sẽ có cơ hội thành công lớn hơn những người kém cỏi, ít học. Một người khi bước vào đời, cùng với những bước tiến trong địa vị của mình, anh ta nhất định sẽ có rất nhiều cơ hội để học tập. Nếu anh ta biết nắm bắt những cơ hội này, thì thành công sẽ là chuyện sớm muộn.

Một người mới vào đời phải luôn chú ý đến cánh cửa nghề nghiệp của mình và cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bạn không nên xem thường vấn đề này. Đối với một số chuyện rất nhỏ nhặt, bạn vẫn phải quan sát tỉ mỉ. Một số chuyện tuy rất khó khăn nguy hiểm nhưng bạn vẫn phải cố gắng tìm hiểu cho rõ. Nếu có thể làm được như vậy, thì bạn sẽ gạt bỏ được những trở ngại trên con đường phát triển sự nghiệp. Dù chỗ đứng hiện tại của bạn có nhỏ bé đến đâu, việc tiếp thu những cái mới, những cái có giá trị đều sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho sự nghiệp của bạn. Tôi biết có một số nhân viên mặc dù mức lương rất thấp nhưng họ vẫn cố gắng tận dụng buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần để học thêm, hoặc mua sách về tự học. Họ hiểu rằng tích lũy càng nhiều kiến thức thì tiềm năng phát triển càng lớn. Có một thanh niên thế này: thời gian anh ta ở ngoài còn nhiều hơn ở nhà, nhưng dù có đi đâu, anh ta vẫn luôn mang theo một quyển sách bên mình để có thể đọc vào bất cứ lúc nào. Những thời gian vụn vặt mà người khác rất dễ lãng phí đều được anh ta sử dụng vào việc học. Kết quả, anh ta có hiểu biết rất rộng đối với lịch sử, khoa học, văn học. Anh ta đã cố gắng vì tiền đồ của mình, nên chắc chắn anh ta sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Trên đường đời, chúng ta sẽ khó tránh khỏi có những lúc đứng trước một cánh cửa xa lạ nào đó và chờ nó mở ra. Nhưng nơi mà chúng ta thường đợi nhất trong cuộc đời không phải là trước cửa lớn mà là trước cửa sổ. Đó là một cánh cửa sổ nhỏ bé, chật hẹp, hữu hình hoặc vô hình, ở những nơi có liên quan đến mưu sinh như cửa hàng, ngân hàng, trạm xe, bệnh viện, cơ quan... Chúng ta buộc phải nhẫn nại, xếp hàng và chầm chậm nhích dần về phía chúng. Sau đó chúng ta lại cúi xuống, cho tầm nhìn, tay, tiền hoặc lá đơn trong tay chúng ta đưa vào trong ô cửa sổ đó dễ dàng, rồi lại lấy ra những thứ chúng ta cần lấy. Những ô cửa này thường vô duyên vô cớ đóng lại, tạo điều kiện để sự nhẫn nại của chúng ta được rèn luyện và quen dần với những cuộc chờ đợi triền miên. Nếu bạn chỉ có một mình trên hoang đảo, sống một cuộc sống rất đơn điệu và thư từ là con đường duy nhất để liên lạc với thế giới, thì tâm trạng chờ thư sẽ như thế nào? Bạn có vì giây phút vui sướng khi nhận được thư mà cố sống không? Có lẽ sự chờ đợi này thường là vô vọng, nhưng chờ đợi lại tô điểm thêm màu sắc và ý nghĩa cho cuộc sống. Sự thực là, cuộc đời chúng ta là điều chờ đợi. Cuộc sống chính là được triển khai và giành được trong chờ đợi. Chờ đợi không tránh khỏi nhàm chán nhưng cuộc sống không có sự chờ đợi lại càng chán hơn. Có thể bạn chưa hiểu nhưng nếu bạn không mong được hiểu thì đâu còn có sáng tạo? Có lẽ bạn không có gì để chờ đợi, nhưng nếu không có chờ đợi thì đâu còn là cuộc đời? Nếu ví cuộc đời như một chuyến đi thì chúng ta sẽ phát hiện việc bạn nán lại giữa chừng là rất thường xảy ra. Chúng ta hướng đến cuộc sống lý tưởng. Vì rất nhiều hạn chế tất nhiên và những biến cố ngẫu nhiên, nên hoặc sớm hoặc muộn, chúng ta phải dừng lại một chút. Nhưng chúng ta phải tin đây là sự dừng lại tạm thời và chúng ta luôn chờ đợi được tiếp tục lên đường, để mong có một ngày chúng ta được sống cuộc sống như chúng ta mong muốn.

Bậc thầy bán hàng nổi tiếng của toàn quốc sắp từ giã sự nghiệp bán hàng của ông ta. Nhận lời mời của hiệp hội ngành nghề và các giới trong xã hội, ông sẽ đến cung thể thao lớn nhất ở thành phố này để đọc bài diễn văn từ giã sự nghiệp.

Hôm ấy, hội trường chật ních người, mọi người đang nóng lòng chờ đợi bài diễn thuyết đặc sắc của người bán hàng vĩ đại nhất. Khi tấm màn lớn từ từ kéo lên, người ta thấy một quả cầu lớn được treo ở chính giữa sân khấu. Vì quả cầu này, sân khấu phải dựng bằng một khung sắt cao. Trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của mọi người, một ông lão bước ra, đứng bên cạnh cái giá sắt. Ông mặc một bộ đồ thể thao màu đỏ, chân mang giày màu trắng.

Mọi người nhìn ông ta đầy hiếu kỳ, không biết ông ta định làm gì.

Lúc này, hai phụ tá đưa một cái búa sắt lớn đến trước mặt ông ta. Người chủ trì liền nói với khán giả: xin mời hai vị to khỏe bước lên sân khấu. Có rất nhiều thanh niên đứng dậy, chớp mắt, đã có hai người nhanh nhẹn chạy lên sân khấu. Lúc này, ông ta nói với hai người một số quy tắc, bảo hai người dùng cái búa này, đập vào quả cầu cho đến khi nó đung đưa.

Một người giành lấy cái búa, kéo đến bên cái giá, rồi dùng hết sức đập vào quả cầu. Âm thanh chói tai vang lên nhưng quả cầu đó vẫn không động đậy. Anh ta lại dùng búa đập hai, ba cái liên tiếp. Chẳng mấy chốc, anh ta đã thở hổn hển. Người kia cũng không tỏ ra yếu thế. Anh ta cầm lấy cái búa và gõ chan chát vào quả cầu, nhưng quả cầu vẫn không lay chuyển. Bên dưới sân khấu dần dần không còn tiếng la hét nữa, mọi người đều chờ đợi lời giải thích của ông ta. Hội trường trở nên im lặng, ông ta lấy từ trong túi ra một cây búa nhỏ, rồi ông thận trọng đứng đối diện với quả cầu sắt. Ông dùng cái búa nhỏ gõ vào quả cầu sắt một cái, rồi dừng lại, rồi lại gõ vào quả cầu sắt một cái. Mọi người nhìn ông đầy ngạc nhiên, ông vẫn tiếp tục làm như vậy. Mười phút qua đi, hai mươi phút qua đi, hội trường bắt đầu xôn xao. Người ta dùng đủ kiểu âm thanh và động tác để bày tỏ sự không hài lòng của họ. Ông ta vẫn tiếp tục công việc. Dường như ông ta không nghe thấy họ đang la ó. Mọi người bắt đầu bỏ đi, trong hội trường xuất hiện rất nhiều chỗ trống. Những người còn ngồi lại dường như cũng đã mệt vì la hét, nên hội trường dần yên tĩnh trở lại. Khi ông ta thực hiện công việc này được khoảng bốn mươi phút thì người phụ nữ ngồi phía trước đột nhiên kêu lên: "Quả cầu chuyển động rồi!" Lập tức, người trong hội trường lại nhao nhao lên. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào quả cầu. Quả cầu đang dao động rất nhỏ, nếu không nhìn kỹ thì không thể phát hiện ra được. Ông ta vẫn tiếp tục gõ, quả cầu lắc lư đến mức cái giá sắt kêu lên ken két. Uy lực to lớn của nó đã làm mọi người trong hội trường sửng sốt. Cuối cùng, tiếng vỗ tay vang dậy cả hội trường. Trong tiếng vỗ tay, ông ta quay người lại, chầm chậm bỏ cái búa vào trong túi.

Ông ta bắt đầu nói, nhưng chỉ nói mỗi một câu: trên đường thành công, nếu bạn không thể kiên nhẫn chờ thành công đến, thì bạn chỉ có thế dùng sự kiên nhẫn của cả đời để đối mặt với sự thất bại.

Vì vậy, chúng ta không nên nôn nóng khi học cách chờ đợi.

Câu chuyện dùng thuyền cỏ hứng tên của Gia Cát Lượng là một câu chuyện rất quen thuộc. Ai cũng biết, muốn mượn được tên cần phải có rất nhiều điều kiện như phải có thuyền, phải có hình nhân bằng cỏ trên thuyền, phải có người lái thuyền, người đánh trống để dụ quân Tào tấn công. Đối với Đông Ngô, những điều kiện này không đáng kể, dù là chưa có, thì cũng có thể chuẩn bị ngay. Nhưng khi lập quân lệnh trước mặt Tôn Quyền và Chu Du, Gia Cát Lượng vẫn cần thời hạn ba ngày. Tại sao như vậy? Vì để mượn được tên còn cần có sương mù. Gia Cát Lượng biết chỉ có ngày thứ ba mới có sương. Điều duy nhất ông có thể làm là chờ đợi.

Vì vậy, khi làm việc gì, bạn vẫn phải học cách chờ đợi, đáng đợi thì đợi. Chờ đợi đôi khi lại là sự lựa chọn sáng suốt nhất.

Chờ đợi không phải là rơi vào bị động. Nhận định tình hình, tìm ra thời cơ chiến đấu trong sự bình tĩnh chờ đợi là đã bao hàm yếu tố chủ động tiến thủ.

Gần đây, trên báo chí có một câu chuyện như sau:

Một nữ nhà văn đến nước Mỹ để phỏng vấn. Cô gặp một bà lão bán hoa trên đường phố New York. Bà lão mặc bộ đồ có vẻ tồi tàn, người gầy gò, ốm yếu, nhưng gương mặt thì ánh lên niềm vui và sự thanh thản. Sau khi chọn lấy một bó hoa, nữ nhà văn nói: "Hình như bà đang rất vui". Bà lão trả lời: "Tại sao không chứ? Mọi thứ đều tốt đến thế mà?" Nữ nhà văn buột miệng hỏi: "Đối với những chuyện không vui, bà vẫn lạc quan chứ?" Câu trả lời của bà lão đã làm cho cô kinh ngạc: "Khi Giê-su bị đóng đinh vào Thập Tự Giá vào ngày thứ sáu, đó là ngày tồi tệ nhất thế giới, nhưng ba ngày sau, Ngài đã sống lại. Vì vậy, khi tôi gặp những chuyện bất hạnh, tôi đều chờ đợi ba ngày, tất cả sẽ trở lại như bình thường."

Chờ ba ngày! Một cách sống rất bình thường nhưng lại đầy triết lý. Nó gạt bỏ mọi phiền muộn và đau khổ sang một bên, chỉ giữ một ý niệm: cố gắng gặt hái niềm vui! Chúng ta phải học cách sống "chờ đợi ba ngày". Thực tế, một số người vì không thể "chờ đợi ba ngày" nên đã phải nuối tiếc suốt đời.

Chờ đợi cần phải có ý chí kiên cường và tin tưởng vào sự chờ đợi. Một người nếu quyết tâm trở thành người như thế nào đó, hoặc muốn làm một việc gì thì cần phải có tính nhẫn nại như loài sói. Ý chí là sức mạnh nòng cốt trong đặc trưng tính cách của con người.

Chờ đợi cần phải có sự bình tĩnh, kiên định, tấm lòng rộng lượng. Chờ đợi không phải là một dạng tiêu cực, suy sụp mà là một dạng chuẩn bị xuất phát. Chờ đợi không phải là đình trệ mà là suy xét kỹ càng để tạo nền móng tốt cho sự đột phá và tiến bộ sau này. Nhưng chờ đợi không phải là chuyện dễ. Người nôn nóng, sẽ không biết chờ đợi; người chỉ biết lợi ích trước mắt, khó có thể nhẫn nại chờ đợi; người lòng dạ hẹp hòi, thường bài bác sự chờ đợi; người tính toán chi ly, thường không hiểu giá trị của sự chờ đợi. Khương Tử Nha đến 80 tuổi mới gặp được Văn Vương, đây là một sự rèn luyện ý chí. Trái cây chưa chín thì sẽ chát, tâm hồn chưa được diễn tấu thì sẽ non nớt. Khi bạn chưa biết bơi thì bạn sẽ không cảm nhận được niềm vui bơi lội. Vì vậy, chờ đợi cũng là một sự chín chắn. Có lẽ, chính vì sự non trẻ trong tâm hồn của chúng ta nên chúng ta thường ít thận trọng và nhiều nóng nảy, ít kiên nhẫn chờ đợi và nhiều sự đáng tiếc. Nhưng có một ngày, khi chúng ta học được cách bình tĩnh chờ đợi, bạn cũng sẽ có một sự chín chắn đúng mực.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip