Kookv Mat Cao 25 Ba Ngan Giac Mong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một kiếp người tưởng dài đến thế, hóa ra còn chưa sánh kịp giấc mộng trăm năm. Có chăng phải chớp say chớp tỉnh thêm ngàn lần nữa, mới có thể may mắn gặp lại nhau.

Điền Chính Quốc chậm rãi sờ lên vết sẹo đã thành hình sau gáy, thong thả nghiêng mình ngắm vòm mơ trước cung Trường An vừa nở rộ cuối xuân. Hắn nhấp nhẹ một chén trà cúc ấm, mày kiếm cau lại nghĩ hiện Cao quốc đã bước vào hạ, tiết trời cũng ấm lên dần, vậy mà có điều kì lạ, năm nay hoa mơ trắng kiên trì nở mãi vẫn chưa chịu tàn.

Lão thái giám trông trời chiều sắp đổ mưa liền cho vời Thái tử về tư phòng. Mười hai cung nữ nhất loạt quỳ xuống kính cẩn, cũng như bao lần cúi mặt chờ cho người thôi cơn lưu luyến, dùng dằng mãi Viễn Minh mới chịu nhấc gót rời đi.

Chính Quốc gặp Hiệu Tích trên đường trở về cung. Sau lần trước cùng nhau dẹp yên loạn quân Bá Lục, đoàn vệ binh Cao quốc chỉ còn bốn phần trở về. Tổn thất tuy nhiều, nhưng Đương kim Thái tử tuổi trẻ tài cao đã tròn mệnh bảo toàn địa mạch, cùng với thượng thư bộ binh Trịnh Hiệu Tích dẫn quân vinh quang đại công cáo thành.

Tháng tư hùng hồn cờ khánh hỉ treo cao phố, đèn lồng đỏ rực Nhạc Dương Lâu, người dân được nghỉ tay ăn mừng ba ngày, miễn sưu ba tháng, từ dân đen mạt chợ đến kẻ phú quý lầu son, ai nấy đều mặt mày mừng rỡ, đồng lòng ca tụng Viễn Minh Thái tử đúng là bậc kì tài không ai sánh được.

"Rằm mai là tròn bốn mươi chín ngày của Trí Mân ca. Ta có cho vời Đại sư Trí Quả xuống núi làm lễ, mong ngươi bớt chút thì giờ ghé lại phủ Thái úy."

Trịnh Hiệu Tích phẩy đi nước mưa dính trên vai áo, mỉm cười cúi đầu: "Được, thần với Trí Mân tuy không tình thâm thủ túc nhưng cũng cùng vào sinh ra tử. Nhất định thần sẽ có mặt."

Chính Quốc phẩy áo cười cho rằng Hiệu Tích đã quá câu nệ phải phép, cứ như lúc trước sẽ thuận tai hơn. Y tuy vai vế Thượng thư bộ binh nói nhỏ không phải, nhưng để được kề cận Thái tử xưng hô bằng vai phải lứa, chân bước ngang hàng, âu cũng phải dè chừng cho đúng mực.

Huống hồ, Điền Chính Quốc sau cơn thập tử nhất sinh đều cứ mãi nhắc đi nhắc lại, rằng hắn nợ Trịnh Hiệu Tích món nợ ba mạng ân tình.

Thừa tướng sau khi nghe tin ái tử Phác Trí Mân bỏ mạng trên sa trường thì mất ba ngày đêm không ăn không ngủ nhốt mình trong phòng kín, rốt cuộc đâm ra thất thần lao lực. Phác Tại Nghê từ lúc tam tuần mới bắt đầu can dự vào việc triều chính, ngũ tuần được Tiên đế phong làm Thừa tướng, đến nay lục tuần cũng đã hơn ba mươi năm hết mình phụng sự hai đời nhà họ Điền, vốn dĩ vẫn luôn được Ý Hiên Hoàng hậu tin tưởng hết mực, xem như cận thần giao phó việc tính toán quốc gia đại sự.

Điền Chính Quốc ngoài mặt tuy ăn to nói lớn không thèm để tâm đến người tóc bạc, nhưng một đêm nọ vẫn dùng tâm tư tiểu tử lẻn vào tư phòng Thừa tướng, thật tâm tỏ bày ý nguyện muốn được tự mình thay mặt làm lễ Chung thất cho Thái úy Phác Trí Mân.

"Thừa tướng, năm xưa Trí Mân từng nói mình thua thiệt vì nhậm chức Thái úy Cao quốc bệ vệ uy nghi đến thế, mà phụ thân không thèm nhòm ngó cho hắn một lễ khoa trương để thiên hạ tròn mắt trầm trồ. Nay anh dũng bỏ mạng nơi chiến trường, âu cũng là tròn mệnh phò trợ cho ta trở về."

"Ngót nghét mười năm trôi qua, tuy người trên kẻ dưới, khẩu chiến không ít, ta cùng Trí Mân đã trải qua không ít khổ ải, từ tiểu tử ham vui thích ăn ngon mặc đẹp, cho đến khi trở thành Thiên tử gánh vác trọng trách giang sơn, Điền Chính Quốc đều chưa bao giờ dám quên đoạn nghĩa này."

Phác Tại Nghê đầu đương buộc khăn trắng kính cẩn dập đầu tuân mệnh, Điền Chính Quốc trước đó vốn chẳng dám nhìn cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, nên lần này cũng như vậy, hắn tự mình thắp nhang trước trang bài của Trí Mân một chốc nữa mới lẩm nhẩm quay gót rời đi.

Lễ Chung thất của Thái úy Cao quốc Phác Trí Mân được Đương kim Thái tử chu toàn lưu tâm rất đúng mực, vốn là chuyện xưa nay chưa từng có. Thái tử đứng trước gian chính lóng ngóng trông đoàn người được phân phó lên đỉnh Khiết Đàm vời đại sư xuống núi mãi mà chưa thấy đến nơi. Hắn sai thái giám cho người đi ngóng sự tình an nguy, chưa kịp ngắt lời đã thấy kiệu trắng dừng trước cửa. Viễn Minh như vớ được cọc, liền không chấp nhất phận dưới trời cao trên vạn người hiện tại của mình, trực tiếp tiến đến đón trụ trì Trí Quả.

"Tương Ưng đã đợi người từ sớm."

Nhưng người bước ra không phải đại sư vuốt chòm râu bạc, mà là nhị sư phụ da dẻ hồng hào cùng tạng người to quá nửa. Người ôm chầm lấy Chính Quốc, mừng mừng tủi tủi tâm sự rằng đứa trẻ mười hai hoạt bát rực rỡ, năm nào vẫn còn bị la rầy tội bỏ cơm phí phạm, hóa ra đã thật nhanh trở thành Thiên tử của Cao quốc hùng mạnh bậc nhất rồi.

Nhị sư phụ nói rằng hôm nọ Cổ Huyền tự hứng chịu cơn dư chấn cực đại, trụ trì một thân ngồi tụng kinh niệm Phật trấn cầu an đến nỗi lao lực trong phòng, trải qua cơn thập tử nhất sinh tưởng đã đến cửa vãn sanh, khắp chốn lão ông lão bà lẫn sư tiểu đều dốc lòng than khóc quỳ bên dưới, cuối cùng thật may người đã hoàn hồn trở về.

Cả hai cùng bước qua tam cấp vào gian chính đã được bày biện đầy đủ. Chính Quốc trông theo tiểu điệu nhỏ xách lồng đèn quẩn chân không dám rời khỏi nhị sư phụ, chẳng kìm được vui vẻ, vô thức xoa đầu nam hài vận áo tràng nâu nọ.

"Đáng yêu quá!"

Nhị sư phụ bật cười trước hành động của Điền Chính Quốc, lại tặc lưỡi thốt lên: "Tiểu Tương Ưng năm xưa cũng hoạt bát vô ngần."

Vừa nghe đến đó, ngực trái Điền Chính Quốc y hệt như đang có ai đang dùng lưỡi dao sắc nhọn ngoáy thành hàng chục vòng khiến đầu óc hắn muốn điên đảo. Chính Quốc như nhớ ra điều gì chưa thoả, hai tay phát run bấm các đầu móng vào tay áo đến đau xước, vội vàng bấu vào áo tràng của sư phụ, run rẩy cất lời.

"Quả Quả, người ấy là ai?"

Nhị sư phụ khó hiểu nhìn hắn, đuôi mày người cau lại rồi thoáng chốc lại giãn ra. Người giữ lấy tay đỡ cho Điền Chính Quốc đi cùng đến chỗ sắp làm lễ.

"Con là Tương Ưng của Cổ Huyền tự, là đương kim Thái tử Viễn Minh của Cao quốc."

"Con chỉ muốn hỏi Quả Quả là kẻ nào."

Điền Chính Quốc thoáng dao động nhìn theo hài tử bên cạnh đang giương đôi mắt to tròn ngơ ngác về phía mình, lại lén quan sát biểu tình trên mặt nhị sư phụ. Nhưng người lại không biểu lộ điều gì khác ngoài cái mỉm cười thật nhẹ.

"Điện hạ, quả thực ta chưa chừng nghe qua."

"Người ngẫm kĩ lại xem, sư phụ. Từ khi trở về, trong đầu con cứ luẩn quẩn tên người ấy, giống như có kim châm không dứt ra được, vô cùng ngứa ngáy."

"Thái tử, đã đến giờ làm lễ, xin người để ta làm tròn phúc phần mà Đại sư phân phó."

Đoạn người lại giao tiểu điệu cho Chính Quốc, trực tiếp đến trước trang bài của Phác Trí Mân, cùng các sư đệ đi cùng làm lễ Chung thất như đã định.

Điền Chính Quốc rời khỏi phủ Thái uý thì trời cũng đã xế chiều. Xe ngựa một mạch đưa Thái tử về thẳng Minh Viễn cung. Lần trước hắn có ra trông vườn hoa, thấy hồ lớn nước xanh ngọc bích vẫn còn cá quẫy, rào quanh bờ vẫn có liễu xanh quấn quýt, chứng tỏ cung nhân của hắn trong mấy tháng Thái tử lâm trận nơi sa trường vẫn kiên định làm trọn phận sự của mình chờ người đại thắng trở về.

Hiệu Tích ngồi đối diện Chính Quốc trong đình kín, ban nãy Thái tử còn thao thao bất tuyệt bàn tính chuyện trọng đại, nào là ngày đăng cơ đã được định, nào là hắn đã có sách làm yên lòng dân, nào là sẽ thay thế ai đủ tài lực vào vị trí Thái úy còn đang bỏ ngõ nghe rất vui thú.

"Đã bao giờ ngươi hay Trí Mân gọi ta là Quả Quả chưa?"

Điền Chính Quốc chợt dừng lại, thoạt muốn nói gì đó lại di các đầu ngón tay gõ gõ lên bàn ngẫm nghĩ.

"Cớ sao Điện hạ lại hỏi vậy?"

"Ta chỉ vô tình ngẫm lại một số chuyện, nhưng ta lại không thể nhớ ra."

Hiệu Tích mỉm cười lắc đầu, lại thuận tay đẩy lên bàn trà con chiếc khăn thêu đôi hạc đã được cung nhân giặt sạch.

"Cái tên này có lẽ là giao ước giữa Điện hạ với một ai đó không chừng. Khăn tay Tiên đế để lại cho người, hôm ấy giữa loạn biến ta vô tình nhặt lại, nay trao trả đúng phận."

Chính Quốc tay đón khăn hạc tấm tắc cảm tạ trời cao có mắt, phụ hoàng anh minh để hắn may mắn nhờ khăn hạc giấu nơi ngực thoát khỏi mũi tên ám hại, toàn mạng trở về. Hắn mân mê sờ theo đường chỉ được thêu tay tỉ mẩn, hai mày kiếm thoáng chốc cau lại tại một điểm vô cùng kì lạ ở mặt sau.

"Phu quân? Sao lại có hai chữ này ở đây?"

Từ khi còn là Thất Hoàng tử vô ưu vô lo, Điền Chính Quốc vốn đã biết phụ mẫu hắn chẳng chút để tâm gởi gắm tư tình cho ai ngoài biểu ca của nàng. Thế nên nếu nói là của Tiên hậu viết cho phụ hoàng, e là không phải. Hơn nữa, hắn còn vô tình phát giác một chuyện khiến bản thân cầm chừng bấy lâu không dám hỏi đến ai.

"Chỉ hoàn trên ngón đính ước của ta, là từ đâu mà có?"

Đuôi mắt Hiệu Tích khẽ nheo lại, y thở hắt ra một hơi trông theo chỉ hoàn sáng rực trên tay Chính Quốc. Lần trước hóa Thần thú điên cuồng san bằng phản loạn, giết sạch tất thảy, vì tận mắt chứng kiến Kim Thái Hanh một thân lao xuống biển lửa, nhất định không chịu để Thanh Long vận đủ linh lực hô mưa gọi gió đến cứu, rốt cuộc hắn hóa điên loạn muốn quyên sinh đến chết.

Điền Chính Quốc nhờ Trịnh Hiệu Tích lấy thân mình cứu mạng nên mới hoàn hồn trở về, chính ra, cả Thái tử lẫn đoàn vệ binh trở về lại không ai còn chút kí ức nào sót lại về Bạch Hồ yêu dưới chân Khiết Đàm nữa. Hiệu Tích mang tư tình ích kỉ vốn muốn tự mình giấu nhẹm tất thảy, không để Thái tử có dịp nào lưu lại phần kí ức năm xưa cùng người đó nên đã từng không muốn nhắc lại.

Nhưng vì Kim Thái Hanh quá ư rực rỡ tốt đẹp, vậy nên Điền Chính Quốc nhất định phải khắc cốt ghi tâm.

Viễn Minh nối gót theo Hiệu Tích đến một gian phòng vốn được khóa kín cửa. Hắn kinh ngạc bước vào trong, chỉ thấy trên bàn bày biện rất nhiều sách y thuật cùng bộ ấm trà viền vàng quen thuộc được xếp gọn.

"Cố nhân của điện hạ là một nam tử rất giỏi y thuật."

"Quả Quả là tên người ấy thường gọi người."

Hiệu Tích lại trông ra phía cửa sổ, thấy một lồng son có chim Hoàng Yến đang nhảy nhót thì buột miệng nói.

"Chim quý là Điện hạ gởi tặng người ấy."

"Chữ trên khăn hạc là người ấy viết."

"Chỉ hoàn là đính ước giữa người với người ấy. Núi cao sông dài, người còn chưa kịp cho cố nhân một đại hôn khoa trương bậc nhất như người từng hứa."

Điền Chính Quốc thực sự nhận ra mình đã quên sạch, hắn lấy tay day thái dương đau nhức, cố định thần để nhớ cho ra rốt cuộc nam nhân nào đã từng có tâm tình sâu nặng với mình đến thế, nhưng chẳng tài nào nghĩ được.

Chính Quốc đảo mắt quanh một vòng, lại dừng nơi bức tranh được treo nơi gian chính. Bức họa chỉ độc màu mực đen trên nền giấy trắng, vẽ một nam nhân tóc dài tựa suối, gương mặt thanh tú như phát quang, đuôi mắt lại vô cùng dị biệt. Người ấy đang đứng dưới vườn mơ trước Trường An cung, như thể nhìn về phía này mà mỉm cười với hắn. Hắn đưa tay vuốt lên nét tranh, mười đầu ngón thoáng run rẩy, tức khắc trong thâm tâm lại dấy lên hoài nghi liệu người ấy có phải cố nhân từng gọi mình là "Quả Quả" hay không.

"Quả Quả, mắt ngươi cứ như hạt đậu tròn, còn to hơn của ta."

"Giang sơn vạn dặm, đối với ta, chỉ có đôi mắt của ngươi mới chính là báu vật đẹp nhất thế gian này đó., Tiểu Hanh Hanh."

Đẹp rực rỡ đến nỗi, vừa kịp gặp gỡ, đã vội ghi lòng tạc dạ, lưu luyến chẳng thể nào quên.

Trịnh Hiệu Tích nói, người ấy trước khi rời đi đã nhờ y họa lại cho Điền Chính Quốc quang cảnh vườn mơ mà hắn ưa thích, ngoài ra còn có một bộ phong cảnh bốn mùa Cao quốc phồn thịnh, để hắn sau này dẫu trở thành Đế vương bậc nhất, đều mỗi ngày được thong thả thay người ấy trông thấu mỹ cảnh nhân gian.

Điền Chính Quốc đau đớn cắn chặt răng ngăn cho bản thân mình thôi quẩn trí mà rơi vào hố sâu ngun ngút chẳng phân biệt được, hắn bấu chặt vào khoảng không chua chát nơi ngực trái đang đập liên hồi như có ai trực tiếp dùng búa lớn không ngừng đánh mạnh vào đó.

"Người ấy của ta đâu?"

"Cố nhân không nỡ cùng Điện hạ sinh ly tử biệt, trước khi người lâm trận thì ở đây đã lặng lẽ thu vén rời đi."

Chính Quốc thấy trước mắt là một màn trắng đảo điên đến loạn thần loạn trí. Vạt quang trước mắt mờ dần, vết sẹo sau gáy cũng nhức nhối đến xương tủy, hắn bấu vào thành bàn, lưu thủy tràn khỏi hốc mắt, trước khi bóng hình được họa trong tranh bị thu lại chỉ còn một chấm đen nhỏ nhặt, Điền Chính Quốc chỉ kịp nghe Trịnh Hiêu Tích cất lên mấy chữ.

"Đệ nhất ngự y Kim Thái Hanh."

***

Năm Cao Lãng thứ ba mươi mốt, Cao quốc chừng kiến lễ đăng cơ lớn nhất chưa từng có trong lịch sử khai thiên lập địa.

Đương kim Thái tử Điền Chính Quốc, hiệu là Viễn Minh, ở tuổi hai mươi ba sau khi cùng đạo quân ngoan cường thu phục ba nước láng giềng, bình trị xã tắc, được lòng dân, quang minh chính đại bước lên ngai vàng, trở thành Thiên tử uy nghi bậc nhất không ai sánh bằng.

Long bào dài ba thước, gót ngọc nạm châu sa.

Xưng là Vĩnh An Hoàng đế, rời khỏi Minh Viễn cung về tại Điện Dưỡng Nhu.

Tân đế ban cáo bãi bỏ sưu thuế cho dân nghèo, lập thêm đồn điền ở vùng ranh giới, cho xây dựng thêm thành hào, giao toàn bộ Quang Châu cho Trịnh Hiệu Tích, cùng bá quan kề cận ra sức xây dựng Cao quốc thái bình thịnh trị. Mấy năm sau còn đích thân dẫn quân chinh phạt, không ngừng mở mang bờ cõi, giao du thân thích với nước lớn láng giềng.

Trong suốt bốn mươi năm tại vị, kì lạ là Vĩnh An không hề có thê tử, không màng đoái hoài đến hơn ba ngàn mỹ nhân tam cung lục viện, cũng không cần ái nữ của nước nhỏ dâng sang có ý cầu thị.

Khắp nhân gian đồn đại, vì vốn dĩ trong lòng Hoàng đế vốn dĩ đã có một bóng hình độc nhất, dẫu không thể nhớ, cũng chẳng tài nào quên, thế nên suốt chừng ấy năm người không còn muốn đặt ai vào mắt.

Chỉ có điều, ở gian chính trước điện Dưỡng Nhu, Hoàng đế sai người cho đóng một khung gỗ quý treo bức tranh lớn được gọi là "Thác Mơ", ra lệnh cho bất kể quần thần quan lại khi đi ngang đều phải nghiêng mình cúi đầu, chân bước thẳng hàng không được lùi lại.

Vĩnh An sáu mươi tuổi không có đích tử, lập trưởng nam của hoàng huynh Điền Kính Chu làm Đại Hoàng tử, sau thấy nam nhi tỏ rõ khí khách, hội đủ tài trí gánh vác việc giang sơn thì phong làm Thái tử.

Trịnh Nhược Hào vì lao tâm việc ám hại không thành, dẫu Thái tử không lấy làm chuyện lớn truy cứu, nhưng y tủi nhục trước vong linh Điền gia, rốt cuộc một ngày trời mưa đen thì kéo dây treo cổ tự vẫn ở tư phòng. Trịnh Hiệu Tích lấy ba mạng từng cứu Điền Chính Quốc, xin Hoàng đế chấp thuận cho y được tạc một bức tượng của phụ thân, bên dưới lấy danh người đề mười một chữ kính ơn xã tắc thay cho gia quyến họ Trịnh.

Vĩnh An bốn mươi năm xưng đế ngạo mạn, tất thảy vùng đồi cao hay suối độc đều đã đi qua, dẫu là đại mạc hay tiên cảnh cũng từng trải hết. Chỉ có điều, hắn cứ ngoan cường rong ruổi một mình như thế. Trưởng nam của Trịnh Hiệu Tích với một công chúa láng giềng cũng đã đến tuổi nhược quán chi niên, mà bên cạnh Điền Chính Quốc vẫn chẳng có nổi một kẻ quẩn chân bầu bạn.

Mùa xuân năm ấy, Điền Chính Quốc cô độc ngồi trong đình kín, một tay nhấp trà hoa cúc, một tay thảo nên mấy chữ di huấn căn dặn đời sau.

Bố cáo đến muôn dân thiên hạ, Vĩnh An Hoàng đế thoái vị ở tuổi sáu mươi lăm, giao cho Thái tử kế vị, tiếp tục cơ nghiệp ngàn đời.

Điền Chính Quốc ngồi bên gốc bồ đề, lại tẩn ngẩn nhớ lại đoạn kí ức năm nào, rốt cuộc đến khi mặt trời xuống núi, vẫn cố chấp yên vị ngẫm nghĩ không chịu rời đi.

"Bệ hạ, trời đã lập đông, thời tiết rất lạnh, mong người vào bên trong giữ gìn ngọc thể."

"Đại sư, con là Tương Ưng của người, không còn là Hoàng đế nữa, người không cần phải lưu tâm nhọc lòng."

Người râu bạc ấy vậy lại khẽ khoác thêm cho hắn một lớp áo mỏng, chầm chậm mỉm cười: "Phải, ta cũng nhớ cả tiểu tử Tiểu Hanh tươi sáng viên hoạt năm nào."

Sau khi thoái vị, Điền Chính Quốc ở trong cung thêm một năm lo yên ổn trong ngoài thì dời lên Cổ Huyền tự sinh sống. Tuy không xuất gia nhưng ăn mặc hành xử như người trong tự viện, đại sư Trí Quả sau khi tu thành bậc chân sư rồi qua đời, đại thọ một trăm hai mươi tuổi, giao lại tự viện cho nhị sư phụ, nay là đại sư Pháp Hành coi ngó.

Chính Quốc vốn dĩ chẳng còn chút kí ức nào về cố nhân năm nọ, hắn chỉ dựa vào hình dạng người trong bức tranh mang theo mà tự phác nên bóng dáng người đó, rồi lại nhờ sư phụ kể chuyện vụn vặt năm xưa về Tiểu Hanh Hanh. Rốt cuộc sư phụ không giấu được, đành đem hết những gì mình còn ghi tạc ra kể cho Điền Chính Quốc nghe. Sau cùng hắn tự bản thân một mình biên lại chuyện ái tình giữa mình với nam nhân tên Kim Thái Hanh nọ. 

"Con quả thực không thể nhớ ra người ấy."

Điền Chính Quốc tóc đã điểm hoa râm, chậm rãi gõ lên bàn trà với cuốn sổ hồ điệp dang dở hàng trăm nét chữ của một cái tên duy nhất.

Nhưng thật kì lạ, rằng ta vẫn nhớ tên ngươi.

"Ta nhớ năm xưa, là con thích người ấy đến nỗi, trời đổ mưa bất chợt, con chẳng nề hà thân mình Thiên tử quý giá, trực tiếp đội mưa thu lượm lá khô cho người ấy. Ta chậm trễ một khắc, con liền gào lên khẩn trương, nói ta hãy mau mau đưa nón tơi cho con mượn."

Chính Quốc phì cười, ngẫm lại hóa ra bản thân cũng từng hành sự dại dột như vậy. Nhưng rồi hắn cho rằng, nếu người ấy đẹp đẽ như thế, chắc chắc khi rời đi không nỡ đã suy tính lựa chọn rất nhiều, hẳn sẽ có một kiếp viên mãn, không cần chôn chân bên cạnh bậc đế chờ cảnh sinh ly tử biệt chẳng lường trước.

"Thời gian trôi nhanh đến thế, con từ hài tử nhỏ dại cần uốn nắn, rốt cuộc cũng đã hóa Thiên tử, rồi lại trở thành lão ông thoáng nhớ thoáng quên bên cạnh ta rồi."

Thời gian cũng trôi nhanh đến thế, Điền Chính Quốc chạm ngõ bát niên, thân thể không còn viên hoạt, một hôm trúng bệnh nặng ngoài sức của tự viện, được hoàng thân quốc thích đưa về cung coi sóc.

Thái thượng hoàng vì năm xưa làm trái Thiên mệnh, không chống chọi được quy luật sinh lão bệnh tử, bệnh tình mỗi lúc một trở nặng. Một sớm mùa đông nọ tiết trời rét cắt da thịt, người băng hà tại Điện Dưỡng nhu, thọ tám mươi mốt tuổi.

Kể từ đó, mơ trắng trước Trường An cung chẳng còn rộ hoa chờ người ghé đến nữa.

Cao quốc theo chỉ dụ của người trước khi mất, chỉ để tang Tiên đế Vĩnh An đúng bảy ngày bảy đêm. Từ triều thần quan lại đến lê dân bá tánh ai nấy đều mặt mày thất sắc, khăn trắng treo khắp phố, chẳng mấy ai màng đến giao du đi lại.

Hai mươi voi, ba mươi ngựa cùng đoàn hoàng thân quan binh hơn ba ngàn người kéo thành hàng dài chiêm bái từ chính điện ra đến ngoại thành. Linh cữu cửa Tiên đế được đặt trong Vĩnh An lăng, nằm cách chân Khiết Đàm chừng nửa giờ tản bộ. Cờ lẫn hoa rợp trắng cùng tiếng khóc than ai oán khiến trời cao thuận lòng thôi cho mưa gió ngút ngàn giữa mọi ngày mùa đông thường thấy ở Cao quốc.

Toàn bộ tự viện trong kinh thành đồng loạt đánh ba tiếng chuông tiễn đưa cùng lúc. Chẳng ai hay, nhân lúc cung nhân rối bời chuyện tang thương, lão thái giám thân cận đã bí mật để vào linh cữu Tiên đế chỉ hoàn quý giá được gói trong khăn lụa thêu đôi hạc mà người luôn đặt dưới đầu nằm những ngày gần đất xa trời.

Giọng người khi ấy run rẩy, hốc mắt ngập nước, cứ thế tay đã chấm đồi mồi tiếc nuối ôm lấy ngực trái thoi thóp, chầm chậm nhắm nghiền.

"Ta còn chẳng nhớ rõ người ấy là ai, có muôn phần rực rỡ như thế nào. Tiếc cho ta kiếp này không được cùng người đan tay đi đến cùng trời cuối đất, cùng nhau thành toàn ước nguyện. Duy chỉ mong mỏi một điều..."

Kim Thái Hanh, kiếp sau gặp lại.

Sử kí lưu lại, trước lúc Thái Thượng hoàng trút hơi thở cuối cùng, vết sẹo do thương tích trên chiến trường oanh liệt năm xưa của người sau gáy đột ngôt sáng rực, tựa như quang kí chiếu sáng cả một góc kinh thành khiến ai nấy đều vô cùng kinh ngạc.

Cũng có kẻ nói, vết sẹo là dấu tích còn sót lại của ấn kí kết mệnh sau khi Thái tử hoá thành Thanh Long thần thú trong truyền thuyết hòng gánh cho Cao quốc tránh khỏi tai ương nghiệp hoạ.

Dưới chân Khiết Đàm quanh năm bốn mùa cây cỏ tươi tốt, quang cảnh núi non vô cùng hùng vĩ. Vĩnh An lăng được canh giữ bởi bốn mươi cảnh vệ, lúc nào cũng trong phong thái uy nghiêm bậc nhất.

Một mùa xuân ba năm sau, trời đổ trận mưa lớn như trút nước liên tục xuống Khiết Đàm sơn, muông loài thú vật đều kinh hãi tìm nơi ẩn trú. Đám cảnh vệ nhìn mưa gió ngút trời, sấm chớp liên miên mất nửa ngày, đành kháo nhau lùi mình về gác trú tạm.

Chỉ có điều vô cùng kì lạ xảy ra trước mắt, một làn khói trắng dưới mặt đất toả lên trùm kín trên độc nhất vùng thành vây Vĩnh An lăng, khiến cho mộ phần của Tiên đế trong chốc lát trở thành một khối rực rỡ màu trắng tuyết vô ngần đẹp đẽ, không hề vướng chút dính dấp phàm trần nào.

Một đôi hạc trắng từ đâu bay đến liên tục gõ lên mái rồng được chạm trổ tinh xảo. Đôi hạc phu thê đeo mào đỏ rực cứ thế quấn quýt nhau, lát sau hơn mười người hoảng hốt đội mưa vây quanh dùng gậy đuổi mãi mới chịu rời đi.

Đến xế chiều trời ngừng mưa thì vòm khói trắng cũng từ từ biến mất. Phía trước bậc thang một trăm bước dẫn lên cổng chào, kiêu ngạo nơi đài cao với hai bên là hàng tượng lính tạc bằng đá quý, bỗng xuất hiện một đôi hỉ phục bằng vải gấm màu son rực rỡ được xếp gọn ghẽ. Gót ngọc nạm châu sa lẫn điền tử dát vàng đều tựa như phát quang rực rỡ trước con mắt thất thần của tất thảy cảnh vệ cùng chứng kiến, tựa như đang chứng thực chuyện nhân gian bấy lâu vẫn kháo nhau về đại hôn độc nhất còn chưa kịp bố cáo đến muôn dân trăm họ của Đương kim Thái tử Điền Chính Quốc uy phong lẫm liệt và Đệ nhất ngự y Kim Thái Hanh tươi sáng đẹp đẽ năm nào.

Từ nơi sương khói tựa vô ảnh, thoắt ẩn thoắt hiện vài tinh túc lấp lánh màu bạc huyễn hoặc rồi hoá thành đốm trắng rất nhỏ, cứ thế vút thẳng lên đỉnh sơn cao nhất trong truyền thuyết mà rời đi.

Cáo Trắng ngoảnh đầu không từ biệt
Đế vương đỏ mắt chờ mơ xuân.

Nhân sinh như mộng, hồng trần như mây. Mà chân ái lại rực rỡ vô ngần, không thể không lưu luyến.

Sau khi trải đủ ba ngàn giấc mộng, nguyện được cùng người êm ả sánh vai, dịu dàng đan tay nhau đi hết cùng trời cuối đất, vĩnh viễn không thay đổi.

"Điền Chính Quốc, kiếp sau gặp lại."

-------------
Lời người viết: Ở chỗ mình những tháng cuối năm lúc nào cũng mưa rả rích, đôi khi ngồi trong phòng nhìn ra thấy mưa trắng trời thấy trong lòng khó tả lắm. Còn một chương cuối nữa là Mắt Cáo sẽ hoàn thành rồi, cũng nửa năm trôi qua, nói nhanh thì nhanh, nói chậm cũng chậm, vì nó đã kéo dài hơn những gì mình dự tính với cái mức đồ sộ này mất rồi he he. Đáng lẽ nên dành những dòng này khi kết thúc chiếc truyện dài đằng đẵng này cho chương sau cơ, nhưng vì mình cũng chả biết cái gì là bắt đầu hợp lí, cái gì là kết thúc trọn vẹn, nên tại đây tạm xả lòng trước một chút, rằng mình có lẽ sẽ ngủ một thời gian ngắn ơi là ngắn, để tất cả trở về quỹ đạo vốn có của mình.
Mọi thứ về cơ bản mình đã hoàn thành, cũng đã gởi acc cho một người thân thiết từ đây về sau tiếp tục giúp mình update những cái dang dở. Hoàng đế cô độc trải hết một kiếp người, Cáo Trắng vì người hóa mơ cũng tàn lụi. Nhưng chắc chắn Điền Chính Quốc và Kim Thái Hanh sẽ tái sinh với một kiếp sau vô cùng tốt đẹp. 

Cảm ơn mọi người thời gian qua, hãy có một mùa đông ấm và luôn giữ gìn sức khỏe nhé ạ.

Chúc mọi người, vĩnh an.

Cúi đầu cảm ơn vì tất cả.

Chỉnh sửa lần cuối cùng vào Thứ ba, ngày bốn, tháng mười, năm hai nghìn không trăm hai hai.

Bởi một người khác, không-phải-Gomdori.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip