Phep Tac Cua Loai Soi Phep Tac 17 Muc Tieu Cuoi Cung

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Sói có sự đeo đuổi và lòng nhiệt tình, hãy xem chúng làm như thế nào.

Tác phong của sói, sự đeo đuổi của sói chính là hoàn thành mục tiêu của nó. Trong tác phẩm "Tình yêu cuộc sống", Jack London kể về câu chuyện một người đã giành lại sự sống nhờ vào ý chí kiên cường của mình. Khi bạn lo cho tính mạng của nhân vật chính, chắc chắn bạn sẽ khâm phục tính kiên nhẫn của những con sói. Chúng truy đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Tuy cuối cùng chúng không đạt được mục tiêu nhưng cũng đã thể hiện đầy đủ tác phong của loài sói và quyết không cúi đầu chịu thua.

Khi gặp phải vấn đề, bạn cần phải tập trung chú ý vào nó, cho dù gặp khó khăn gì. Mục tiêu của bạn là giải quyết vấn đề. Khi giải quyết vấn đề, bạn phải tính đến phương pháp và kế sách. Khi bạn muốn tìm cách giải quyết một vấn đề vừa khó vừa phức tạp, nếu bạn cùng nhắm vào rất nhiều yêu cầu thì bạn sẽ dễ mất đi mục tiêu. Khi bạn cảm thấy hoàn toàn bị chúng bao vây, thì bạn nên lùi lại một bước, để gọt giũa lại nội dung mà bạn đang cố gắng hoàn thành. Hãy tự đặt câu hỏi, việc mình đang làm có liên quan gì đến mục tiêu? Nó có nhắm đến mục tiêu không? Nếu không, thì bạn đã lãng phí. Thực ra, vấn đề này rất quan trọng. Đạo lý này sẽ được thể hiện trong câu chuyện dưới đây.

Ngụy Văn Vương hỏi danh y Biển Thước: "Ba anh em nhà ngươi đều tinh thông y thuật, rốt cuộc là ai giỏi nhất?"

Biến Thước đáp: "Tâu bệ hạ, anh cả của thần là giỏi nhất, tiếp theo anh giữa, cuối cùng là hạ thần."

Văn Vương lại hỏi: "Vậy tại sao ngươi lại nổi tiếng nhất?"

Biển Thước nói: "Anh cả của thần trị bệnh khi chưa phát bệnh. Vì người bình thường không biết huynh ấy có thể ngăn chặn được bệnh nên danh tiếng của huynh ấy không được truyền tụng, chỉ có người nhà của thần mới biết. Anh giữa của thần thì trị bệnh khi vừa chớm bệnh. Người bình thường cho rằng huynh ấy chỉ có thể trị được những bệnh nhẹ nên danh tiếng của huynh ấy chỉ được truyền tụng trong làng xã. Còn thần thì trị bệnh ở giai đoạn bệnh nặng. Người bình thường đều thấy những thủ thuật của thần như châm kim vào kinh mạch đến tứa máu hoặc bôi thuốc lên da... nên cho rằng y thuật của thần cao minh, cũng vì vậy mà nổi danh khắp nước."

Văn Vương nói: "Ngươi nói phải lắm."

Kiểm soát chuyện đã xảy ra không bằng kiểm soát chuyện đang xảy ra; kiểm soát chuyện đang xảy ra không bằng kiểm soát chuyện chưa xảy ra. Chỉ tiếc là phần lớn người làm kinh doanh lại chưa nghiệm ra được điều này. Họ thường chờ đến khi quyết định sai lầm của mình tạo ra những tổn thất nặng nề, họ mới tìm cách cứu vãn, đôi lúc lại là "mất bò mới lo làm chuồng". Khi giải quyết một vấn đề, chúng ta không nên phạm phải sai lầm này. Thỉnh thoảng, bạn nên ngẩng đầu lên suy nghĩ một chút, để xem việc bạn đang làm có nhất trí với vấn đề bạn cần giải quyết không. Hoàn thành mục tiêu cuối cùng của bạn mới là điều quan trọng nhất. Vậy cái gì là mục tiêu cuối cùng? Một ví dụ đơn giản: bạn muốn mua đồ, bạn liền đến cửa hàng để mua về nhà, đó chính là mục tiêu cuối cùng đã được hoàn thành.

Khi đã xác định được mục tiêu cuối cùng, bạn cần phải biết rõ mục đích của mình. Sau đó, bạn hãy nhìn xa hơn, hãy phát triển mục tiêu của mình theo dự kiến và chiều sâu nhận thức, để cho mỗi một bước đi, bạn đều biết rõ vị trí của mình và không bị lệch khỏi quỹ đạo. Tầm nhìn xa rộng rất quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu của bạn. Người có tầm nhìn hạn hẹp sẽ không thể đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.

Hai doanh nghiệp nọ đều muốn đầu tư vào đất đai ở một vùng ngoại thành và cả hai công ty đều cử người đến đó điều tra tình hình. Sau khi khảo sát xong, người bên công ty A đã báo cáo rằng: "Ở đó dân cư thưa thớt, cơ hội phát triển của ngành bất động sản rất mong manh, nhà cửa xây xong thì cũng không có người ở." Trong khi đó, người bên công ty B thì báo cáo rằng: "Vùng đất đó tuy dân cư thưa thớt, nhưng rất yên tĩnh, người dân đã chán ghét tiếng ồn nơi đô thị, họ chắc chắn sẽ thích sống nơi đây." Mọi thứ đúng như công ty B dự tính, theo khuynh hướng thành thị lấn nông thôn, người thành thị ngày càng thích sống ở nông thôn. Vì vậy, việc đầu tư của công ty B là rất sáng suốt.

Người bên công ty A có tầm nhìn hạn hẹp, chỉ nhìn thấy những việc trước mắt, nên không đạt được mục tiêu cuối cùng của họ. Người của công ty B có tầm nhìn xa, từ những việc trước mắt có thể dự kiến được tương lai. Nếu lãnh đạo của một công ty có tầm nhìn hạn hẹp như người của công ty A thì việc làm của anh ta rất có thể chỉ là những việc ngắn hạn; còn nếu biết nhìn xa trông rộng như người ở công ty B thì sẽ giúp cho doanh nghiệp giành được lợi ích lâu dài. Bản thân mỗi chúng ta cũng vậy, thành công mãi mãi thuộc về những người có tầm nhìn xa. Để có được thành công thực sự, chúng ta cần phải học cách suy nghĩ, không nên bảo thủ.

Thực ra, giá trị cuối cùng này không ẩn giấu ở nơi sâu thẳm trong nội tâm bạn, mà là nằm ở một nơi cao xa mà bạn không thể nào tưởng tượng ra được. Chí ít, nó cũng ở mức độ cao hơn lý tưởng mà bạn nhận thức được. Chỉ có tự nhận thức thì bạn mới có thể dốc toàn lực để chú ý đến nó, để thực hiện nó. Vì vậy, trong cuộc sống bận rộn, chúng ta cần phải giữ được mục tiêu cuối cùng này, phải luôn chú ý đến bức tranh lớn của cuộc đời, luôn luôn bồi đắp cho nhân sinh quan của mình. Như thế, chúng ta mới có thể đạt được hiệu năng cao và hiệu quả mà chúng ta mong muốn. Khi xác định và hoàn thành mục tiêu, chúng ta cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa hiệu suất và hiệu năng. Nhà quản lý Peter Druker nói: "Hiệu suất là làm việc bằng phương pháp đúng đắn, hiệu quả là làm những việc đúng đắn."

Làm việc bằng phương pháp đúng đắn là nhấn mạnh hiệu suất, kết quả của nó là giúp chúng ta tiến đến mục tiêu nhanh hơn; còn làm những việc đúng đắn lại nhấn mạnh hiệu năng, kết quả của nó là bảo đảm cho việc làm của chúng ta tiến đến mục tiêu một cách vững chắc. Làm việc bằng phương pháp đúng đắn và làm những việc đúng đắn là khác nhau về mặt bản chất. Tiền đề của làm việc bằng phương pháp đúng đắn là làm những việc đúng đắn. Nếu không có tiền đề này, làm việc bằng phương pháp đúng đắn sẽ không có ý nghĩa. Trước tiên, phải làm việc đúng đắn thì mới có việc làm bằng phương pháp đúng đắn.

Bộ trưởng Long Vĩnh Đồ đã từng chọn một thư ký cho cuộc đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc. Khi Long Vĩnh Đồ chọn người này làm thư ký, mọi người đều bàn tán xôn xao vì người này không thích hợp cho vị trí này. Trong mắt mọi người, thư ký phải là người cần mẫn, ít nói, làm việc cẩn thận, săn sóc chu đáo lãnh đạo; nhưng thư ký của Long Vĩnh Đồ lại không như vậy. Anh ta là người tùy tiện, cẩu thả, chưa từng biết quan tâm đến người khác. Mỗi lần cùng anh ta đi ra nước ngoài, Long Vĩnh đồ đều phải đến phòng anh ta để gọi anh ta dậy. Đối với việc sắp xếp lịch làm việc, đôi lúc anh ta còn không rõ bằng Long Vĩnh Đồ. Hoạt động dự định diễn ra lúc 9 giờ, anh ta lại nói là 9:30. Khi kiểm tra thì trong mười lần có hết chín lần là anh ta sai. Vậy tại sao Long Vĩnh Đồ lại chọn anh ta làm thư ký? Vì Long Vĩnh Đồ đã chọn anh ta làm thư ký trong khi cuộc đàm phán đang ở lúc khó khăn nhất. Khi đó, do áp lực của cuộc đàm phán quá lớn, Long Vĩnh Đồ cũng trở nên cáu gắt. Đôi lúc, ông còn đập bàn với người nước ngoài, sau khi trở về thì không nói câu nào. Mỗi lần Long Vĩnh Đồ trở về phòng, những người khác đều không đến phòng ông. Chỉ có người thư ký đó là tùy tiện bước vào phòng ông mà không gõ cửa, vừa ngồi xuống là đã bắc chân lên, kể lại những gì anh ta nghe được hôm nay, còn bảo một câu nói nào đó của Long Vĩnh Đồ chưa hẳn là đúng... Hơn nữa, anh ta không bao giờ gọi là Long bộ trưởng mà lại gọi là ông Long hoặc Vĩnh Đồ. Anh ta còn thường đưa ra những ý kiến tồi, nên bị Long Vĩnh Đồ mắng té tát, nhưng ưu điểm của anh ta là biết chịu đựng. Dù bị mắng thế nào, năm phút sau, anh ta quay lại "chậc, Vĩnh Đồ, cách nói ban nãy của ông không được đúng lắm."

Người thư ký này không nhạy cảm trong rất nhiều việc, cũng không nhạy cảm với sự phê bình của người khác, nhưng anh ta là một chuyên gia WTO, anh ta rất say mê với vấn đề WTO. Vì vậy, trong tình huống Long Vĩnh Đồ nổi giận, khi ông đã không thể nghe những ý kiến bất đồng, thì người thư ký này lại rất quan trọng với ông.

Thực ra, Long Vĩnh Đồ đã làm việc đúng, chứ không theo lẽ thường là làm việc theo phương pháp đúng, nhưng lại thu được hiệu quả rất tốt, rất đáng để chúng ta suy nghĩ và học tập. Bao giờ cũng vậy, làm việc đúng luôn quan trọng hơn làm theo phương pháp đúng. Đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, làm việc đúng là giải quyết từ chiến lược của doanh nghiệp, làm theo phương pháp đúng là thực hiện chính sách. Nếu làm đúng thì dù có chút sai trong quá trình thực thi, cũng không dẫn đến thiệt hại lớn. Nếu làm sai, thì dù việc thực thi có tốt đến đâu, kết quả chắc chắn sẽ là tai họa cho doanh nghiệp.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip