Phep Tac Cua Loai Soi Khong Nen Tu Bo Mac Xich Cuoi Cung Cua Thanh Cong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trên thảo nguyên, bầy dê là đối tượng mà loài sói thích tấn công nhất. Nhưng từ khi con người bắt đầu bảo vệ đàn dê, việc tấn công đàn dê đã càng lúc càng khó khăn hơn đối với bầy sói. Vì vậy, những con dê hoang dã là mục tiêu không thể bỏ qua của loài sói. Nhưng chạy nhanh là vũ khí duy nhất cũng là tối ưu nhất của những con dê hoang dã khi bị động vật ăn thịt tấn công. Tốc độ của loài sói cũng rất đáng nể nhưng so với loài dê hoang dã thì chúng vẫn còn chậm hơn một bước. Nhưng chưa đến phút cuối cùng, sói vẫn không bao giờ từ bỏ! Trong ý thức về sự sống của loài sói, từ bỏ nghĩa là đầu hàng, hoặc là ngồi chờ chết. Dù là đợi con mồi hay phải đối mặt với tình trạng khó khăn, kiên trì đến phút cuối cùng đã trở thành một trong những triết lý sống của bầy sói. Vì chúng hiểu rất rõ rằng thành công thường chỉ xuất hiện ở phút cuối cùng của sự kiên trì. Nếu từ bỏ trước khi thành công đến thì sinh mạng của sói cũng sẽ mất đi và tất cả mọi nỗ lực trước đó cũng trở nên vô nghĩa.

Sau Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai, thủ tướng nước Anh Churchill đã được mời đến phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của trường đại học Cambridge. Sau lời mời long trọng và hơi dài dòng, Churchill bước lên bục. Chỉ thấy hai tay ông nắm lấy cái bục, chăm chú nhìn mọi người, sau khoảng 2 phút yên lặng, ông bắt đầu nói với phong thái riêng: "Mãi mãi, mãi mãi, mãi mãi không được bỏ cuộc!". Rồi ông lại im lặng một lúc lâu, sau đó, ông lại nhấn mạnh một lần nữa: "Mãi mãi, mãi mãi, mãi mãi không được bỏ cuộc!". Cuối cùng, ông lại chăm chú nhìn mọi người một lúc rồi quay về chỗ ngồi.

Mọi người bên dưới lúc này mới hiểu ra và tiếp theo đó là những tràng pháo tay giòn giã vang lên.

Buổi diễn thuyết này đã trở thành kinh điển trong lịch sử diễn thuyết và cũng là lần diễn thuyết mà Churchill thích nhất.

Churchill dùng kinh nghiệm thành công của cuộc đời mình để nói với mọi người: cơ bản là không có bí quyết để thành công, nếu có thì chỉ có 2 điều: thứ nhất là kiên trì đến cùng, quyết không bỏ cuộc; thứ hai là khi bạn muốn từ bỏ, thì hãy nhìn lại bí quyết thứ nhất và làm theo: kiên trì đến cùng, quyết không bỏ cuộc.

Geothe cũng đã từng nói về ý nghĩa của sự kiên nhẫn: "Tiếp tục tận tâm kiên trì, buộc mình cố thêm chút nữa, chính là con người nhỏ bé nhất trong chúng ta đang làm như thế và chắc chắn sẽ đạt được mục đích. Vì kiên trì đến cùng là sức mạnh vô hình, sức mạnh này sẽ lớn lên theo thời gian và không có bất cứ một thất bại hoặc trở ngại nào có thể ngăn chặn được".

Trong cuộc sống, dù bạn làm bất cứ việc gì, dù bạn làm bất cứ nghề gì, chỉ cần bạn bỏ cuộc thì sẽ không còn cơ hội thành công. Nếu bạn có đến 99% khát vọng thành công nhưng lại có 1% ý nghĩ muốn từ bỏ thì cũng không có cách nào đạt được thành công. Chúng ta thường có thói quen sau khi làm được 90% công việc thì lại từ bỏ 10% cuối cùng giúp họ thành công. Như vậy, không những sẽ đánh mất đi những đầu tư ban đầu mà còn làm mất đi niềm vui khi thành công cuối cùng. Để hoàn thành công việc một cách thực sự, bạn cần phải có ý chí vững vàng. Bất kể bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào, một khi bạn đã có mục tiêu thì hãy kiên trì thực hiện đến cùng.

Muốn thành công thì phải có thái độ tích cực và niềm tin tất thắng. Trên đường đời của mỗi con người, trong quá trình tích cực hành động của mỗi một người, chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề và khó khăn, chỉ cần có ý chí vững vàng, kiên trì đến cùng và luôn động viên mình thì sẽ chiến thắng được bản thân, chiến thắng được khó khăn, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Bạn nên biết rằng, đôi lúc, cuộc sống giàu sang chỉ cách chúng ta có một bước. Trong một buổi triển lãm, giáo sư Drummond nhìn thấy mô hình một mỏ vàng nổi tiếng bằng thủy tinh. Chủ nhân ban đầu của mỏ vàng đã đào sâu xuống khoảng 1 dặm nơi mà ông ta cho rằng có thể chứa vàng, tiêu tốn hết 1 triệu đô la Mỹ, mất khoảng một năm rưỡi, nhưng ông ta vẫn chưa tìm thấy vàng. Ông ta quyết định bỏ cuộc. Thế là, ông bán mỏ vàng lại cho một công ty khác, và đi tàu hỏa trở về nhà. Không ngờ, công ty này đã tìm thấy vàng khi chỉ đào thêm một mét nữa.

Đến đầu thế kỷ 20, bất cứ một phát minh nào trên thế giới không thể gây ảnh hưởng sâu xa và to lớn đối với vận mệnh của nhân loại như máy hơi nước, và James Watt được coi là cha đẻ của chiếc máy này. Nhưng thực tế, vào thế kỷ 1, một nhà phát minh người Hy Lạp đã chế tạo ra nồi hơi, cơ chế hoạt động là bằng hơi nước. Thiết bị này tuy thô sơ và nguyên thủy nhưng đã ẩn chứa nguyên lý cơ bản của động cơ hơi nước. Giá như người thực nghiệm thời cổ đại này có thể kiên trì hơn chút nữa, cải tiến hơn chút nữa thì có lẽ lịch sử phát minh máy móc của nhân loại đã đi trước 2000 năm rồi.

Năm 1688, Dennis Papin phát minh ra pít-tông, sau đó, Thomas Newcomen đã phát minh ra động cơ hơi nước. Hai phát minh này cách máy hơi nước, một phát minh vĩ đại, chỉ có một bước. Nhưng chỉ đến khi Watt dốc toàn bộ công sức, trí tuệ và sự nhẫn nại, máy hơi nước cải tiến dựa trên phát minh của Thomas Newcomen mới ra đời.

Năm 1774, nguyên lý của máy điện báo đã được phát hiện và Morse là người đầu tiên ứng dụng được nguyên lý này. Ông bắt đầu thí nghiệm vào năm 1832, sau khi giành được bằng sáng chế và qua 5 năm, ông lại đối mặt với một bế tắc khác. Cho đến năm 1843, cuối cũng, quốc hội Mỹ cũng đồng ý tài trợ cho ông 30000 đô la để làm kinh phí nghiên cứu. Morse dùng số tiền này để chế tạo ra đường điện báo đầu tiên của thế giới, nối giữa Washington và Baltic. Có lẽ, trên thế giới có rất ít phát minh nào lại có ảnh hưởng to lớn đối với phúc lợi của con người như máy điện báo.

John Fitch, người chế tạo tàu thủy hơi nước sớm nhất ở Mỹ, đã từng trải qua biết bao khốn khó, bị người khác chế giễu. Ông bị các nhà chức trách bài xích, đến cả những người lương thiện nhất cũng coi ông là một gã điên đáng thương. Nhưng Fitch và một người bạn của ông vẫn tiếp tục kiên trì. Nam 1970, họ đã có được chiếc tàu thủy hơi nước đầu tiên ở Delaware. Vận tốc của con tàu thủy này khi chạy xuôi là 8 dặm/h, khi chạy ngược cũng là 8 dặm/h. Phát minh này của Fitch sớm hơn tàu hơi nước của Fulton khoảng 20 năm.

George Stephenson, người phát minh ra tàu hỏa, đã phát hiện một cách tỉ mỉ những khiếm khuyết trong thiết kế của người khác và qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc, ông đã tìm ra được phương pháp cải tiến. Trong quá trình này, nếu ông thiếu lòng kiên nhẫn thì chắc chắn đã thất bại. Cuối cùng, vào năm 1815, ông đã chế tạo ra một loại máy mới, một loại xe dùng bền và kinh tế thực sự. Nhưng trước khi giành được thành công thực sự và được mọi người chấp nhận, ông vẫn còn phải đánh một trận đánh ác liệt. Những người khác có vẻ như không mấy tin tưởng vào sản phẩm này, chỉ có ông là người duy nhất tỏ thái độ lạc quan đối với viễn cảnh của phương thức giao thông này. Tuy lúc đó có rất nhiều vướng mắc nhưng ông vẫn chế tạo được đầu tàu hỏa có tên là Roket vào năm 1930. Nguyên lý của nó cũng giống như loại xe lửa ngày nay. Loại xe lửa này chạy trên đường sắt nối giữa Manchester và Liverpool, gây ra tiếng vang lớn. Cuối cùng, ông cũng giành được thành công.

Stephenson không phải là người đầu tiên sáng chế ra đường sắt, cũng không phải là người đầu tiên muốn ứng dụng máy hơi nước vào động cơ xe. Những đặc trưng này đã sớm xuất hiện vào thời máy móc của Trevithick. Nếu như Trevithick có thể bỏ ra một chút tâm huyết để cải tiến những thiếu sót trong máy móc của mình, thì có thể là ông được xem như cha đẻ của tàu hỏa chứ không phải là Stephenson.

Nếu bẩm sinh bạn không có cá tính kiên định này, thì bạn cần phải bồi dưỡng nó. Có phẩm chất này, bạn mới có thể thành công, chiến thắng mọi khó khăn, mới có thể khắc phục được tinh thần tiêu cực, sự hoài nghi và do dự, mới có thể có tự tin. Không có phẩm chất này, thì dù là có tài năng ưu việt cũng không thể bảo đảm bạn sẽ thành công; hơn nữa, kết quả của bạn rất có thể là thất bại thảm hại.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip