Phep Tac Cua Loai Soi Biet Nguoi Biet Ta Tram Tran Tram Thang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Binh pháp Tô Tử có nói: "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Trong cạnh tranh, loài sói tôn trọng mọi đối thủ, chứ không coi thường đối thủ. Trước mỗi lần tấn công, sói đều tìm hiểu kỹ con mồi, quan sát và ghi nhớ về đặc điểm và thói quen của chúng, vì thế sói ít khi thất bại.

Một người giàu có đi săn ở Châu Phi. Sau ba ngày đêm săn đuổi, một con sói đã trở thành chiến lợi phẩm của ông ta. Trong khi người dẫn đường chuẩn bị lột da con sói, ông ta đã ngăn lại và nói: "Anh nghĩ rằng con sói này còn có thể sống được không?"

Người dẫn đường nghe vậy cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng anh ta không nói gì, chỉ gật đầu.

Người này liền bật thiết bị liên lạc mang theo bên mình và ra lệnh cho trực thăng lập tức cất cánh để chở con sói bị thương đến một bệnh viện ở cách đó 500km. Ông ta muốn cứu sống con sói này.

Sau đó, người này ngồi lại trên thảo nguyên trầm tư suy nghĩ. Đây không phải là lần đầu tiên ông đi săn ở đây. Trước đó, ông đã từng săn bắt vô số thú hoang, sơn dương. Những con thú này phần lớn đều trở thành thức ăn trên bàn tiệc. Vậy mà, con sói này lại làm ông nảy sinh ý định "để cho nó được sống".

Trong quá trình săn, con sói này bị ông đuổi đến một con đường hẹp có hình chữ T, phía trước là người dẫn đường đã đón sẵn với khẩu súng trong tay, con sói bị kẹp ở giữa. Trước tình huống như vậy, con sói hoàn toàn có thể chọn cách chạy vào con đường hẹp này, nhưng tại sao nó không làm như vậy? Chẳng lẽ con đường hẹp này lại nguy hiểm hơn cả khẩu súng trong tay người dẫn đường?

Trước nghi vấn này, người đi đường giàu kinh nghiệm giải thích: "Sói là loài động vật rất thông minh, chúng biết rằng chỉ cần giành được đường thì sẽ có hi vọng sống sót; còn nếu chọn con đường không có súng săn thì chắc chắn sẽ là con đường chết. Vì chúng biết trên con đường trông có vẻ bằng phẳng kia chắc chắn sẽ có bẫy. Chúng học được điều này nhờ vào quá trình đối phó với thợ săn trong thời gian dài".

Lời giải thích của người dẫn đường đã làm ông rất kinh ngạc. Vì ngoài con người, ông không hề nghĩ rằng bất cứ một động vật nào lại có thể hiểu được tình hình của đối phương như thế.

Tuy loài người được xem là  động vật thông minh nhất nhưng xung quanh chúng ta lại đầy rẫy những người không tự biết mình. Bọn họ hoặc là chí lớn tài mọn, tự cho mình là hơn người; hoặc là đánh giá mình quá thấp, thiếu tự tin; hoặc là lấy sở đoản của mình để đấu với sở trường của người, kết quả là xôi hỏng bỏng không.

Trong công ty, ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn được thăng chức. Nhưng, một số người biết rõ một vị trí nào đó không thích hợp với mình, dù giành được cũng không thể phát huy được sở trường của mình nhưng vẫn ra sức cạnh tranh để chứng tỏ bản lĩnh của mình, mà không chịu nghĩ tới hậu quả của việc làm đó.

Một công ty khoa học kỹ thuật nọ có một nhân viên nghiên cứu kỹ thuật tên là Đường Đông. Sản phẩm mới do anh ta nghiên cứu đã từng giúp công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tuy anh ta thiếu năng lực quản lý và tổ chức nhưng dưới sự tiến cử của bí thư Đảng ủy, anh ta vẫn được đưa lên làm tổng giám đốc công ty này.

Vài năm đầu, nhờ sự giúp đỡ tích cực của vị bí thư Đảng ủy này nên anh ta có thể giải quyết được những rắc rối trong sự vụ hành chính và mối quan hệ với người khác. Nhưng sau khi vị bí thư này về hưu, tình hình thay đổi nhanh chóng. Đầu tiên là trong ban lãnh đạo công ty có một vị phó giám đốc; người này đã nảy sinh hiềm khích với Đường Đông, do bị Đường Đông cản trở việc của mình. Thế là, vị phó giám đốc này và tổ trưởng bộ phận bán hàng đã bắt tay nhau để đối phó với Đường Đông, làm cho khách hàng của công ty ngày một giảm xuống, thị trường cũng bị đối thủ khác chiếm lĩnh. Công ty bị tổn thất nặng nề và dần dần rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Lúc này, nếu Đường Đông dũng cảm xin từ chức, tiếp tục làm công việc nghiên cứu của mình, thì sẽ là một quyết định sáng suốt. Đằng này, anh ta lại áp dụng thói quen ương ngạnh trong công việc của mình vào chốn quan trường. Trước mặt mọi người, anh ta phê bình vị phó giám đốc và tổ trưởng bộ phận bán hàng, lại cho thôi việc vài cán bộ không được việc; vì vậy, đã lại tạo nên một thế lực đối lập không nhỏ. Đầu tiên là một số người đã báo cáo với cấp trên, kế đến là yêu cầu cấp trên giáng chức anh ta.

Trước tình hình hiệu quả kinh tế ngày một xuống dốc, cấp trên buộc phải tuyển dụng tổng giám đốc mới. Người được lựa chọn lại là vị phó giám đốc đã từng bị anh ta phê bình. Đường Đông đã không  chịu nổi cú sốc này nên không bao lâu sau đã lâm bệnh, phải nằm viện điều trị.

Khi tham gia cạnh tranh chức vị, nên chú ý phát huy sở trường của mình. Ví dụ, bạn giỏi về kinh doanh thì không nên cạnh tranh chức vị quản lý nhân sự; bạn giỏi về quản lý sản xuất thì không nên cạnh tranh chức vị trưởng phòng kinh doanh. Bởi vì, dù bạn giành được chức vị đó thì cũng không thể phát huy được sở trường của mình, điều này không có lợi cho sự thăng tiến của bạn, ngược lại còn khiến bạn mất đi nhiều cơ hội và làm mai một dần kỹ năng của bạn.

Trong công ty, làm việc phải có nguyên tắc, một số việc biết rõ là không thể làm thì dù có làm cũng uổng công; vậy thì hãy bỏ ý định cạnh tranh, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có trong tay, tập trung vào một phương diện, mới là sáng suốt.

Ngoài việc "biết mình", chúng ta cũng không thể coi nhẹ vấn đề "biết người". Hiểu được bất cứ một ai bên cạnh bạn cũng là một điều rất quan trọng.

Ông Ngô là người quản lý bộ phận hậu cần ở một công ty nọ. Ông Ngô rất có cảm tình với ông Lang nên đặc biệt quan tâm và bồi dưỡng cho ông Lang. Nào ngờ ông Lang lại vì vậy mà trở nên hống hách, không coi những đồng nghiệp khác ra gì. Sau một thời gian, ông Lang lại lôi kéo hai đồng nghiệp không biết an phận khác kết thành một "tiểu bang phái" và đòi hỏi ở ông Ngô càng nhiều lợi ích hơn. Ông Ngô vì không đề phòng nên không kịp trở tay, lại vì sự yên ổn của công ty nên đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, thuận theo yêu sách của ông Lang.

Sau khi đáp ứng yêu cầu của bọn họ, ông Ngô tưởng rằng họ sẽ chịu để yên nhưng không ngờ sau đó không lâu, họ lại lôi kéo thêm một số đồng nghiệp khác để chống đối lại ông, kể tội ông và buộc ông phải từ chức. Nhân vô thập toàn, trong công việc, ông Ngô đã từng phạm phải một sai lầm lớn, lại thêm việc không kịp đề phòng nên đã thất bại. Người lên thay thế vị trí của ông ta không ai khác lại chính là ông Lang. Chuyện đã đến nước này, ông Ngô có hối hận thì cũng đã muộn rồi!

"Biết mình" và "biết người" là hai bài học mà người cạnh tranh phải nắm vững, chỉ có hiểu rõ mình và đối phương, đồng thời tận dụng ưu thế của bản thân và hoàn cảnh một cách hữu hiệu, chúng ta mới không bị thua trong cuộc cạnh tranh.



Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip