- BẠN PHẢI CÓ BẢN LĨNH CHẮC CHẮN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ khả năng tập trung của loài sói, chúng ta có thể nhận ra ngoại diên của sự chuyên tâm, đó chính là trong công việc chúng ta nên tập trung năng lực vào một điểm cốt yếu nào đó. Như thế, chúng ta mới không bị rơi vào tình trạng cái gì cũng biết chút ít nhưng lại không am tường về một cái gì và tránh được nguy cơ bị đào thải.

Câu chuyện của một anh bạn sinh sống ở Thâm Quyến dưới dây sẽ gợi cho chúng ta rất nhiều điều. Anh bạn này kể lại:

Tại một xưởng in ở quê nhà, tôi phụ trách đứng máy phụ đã gần 5 năm, kỹ thuật giỏi nhất, những người khác không thể sánh kịp. Nhưng trong xưởng có rất nhiều thợ cả, nên khả năng lên đứng máy chính là rất ít, mà nếu có đi chăng nữa thì những người khác cũng có tuổi tác và tuổi nghề lớn hơn tôi. Vì vậy, chắc chắn là họ sẽ được ưu tiên hơn. Tôi nghe một người đã đi đến Thâm Quyến nói Thâm Quyến là thành phố trẻ hiện nay, ở đó, rất chuộng nhân tài.

Thế là, tôi hăng hái khăn gói lên đường. Các xưởng in ở Thâm Quyến đều nổi tiếng khắp nước, không những tiên tiến mà thậm chí người ta còn truyền miệng câu nói: "muốn phát tài thì làm in ấn". Tôi rất vui khi được nhận vào làm. Để tạo cơ sở cho việc thăng tiến sau này, tôi vẫn bắt đầu từ việc làm thợ phụ và rất nhanh trở thành cốt cán. Mọi việc quan trọng trong xưởng dường như chỉ có giao cho tôi thì ông chủ mới yên tâm.

Cứ như thế được 11 tháng, khi gần được 1 năm, nhân lúc công ty lập ra kế hoạch làm việc cho năm tới, tôi đến gặp ông chủ và bày tỏ nguyện vọng muốn học để đứng máy chính. Ông ấy hỏi tại sao, tôi trả lời rằng dù tôi có tiếp tục làm thợ phụ thì cũng không có tiềm năng và tiền đồ gì, đồng thời cũng không thể mãi làm thợ phụ được. Ngoài ra, tôi rất hy vọng được công ty cho tôi cơ hội học tập, nếu không thì nơi đây cũg chẳng khác gì quê nhà, tôi đến Thâm Quyến này là công cốc.

Ông chủ là một ông già 60 tuổi, tính tình nóng nảy. Hôm đó, ông ấy đã kiên nhẫn một cách bất ngờ để ngồi nghe tôi nói hết. Ông ấy nói ông ấy đã làm chủ được 11 năm. 11 năm nay, khi công ty tuyển nhân viên mới, vấn đề mà các ứng viên quan tâm nhiều nhất là tiền lương, tiền thưởng, chỉ có một số ít người hỏi rằng công ty sẽ bồi dưỡng họ trở thành một nhân viên kỹ thuật giỏi như thế nào. Ông ấy nói trong số ít người đó, tôi thuộc loại đặc biệt. Ông ấy nói tôi có chí tiến thủ đương nhiên là tốt, nhưng tại sao tôi không suy nghĩ vấn đề này ở một góc độ khác? Ví dụ như cố gắng làm tốt công việc hiện tại, có năng lực chuyên sâu, trở thành một người không thể thiếu và hiếm có trong lĩnh vực đó. Ông ấy nói sau này, công ty còn phải mở rộng sản xuất, còn cần thêm thợ phụ, nếu tôi có thể trở thành một người đầy uy tín trong lĩnh vực này thì không những là ở công ty này, mà sau này dù có đi đến những nơi khác, tôi cũng sẽ là người đứng đầu, cũng sẽ có được mức lương và địa vị tương ứng. Ông ấy nói xã hội ngày nay, điều mà lớp trẻ thiếu không phải là thiếu kinh nghiệm mà là sự chuyên sâu.

Tôi đến Thâm Quyến chủ yếu là để tránh việc làm thợ phụ, kết quả lại là quyết định tiếp tục làm thợ phụ. Khi tôi viết thư nói chuyện này cho bố mẹ tôi biết, mẹ tôi bảo vậy thì cũng chẳng khác gì so với ở quê nhà. Tôi nói rằng có, khác là ở Thâm Quyến sẽ có người nói với bạn rằng tại sao bạn cần phải tiếp tục làm thợ phụ.

Cho đến nay, tôi vẫn xem ông chủ đó là thầy. Cho dù ông ấy không dạy tôi kỹ thuật, nhưng chỉ với câu nói: "Có năng lực chuyên sâu, trở thành một người không thể thiếu và hiếm có trong một lĩnh vực", đã là có ơn đối với cuộc đời tôi rồi. Vì nó đã mang lại cho tôi một cách thức tư duy không bao giờ cũ và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên sâu.

Có năng lực chuyên sâu, trở thành một người không thể thiếu và hiếm có trong một lĩnh vực là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là có một cách thức tư duy không bao giờ cũ và thái độ làm việc nghiêm túc. Đó sẽ trở thành tài sản trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Vương Cường di cư đến Mỹ ở tuổi 40. Thường những người đến Mỹ đều muốn lấy được thẻ cư trú. Sau khi Vương Cường đến Mỹ được 3 tháng, anh bèn đến cục di dân để làm đơn xin thẻ cư trú. Một người bạn đến Mỹ trước anh có lòng tốt nhắc nhở anh rằng: "Anh phải kiên nhẫn chờ đợi, tôi đã nộp đơn được gần 1 năm rồi mà vẫn chưa được duyệt đấy".

Vương Cường cười nói: "Không cần phải lâu vậy đâu, 3 tháng là được".

Người bạn này nhìn anh đầy nghi hoặc, cho rằng anh nói đùa. Ba tháng sau, Vương Cường đến cục di dân, quả nhiên là đã được phê chuẩn, rất nhanh, người đưa thư đã đưa cho anh thẻ cư trú. Bạn của Vương Cường cảm thấy khó hiểu khi biết chuyện này: "Anh lớn tuổi hơn tôi, nộp đơn muộn hơn tôi, không nhiều tiền bằng tôi, dựa vào đâu mà lại lấy được thẻ cư trú sớm hơn tôi?"

Vương Cường nói: "Vì tiền".

"Anh mang theo bao nhiêu tiền đến Mỹ?"

"100 ngàn đô".

"Nhưng tôi mang theo đến 1 triệu đô, tại sao không phê duyệt cho tôi mà lại phê duyệt cho anh?"

"100 ngàn đô của tôi, trong vòng 3 tháng ở Mỹ, tôi đã tiêu hết một phần dùng để đầu tư, tiền này luôn được sử dụng và lưu động. Điều này tôi đã ghi rất rõ trong bản báo thuế gởi cho cục di dân. Còn 1 triệu đô của anh thì vẫn ở trong ngân hàng, không thay đổi gì cả, vì vậy, họ không phê duyệt đơn cho anh".

Mỹ là một quốc gia rất coi trọng hiệu quả và lợi ích, anh phải có ích đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước Mỹ thì họ mới thu nạp anh. Ở nước Mỹ, chỉ có hai loại người có thể có được thẻ cư trú: một là người đến Mỹ để đầu tư hoặc tiêu thụ; hai là người có chuyên môn.

Cùng đợt với Vương Cường còn có một người phụ nữ Trung Quốc đứng tuổi cũng nộp đơn xin thẻ cư trú. Từ làn da rám nắng biến thành màu đồng cổ của người phụ nữ này, có thể đoán được bà ấy là người làm việc ngoài trời. Vương Cường cảm thấy hiếu kì nên tiến lại bắt chuyện. Khi hỏi ra mới biết bà đến từ vùng nông thôn miền Bắc Trung Quốc. Vì con gái của bà ở Mỹ nên bà mới nộp đơn xin ở Mỹ. Bà chỉ học hết tiểu học, cả việc diễn đạt bằng tiếng Hán cũng không được tốt lắm.

Một người phụ nữ nông thôn Trung Quốc chỉ biết nói "xin chào", "tạm biệt" bằng tiếng Anh cũng nộp đơn xin thẻ cư trú. Lý do mà bà ấy ghi trong đơn chỉ có hai chữ "chuyên môn". Người quản lý cục di dân sau khi đọc xong đơn của bà, liền hỏi: "Bà có chuyên môn gì?". Bà ấy trả lời: "Tôi biết cắt giấy vẽ". Nói xong bà ấy lấy từ trong túi ra một cái kéo và cắt vào một tờ giấy màu một cách điêu luyện, chưa đầy 3 phút, bà đã cắt được một số hình con vật rất sinh động. Người quản lý cục di dân trợn tròn mắt, nhìn ngắm những bức hình bằng giấy này, rồi đưa ngón tay cái lên, khen ngợi không ngớt. Lúc này, bà lấy ra một tờ báo, nói: "Đây là những bức hình bằng giấy của tôi được nhật báo Trung Quốc đăng". Người quản lý cục di dân vừa xem vừa gật đầu lia lịa, nói: "Ok!"

Bà ấy được phê duyệt. Những người cùng nộp đơn với bà ấy nhưng bị từ chối tỏ ra vừa thán phục vừa ghen tị. Đó chính là nước Mỹ. Có thể bạn không biết quản lý, có thể bạn không hiểu gì về tài chính, có thể bạn không biết đến máy tính, thậm chí, có thể bạn không biết tiếng Anh, nhưng bạn không thể cái gì cũng không biết! Bạn cần phải biết một thứ, và phải dốc hết sức để làm cho tốt nhất. Như thế, bạn sẽ luôn Ok!

Chỉ cần bạn giỏi một chuyên môn gì đó, thì trong cuộc sinh nhai, bạn sẽ không dễ dàng bị phủ nhận. Do đó, các bạn nên chuyên chú nhiều hơn nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip