Chương 1: Chùa Vân Tiêu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Tôi thực ra không phải con của mẹ. Nghe nói khi tôi mới sinh ra đã được đưa đến trước cổng chùa Vân Tiêu mà mẹ khi ấy cũng đã ở chùa được 5 năm. Trụ trì chùa Vân Tiêu (1) bấy giờ là sư thầy Pháp Vân đã nói với mẹ rằng nhân duyên của bà còn chưa dứt, hận trong lòng còn chưa nguôi nên không thể cắt tóc đi tu được, thôi thì hãy nhận đứa trẻ mồ côi là tôi đây làm con nuôi để cho lòng được tĩnh, biết đâu nghiệt duyên tự nhiên được tháo gỡ. Vậy là tôi ở lại trong chùa làm con nuôi của mẹ, lấy họ Lý của mẹ, đặt tên là Tâm An.

Mẹ tuy không nuông chiều tôi nhưng vẫn rất chu đáo: khi tôi khóc bà lau nước mắt, tôi kêu lạnh bà liền lấy áo ấm cho tôi, có điều tôi vẫn không cảm nhận được sự ấm áp. Hàng ngày bà ngồi ở đó, mắt nhắm nghiền, tay lần tràng hạt niệm Phật, nhưng đôi lông mày của bà vẫn nhíu chặt, đầy sự ưu tư.

Năm tôi lên 4 tuổi, bị cảm phong hàn rất nặng, tưởng không qua khỏi. Đêm ấy, trong cơn mê man, tôi thấy mẹ đầm đìa nước mắt ôm tôi mà khóc rằng “Vịnh nhi, đừng bỏ mẹ.” (2) Khi ấy, tôi đã rất cảm động nên quên mất rằng tên tôi là An, không phải Vịnh, càng không để ý rằng Vịnh là tên con trai chứ không phải tên con gái. Có lẽ vì quá cảm động nên chút ý chí nhỏ bé không muốn rời bỏ mẹ của tôi đã giúp tôi thoát khỏi quỷ môn quan. Những ngày tháng sau đó, mẹ đối với tôi cũng có chút ấm áp hơn, chỉ là trong đôi mắt vẫn còn nỗi tang thương.

Năm tôi lên 6, trong chùa có thêm Pháp Trí. Pháp Trí là một chú tiểu tên thật là Nguyễn Tiện, khi ấy 8 tuổi, nhà nghèo nên bố mẹ đưa lên chùa đi tu. Lúc tôi trông thấy cậu ấy ngồi quệt nước mắt khóc huhu, kêu bố ơi mẹ ơi, đã cảm thấy thương cảm và nghĩ rằng mình thật may mắn vì bên cạnh còn có mẹ. Sau này khi chúng tôi thân nhau và vào những lúc không có người khác, tôi thường kêu là anh Trí.

Có anh Trí, cuộc sống của tôi cũng vui hơn. Anh ấy biết nhiều trò chơi, thường rủ tôi chơi cùng. Chúng tôi khi thì đá cầu, bắn bi, lúc thì đu cây, dọa khỉ, thực sự là rất vui vẻ. Ban đầu Thanh Mai trông thấy tôi đu cây thì sợ hãi, bắt tôi xuống rồi kéo vào mách mẹ. Tôi đứng bên cạnh len lén nhìn mẹ, thấy bà bình thản rồi nói:

– Cũng may là không phải sinh ra trong hoàng thất.

Nói xong liền nhắm mắt lại, tay mân mê tràng hát tiếp tục niệm Phật. Thanh Mai đứng bên ngỡ ngàng, nhưng tôi chưa vội đắc chí thì đã bị ánh mắt của cô ấy nhìn làm cho sợ hãi. Anh Trí thì thảm hơn tôi. Sư thầy phạt bắt lau tượng một tuần. Từ sau lần ấy, chúng tôi có muốn đu cây dọa khỉ thì cũng tìm chỗ vắng người, tránh cho ai biết.

Tôi và anh Trí cứ thế lớn lên cùng nhau. Mặc dù mẹ dạy chữ cho tôi rất chu đáo, tôi cũng biết thế nào là tam tòng tứ đức hay nam nữ thụ thụ bất thân, nhưng trong ngôi chùa này ngoài các sư và tiểu ra thì chỉ có mẹ, Thanh Mai và tôi là nữ giới. Có lần anh Trí bảo tôi, nếu anh ấy không đi tu, sau này nhất định sẽ lấy tôi làm vợ. Tôi khi ấy đến khái niệm nam giới là gì còn chẳng rõ, chứ chưa nói gì đến khái niệm vợ chồng, nhưng thấy anh ấy nói như vậy cũng ngậm ngùi trả lời “nhưng mà anh đã đi tu mất rồi.”

Cuộc sống của chúng tôi rất tốt, mặc dù chùa ở vùng đồi núi Yên Tử lại tọa lạc trên một gò núi cao như thế nhưng chúng tôi lại không thiếu thốn thứ gì. Hàng năm tôi đều thấy có người đến thăm mẹ. Người đó trông hiền hòa, nhưng mỗi lần người ấy đến tôi đều phải tránh đi, có điều khi đến đều mang đồ ăn và vật dụng tốt cho mọi người. Sư thầy và các tiểu đều cảm ơn rối rít, ngay cả Thanh Mai cũng có vài phần vui mừng, chỉ riêng mẹ thì vẫn đạm bạc như thế. Sau này tôi mới biết, người đó là Ngự Sử Đại Phu Lê Phụ Trần, còn mẹ tôi chính là công chúa Chiêu Thánh, đã từng là Chiêu Thánh Hoàng Hậu của vua Trần Thái Tông.

Mùa xuân, Nguyên Phong năm thứ 8, mẹ được ban chỉ gả cho Ngự Sử Đại Phu Lê Phụ Trần (3). Hôm được triệu vào cung, tôi ngồi kiệu với mẹ, rất háo hức, không để ý đến vẻ mặt buồn thảm của anh Trí lại càng không để ý đến đôi mắt tang thương của mẹ tràn đầy ý hận.

Lúc gặp Quan gia (4), mẹ cầm tay tôi hành lễ nói với người:

– Đây là đứa con mà thần thiếp nhận nuôi khi còn ở chùa Vân Tiêu, tên gọi Lý Tâm An

Quan gia vội vàng đỡ mẹ dậy, nhìn tôi một lúc rồi nói:

– Lê Phụ Trần là người tốt, chắc sẽ không bạc đãi nàng. Nhưng, nàng mới được gả về nhà người ta, mang theo đứa trẻ này sợ là không tiện.

Sau ngẫm nghĩ một lúc lại nói:

– Hay là để đứa bé này ở lại trong cung, ta sẽ cho người chăm sóc cẩn thận và đưa về thăm nàng thường xuyên.

Mẹ ngẩn người một lúc rồi đáp:

– Tạ ơn Quan gia

Quan gia đổi tên tôi là Ngọc Khuê, phong là Ứng Thụy Công Chúa, giao cho Thụy Bà công chúa chăm sóc. Năm ấy tôi 15 tuổi.

____________________

(1) Lê Thái Dũng. “Có hay không lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng.” http://bee.net.vn/channel/1984/201012/Co-hay-khong-le-cuoi-cua-Ly-Chieu-Hoang-1783969/ : Có thuyết khác nói Lý Chiêu Hoàng tu tại chùa Vân Tiêu nằm trên sườn núi phía tây Yên Tử lấy pháp danh là Vô Huyền, cho đến khi triều đình gả bà cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần)

(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 – Hoàng thái tử Trịnh (con của Trần Thái Tông và Chiêu Thánh) mất

(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

(4) Quan gia: Cách gọi vua dưới thời Trần

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip