Chương 7 : Câu truyện thứ nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
'Khi ta không có cách gì xoa dịu được nỗi đau của người, hoặc giả người không còn có thể quan tâm ta được nữa, xin đừng quên, trong những tháng ngày ít ỏi của chúng ta năm xưa, đã từng có mười hai con cò trắng, bay qua hồ nước mùa thu.’

—— Tứ nguyệt liệt bạch (Tháng tư lụa rạn) – Giản Trinh

***

Vạt váy nhung bên ngoài áo dạ nhẹ cuộn theo gió.

Gió vờn quanh mái tóc cô, ngang ngược trêu đùa thổi xuyên qua kẽ tay anh.

Trần Tri Ngộ mỉm cười, giọng nói anh lẫn vào trong tiếng gió khiến cô không thể nắm bắt: “Cảm ơn em. Nhiều năm rồi không có ai trực tiếp nói với tôi những lời này.”

Anh ngước lên đối diện với ánh mắt nghi hoặc của cô rồi cúi đầu hút một hơi thuốc, như thật như đùa mà giải thích: “Khi còn nhỏ, mỗi lần đến dịp sinh nhật đều bị ba mẹ bắt lại, một phòng mấy chục người lần lượt thay nhau chúc mừng ‘May mắn tốt lành’, tôi phải đứng đó ra vẻ thật đáng yêu. Cho nên sau này sinh nhật có thể trốn được liền trốn.”

Nhìn thấy khóe miệng cô phảng phất nét cười, ánh mắt trong veo sáng ngời, đáp lại: “Ừm, thì ra thầy Trần cũng có lúc chật vật như vậy.”

“Đây chính là điểm tốt của việc trưởng thành,” anh khẽ nhíu mày: “Không có ai buộc em làm những chuyện em không muốn, không ai bắt em phải ăn cái này cái khác, không ai quản em mấy giờ đi ngủ.”

“Vậy còn bản thân mình thì sao ạ?”

Anh nhìn Tô Nam bước lên một bậc cấp, khoảng cách càng gần hơn, ngũ quan mơ hồ trong bóng đêm cũng tựa hồ rõ ràng hơn đôi chút.

Cô không có vẻ gì giống như đang tranh luận với anh… đoán chừng cũng không dám: “Người có thể không bị người khác thúc ép, nhưng có thể không tự ép buộc bản thân mình sao ạ?”

Khói thuốc bất giác len vào cổ họng, anh nặng nề nhả ra, trầm ngâm một thoáng rồi cười nói: “Em muốn tán gẫu vấn đề triết học với tôi sao?”

“Dạ không, em chỉ nói vậy thôi.”

“Để tôi kể cho em nghe một câu chuyện.”

“Ở nơi đầu gió…”

Quả thật rất lạnh, trên người cô chỉ có chiếc áo dạ, không biết có chống đỡ nổi không.

“Vậy thì đi vô quán cà phê dưới chỗ nghỉ chân kia?”

“… Hay là cứ ở đây đi ạ.”

“Sao nào? Không phải sợ lạnh à?” Trần Tri Ngộ liếc nhìn cô một cái.

“Nghe kể chuyện trong điều kiện thoải mái quá, thường sẽ không nhớ được.”

Nhanh mồm nhanh miệng, cố ý đối nghịch lại với anh đây mà, không biết gom bao lâu mới ra đủ chút dũng khí đó… hoặc đơn giản bởi vì sinh nhật anh nên cố ý mạnh miệng làm anh vui?

Cô bé con này kỳ thật không ngốc như anh nghĩ.

“Chuyện về một đôi tình lữ cùng quyên sinh, ước hẹn đồng sinh cộng tử, một chén rượu độc chia đôi nửa quy thiên, trên cầu Nại hà uống bát canh Mạnh bà chờ duyên định tái sinh.

Mọi thứ đều không sai, lại sai giới tính, kiếp sau, hai người đều là đàn ông. Ba mươi năm bụi trần trôi qua, họ tình cờ gặp lại, khi mơ hồ nhận ra dáng vẻ người thương kiếp trước, chỉ còn sự lúng túng gượng gạo vô ngần. Người đã thành gia lập nghiệp, người đã nên nghĩa phu thê.”

“Sau đó thế nào ạ?”

Điếu thuốc trong tay sắp tàn đến đầu lọc, Trần Tri Ngộ dụi xuống bậc đá xanh rêu, đứng dậy, phủi chiếc áo khoác ngoài thấm ướt sương lạnh: “Sau đó, cả hai xem nhau như người xa lạ, chuyện tình cờ gặp gỡ như chưa từng xảy ra.”

Tô Nam nghe xong ngơ ngác: “Đây là lần đầu tiên trong đời em nghe thấy một câu chuyện không đầu không đuôi như vậy.”

Trong mắt Trần Tri Ngộ lóe lên một tia cười hết đỗi nhạt nhòa: “Bởi vì hầu hết các câu chuyện trên thế gian này đều không đầu không đuôi. Nghe xong rồi, em thử ngẫm xem câu chuyện này nói với chúng ta điều gì?”

Tô Nam cũng thật sự nghiêm túc nghĩ ngợi đôi giây: “Chỉ hỏi việc đã qua, đừng luận bàn kiếp tới?”

“Sai rồi,” Trần Tri Ngộ bước xuống một bậc, gió tức khắc mang hơi thở và mùi thuốc lá trên người anh ập vào khoang mũi cô: “Nói cho chúng ta biết, đừng dễ dàng hứa hẹn.”

Bước chân anh lướt qua sát bên cô: “Đi thôi, xem em sắp ngốc ra vì lạnh rồi. Đi uống chút gì ấm áp rồi đưa em xuống núi.”

“Thật sự không lạnh đâu ạ.”

… Dù sao vẫn cảm thấy ở nơi núi rừng hoang vắng này, Trần Tri Ngộ mới thật sự là Trần Tri Ngộ.

“Không lạnh mà run như cái sàng? Đống bột mì rây xuống đủ để làm sủi cảo ba năm.” Anh giơ tay tháo chiếc khăn quàng đang quấn hờ trên cổ mình xuống, thảy vào lòng Tô Nam.

Tô Nam ngơ ngác đón lấy.

Kẻ sọc, cổ điển, cô biết thương hiệu này, giá không rẻ. Chất liệu vô cùng mềm mại, ngón tay chạm vào còn vương vất nhiệt độ cơ thể anh.

… Đưa cho cô làm gì? Cô lại không thể mang.

Quần áo của cô nào phù hợp với chiếc khăn quàng đắt đỏ này.

Bóng lưng cao lớn bước xuống bậc thang, dần hòa vào bóng đêm.

Tô Nam nắm chặt chiếc khăn, vội vàng nối gót chạy theo.

Bên trong tiệm cà phê thoang thoảng dậy mùi hương ngọt ngào, hơi nóng nhè nhẹ bốc lên như sương như khói hòa cùng ánh đèn vàng mờ ảo càng nhuộm đẫm cái hiu hắt ma mị của một nơi hoang vu hẻo lánh tựa hồ ánh sáng văn minh không thể len vào… nửa đêm nửa hôm lên núi, không phải ‘dân liều mạng’ thì là gì?

Nhưng có người vì nghệ thuật mà đến, có người vì ái tình.

“Em uống gì?”

“… Gì cũng được ạ.” Ánh mắt cô lướt một vòng quanh tiệm rồi dán chặt vào khối tiramisu duy nhất còn sót lại bên trong tủ kính.

“Những người nói ‘gì cũng được’ giao quyền lựa chọn cho người khác, nhưng khi người ta quyết định thì ‘ừm, à’ lựa chọn ba bốn lần vẫn chưa vừa ý.” Ngữ khí của anh mang theo nét bông đùa, như lại trở về với dáng vẻ công tử quần là áo lụa khinh bạc trong quán bar khi nãy.

Tô Nam mím môi, nhanh chóng quyết định: “Latte Vani.”

Hai người lần lượt ngồi xuống bên cạnh cửa sổ, không bao lâu hai cốc cà phê đã được bê ra.

Tô Nam hớp một ngụm nhỏ… nơi hiu hắt ma mị quả nhiên đồ uống cũng độc quyền, thật nghi ngờ không biết có hét giá không nữa, hương vị nhạt thếch, hệt như luyến tiếc dùng một lần không nỡ bỏ, có một lượng cà phê ít xíu mà pha thành thật nhiều cốc.

Đầu óc thơ thẩn một hồi, rốt cuộc vẫn cảm thấy hơi canh cánh trong lòng: “… Thầy Trần, em đi rửa tay.”

“Đi thẳng, rẽ phải.”

… Còn lão luyện hơn so với người ở thành phố Đán gần hai năm là cô.

Màn hình điện thoại trên bàn sáng rồi tối, tối rồi sáng. Anh chỉnh tắt âm, đều là tin nhắn, cuộc gọi, email oanh tạc chúc mừng sinh nhật.

Thời tuổi trẻ xốc nổi thích thêm hoa trên gấm khoa trương ồn ào, mượn cớ sinh nhật náo loạn cả đêm vẫn chưa đủ… như thể việc mình có mặt trên đời này, thật sự đáng giá để nhiều người phải nhớ tới phải chúc mừng. Nhưng sống nhiều rồi, nó bất giác trở thành những ‘dòng chú thích cuối trang’ mà sinh viên viết vào luận văn, đều đặn rập khuôn thêm vào mỗi năm rồi hoang đường mà tồn tại trong ‘tài liệu tham khảo cuộc đời mình’.

Một thời khắc nào đó, anh đã bắt đầu không mừng sinh nhật nữa, sáng sớm nhận điện thoại của đôi ba người thân, thời gian còn lại vờ như quá bận rộn không rỗi liếc mắt tới điện thoại, kỳ thật rảnh rang như cô hồn dã quỷ lang thang trên Hoàng Tuyền dọc bờ bỉ ngạn hoa cõi bên kia, lững lờ trôi giạt nơi đá tam sinh đợi trăm ngàn năm.

Lúc hoàn hồn ngước mắt lên, học trò ngốc giữa đường bị ‘lôi kéo’ của anh đang bê ra một khối gì đó bên trên cắm một cây nến, không biết là cái gì, cẩn thận đi tới.

Trần Tri Ngộ ngây người một lúc, mãi đến khi Tô Nam đứng đối diện, cẩn trọng nói ‘Chúc mừng sinh nhật’, anh mới định thần lại.

“Tô Nam.”

Tô Nam chậm rãi giương mắt nhìn anh, căng thẳng luống cuống không biết nên làm gì sau kế.

Anh im lặng đôi giây, cuối cùng cũng không thốt cái câu ‘Tôi không có sở thích nửa đêm nửa hôm lên núi ăn bánh ngọt’ này ra khỏi miệng, mà tựa hồ có phần hoàn thành nhiệm vụ, cầm lấy cái đĩa trước mặt Tô Nam.

“… Ừm! Cầu nguyện!”

Ánh nến khẽ lay động, rọi vào mắt cô trong suốt.

“Tôi không có mong muốn gì.”

Bất giác anh nghĩ tới ngữ điệu đều đều như đang trần thuật sự việc của Trình Uyển đêm đó, ‘Cả đời tớ, cứ thế này.’

Học trò ngốc vẫn đang khuyến khích anh: “Ngẫu nhiên ước đại một điều đi ạ, sức khỏe, thăng chức tăng lương…”

“Em có ý nguyện gì?” Trần Tri Ngộ ngắt lời, ngắm nhìn khuôn mặt có vài phần rối rắm gượng gạo của cô: “Em nói đi, tôi tặng cho em.”

“Đây là sinh nhật thầy…”

“Được rồi, điều ước của tôi là giúp em thực hiện một nguyện vọng.”

Tô Nam ngẩn người, đầu óc sắp đông kết thành băng : “Có thể… có thể để dành được không ạ?”

“Ngoại trừ chuyện học kỳ sau không chọn khóa của tôi, nguyện vọng gì cũng được.”

Anh cong khóe môi mang vẻ trêu chọc thổi tắt nến, cầm nĩa hạ cố ăn một miếng tiramisu chẳng biết mới hay cũ, đã để trong tủ kính đó bao lâu rồi.

Ngấy, vị ngọt gắt khá tệ xông thẳng vào cuống họng.

Miễn cưỡng nuốt xuống, lập tức đẩy cái đĩa ra xa: “Cảm ơn em.”

Tô Nam nhoẻn miệng cười tươi rói, cao hứng như thể sinh nhật mình.

… Được rồi, miếng bánh ngọt kém chất lượng này cũng không đến nỗi hoàn toàn vô dụng.

Trần Tri Ngộ nhìn cô, không hiểu sao bỗng dưng muốn hút điếu thuốc, nhưng nghĩ lại, tối nay hình như mình đã hút khá nhiều lại đang ở bên trong không gian khép kín nên cố kìm xuống, xuyên qua ánh sáng lờ mờ yếu ớt, nhìn học trò ngốc phía đối diện: “Sinh nhật em ngày mấy?”

“Dạ, tháng hai,” cô nói thêm: “Ngày mười sáu.”

“Sau lập xuân.”

“Khi đó trời vẫn còn lạnh, có năm còn có cả tuyết rơi. Em không thích mùa đông lắm… chị em sinh vào tháng tư, là lúc cỏ xanh oanh lượn*.

(*Cỏ xanh oanh lượn: Trích từ bài thơ ‘Thôn cư’ của Cao Đỉnh – một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Thanh. Bài thơ này mô tả quang cảnh mùa xuân ở thôn quê, và đám trẻ nhỏ sau khi tan học đang thả diều vui chơi.

‘Cỏ non tháng hai oanh bay lượn

Liễu rủ bờ đê say sương xuân

Trẻ nhỏ tan học về nhà sớm

Nhân lúc gió xuân hội thả diều’)

Sao có cảm giác đề tài đã chạy tới nửa đầu trái đất bên kia.

“Em có chị gái à?”

“Dạ. Lớn hơn em sáu tuổi.” Cô cụp mi mắt, có vẻ như không muốn nói thêm gì.

Trần Tri Ngộ cũng loáng thoáng nghe được từ chỗ Lâm Hàm, biết sơ qua về điều kiện gia đình Tô Nam, từ lúc bắt đầu vào đại học không còn xin tiền của gia đình nữa, có khi còn gửi tiền làm thêm về nhà. Suy cho cùng, anh không biết lấy lý do gì để hỏi cặn kẽ, nên cụ thể thế nào cũng không nắm rõ.

Anh cũng không tùy tiện giúp đỡ một cách thiếu suy nghĩ, tuy anh tự nhận mình gàn dở trái tính trái nết, nhưng vẫn biết thận trọng tuân theo những chuẩn mực trong giao tiếp xã hội.

Rời khỏi tiệm cà phê, Trần Tri Ngộ lại đưa Tô Nam đến cầu Trường Giang.

Cầu có lịch sử khá lâu đời, thiết kế đặc biệt đường sắt kết hợp với đường ô tô chia thành hai tầng trên dưới. Anh cho xe đậu ở đầu cầu, bước cùng cô dọc theo lối đi bộ hai bên, đi được tầm năm trăm mét quay đầu nhìn lại, cô nắm chặt cái khăn quàng của anh trong tay, đôi gò má đỏ bừng vì gió táp.

“Sao không quàng lên?”

Bước chân Tô Nam khựng lại, trong thoáng chốc, dáng hình cao lớn tiến tới một bước, chiếc khăn trên tay bị rút đi, quấn hai vòng quàng quanh cổ cô, ngón tay anh tựa hồ theo thói quen khẽ nhét vào trong dém chỉnh mép khăn lại.

Gió lồng lộng từ ngoài sông thổi tới, táp vào mặt cô.

Mãi một hồi lâu sau, cô mới lấy lại được nhịp thở, trái tim đột nhiên treo lơ lửng, lung lay, rơi vào miền vô thực.

“Thầy…”

Bỗng đằng sau có tiếng còi xe điện vang lên, anh khẽ nắm hờ cánh tay cô kéo sang bên cạnh, chiếc xe điện từ phía sau gầm rú chạy qua.

Đầu óc cô trống rỗng, máy móc chớp chớp mắt, cảm giác toàn bộ cơ thể mình cứng đờ, không biết có phải vì gió lạnh?

Trần Tri Ngộ nhanh chóng bước lùi lại chỗ cũ, đút tay vào túi quần như thể đang mò tìm hộp thuốc lá, chốc lát, dừng động tác: “Đi thôi, quay lại xe, đưa em về trường.”

“… Em mới đến đây lần đầu.”

“Muốn đi dạo sao?” Trong mắt Trần Tri Ngộ đong đầy nét cười chẳng mấy nghiêm túc, vô cùng thông thạo nói: “Cây cầu này dài năm cây số, đi bộ khá lâu đó.”

“Thầy Trần,” Tô Nam dừng một lúc: “Em cũng kể cho thầy nghe một câu chuyện.”

Trần Tri Ngộ nhìn cô.

“Có hai người quen biết nhau từ nhỏ, hục hặc cả nửa đời. Sau này, một người gặp khổ nạn, người còn lại nửa phần lợi dụng nửa là thật tâm ra tay giúp đỡ, vượt qua khó khăn. Hai người có những tháng ngày rất gần gũi, sống bên nhau trăng mật ngọt ngào, cùng tìm cách bỏ qua hết những mâu thuẫn ngày xưa, gầy dựng tổ ấm… Nhưng mà, nhưng mà người ra tay giúp đỡ kia, không ngừng gò bó can thiệp và kiểm soát, lại bực dọc cãi cọ như xưa, không thể nắm giữ được liền dứt áo ra đi.”

“Sau đó thế nào?”

“Sau đó…” Hai hàng mi của Tô Nam khẽ run rẩy: “Sau đó, người nọ chết đi… người còn lại đau đớn hoài niệm nhung nhớ, nhưng hiểu ra có đôi khi, rất nhiều chuyện, thà rằng cứ lướt qua nhau thì tốt hơn.”

Trần Tri Ngộ thấm thía ý nghĩa câu chuyện này.

“Thầy có từng nghe qua ‘Katyusha’ chưa ạ?”

(*Katyusha: Cachiusa được sáng tác năm 1938, thời kỳ mà Liên xô đang tích cực chuẩn bị đối mặt với một cuộc chiến tranh tới từ nước Đức của Hitle. Bài hát về một cô gái bên bờ sông Ugra đợi chờ người yêu –  người lính nơi biên thùy xa xôi.

Katyusha là lối gọi thân mật từ cái tên Katerina. Nguyên mẫu nhân vật chính trong bài hát là người con gái tên Katerina Alekseevna.

‘Katyusha’ được viết dành tặng tất cả những người phụ nữ chờ đợi người thân yêu của họ trở về.

Ca khúc này là biểu tượng của tình yêu, của sự thủy chung son sắt và lòng yêu nước thiết tha.)

“Thì ra câu chuyện này không phải kể về một ai đó?”

Ánh mắt Tô Nam chìm vào mặt sông tối đen mịt, trong mênh mông khôn cùng chỉ có gió lùa ánh sáng leo lét phát ra từ dăm chiếc thuyền chài nho nhỏ.

“… Em đi qua cầu Trường Giang Vũ Hán, tổng chiều dài hơn một ngàn sáu trăm mét do Liên bang Xô viết cũ viện trợ xây dựng. Trên lan can tay vịn thân cầu có chạm khắc hoa văn những đóa hướng dương. Không xa, chẳng mấy chốc đã đến điểm cuối… giống như tham quan một đoạn di tích xưa.

(*Người Liên Xô chọn hoa Hướng Dương làm Quốc hoa của liên bang mình. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, hoa Hướng Dương tưởng như kết thúc vinh dự làm Quốc hoa lại vẫn được giữ nguyên và hiện vẫn đang là quốc hoa của nước Nga thời hiện đại.

Ý của Tô Nam, khi nhìn hoa hướng dương trên cầu Trường Giang Vũ Hán, cô nghĩ đến Xô Viết xưa đã không còn, dù hướng dương vẫn là quốc hoa của nước Nga hiện tại.

Khi Tô Nam hỏi Trần Tri Ngộ, cô ấy hướng về sự chờ đợi trong suốt một thời kỳ của những người con gái chờ người yêu ra trận, rồi dẫn dắt tới những đóa hướng dương, tới Xô viết cũ, tới nước Nga hiện tại…)

Dừng một lúc, tựa hồ muốn nói từng câu từng chữ thật rõ rành: “Cái cảm giác này, giống như vĩnh viễn mắc kẹt trong quá khứ… Đi không tới tương lai.”

Trong khoảnh khắc, cô nhanh chóng nở nụ cười, ngẩng đầu nhìn Trần Tri Ngộ: “Chuyện này không hay, không có ý nghĩa sâu xa như câu chuyện của thầy, cũng không ngẫm được điều gì. Đi thôi ạ… nơi này lạnh quá!”

Đoạn ‘tham quan di tích xưa’ này nói đến thấu tận tâm can, khiến trái tim Trần Tri Ngộ không kìm được nảy lên.

Anh cúi đầu nhìn cô.

Có lẽ bản thân cô không phát hiện ra… trong đôi mắt cô, ngày mưa về giăng kín mông lung.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip