Phep Tac Cua Loai Soi Phep Tac 14 Chi Huong Cao Xa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
"Chí" là nơi nội tâm con người hướng đến, "Thi - Quan Tuy Tự" nói "chí là ở trong tâm". "Chí" là mục tiêu để con người hướng đến nên "chí" có vị trí rất quan trọng. Sự sinh tồn của loài sói cũng có thể được coi là sự sinh tồn vì trạng thái nội tâm của chúng. Điều này có thể suy rộng ra chí hướng cao vời của con người chúng ta.

Lập chí giúp con người vươn vai đứng dậy, tỉnh táo trở lại sau những hồ đồ, tỉnh ngộ lại sau những lầm mê. Cuộc sống không thể không có phương hướng. "Lập chí" sẽ cho chúng ta một mục đích, một phương hướng. Trí tuệ, tình cảm, ý chí của nó sẽ hướng đến mục đích đã định theo phương hướng sẵn có. "Đại Học" có câu: "Tri chỉ nhi hậu năng định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc." "Chí" ở đây chính là mức độ chí thiện của đời người, mục đích sống. Nó là thứ làm nên tầm vóc của con người, là bệ đỡ cho giá trị và sự tôn nghiêm của con người.

Về mặt ý nghĩa truyền thống của văn hóa Trung Quốc, lập chí và làm người có liên quan mật thiết với nhau. Chí hướng không những quyết định phẩm cách của con người mà còn quyết định thành tựu cuộc đời của mỗi con người. Lập chí cũng là một dạng trí tuệ của con người. Một mặt, cần phải có mục tiêu cao quý, như trong lá thư của Gia Cát Lượng viết cho cháu ngoại của mình: chí làm trai phải cao xa... Nếu chí hướng không kiên cường, khí phách không hiên ngang, thì chỉ là kẻ tầm thường, đắm chìm trong sự hủ lậu; bị sắc dục trói buộc thì sẽ vĩnh viễn là hạng phàm phu tục tử, thậm chí là khó tránh khỏi trở thành kẻ hạ lưu. Mặt khác, cũng không thể phô trương, tự cao tự đại, tức là chí lớn nhưng tài mọn, như Viên Thiệu trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", cậy mình có quân hùng mạnh, lại có xuất thân bốn đời làm tam công và trấn giữ bốn châu Thanh, Ký, U, Tịnh nên cho rằng không ai bằng mình, đoạt thiên hạ như trở bàn tay. Kết quả là bị Tào Tháo đánh bại ở Quan Độ. Đến khi Tào Tháo tấn công Ký Châu, Viên Thiệu vừa lo lắng vừa tức giận nên thổ huyết mà chết.

Đã muốn có chí hướng cao xa, lại muốn có quá trình nỗ lực thực sự, đây là một dạng trí tuệ của nhân sinh. Khổng Phu Tử, người sáng tạo ra Nho học, có thể xem là người thiên về tính sáng tạo trong lập chí. "Luận Ngữ - Vi Chính": "Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu học." (Năm ta mười lăm tuổi, chỉ để tâm vào việc học). Nghiên cứu học vấn là ý định ban đầu của Khổng Tử. Khổng Tử nghiên cứu học vấn không để làm quan. Lúc đó, ông vẫn chưa có địa vị cao, nhưng khi Khổng Tử nhận ra, trong thời đại lễ nhạc băng hoại, giai cấp thống trị mới nổi không ngừng xuất hiện. Để chứng tỏ mình nắm giữ binh quyền là hợp lý, giai cấp thống trị thường viễn dẫn những lý luận thống trị, nói rõ tính chính xác trong hành động của mình. Khổng Tử muốn thông qua những nhân sĩ hiểu rõ "đạo" để gây ảnh hưởng và cải tạo giai cấp thống trị nên ông coi việc giảng "đạo" là nhiệm vụ chủ yếu của mình. Đây chính là việc nghiên cứu học thuật và giảng dạy cho đời sau. Khổng Tử cả đời lấy việc nghiên cứu học thuật làm trọng tâm, cuối cùng cũng trở thành bậc thầy.

Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người có chí hướng nhưng họ không dám lập chí lớn, vì họ thiếu tự tin vào bản thân mình. Thực ra, chúng ta nên tin rằng: chí nên hướng đến sự cao xa, đã lập chí thì phải lập chí lớn. Tục ngữ có câu: "có chí thì nên", chỉ cần chúng ta kiên định phấn đấu theo đuổi mục tiêu của mình, tin rằng có một ngày, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đó. Nicolaus Copernicus, nhà khoa học nổi tiếng người Ba Lan, để chứng thực thuyết Nhật tâm, ông đã không sợ chế độ độc tài chuyên chính của giáo hội phong kiến, dám đưa ra phán đoán chính xác. Trong hoàn cảnh gian khổ, ông đã giữ vững tâm lý, tôn trọng khoa học, nỗ lực nghiên cứu, cuối cùng đã lật đổ được thuyết trái đất là trung tâm của giáo hội Cơ Đốc. Trước lúc lâm chung, ông đã hoàn thành kiệt tác "Thiên thể luận", một cống hiến to lớn cho nhân loại. Khi còn học trung học, Trần Cảnh Nhuận, người tìm ra định lý Chen, đã quyết chí chứng minh giả thuyết của Goldbach, quyết cống hiến cho vinh quang và sự nghiệp khoa học của nước nhà. Vì vậy, ông luôn chịu khó học tập, nỗ lực nghiên cứu. Vào thời kỳ Lâm Bưu, Tứ Nhân Bang hoành hành, ông vẫn chống chọi với phong ba bão táp và chịu đựng sự giày vò của bệnh tật, kiên trì đấu tranh, bền bỉ đến cùng. Cuối cùng, ông đã chứng minh được một phần giả thuyết của Goldbach, tiến một bước lớn trong nghiên cứu toán học, mang vinh quang về cho tổ quốc.

Trong lịch sử văn minh 5 ngàn năm của Trung Quốc, có rất nhiều người lập chí thành tài. Họ đều trở thành nhân kiệt của xã hội đương thời. Chí hướng của họ cũng đã khích lệ rất nhiều người. Lâm Tắc Từ thuở nhỏ vốn thông minh hơn người. Năm 12 tuổi đã đứng đầu quận, 13 tuổi đã thi đỗ tú tài. Cha mẹ ông muốn con mình trở thành nhân tài giúp ích cho đất nước, nên họ bất chấp gia cảnh nghèo khó, quyết tâm đưa con mình vào trường học cao nhất của Phúc Kiến và theo học Trịnh Quang Sách, người không màng quyền quý, không chịu khom lưng uốn gối trước Hòa Thân nên đã từ quan, làm nghề dạy học. Dưới sự dạy dỗ của cha mẹ và thầy Lâm Tắc Từ cố gắng học tập trong bảy năm, tư tưởng học tập để đền nợ nước cũng dần lộ rõ.

Khi Lâm Tắc Từ được 20 tuổi, cha ông thường đưa ông đi tham gia những hoạt động nghiên cứu và thảo luận về chủ trương cách tân lễ nghi, phản đối lễ tiết rườm rà, hủ hóa và những hội có khuynh hướng văn minh tiến bộ của một số học giả nổi tiếng. Ngoài ra, cha ông còn đưa ông đến gặp Lâm Vũ Hóa, một tiền bối trong giới học giả dám lên tiếng vì trượng nghĩa, dũng cảm vạch trần bọn tham quan nên bị tống vào ngục, bị đày đi Tân Cương nhưng vẫn không khuất phục, để khích lệ ông học tập tinh thần khí khái, dám đấu tranh của Lâm Vũ Hóa. Dưới sự hun đúc tư tưởng yêu nước của cha mẹ, thời thiếu niên, Lâm Tắc Từ đã rất ngưỡng mộ và quyết noi theo gương của những bậc anh hùng yêu nước như Gia Cát Lượng, Lý Cương, Văn Thiên Tường, Vu Khiêm... Lâm Tắc Từ đã nhiều lần mời các bạn học đến miếu thờ của Lý Cương để tưởng niệm, làm thơ, điền từ để biếu đạt lòng yêu nước, tư tưởng đền nợ nước. Năm 22 tuổi, ông và một số bạn học cùng quyên tiền tu sửa mộ của Lý Cương, nhằm biểu đạt lòng yêu nước ở mức độ cao hơn. Sau này, Lâm Tắc Từ đã đốt một số lượng lớn nha phiến của nước ngoài ở Hổ Môn, đả kích nặng nề đến sự kiêu căng, ngạo mạn của kẻ xâm lược, trở thành anh hùng dân tộc của Trung Hoa.

Trong xã hội hiện nay, chúng ta cũng có thể tìm được rất nhiều tấm gương lập chí thành tài. Nhưng cũng có một số người khi gặp khó khăn, họ lại rút lui; họ không muốn trả giá bằng lao động gian khổ. Kết quả là không làm được chuyện gì. Người như thế không có chí hướng cao xa để kiên định, không có mục tiêu phấn đấu bền bỉ, không có tính chịu khó, không có tinh thần hiến thân vì khoa học. Họ vĩnh viễn không thể có những cống hiến cho nhân loại, vĩnh viễn không hưởng được niềm vui sau những phấn đấu gian khổ. Lập chí lớn sẽ làm con người đầy tự tin. Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã đi tránh loạn với những người bạn như Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực, Mạnh Công Uy..., du học ở Kinh Châu. Họ đều có tài trí hơn người, nhưng không có cơ hội tiến thân. Vì vậy, đề tài họ thường bàn luận là tiền đồ của nhân sinh. Nhưng, họ đều lập chí lớn, nên họ luôn có lòng tin đối với tiền đồ của mình.

Trong số những người quản lý kinh doanh ngày nay, người không quyết chí vươn lên có rất nhiều, có chút ít thành tựu đã vội ngủ quên trên chiến thắng. Liễu Truyền Chí, chủ tịch tập đoàn Lenovo nói: "Tại sao Lenovo có thể lớn mạnh, đích thực là phải có chí lớn, nghĩ được thì mới có thể làm được, ngay cả nghĩ cũng không dám nghĩ thì làm được gì."

Sở dĩ người thành công có thể giành được thành công là do họ có tính cách không ngại khó khăn, đeo đuổi chí lớn. Hồ Lâm Dực, tuần phủ Hồ Bắc, một nhà nho vào cuối đời Thanh, đã viết thư cho em trai ông: "Ở đời quyết không làm người được chăng hay chớ, sống vô ích cho đời, chết không lưu danh hậu thế".

Sống, phải có ích cho đời; chết, phải lưu danh hậu thế. Đây là một tâm nguyện lớn. Sống tầm thường, im bặt lặng tăm, thì chẳng khác nào tự phủ định giá trị sự sống của chính mình.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip