Review Truyen Viet Nam Ve Van De Dat Ten Nhan Vat Trong Truyen Fantasy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đối với người viết truyện fantasy ở Việt Nam, đặt tên luôn là vấn đề nan giải nhất. Có hai lựa chọn cho các tác giả: đặt tên tiếng nước ngoài (cụ thể ở đây là ngôn ngữ tiếng Anh, phổ biến nhất, kế đến là tiếng Hán Việt) hay đặt tên theo tiếng Việt Nam (những tên gọi phổ biến)? Việc lựa chọn tên nước ngoài sẽ bị coi là không "thuần Việt", "không phải do người Việt viết ra" – như một số bình luận phổ biến. Nhưng nếu đặt tên tiếng Việt Nam thì có được coi là "thuần Việt" và mang tính fantasy hay không? Bài viết dựa trên cảm nhận của tác giả, không phải công trình nghiên cứu. Các ý kiến của tác giả áp dụng cho văn học, không bàn loại hình giải trí khác.

Fantasy, suy cho cùng là cái tên có nguồn gốc từ các nước phương Tây. Lịch sử của nó rất dài dòng, nên người viết không muốn nêu cả một tràng dài dằng dặc. Nhưng tựu chung, cái tên "fantasy" bắt nguồn từ phương tây, mà gần như không một từ Hán Việt, Hán Ngữ hay ngôn ngữ của các nước phương Đông nào có thể diễn tả nó. Từ "kỳ ảo" chỉ mang nghĩa gần đúng, không thể bao hàm toàn bộ chữ này. Vì vậy, nói đến tận cùng, thể loại văn học fantasy xuất phát từ phương Tây. Những lý luận sau đó cho rằng các truyện thần thoại phương Đông cũng là fantasy, thực tế chỉ là một cách gọi khiên cưỡng. Tác phẩm fantasy có thể dựa cảm hứng từ các tích thần thoại, nhưng các tích thần thoại thì không phải fantasy. Hiểu tựu chung là vậy. Vì vậy, nếu gọi là tác phẩm "fantasy thuần Việt" thì thực sự là không có, đây có lẽ chỉ là cách gọi của những người nặng tinh thần dân tộc (hoặc tỏ vẻ là nặng tinh thần dân tộc) và mang tâm thế chê trách tác phẩm nhiều hơn là muốn đọc.

Giờ nói đến chuyện đặt tên. Nếu người Việt viết fantasy mà đặt tên tiếng nước ngoài thì sao? Câu trả lời là: không vấn đề gì. Đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, câu hỏi theo sau nó quan trọng hơn: tên nhân vật là nước ngoài, vậy thì cái phông văn hóa theo sau là gì? Cái phông văn hóa sẽ quyết định việc đặt tên đó xứng đáng hay không. Về việc này, các tác phẩm fantasy do người Việt viết chưa làm được. Khi lấy tên nước ngoài đặt cho nhân vật, nghĩa là tác giả đã chấp nhận rằng mình đang sử dụng phông nền từ một nền văn hóa khác. Lấy ví dụ như lấy cái tên "Ngài là Eddar Stark, lãnh chúa của thành Winterfell tại phía bắc lục địa Westeros", có nghĩa là: bạn đang sử dụng văn hóa phương Tây, cảm hứng của bạn dựa trên lịch sử cũng như truyền thống phương Tây. Với một người phương Đông có khái niệm "vua là thiên tử, ý vua là ý trời" thì sẽ ít nhiều xa lạ khái niệm "vua – lãnh chúa", dù rằng trong lịch sử phương Đông đã từng có "vua – lãnh chúa", nhưng với sự ảnh hưởng "thiên tử" từ văn hóa Trung Quốc hàng nghìn năm, khái niệm này hầu như đã biến mất. Vậy thì với một tác giả tới từ phương Đông, người này sẽ phải nghiên cứu lại từ đầu về truyền thống này của phương Tây, và mất rất nhiều thời gian.

Và bởi dựa trên văn hóa phương Tây, nên cách hành xử của nhân vật cũng như thế giới đó sẽ dựa trên phông văn hóa phương Tây. Hãy giả định chúng ta đặt tác phẩm fantasy vào bối cảnh trung cổ phương Tây, thì nói rằng "dùng tên phương Tây mà sử dụng văn hóa phương Đông có được không?", câu trả lời là không ổn và khập khiễng. Bởi lẽ trong tên của người phương Tây, có một số những ẩn ý hoặc ý nghĩa nào đó liên quan tới ngữ pháp mà vốn không thuộc về phương Đông. Chẳng hạn trong văn hóa phương Tây, một số người có cái tên đánh số, ví dụ Henry IV hoặc Henry III gì đó. Họ nghĩ rằng đặt tên theo ông nội, theo tổ tiên là tỏ lòng thành kính. Nhưng ở phương Đông, việc này bị tránh hoặc bị cấm, vì người phương Đông cho rằng đặt tên như thế là phạm húy, là láo. Hoặc như một số cái tên của vùng Bắc Âu mang chữ "-son" phía sau để chỉ là "con của ai". Nội tên gọi đã quá nhiều vấn đề, chứ chưa nói đến lối sống, cách suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, việc áp dụng tên Tây mà văn hóa phương Đông, với ý kiến của tác giả, là khập khiễng.

Tuy nhiên, nếu như, việc đặt tên phương Tây trong một tác phẩm fantasy nào đó về tương lai với nền văn hóa khác biệt, bối cảnh khác biệt. Việc đặt tên nước ngoài là được. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, các tác giả phải hiểu rằng tiềm thức của người đọc (hãy tính là người đọc Việt Nam), khi đọc một tác phẩm có tên nhân vật nước ngoài, họ vốn mặc định đó là câu chuyện ở nước ngoài cùng nền văn hóa phương Tây. Đây là điều tác giả không thể thay đổi và không thể ngụy biện rằng "người đọc thiếu hiểu biết". Nếu không xây dựng được cái phông nền văn hóa tương xứng, tác phẩm fantasy đó sẽ khó được đón nhận.

Một điều nữa là đối với độc giả Việt nói chung, nhớ cái tên nước ngoài là khó. Nếu áp dụng suy nghĩ chủ quan rằng "thời đại tiếng Anh rộng khắp, ai chẳng đọc được" thì khá lầm. Với cá nhân người viết bài, sau khoảng một hai năm không theo dõi GOT, tác giả đã quên gần hết tên tuổi các nhân vật. Sau rốt, tác giả chỉ nhớ được cái tên "Mẹ Rồng", vì nó rất dễ nhớ, đúng với tiềm thức người Việt, thay vì nhớ cái tên dài dằng dặc Daenerys Targaryen, hoặc chỉ nhớ "Thằng Lùn" thay vì Tyrion Lannister. Đây là sự việc có thật và có ở nhiều người, không phải chỉ riêng mình cá nhân tác giả. Vì vậy, nếu tác giả viết fantasy lựa chọn tên nước ngoài, hãy chấp nhận rằng chúng đều khó nhớ và khó thuộc.

Về cái tên Hán Việt, bản thân người viết bài này đã sử dụng và cảm thấy có hiệu quả. Bởi lẽ trong từ vựng Việt Nam, tiếng Hán Việt chiếm rất nhiều, và trong tiềm thức người đọc Việt, họ dễ nhớ tên Hán Việt hơn, nhớ được lâu hơn. Tuy nhiên, như có nói ở trên, cái tên Hán Việt sẽ bị gắn cái danh là "mác Tàu". Cái này cũng xuất phát từ tiềm thức độc giả, vốn tiếp xúc rất nhiều với thể loại kiếm hiệp – tiên hiệp từ Trung Quốc. Vì vậy, tác giả muốn đặt tên Hán Việt, sẽ phải chấp nhận thực tế đó. Tuy nhiên, có một số cái tên thực sự là rặt Trung Quốc như họ "Âu Dương", họ "Tống" – vốn dĩ quá ít trong các họ ở Việt Nam; nên khi đặt tên, hãy cân nhắc. Thứ hai, việc sử dụng các từ Hán Ngữ trong truyện như "lăng lệ", "giới chỉ", "hạng liên", "sát na" sẽ đem lại cái phông văn hóa kiếm hiệp cho độc giả. Đây là sự thật, nên hãy xem lại cách sử dụng từ trong truyện.

Về cái tên Hán Việt có thể sử dụng trong một thế giới fantasy khác không? Câu trả lời là: có. Và câu chuyện vẫn như trên: hãy xây dựng một cái phông văn hóa tương xứng với nó, hoặc, theo một chiều hướng nào đấy, làm nổi bật nó lên. Nếu không thể xây dựng được cái phông đó, truyện rất dễ bị đánh đồng là kiếm – tiên hiệp dù tác giả không muốn vậy. Bởi lẽ đánh giá tác phẩm là do độc giả, không phải tác giả.

Cuối cùng là tên Việt Nam. Rốt cục, có nên đặt tên Việt Nam không? Câu trả lời là được. Vậy thì phông văn hóa theo sau nó là văn hóa Việt Nam. Vậy câu hỏi là cái phông văn hóa đó liệu có thể hỗ trợ những cái tên Việt Nam trong tác phẩm fantasy không? Câu trả lời là: hiện tại chưa có và chưa đủ. Như đã nói ở trên, fantasy xuất phát từ phương Tây và có một lịch sử lâu đời. Trong nhiều thập niên, các tác phẩm fantasy đã manh nha xuất hiện rất nhiều từ trước khi "Chúa Nhẫn" thiết lập nên một thế giới fantasy hoàn chỉnh và nổi tiếng. Những hệ thống thần thoại mới như hệ thống của Lovecraft cũng dựa trên những nguồn tư liệu dày dạn. Còn ở Việt Nam, có tác phẩm mang tính fantasy như thế không có nhiều, nếu gắng gượng, cũng có thể tạm gọi "Lĩnh Nam chích quái" là fantasy. Nhưng như thế là chưa đủ. Và dường như, việc xây dựng một thế giới fantasy trung cổ ở các nước châu Á là điều khá khó khăn. Bởi lẽ với độc giả châu Á, chỉ cần khai thác dòng dã sử - lịch sử, họ đã có đủ thứ để nói rồi, không cần fantasy nữa. Cho nên, việc tác giả ngại dùng cái tên "Hải Nam", "Văn Hoàng" hoặc "Xuân Mai" gì đó là dễ hiểu, và ngay cả độc giả cũng không thích những cái tên này. Vấn đề này xuất phát từ tiềm thức, và xuất phát từ một nền văn học không có yếu tố fantasy. Những thứ như "Trường ca Đam San" hay các tích thần thoại nào đó không phải fantasy, không nên đánh đồng.

Dù vậy, việc sử dụng tên Việt cho các tác phẩm fantasy ở thế giới khác được không? Câu trả lời vẫn như cũ: thoải mái, và hãy xây dựng cái phông văn hóa tương xứng với nó. Cái tên Việt Nam đời thường, thiết nghĩ là nó cũng chẳng có gì xấu hay quê mùa, vấn đề là xây dựng phông văn hóa kém sẽ làm giảm giá trị những cái tên, đồng thời giảm luôn giá trị tác phẩm.

Vậy nên, việc đặt tên trong tác phẩm fantasy, xét cho cùng cũng quan trọng nhưng cũng không nên quá nặng nề. Điều quan trọng là xây dựng được một thế giới, hoặc một cái phông văn hóa tương xứng và phù hợp với những cái tên đó – đây mới là việc quan trọng nhất. Trong các tác phẩm fantasy Việt, "Huyền thoại Porasitus" đúng nghĩa fantasy nhất với tên nhân vật phương Tây. "UREM" là truyện fantasy với tên nhân vật Việt Nam, Các tác phẩm của Phan Hồn Nhiên không phải là fantasy và chưa bao giờ là fantasy (và tác giả chưa bao giờ là nhà văn fantasy). Truyện "Huyền thoại lục địa MU" chỉ dựa vào game, không phải fantasy cũng chưa bao giờ là fantasy (chưa kể là tác phẩm rất kém).

Vì quá chú trọng cái tên, mà các tác giả Việt bỏ quên việc xây dựng phông văn hóa cho truyện (hoặc chưa ý thức được, hoặc có ý thức nhưng chưa biết xây thế nào), và vẫn luôn hỏi "tại sao người đọc khắt khe xấu tính thế?". Câu trả lời: họ không xấu tính, mà vì các tác giả không chăm chút vào cái thế giới đó. Xây dựng cái phông văn hóa tốt, xây dựng cốt truyện tốt, chăm chỉ vào nó, rồi độc giả sẽ chẳng quan tâm cái tên của bạn là phương Tây hay Tàu hay Việt nữa :D.

Đôi điều suy nghĩ cá nhân.

------Get Backer-------

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip