Man Dam Ve Tieu Thuyet Lich Su Viet Nam Man Dam Ve Thieu Bao Binh Nguyen 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Thiệu Bảo bình Nguyên (Hồng Thái) gồm 4 tập: Điệp vụ thám báo, Trước cơn giông tố, Sơn hà rực lửa và Khúc tráng ca mùa hạ.

Truyện dành cho mọi lứa tuổi.

*** *** ***

Công chúa An Tư – Phận hồng thời ly loạn

---

Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười
Vốn đà không mất lại thêm lời
Hai châu Ô Rí vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi
(Hoàng Cao Khải)

Nói đến công chúa thời Trần, cái tên đầu tiên nhiều người nghĩ tới có lẽ là Huyền Trân. Một cuộc hòa thân bắt đầu với sính lễ dày cộm và kết thúc bằng sự bội tín đã ghi tên nàng vào lịch sử mở cõi của dân tộc.

Riêng mình, mỗi lần nhắc đến công chúa thời Trần, lại nghĩ tới An Tư. Nếu gắng gượng ép mà gọi thì hôn nhân của nàng cũng là một cuộc hòa thân – một cuộc hòa thân đầy đau đớn và tủi hổ đã ghi tên nàng vào trang sử giữ nước oai hùng.

---

"Tháng 2 [Ất Dậu 1285]... sai người đưa Công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là muốn làm thư giãn loạn nước vậy." (Đại Việt Sử ký Toàn thư) Chỉ một câu đơn bạc trong chính sử đã kể hết cuộc đời của một nàng công chúa.

Ắt hẳn đã có nhiều người giở vội những trang sau để biết về kết cục của nàng. Nhưng tất cả chỉ là trống rỗng. "Trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7 năm 1285 vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng cho những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư." (GS. Phạm Đức Dương) Dẫu hụt hẫng xót xa thì hậu nhân cũng chỉ có thể thốt lên: "Dù sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm. Khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của người đời sau."

Lẽ nào họ đã quên thật? Quên đi chính bản thân mình mới là những trang nam nhi văn thao võ lược, nên lúc quốc biến lại đặt gánh nặng giang sơn lên vai một nàng công chúa liễu yếu đào tơ? Quên đi huyết thống thâm tình, nên đã nhẫn tâm ban thánh chỉ đẩy nàng vào tay quân cướp nước? Quên đi những kế sách quân cơ đã học được, nên không biết thay mận đổi đào? Quên đi trong đoàn quân địch còn có một người thân, nên lúc thắng thế chẳng cho người cứu nàng về? Quên cả những ngày gian khổ cần một tấm thân ngọc ngà để "thư giãn loạn nước", nên cuối cùng không có nổi một lời khen thưởng, cũng không màng tìm hiểu nàng sống chết thế nào nơi đất khách?

Vậy họ còn nhớ gì đó? Nhớ rằng việc tiến cống một nàng công chúa lá ngọc cành vàng đang độ xuân thì cho tên tướng giặc là một vết nhơ chẳng thể nào gột rửa, vắt ngang chiến tích huy hoàng của dòng họ Đông A? Nhớ rằng việc này cần phải quên đi để chiến thắng được khoác lên mình một vẻ đẹp hào nhoáng nhất?

Có lẽ nào? "Vô tình nhất thế đế vương gia"???

---

Một dòng chính sử "có như không" về An Tư là mảnh đất màu mỡ cho những hậu nhân yêu mến nàng chấp bút.

Có rất nhiều giả thiết. Có An Tư gián điệp chuyên nghiệp, dùng chính thân thể của mình để đổi lấy tin tức quân địch từ miệng Nguyên soái của chúng. Có An Tư anh dũng kiên cường, chấp nhận hiểm nguy vào trại giặc để ám sát kẻ cầm đầu quân cướp nước. Có An Tư phóng túng vô độ, say đắm tên tướng giặc vì sự hòa hợp đến tận cùng trong thú vui về thể xác, rồi quên mất mình là ai...

Những câu chuyện đó đều phù hợp với logic và tính cách nhân vật do tác giả đặt ra. Tiếc thay, mình luôn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó.

Mỗi lần được đọc một câu chuyện về An Tư là mỗi lần hy vọng. Rồi lại thất vọng. Cho đến khi đọc được An Tư của bác Hồng Thái.

*** *** ***

Bác Hồng Thái không cho An Tư bất kỳ một vai trò hay tính cách nào khác với chính sử. Nàng bình thường như bao nhiêu nàng công chúa khác. Câu chuyện bắt đầu bằng một giả thiết bình thường đến không thể bình thường hơn. Rồi một loạt sự kiện có thật trong chính sử được xâu chuỗi với nhau hết sức logic, từng bước từng bước đẩy cuộc đời An Tư vào tăm tối. Sau đó, câu chuyện kết thúc bằng một giả thiết nhen nhóm lên hy vọng trong lòng độc giả.

---

Ngày hậu cung của 2 vua dời lên vùng núi lánh giặc, An Tư bị bệnh, Hoàng hậu Bảo Thánh cùng nàng ở lại. Cuộc chiến lúc đầu chỉ là những trận đánh du kích nhỏ lẻ và những cuộc trốn chạy không hồi kết. Vài tên hoàng thân quốc thích trở giáo theo giặc.

Một ngày tại Thiên Trường, hai vua cùng với 15 vạn quân ta bị kẹp giữa 40 vạn quân địch. Lối thoát duy nhất là dong thuyền ra biển. Chúng ta cần 5 ngày để chuyển hết quân từ bờ lên thuyền lớn đã neo đậu ngoài khơi. Tất nhiên giặc không rảnh mà đợi. Sứ giả được cử sang trại Nguyên vờ hòa đàm nhằm kéo dài thời gian.

Bọn vương hầu phản quốc mách lẻo với Thoát Hoan rằng bên cạnh vua Trần có một nàng công chúa như hoa như ngọc. Và Thoát Hoan đã ra hạn định - chiều mai nếu An Tư không sang đến, quân Nguyên sẽ tấn công.

Lòng người rối bời. Có người nói Thượng hoàng và Quan gia cứ đưa Hoàng hậu, Công chúa cùng 6 vạn quân rút đi, không cần quan tâm lời tên giặc ấy. Có người nghĩ giao ra An Tư chính là cách tốt nhất lúc này, nhưng không dám nói. Không một ai dám khuyên Thánh Tông hoặc Nhân Tông hạ thánh chỉ tiến cống Công chúa cho tên cướp nước.

Trong lúc Thánh Tông còn chưa định thần, Nhân Tông đã chấp nhận gánh vào mình tội danh đưa cô ruột cho giặc, An Tư xuất hiện. Nàng tự nguyện ra đi.

Thì ra Đào Kiên, quan nội thị hầu cận Thánh Tông nhiều năm, sau khi nghe rõ yêu sách của Thoát Hoan đã lén lút đến báo cho An Tư: "Xã tắc nghiêng ngả lắm rồi, chiều mai Công chúa không sang trại Nguyên thì cơ đồ sẽ thêm phần sụt lún. Nếu Công chúa quyết đi, bề tôi xin theo hầu hạ người đến mãn kiếp."

Lễ vu quy hoàng gia không võng lọng trống kèn, không hồi môn sính lễ, kể cả cô dâu, nhà gái chỉ vỏn vẹn 2 người, gấp rút dong ruổi trên mình ngựa, chẳng khác gì một đám cưới chạy tang.

---

Thật lòng, nếu câu chuyện kết thúc bằng một chiếu chỉ đưa An Tư về trại Nguyên – bất kể của Thánh Tông hay Nhân Tông - thì cũng đủ hay rồi, đủ đau rồi.

Làm sao hai vua lại có thể bỏ 9 vạn quân như rắn mất đầu mặc cho giặc tàn sát? 9 vạn quân này không chỉ là những người dân vô tội trong thời bình, những người lính bất đắc dĩ trong thời chiến, mà còn là tương lai, là hy vọng của những ngày phản công sắp tới.

Hoàn cảnh đó, tình huống đó, lựa chọn...??? Không còn quyền lựa chọn nữa, dù là đấng cửu ngũ chí tôn cũng đành vậy mà thôi.

Nhưng sự xuất hiện của nhân vật Đào Kiên đẩy câu chuyện lên một đỉnh cao mới, biến nó thành một khúc ca bi tráng của sự hy sinh cao cả. Tình nghĩa giữa người với người dung hòa trọn vẹn vào tình nghĩa với non sông đất nước. Một câu chuyện mà nợ nước được đặt trước tình nhà, trước ích kỷ đớn hèn của cá nhân, trước phù phiếm hư vô của công hầu khanh tướng.

Đọc đến đây, đột nhiên mình không muốn biết về cuộc sống của An Tư sau khi đến trại Nguyên nữa. Tấm thân lá ngọc cành vàng vì non sông mà phải vùi trong nhơ nhớp đã đủ bi ai. Để An Tư chìm vào quên lãng với thân phận là một nàng công chúa Đại Việt, mà không phải bất kỳ thân phận nào khác liên quan đến quân cướp nước, chính là giữ lại cho nàng chút tôn nghiêm sau cùng.

---

Nhưng câu chuyện vẫn còn tiếp diễn.

"Binh đao trận mạc là việc của đàn ông, dù thắng hay bại ta cũng cam lòng, song cung tên gươm giáo không có mắt, dễ làm gãy đổ thân xác vô tội. Kỳ hoa đang kết trái, lẽ nào để lụy đến hình hài nhỏ nhoi? Đường sang Nguyên chắc còn nhiều cạm bẫy, mong ngài lấy cái tình hoàng tộc mà sai quân không chặn đánh một cỗ xe ngựa và chục tên lính hộ tống. Nếu ngài nghi kỵ thì có thể điều dăm chục quân đi theo giám sát. Được vậy, giữa ta với ngài dẫu thề không đội trời chung nhưng suốt đời ta luôn trọng ngài là người trượng nghĩa." – Thoát Hoan.

"Nhất xa thập tốt, di đắc hồi Nguyên, quá quan vô cản." – Trần Quốc Tuấn.

"Cảm tạ Vương huynh. Thiên nam địa bắc, vạn lý tiễn biệt." – An Tư.

Một bức mật hàm, một tờ công lệnh, một mẫu thư tay. Chính thức đặt dấu chấm hết cho tất cả.

Thân phận bẽ bàng lại thêm một hình hài vô tội. Đi cũng dở, ở không xong. Chỉ là, lúc biết sẽ thất trận, điều trước tiên hắn nghĩ đến lại là an nguy của nàng chứ không phải những lời nhiếc móc hay âm mưu thủ đoạn. Có phải chăng khi không quan tâm đến thân phận địa vị thì hai người cũng đã từng có những thời khắc hạnh phúc? Chỉ có nàng mới biết những ngày bên trại Nguyên hắn đối với nàng ra sao. Hẳn nàng phải có căn cứ để hy vọng?

Dẫu biết tương lai mịt mờ vô định, nhưng hơn 10 ngày cuối cùng trên đường rời quê hương nàng đã không đổi ý. Lúc này, mọi người, kể cả Thánh Tông, Nhân Tông hay Trần Quốc Tuấn, chỉ có thể tôn trọng quyết định của nàng, để mọi chuyện chìm vào quên lãng và thầm cầu mong nàng sẽ sống tốt nơi quê người.

*** *** ***

Cảm giác tìm gặp một điều mình mong đợi, mà trước đó không biết cụ thể nó là gì, thật sự rất tuyệt.

Khoảng trống lịch sử có thể được tình cảm của hậu nhân lấp đầy, nhưng khoảng trống trong lòng công chúa An Tư chỉ có thể được tình cảm của những người đương thời lấp đầy. Mấy lời vinh danh và vài câu ca tụng của hậu thế đâu thể sánh bằng thâm tình của những người bên cạnh. Mình chính là muốn cảm nhận được thâm tình đó thông qua một câu văn đơn độc, lạc lõng về nàng trong hàng ngàn trang sử của dân tộc, nhưng không được. Trong giả thiết mình tự đặt ra không có, trong câu chuyện về An Tư của nhiều tác giả khác cũng không có. Thật may mắn, cuối cùng được gặp trong Thiệu Bảo bình Nguyên.

*** *** ***

An Tư của bác Hồng Thái là minh chứng cho câu nói: "Có những con người mà số phận vô tình xô đẩy để trở thành một phần của lịch sử." (Phạm Trung Tuyến)

Đau lắm, xót lắm, nhưng cũng đành.

04/08/2018

Phần mạn đàm này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip