Thử Sống Khổ Hơn Hiện Tại?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Chúng ta sẽ thử nhắm mắt 30 giây và tưởng tượng: NẾU BÂY GIỜ BẠN SỐNG MỘT CUỘC SỐNG CỦA MỘT NGƯỜI KHỔ HƠN BẠN NHIỀU

Nếu bây giờ bạn là một sinh viên, bạn hãy tưởng tượng mình đang là rửa bát ở mấy quán hàng bạn hay lui tới. Nếu hiện giờ bạn là một người làm việc văn phòng, ngồi điều hòa mát lạnh. Bạn thử tưởng tượng bạn là một anh xe ôm, tầm tuổi bạn, đứng ở ngã tư đường, ngóng từng người qua lại, mời chào. Hoặc chen chúc, luồn lách ở các bến xe để tranh giành khách. Còn nếu bạn là nữ, bạn thử tưởng tượng mình là một chị hoa quả bán rong, hoặc gánh từng gánh bún đậu dọc phố phường Hà Nội.

Nếu bạn đang quá chán nản vì ra trường mà mãi không xin được việc, bạn hãy thử tưởng tượng mình đang đứng ngóng ở chợ người Hà Nội, và may mắn có một anh đi xe hơi qua gọi bạn vào xử lý bể phốt, mừng mừng tủi tủi. Nếu hiện giờ bạn đang ngồi online và thấy quá buồn chán vì Facebook không có gì mới, bạn thử tưởng tượng đêm nay mình sẽ đi bốc hàng ngoài bãi. Nếu giờ bạn đang ăn cơm hộp, hoặc ngoài quán ăn bình dân và bạn quá ngán ngẩm hay chạnh lòng khi thấy người khác đi ăn món gì ngon lắm. Thì tưởng tượng tầm trưa nắng này bạn là người đội nắng giao từng hộp cơm cho người ta, trong đó có hộp cơm bạn đang ăn.

Và cuối cùng, nếu bạn đang không muốn sống nữa vì cuộc đời quá chán, hãy tưởng tượng bạn mới phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối.

Thử tưởng tượng vậy, sẽ có rất nhiều trải nghiệm hay đấy!

Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện của tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ là công chức, đủ ăn đủ mặc, tôi từ bé tới lớn sống trong suôn sẻ. Và cũng giống như rất nhiều người, tôi đã từng rất nhiều lần nghĩ rằng mình KHỔ LẮM. Cuộc sống dễ dàng quá làm tôi như một kẻ bị cớm nắng, đúng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những việc khó, tôi chẳng biết làm gì. Hay nói cách khác tôi giống như nhiều cậu ấm, cô chiêu sống kiểu nhợt nhạt bây giờ vậy.

Đấy có lẽ là ngày xưa, dần dà cuộc đời cho vài cú đánh đau, bắt buộc tôi tỉnh ngộ ra mà sống cho thành hồn. Tôi có vô vàn điểm xấu, nhưng may có điểm tốt là luôn muốn hoàn thiện mình.

Dạo gần đây tôi có việc cần thử độ quyết tâm, tôi chuyển từ một anh dân văn phòng sang nhân viên giao hàng. Chắc các bạn chưa tưởng tượng ra, vậy hình dung mấy người chở hàng chạy đầy ngoài đường ấy, đấy chính là tôi. Mỗi ngày tôi chở một thùng hàng to uỵch, hàng đằng trước, hàng đằng sau. Đợt nắng cao điểm vừa rồi, cái đợt mà trên Facebook đầy những status than ôi nắng nóng ấy. Chính là đợt tôi vừa trải qua.

Và vô vàn trải nghiệm đáng quý tôi nhận được sau thời gian ngắn ngủi này. Kể vài chuyện gọi là chia sẻ.

NẾU BẠN TỰ HÀO VỚI CÔNG VIỆC BẠN ĐANG LÀM, KHÔNG AI THỂ COI THƯỜNG BẠN

Điều tôi phải đối mặt đầu tiên khi đi giao hàng, là sự ái ngại của bản thân. OK xong rồi, tôi xếp hàng vào thùng xong rồi, người tôi ướt đẫm mồ hôi rồi. Tôi bắt đầu mang cái thùng to uỵch ra đường, trước mặt tôi, đằng sau tôi là muôn vàn ánh mắt mà tôi tưởng tượng ra, như kiểu ai cũng đang nhìn tôi vậy. Tôi thấy xấu hổ khi làm công việc đó. Nhưng kỳ thực, chẳng có ma nào biết tôi là ai. Dừng đèn đỏ, tôi lại tưởng tượng chắc mình nổi bật nhất, nhưng không nổi bật như cách tôi thích. Kỳ thực, chả ai quan tâm tôi là ai.

Tôi lo sợ nếu tôi gặp người quen thì sao, bạn tôi gặp tôi thì sao? Hay người yêu cũ tôi thì sao? Hay thậm chí, nhân viên cũ của tôi gặp tôi thì sẽ thế nào?

Sau đó thì hết tưởng tượng, tôi bắt đầu xấu hổ thật, bắt đầu đối diện với những con mắt thật, tôi đã bắt đầu bị những con mắt coi thường thật. Số ít, mong đó chỉ là số ít trong tất cả, cách họ nói chuyện với tôi, cách họ nhìn tôi, à mà thực chất họ không thèm nhìn tôi, những người tôi đưa hàng ấy. Tôi thấy sự coi thường trong mắt họ. Cay đắng nhỉ. Tôi đi giao hàng, tôi có tội gì mà coi thường tôi?

Tất nhiên cái gì rồi cũng quen, tôi chỉ co rúm mình trong chốc lát. Tôi bắt đầu điều chỉnh, bắt đầu có phong thái đĩnh đạc, cách nói chuyện tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn, gặp mỗi người tôi đều cười trước một cái, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không hề thua kém họ, tôi đi giao hàng, một công việc lương thiện, tôi tự hào vì điều đó... dần dà, tôi ngang hàng với họ.

BẠN ĐANG COI THƯỜNG MỘT NGƯỜI, KỲ THỰC BẠN MỚI ĐÁNG BỊ COI THƯỜNG

Một chị dân văn phòng, đứng tuổi, làm việc tại một tòa nhà sang trọng bậc nhất Hà Nội, tòa nhà này thuộc một tập đoàn nhà nước, và tất nhiên chị ta cũng là người nhà nước. Cái cách mà chị ta nghe điện thoại của tôi, cách bước ra đi về phía tôi, cách mà chị ta hỏi tôi: "Hàng gì đấy?", tất cả đều tỏ ra coi thường. Hàng của chị ta hết 295 ngàn, chị ta đưa tôi tờ 500 ngàn, tôi trả lại 210 ngàn vì không tài nào kiếm ra tờ 5 ngàn trong ví. Chị ta bảo để chị ta đi đổi chỗ bảo vệ, mà lúc đó trời nắng lắm, đang tầm trưa. Lát sau chị ta quay lại và không đổi được, chị ta lại quay sang hỏi cũng một người ở tòa nhà này đang lấy hàng. Chị kia cũng không có. Lúc này chị ta rất bức bối vì không đổi được. Chị ta lại nói trống không: "Đợi tí qua cây rút tiền thử xem có 5 ngàn không". Ôi dời ơi lạy dời lạy đất tôi chưa gặp ai nghĩ cây rút tiền có 5 ngàn, và cũng chưa gặp ai có ý định rút 5 ngàn từ cây rút tiền.

Tôi gọi giật lại: "Thôi chị ơi, chị cầm cả đi ạ". Tôi quay đi luôn, còn mặt chị ta thì đơ ra, miệng ơ ơ, thế còn 5 ngàn của em. Chuyện thật mà như đùa.

Chuyện tôi đi giao hàng và khách không cần thối lại là chuyện bình thường, thậm chí có người thừa cả mười mấy hai chục ngàn. Còn có bạn sinh viên mua hàng giảm giá, xong thừa 6 ngàn bảo tôi: "Thôi anh cầm mà đi uống nước, trưa nắng như này". Tôi vui khôn tả luôn.

Một chị khác, làm ở một văn phòng gì đó đoạn Vincom Bà Triệu, ngoài có ghi là dự án giáo dục gì đó, cũng của nhà nước. Lúc đó cũng nắng lắm, bảo vệ không cho giao hàng đứng trước cửa, tôi đứng phía bên kia đường, nhìn dáng vẻ kiểu chưa bao giờ ra nắng của chị ta, không nhầm chị ta còn phẩy phẩy tay ra điều có thể người tôi bốc mùi, miệng thì giục nhanh nhanh lên kẻo nắng. Đưa thừa 5 ngàn, tôi vội vã rút ví, chị ta nói luôn: "Thôi thôi, khỏi phải trả, lắm hơi". Cái giọng điệu bố thí đó. Tôi chỉ muốn ném ngay đồng 5 ngàn vào mặt chị ta. Tôi cũng tủi thân lắm. Nhưng xin lỗi, tôi dùng X-Men For Boss mà, và nếu có mùi, có lẽ tôi nên bịt mũi vì cái thái độ của chị ta thì đúng hơn.

AI CŨNG CHỌN VIỆC NHẸ NHÀNG? QUẢ THẬT GIAN KHỔ DÀNH PHẦN AI ĐÂY?

Đi giao hàng như thế tôi thấm lắm câu này. Tôi bỏ khá nhiều thời gian trong lúc giao hàng ra để quan sát mọi thứ, tôi biết sau một vài tuần thử thách này, tôi sẽ có những góc nhìn khác nhau về cuộc sống này, giữa Hà Nội bon chen này, nên tôi cố quan sát thật nhiều. Một ngày tôi tiếp xúc với cả mấy chục người, và cũng cả mấy chục kiểu người. Tốt có xấu có, đủ thứ có.

Đi, tôi gặp nhiều người giống mình lắm, ý là những người làm những công việc chân tay, lao động phổ thông. Tôi rất hay quan sát những người giao hàng khác, trông họ khắc khổ, chắc trông tôi cũng thế, mồ hôi nhễ nhại, họ cũng lớn tuổi rồi, hàng của họ cũng cồng kềnh hơn tôi, xe họ không xịn bằng xe tôi. Tôi thương nhất là mấy người chở nước gạo, hay tên gì chính xác tôi không rõ, đại loại là những thứ người ta bỏ đi, mang về cho lợn ăn, có lần tôi chứng kiến một chị bị mấy ang hùng xa lộ quẹt phải, ngã đổ hết ra đường, hôi thối ai đi qua cũng che miệng. Lúc đó tôi muốn dừng lại xúm với chị ấy, nhưng rất tiếc đã không, ngày đó lâu rồi, tầm tôi học năm 2 năm 3 gì đó, chắc là tôi vẫn còn sĩ diện quá nên không dừng lại.

Nhiều lúc mệt, tôi chán muốn dừng quách lại, vào quán làm mấy chai nước lạnh, cho sướng. Nhìn mấy người này, tôi nghĩ: "Họ làm được, sao mình không làm được". Nên có hôm, cả buổi tôi chẳng uống một chai nước, mặc dù ngày thường, ngày tôi cũng làm vài chai.

Nhớ một hôm tầm 2h chiều, trời mưa to lắm, tôi không mang áo mưa, không nhầm là đoạn Hùng Vương, giao hàng cho một chị ở Đại Sứ Quán Thụy Điển, xong mưa quá tôi vào chỗ quán nước gần đó ngồi, không nhầm là phố Hàng Cháo. Tôi gọi một chai Sting, uống hả hê. Xong tôi đói bụng sang ngay hàng cơm bên cạnh, hàng này không có quán xá gì, bán ngay vỉa hè, tôi ăn suất 25 ngàn. Ngồi ăn, tình cờ tôi nhìn sang bác lao động ngồi ngay bên cạnh mình, ăn toàn cơm trắng với đậu phụ, tôi đoán suất đó 10 ngàn. Tôi ăn không hết một nửa chỗ đó, vì nhìn thấy suất 10 ngàn bên kia khó ăn quá. Xong, tôi thấy mình vẫn còn sướng lắm.

Khung cảnh lúc đó tôi không thể nào quên. Đối diện chỗ tôi ngồi bên kia đường có một bác trai làm việc vặt xây dựng, một cô bán hàng rong hoa quả ngồi trú mưa, thấy cô ấy dở gói gì ra ăn. Mưa tạnh, họ đi ngay. Tôi ngồi thẫn thờ một lúc rồi lại đi. Cái góc phố Hàng Cháo lúc đó nhìn thật sự là như trong truyện, tất nhiên là vì tôi tưởng tượng ra như thế. Ăn xong tôi quay sang trả tiền nước, họ lấy tôi 10 ngàn và chỉ kịp nói câu: "10 ngàn". Rồi quay sang chửi nhau, chửi tục lắm. Hai chị em.

CUỘC ĐỜI CHÍN NGƯỜI XẤU VẪN CÒN MỘT NGƯỜI TỐT, ĐỪNG LO!

Đi thế này, cũng gặp không ít những chuyện vui. Đa số những người tôi giao hàng là phụ nữ, dân văn phòng. Có một chị ở Thụy Khuê, nhìn phúc hậu lắm. Tôi nhớ chị đó bởi vì nhận hàng xong chị ấy nói mấy câu làm mát lòng mát dạ lắm: "Sao em không vào kia mà đứng đợi cho mát, đứng ngoài này nắng lắm. Mà đi giao hàng kiểu gì đấy? Khẩu trang thì không đeo, dây mũ thì không cài?". Kiểu như một người chị quan tâm đến em út vậy, ấm lòng lắm.

Ở một góc độ nào đó, tôi thích cái văn hóa chỉ đường của người Hà Nội, đa số những người tôi hỏi đường là xe ôm và người địa phương, và đa số họ đều chỉ đường với thái độ rất thân thiện và nhiệt tình. Cái thái độ đó rất hiếm gặp ở vùng khác.

Sau thời gian này, tôi nhận thấy một số điều, theo góc nhìn cá nhân của mình rằng:

Những người làm việc tư nhân, thân thiện và nhiệt tình hơn những người làm việc nhà nước.

Những kẻ không ra gì lại hay coi thường người khác. Ví như nhiều người nhìn qua dáng vẻ cũng không được lịch thiệp cho lắm, không nhiều chữ cho lắm, không có điều kiện cho lắm, nhưng trớ trêu thay, tôi nhận thấy phần lớn những người này lại có thái độ rất trịnh thượng, coi thường người khác. Còn một loại nữa mà tôi ghét, đấy là loại GIÀU sướng. Cái kiểu giàu dễ dàng, giàu không chính đáng, giàu bằng nguồn có sẵn ấy. Cái thái độ không thể ưa được.

TẤT CẢ MỌI CÔNG VIỆC ĐỀU ĐÁNG TÔN VINH

Tôi nhận ra là công việc nào, hễ là công việc chính đáng, lương thiện, thì đều đáng được tôn vinh. Tôi chưa bao giờ coi thường nghề nghiệp, xuất thân, hình thức của những người nghèo khổ, lao động. Những người chân chất thật thà tôi rất quí, nên dù họ có hơi kém cỏi một chút, chậm chạp một chút hay kém sáng sủa hơn những người khác, tôi đều trân trọng. Xã hội bây giờ thì ngược lại, cứ ai có vị trí hoặc tỏ ra có vị trí, kiểu chỉ cần nhìn sành đời, ăn nói biết biết một chút, thì sẽ được tôn sùng.

Bản thân tôi học được nhiều và rèn được nhiều qua câu chuyện này lắm. Tôi biết tiết kiệm hơn, tôi giỏi xoay xở hơn, nhanh nhẹn hơn, bớt lóng ngóng hơn, chịu đựng tốt hơn, bền bỉ hơn, nói chuyện điện thoại tốt hơn... Nhưng trên hết là tôi mừng vì tôi đã có thể giống những người lao động chân tay thực sự, tôi nghĩ tôi không thích mình là dân văn phòng nhợt nhạt cho lắm.

Sau thời gian ấy, sau lần thử đổi vị trí đó, tôi nhận ra cuộc sống "khó khăn" hiện tại của mình chẳng có gì khổ cả.

Bài viết từ đúng 05 năm trước, hôm nay Facebook nhắc, nên share lại. Viết sau "thử thách" làm nhân viên giao hàng 3 tuần, trước khi được nhận vào làm ở Giaohangnhanh.

Năm năm sau đọc lại thấy suy nghĩ đã đổi khác nhiều. Nhưng nhớ không nhầm đây là giai đoạn bắt đầu thay đổi từ "cậu nhân viên văn phòng nhợt nhạt" thành "một ông sương gió đen nhẻm" như giờ. Nên share lại để nhắc nhở bản thân!

Nguồn: Viết 100 từ - 100 Daily Words.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip