9| Về đến nhà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ngày hôm sau Trần An Tu tay không lái xe đi, bởi vì Chương Thời Niên rất nể tình, hôm đó ăn hai quả lê hấp, bốn quả còn lại đã được cất vào trong tủ lạnh. Với tình huống ấy, da mặt Trần An Tu dù có dày tới đâu cũng ngại nói, lê này không phải hấp cho ngài ăn, là lê hấp chuẩn bị cho con tôi. Kể ra thì chút đồ ấy cũng không phải không bỏ được.

Trước đó thông qua điện thoại, Trần An Tu đã nhanh chóng thấy mẹ y và Tấn Tấn chờ ở đầu đường, dưới chân đặt bao nhiêu là thứ mua cho ông bà cụ.

"Tráng Tráng, bên trong xe này rộng rãi hơn chiếc nhà chúng ta, nhìn thế này chắc là xe mới đi, ông chủ này của con đúng là tốt bụng thật." Tấn Tấn tự động bò lên ghế phó lái, mẹ Trần xách đồ ngồi ghế sau.

"Con người tốt thật, nhưng con cũng chỉ làm cho người ta hai tháng."

"Dù là một ngày cũng phải làm cho tốt, đừng để người ta bàn ra tán vào."

"Mẹ, con biết rồi." Lần nào nói đến công việc, mẹ cũng lải nhải một lần, nghe đến lỗ tai sắp đóng kén rồi.

"Được, được, tôi biết cậu lớn rồi, có chút cũng không nghe lời." Mẹ Trần cả đời là người hiếu thắng, tuổi còn trẻ nóng tính, hiện giờ lớn tuổi, tính tình đã trầm lắng đi bớt. Bọn nhỏ không thích nghe nhiều, bà cũng nói bớt đi.

"Mẹ, Vọng Vọng đâu?"

"Không cần để ý tới nó, nó bảo ngày mai tự về, dù sao nó cũng có xe.

Đi về phía Bắc đại lộ Tân Hải, thành phố phồn hoa từ từ bị họ để lại đằng sau, hai bên đường càng xuất hiện nhiều đồng ruộng làng xóm, còn cả những dãy núi cao thấp nhấp nhô, giờ là tháng 4, ven biển Lục Đảo, tiết trời ấm áp gió thổi nhè nhẹ, cây cối vừa bắt đầu nảy mầm, sắc xanh trong đồng còn chưa nhiều, đi qua con đường hầm không dài rẽ về bên phải là vào con đường núi. Đường men theo núi có xu thế kéo dài về phía trước, một bên hơi nghiêng theo sườn dốc thoai thoải mọc đầy cây cối, một bên khác là khe núi không sâu lắm, mùa hè nhiều nước mưa, bên dưới khe núi xanh um tươi tốt, dòng suối chảy xiết, giờ là mùa khô, suối nước cạn, vô số những con ngỗng khoe mình dưới ánh mặt trời, nhìn từ xa, một mảnh trắng phau. Đường vào núi chỉ có duy nhất con đường này, nghe ba Trần kể thì đã xuất hiện thì khi ba Trần còn bé rồi, tính như vậy, ít nhất nó cũng đã có 4,50 năm lịch sử, mấy năm nay lần lượt được sửa chữa, tình hình giao thông coi như cũng tốt, nhưng mặt đường không rộng, hai chiếc xe chạy song song cũng khó khăn. Xe vừa rẽ vào đường lên núi, mẹ Trần đắc nhắc Trần An Tu lái xe chậm một chút.

Đông Sơn được xem như là khu du ngoạn thắng cảnh khá nổi tiếng của thành phố Lục Đảo, trên núi có rất nhiều kiến trúc Đạo giáo và Phật giáo, nhưng những kiến trúc này đều tập trung phần lớn ở phía nam, Trần gia thôn nằm trong khe núi phía Bắc Đông Sơn, trong khe tự nhiên cảnh sắc rừng rậm không tồi, nhưng cách các điểm du ngoạn khác quá xa, cũng không có cửa hàng quán xá gì để mua sắm. Để tiết kiếm chi phí, công ty du lịch rất ít khi sắp xếp tới điểm này, cho nên khác với những nơi khác của phía Nam, quanh năm du khách rầm rộ liên tục thì phía Bắc ngoại trừ kỳ du lịch cao điểm nghỉ hè ra, rất ít khi nhìn thấy xe du lịch tới. Những thôn làng phương Bắc này cũng không giàu như phương Nam, nhưng hơn ở điểm yên tĩnh, cuộc sống cũng bình ổn yên ắng hơn nhiều.

Cuộc sống thôn làng mấy năm nay đã tốt hơn rất nhiều, có rất nhiều người đều xây nhà lầu ba bốn tầng, nhưng nhà Trần An Tu vẫn là nhà ngói đỏ ba gian như trước. Mấy năm trước, ba Trần cũng có ý muốn xây nhà tầng, nhưng lúc này Trần An Tu ở ngoài tham gia quân ngũ, Thiên Vũ lại không có dự định ở lại làng, ông sợ chỉ có hai miệng già ở nhà cũng vô nghĩa, chuyện cứ thế kéo dài mãi, căn nhà ngói ba gian hiện giờ xây lúc Trần An Tu hơn 10 tuổi, nhà cửa vẫn rất chắc chắn, có một mảnh sân to rộng thoáng, bọn nhỏ đều chưa kết hôn, cả nhà ở với nhau vẫn tốt lắm.

Đường và ngõ trong Trần gia thôn đều dùng phiến đá cỡ lớn lát thành, rộng rãi bằng phẳng, lái xe vào tuyệt đối không có vấn đề gì, nhà Trần An Tu ở đầu Tây thôn, đi từ đầu ngõ Nam vào là căn thứ hai, nhà thứ nhất sát đường cái chính là nhà của ông lão Giang Tân Bảo.

Lúc về đến nhà, ba Trần đã làm xong bữa trưa, đang đứng ở đầu ngõ vừa trò chuyện việc nhà với người ta, vừa chờ họ. Thấy xe Trần An Tu tới, ông tới đón ngay, sờ đầu xe, cười nói, "Xe này trông đẹp thật."

Trần An Tu xuống xe thì chào hỏi với các chú bác trong thôn, mở cửa xe ra nói với ba Trần, "Ba ba, ba có muốn lên xe ngồi thử không?"

Ba Trần thò đầu vào xem, xua tay nói, "Không lên đâu, ta vừa ra ruộng rau một chuyến, dép toàn đất là đất, xe người ta sạch sẽ như thế, đừng để ta giẫm bẩn."

Dù sao cũng không phải xe mình, ba ba không lên thì Trần An Tu cũng không ép.

"Ông nội." Tấn Tấn tự mở cửa xe nhảy xuống trước.

Có chuyện gì không quen thì nhìn gần 10 năm liền cũng có thể quen được rồi, năm đó Trần An Tu 18 tuổi có một đứa con, cả làng đều bàn tán xôn xao, nhưng giờ Tấn Tấn đã 9 tuổi, người trong làng đã tiếp nhận sự thực này từ lâu, các trưởng bối nhìn thấy, cũng đều khen bé tốt thật, rất ăn ý không đề cập tới mẹ đứa bé.

"Đã mấy ngày không gặp Tấn Tấn rồi, để ông nội ôm một cái, xem thử có béo lên không."

Ba Trần năm nay đã hơn 50, quanh năm làm việc, cơ thể và tinh thần đều rất tốt, đầu chưa bạc sợi tóc nào, ông cao tầm mét bảy lăm, tính ở hiện tại cũng không là gì, nhưng ở đồng lứa với ông thì cũng được coi là cao ráo, mày rậm mắt to, mặt mũi cơ thể cường tráng, tính cách cũng sang sảng, mặt mũi Trần An Tu không có nửa phần giống ông, nhưng tính tình thì giống rất nhiều.

Tấn Tấn thân với ông bà nội, ôm cổ ông cười nói, "Không béo, ông nội, bà nội mang cháu đi hiệu thuốc cân, còn giảm một cân nữa."

Ba Trần hiện giờ thương nhất thằng cháu này, tự ôm bé đi vào nhà, "Sao còn gầy đi chứ, ông nội làm nhiều món ngon, cháu ở nhà ăn nhiều bồi bổ vào." Lại quay đầu dặn Trần An Tu, "Tráng Tráng, con chạy xe ra bên ngoài cổng nhà chúng ta, trên đường cái xe người qua lại, đừng phá hỏng xe người ta thì hơn."

Cổng Trần gia hướng về phía Tây, trong nhà có ba gian nhà mặt hướng Bắc, ba gian nhà mặt hướng Tây, sân rộng, mặt sân lát gạch đỏ, tường phía Đông trồng hai cây táo, ba Trần thích chăm sóc hoa cỏ cho nên dưới góc tường, trên bệ cửa sổ nhà họ Trần, đặt không ít chậu hoa, Trần An Tu giúp mẹ dọn đồ từ trên xe xuống, thấy ba vẫn ôm Tấn Tấn chưa buông liền gọi, "Ba, ba thả Tấn Tấn xuống, đứa trẻ lớn như vậy rồi, không cần bế nữa."

"Mặc kệ ông ấy, giờ ông ấy chẳng thân ai bằng cháu, thích bế thì cứ bế đi, cũng không phải lão già 7,80 ôm không nổi." Mẹ Trần xách hộp đồ nhẹ nhàng đi theo Trần An Tu vào, tiện tay đóng luôn cổng lại.

Ba Trần chuẩn bị bữa trưa rất phong phú, màn thầu tự hấp, cháo hoa, cả một đĩa cá trích to oạch, hầm một con gà, xào hai bó rau, một bát tề thái (*) đã rửa sạch và non nửa bát tương đậu nành tự làm.

"Tấn Tấn, ăn nhiều cá một chút, đây là cá ông ra đập nước bắt đấy. Ăn cá thông minh, học giỏi." Ba Trần cẩn thận gỡ đầu cá và xương cá ra, đặt vào bát Tấn Tấn.

"Ba, ba không nghe người ta nói sao, cưng chiều trẻ con không tốt, ba ăn của ba đi, thức ăn nguội hết rồi." Ông cháu cũng không thể thân như vậy, Trần An Tu gắp một đũa rau cho con trai, "Tấn Tấn, tự ăn đi."

Ba Trần nói, "Lúc con còn nhỏ, ta gỡ cho con xương bao nhiêu năm, giờ có thấy con có chỗ nào không tốt đâu."

Trần An Tu đắc ý vênh váo, "Vậy chắc chắn con khác người rồi."

Khóe mắt Tấn Tấn liếc ba bé một cái, sau đó lẳng lặng gạt cơm nhanh hơn, có chút đáng thương của đứa trẻ không được ba thương.

"Tráng Tráng, cơm nước xong xuôi, con đi chỗ chú ba thăm bà nội trước, con đã hơn một tháng rồi chưa về. Bà nội con cũng nhớ con lắm."

"Vâng, đợi cơm nước xong con sẽ qua." Bà nội Trần ở với nhà chú ba, ngay sát ngõ bên cạnh, rất gần.

"Vội gì chứ, mai mọi người tới rồi lại cùng đi, không phải đều giống nhau sao? Hơn nữa mẹ đâu có nhớ Tráng Tráng, mẹ lúc nào cũng chỉ lẩm bẩm Thiên Tề khi nào tới." Bà cụ không thích Tráng Tráng cũng không phải chuyện hôm nay mới biết.

"Mẹ tuổi đã lớn vậy rồi, đã bao nhiêu năm qua, bà còn chấp nhặt chuyện này để làm gì?"

"Không phải tôi chấp nhặt, ông thích thì đi đi, Thiên Vũ và Thiên Tình đi, tôi cũng không nói gì, nhưng mẹ không thích Tráng Tráng, bảo Tráng Tráng đi làm gì?" Đối với chuyện năm đó, mẹ Trần vẫn canh cánh trong lòng.

"Dù sao đi nữa, Tráng Tráng vẫn là cháu của mẹ đúng không? Bà đừng thêm phiền ở giữa nữa."

"Mẹ, con đi thăm rồi về, cũng không ở lại lâu đâu, đừng cãi nhau nữa."

"Con muốn đi thì đi đi, đi sớm về sớm." Cuối cùng mẹ Trần cũng thỏa hiệp, bà cũng không phải nhất quyết không cho đi, nhưng nói nhớ Tráng Tráng, thật trái lương tâm.

Kiểu quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, từ xưa tới nay đã như vậy, ai kẹt ở giữa cũng bị rối rắm, từ lâu đã là chuyện khó phân tranh, mẹ Trần và bà nội Trần cũng tương tự, tính tình hai người đều kiên quyết, muốn thân thiết như mẹ con thật rất khó, lúc ban đầu ngại mặt mũi nên cũng tạm ổn, nhưng vào năm Trần An Tu 4 tuổi, quan hệ ấy đã tan vỡ.

Năm Trần An Tu 4 tuổi ấy, mẹ y mang song thai, lại phụ trách lớp tốt nghiệp ở trường, ba Trần làm nông rảnh rỗi liền theo đội xây dựng vào thành phố làm mấy công việc lắp đặt thiết bị phụ thêm vào chi phí trong nhà, Trần An Tu không ai trông, vợ chồng hai người đều bàn bạc mỗi tháng đưa thêm cho bà nội Trần hai mươi đồng để trông Trần An Tu hộ họ, bà nội Trần đồng ý, lúc đó bà còn trông cả anh họ cả Trần Thiên Tề của y. Nói đến anh họ cả liền không thể không nhắc tới bác cả Trần Kiến Minh của Trần An Tu, ông làm bí thư thành phố, bà nội Trần nở mày nở mặt nhất với đứa con này, sau đó là thằng cháu lớn Trần Thiên Tề của bà.

Khi đó, bác gái cả của Trần An Tu là nữ công nhân của xưởng kéo vải bông của thành phố Lục Đảo, là một người hay chấp nhặt, bác thường bảo bà nội trông cháu là chuyện hiển nhiên rồi nên không đưa một xu tiền nào cho bà nội, Trần Thiên Tề lớn hơn Trần An Tu 5 tuổi, đang học tiểu học trong thôn, người rất yếu ớt, ngày ngày hở cái là khóc là bệnh.

Khi đó Trần An Tu còn nhỏ, ba Trần mỗi lần từ thành phố trở về đều mang cho y một hòm đồ ăn, đều là sữa bột, sữa mạch nha, bánh quy sữa canxi, bánh men, bánh xốp, đào đóng hộp các kiểu. Ba Trần rất hiểu mẹ ông thiên vị bên anh cả nên lần nào cũng mua rất nhiều, bà cụ và Thiên Tề cũng có phần, chỉ là như thế, mấy thứ kia Trần An Tu cũng chẳng được nếm mấy, phần lớn đều rơi vào miệng Trần Thiên Tề. Vốn không biết cũng liền thôi, khổ nỗi có một lần bị mẹ Trần bắt gặp, Trần Thiên Tề vừa ăn vừa ném vung vẩy, Trần An Tu đói khóc kêu òa, không ai cho y ăn, y liền khóc nằm dưới đất nhặt thứ Trần Thiên Tề vứt đi. Bà nội Trần đứng bên nhìn rõ ràng nhưng không nói câu nào ngăn cản, lúc đó mẹ Trần không nói hai lời đã ôm Trần An Tu về nhà bà ngoại.

Chính vì việc đó, mẹ Trần có hai ba năm không bước vào cửa nhà mẹ chồng, ngày lễ ngày Tết, bà chuẩn bị đồ xong xuôi rồi bảo ba Trần đưa qua, còn bà thì không hề.

Bà nội Trần hiện giờ đang ở với đứa con thứ ba Trần Kiến Hạo, lúc Trần An Tu mang theo Tấn Tấn tới, chú ba của y không có nhà, thím ba Sài Thu Hà đang rửa cá và thịt ở chỗ vòi nước trong sân, đều là món chuẩn bị cho tiệc mừng thọ ngày mai.

"Bà ba."

"Tấn Tấn à, cuối tuần nghỉ hả?" Sài Thu Hà là một phụ nữ trung niên cao to hơi béo, hoàn toàn khác với bề ngoài to lớn của bà là tính cách nhu nhược, bà nội Trần có bốn người con dâu, chỉ có mình con dâu thứ ba dễ bắt nạt nên bà nhất mực đòi ở nhà thằng ba, nói không có ai chọc bà giận.

"Thím ba, làm sớm vậy ạ?"

"Giờ làm trước đi, mai dùng tới sẽ tiện hơn." Sài Thu Hà rửa tay, "Đến thăm bà cháu à, ở trong phòng đó, các cháu đi đi. Thím đi lấy coca cho mấy đứa uống."

Tình cảm khi còn bé không dựng được cơ sở, hiện ở trong lòng muốn gần gũi nhau cũng cách trở một tầng. Trần An Tu đã mua vòng ngọc tặng bà nội, bà thấy rất thích, lập tức đeo lên, ngắm qua ngắm lại, khen Trần An Tu hiếu thuận. Tóc bà chải gọn gàng, tinh thần cũng không tệ, nhưng người cũng già rồi, da nhiều nếp nhăn, người gầy gò đi nhiều, ăn có nhiều cũng chẳng được mấy lạng thịt. Trần An Tu ngồi với bà trong sân phơi nắng, hàn huyên mấy việc nhà, bà đã già rồi, nhưng vẫn thương Trần Thiên Tề nhất, nhớ hắn ngày mai có tới hay không. Trần An Tu nói chắc là có, trong bệnh viện cũng có ngày nghỉ, bà cũng có vẻ yên tâm, nói Thiên Tề giờ là bác sĩ rồi, bề bộn nhiều việc. Trần An Tu liền hùa theo, ở đây cùng bà được một tiếng, mẹ Trần gọi điện bảo muốn lên núi hái rau dại, Trần An Tu liền mang Tấn Tấn đi về.

Hết chương 9

(*) tề thái (có nơi gọi là tể thái, cỏ tâm giác): là một loại cây thuộc họ Cải, mọc trong tự nhiên hoặc được trồng làm thức ăn, dùng trong sản xuất mỹ phẩm, hoặc dùng với mục đích chữa bệnh. Loại cây này thường được dùng làm thức ăn ở Thượng Hải và quanh vùng Giang Nam, chiên xào với bánh gạo và các nguyên liệu khác, hoặc dùng làm hoành thánh.

Cây Tề Thái

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip